Lần đầu tiên Hoa Kỳ
đã bày tỏ một cách rõ ràng rằng đường chín đoạn do Trung Cộng và Đài loan vẽ ra
trên Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế. Trong buổi tường trình trước Uỷ
Ban Đối Ngoại của Quốc hội Hoa Kỳ, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái
Bình Dương Danny Russel đã nói: “Theo luật pháp quốc tế, các đòi hỏi chủ quyền ở
biển Biển Đông phải dựa trên các yếu tố từ đất liền.
Tất cả những tuyên bố
chủ quyền từ “đường chín đoạn” của Trung Cộng mà không dựa trên các quyền chủ
quyền trên đất liền đều trái với luật pháp quốc tế. Cộng đồng thế giới yều cầu Trung
Cộng phải giải thích, nếu không thì phải điều chỉnh những tuyên bố chủ quyền dựa
trên đường chín đoạn, để tuân thủ theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.”
Với diện tích rộng
hơn 1,4 triệu dặm vuông, Biển Đông có hàng trăm các đảo và quần đảo nhỏ, các rặng
san hô, mà phần lớn là không có người ở hay không đủ điều kiện sinh sống. Trung
Cộng thừa hưởng ý tưởng về đường chín đoạn từ chính quyền quốc dân đảng của Tưởng
Giới Thạch, đó là một đường vẽ mập mờ bao quanh tất cả các hòn đảo ở Biển Đông,
mà vùng nước trong đó Trung Cộng đòi hỏi chủ quyền. Dựa theo Công Ước của Liên
Hợp Quốc về Luật Biển (U.N. Convention on the Law of the Sea – UNCLOS), được
thương thảo vào những năm 70 và 80, các quốc gia ven biển được yêu sách quyền độc
quyền khai thác các nguồn tài nguyên ngư nghiệp và khoáng sản trong “vùng đặc
quyền kinh tế” (Exclusive Economic Zones – EEZ), đó là vùng nước rộng 200 hải
lý tính từ bờ biển hay xung quanh các hòn đảo có người ở. Không có điều luật
nào trong công ước UNCLOS cho phép đòi hỏi quyền chủ quyền mà không dựa vào
nguyên tắc tính từ đất liền này. Dựa trên nguyên tắc này của UNCLOS, Hoa Kỳ xem
các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà không dựa trên các hòn đảo có người sinh
sống là hoàn toàn vô giá trị. Tuyên bố của trợ lý ngoại trưởng Russel đã làm rõ
luận điểm này của Hoa Kỳ.
Có thể thấy rõ sự
quan tâm của Hoa Kỳ dưới chính quyền của Tổng thống Obama đến tình hình Biển
Đông. Chỉ dấu đầu tiên của sự quan tâm đó là tuyên bố được biết đến rộng rãi của
Ngoại trưởng Clinton tại một hội nghị quốc tế tại Hà nội vào năm 2010, trong đó
bà nêu ra các nguyên tắc trong chính sách của Hoa Kỳ ở Biển Đông: đó là tôn trọng
tự do hàng hải, giải quyết các bất đồng một cách hoà bình, tự do thương mại,
thương thuyết để tiến tới thành lập một Bộ Qui Tắc Ứng Xử (Code of Conduct –
COC) nhằm giải quyết các bất đồng, và vấn đề liên quan ở đây, là các đòi hỏi chủ
quyền vùng ở các vùng biển phải dựa trên các chủ quyền hợp pháp trên đất liền.
Tuyên bố của bà Clinton đã đụng chạm đến một chủ đề rất mập mờ mà trước đó ít
được nhắc đến, nó làm cho Biển Đông trở thành một điểm nóng về ngoại giao, một
chủ đề tranh luận giữa các nhà phân tích và các chuyên gia về an ninh quốc gia,
và trong một vài trường hợp, nó làm cơ sở cho các tranh cãi của các bên đang
tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi các nước Đông Nam Á như Việt
Nam . Philippines , Malaysia , và Brunei nhiệt liệt ủng hộ,
tuyên bố này làm Trung Cộng rất tức giận.
Ngoại trưởng Clinton
đã đưa ra tuyên bố này để phản hồi cho những bất an ngày một gia tăng giữa các
nước láng giềng của Trung Cộng về việc nước này đang ngày càng mạnh bạo hơn
trong các đòi hỏi chủ quyền thông qua các phương cách chính trị và quân sự,
trong một môi trường thiếu vắng các cơ chế ngoại giao để làm giảm thiểu các
căng thẳng. Trong khoảng giữa năm 1994 và 1995, đã có một giai đoạn căng thẳng
tương tự khi Trung Cộng tiến hành xây dựng các công trình ở rặng san hô
Mischief nằm trong quần đảo Trường Sa mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Những
đổ vỡ mang tính hệ quả trong mối quan hệ giữa Trung Cộng và các nước Đông Nam Á
đã làm cho các lãnh đạo Trung Cộng khi ấy, mà dẫn đầu là ngoại trưởng Tiền Kỳ
Tham, phải thương thảo với các nước ASIAN một bản Tuyên Bố Ứng Xử (Declaration
of Conduct – DOC), và một cam kết rằng các bên sẽ không có những hành động làm
thay đổi nguyên trạng. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ tấn công tàu cá
do một trong các bên, hoặc một trong những quốc gia liên quan, mà chủ yếu là Việt
Nam, cho phép các công ty thăm dò dầu khí trong vùng tranh chấp, những biến cố
này đã không châm ngòi cho các cảnh báo chiến tranh.
Tuy nhiên, trong nhiều
năm gần đây, đã có những lo ngại gia tăng trong vùng và ngay tại Hoa Kỳ là Trung
Cộng đã không còn thích thú với các giải pháp ngoại giao nữa, mà nay đang quay
sang sử dụng các phương cách quân sự và luật pháp để thúc đẩy các tuyên bố chủ
quyền ở Biển Đông. Các tuyên bố nhắm vào giới ngoại giao Hoa Kỳ là Trung Cộng
xem Biển Đông như một “quyền lợi cốt lõi” mà liên quan nó Trung Cộng sẽ không
chấp nhận sự can thiệp làm tăng căng thẳng từ bên ngoài. Trong năm 2012, Trung
Cộng đã xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi ngư trường truyền thống
của họ nằm xung quanh bãi cạn Scarborough , nằm cách các đảo lớn của
Philippenes ít hơn 125 dặm, rồi từ đó cho cảnh sát biển liên tục kiểm soát.
Cũng trong năm 2012, Trung Cộng thiết lập một đơn vị hành chánh và quân sự bao
gồm nhiều phần của quần đảo Hoàng sa. Ngay khi vừa thiết lập vùng nhận dạng
phòng không ở biển Hoa Đông vào cuối năm 2013, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung
Cộng tuyên bố ý định thành lập một vùng nhận dạng phòng không tương tự ở Biển
Đông, chắc chắn sẽ chồng lấn với ít nhất vài khu vực đã được thiết lập bởi các
nước khác.
Biển Đông là một vấn
đề phức tạp đối với Hoa kỳ. Chúng ta không có đòi hỏi nào trong vùng đó. Chúng
ta đã không, và sẽ không nên ngả theo phe nào trong các tuyên bố chủ quyền. Cho
dù bất kỳ nước nào thiết lập được khả năng phát huy sức mạnh từ các đảo ở Biển
Đông cũng sẽ khó lòng mà đe doạ được tàu bè và quân đội Hoa kỳ hoạt động trong
vùng. Mặc dù có những đánh giá về tiềm năng dầu hoả và khí đốt, khả năng khai
thác thương mại là không thể trong tương lai gần.
Tuy nhiên, Hoa kỳ có
các mối quan tâm trọng yếu ở biển Biển Đông. Đó là:
• Để bảo đảm tự do
hàng hải, không phải vì quyền lợi của bất cứ nước cụ thể nào, mà đó là một quyền
quốc tế quan trọng trong một khu vực mà 50% các tàu chở dầu phải đi qua, một hải
lộ lớn của kinh tế thế giới, và là nơi mà các tàu hải quân Hoa kỳ được gửi đến
và hoạt động thường xuyên theo luật pháp quốc tế.
• Để ngăn chặn việc sử dụng sức mạnh hay áp bức để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay hàng hải.
• Để bảo vệ cho việc tuân thủ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề như vậy.
• Để bảo đảm tất cả các quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, được quyền khai thác các nguồn lợi ngư nghiệp và khoáng sản bên ngoài các vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp.
• Để ngăn chặn một đồng minh của Hoa Kỳ là Phillippenes khỏi bị bắt nạt hay bị tấn công bằng sức mạnh.
• Để đảm bảo rằng quyền lợi của tất cả các quốc gia, chứ không phải chỉ có nước lớn, phải được tôn trọng.
Có những áp lực giữa
các yếu tố khác nhau trong quyền lợi của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không muốn thấy Trung Cộng
đạt được quyền kiểm soát trong khu vực thông qua việc áp bức. Nhưng cùng lúc,
Hoa Kỳ không muốn Biển Đông trở thành nơi đối đầu hay xung đột giữa Mỹ và Trung
Cộng. Sự thách thức các đòi hỏi của Trung Cộng, nếu không tuân theo các thông lệ
quốc tế và phù hợp với các nguyên tắc của Hoa Kỳ, có thể kích thích chủ nghĩa
dân tộc Trung hoa và sự hoài nghi nhắm vào chủ đích của Hoa Kỳ, và thậm chí
kích thích các hành xử hung bạo hơn của Trung Cộng trong vùng nhắm vào các bên
tranh chấp khác nếu như Hoa Kỳ không có những đáp trả hiệu quả. Mặt khác, một
Hoa kỳ thụ động sẽ làm lu mờ các quan tâm kể trên, và sẽ làm cho các bên tranh
chấp khác tin rằng Hoa Kỳ bỏ rơi họ và cả những nguyên tắc của mình, qua đó có
thể làm cho chính sách “xoay trục” của chính quyền Obama về Châu Á trở thành
trò hề, làm mất đi sự đón nhận của khu vực đối với sự hiện diện và ảnh hưởng của
Hoa Kỳ.
Qua việc công khai
không chấp nhận đường chín đoạn, trợ lý ngoại trưởng Russel và chính quyền
Obama đã vạch ra một sự giới hạn đúng chỗ. Họ đã làm rõ là những phản đối của
chúng ta dựa trên nguyên tắc, dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải chỉ để
nhắm vào Trung Cộng. Nếu cách tiếp cận của chúng ta với vấn đề Biển Đông vẫn tiếp
tục dựa trên nền tảng của nguyên tắc và luật pháp quốc tế, Hoa Kỳ có thể đạt được
những mục tiêu đề ra, bảo vệ quyền lợi của các bên tranh chấp mà không phải đối
đầu với Trung Cộng trong vấn đề chủ quyền.
Những việc gì khác
mà Hoa Kỳ nên làm? Rất nhiều thứ:
• Hoa Kỳ nên đảm bảo rằng cách tiếp cận của mình không bị xem là đơn phương. Đôi khi các quốc gia khác ngoài mặt thì im lặng nhưng bên trong vẫn ủng hộ. Chính quyền Hoa Kỳ nên làm rõ với các bên tranh chấp khác, cũng như các nước ASIAN khác như Singapore và Thái Lan, là chúng ta kỳ vọng ở họ một sự phản đối công khai đối với đường chín đoạn theo luật pháp quốc tế.
• Hoa Kỳ nên thảo luận với Đài Loan để làm rõ quan đểm của họ về đường chín đoạn, làm rõ rằng những đòi hỏi của họ phải dựa theo UNCLOS.
• Hoa Kỳ nên tiếp tục nỗ lực cho việc đàm phán để tạo ra một Bộ Qui Tắc Ứng Xử (COC) giữa Trung Cộng và các nước ASIAN, như chúng ta đã và đang làm từ lúc ngoại trưởng Clinton thông báo về mục tiêu đó ở Hà nội. Thực tế là, quyết định gần đây của Trung Cộng và các nước ASIAN trong việc bắt đầu các cuộc đối thoại về COC là một thắng lợi từ tuyên bố của ngoại trưởng Clinton .
• Hoa Kỳ nên khuyến
cáo Trung Cộng không thành lập bất cứ một vùng nhận dạng phòng không mới nào
trên Biển Đông. Mặc dù việc làm rõ quan điểm về vấn đề này một cách công khai
là cần thiết, các cuộc đối thoại ngoại giao kín dường như có tác dụng ảnh hưởng
hơn với Bắc Kinh.
• Hoa Kỳ nên thảo luận với tất cả các bên tranh chấp về những đồng thuận khả thi trong việc khai thác khoáng sản và ngư nghiệp mà không liên quan đến chủ quyền, bao gồm việc hợp tác đầu tư giữa các công ty.
• Thượng nghị viện
nên chuẩn thuận UNCLOS. Điều đó sẽ cho phép Hoa Kỳ có thêm tính chính danh khi
tham gia một cách chủ động và hiệu quả vào các quyết định về tương lai Biển
Đông. Tất cả các ngoại trưởng tiền nhiệm của Hoa Kỳ đều ủng hộ một quyết định
như vậy. Hải quân Hoa Kỳ cũng như các nguyên soái hải quân và tư lệnh Thái Bình
Dương, cũng như phần lớn các công ty Hoa Kỳ có liên quan, cũng đều ủng hộ. Thay
vì nói, chúng ta hãy bắt tay vào làm thôi.
Liêm Nguyên chuyển
ngữ
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.