Ở
Việt Nam
lâu nay, giới cầm quyền cũng như giới truyền thông hay nói đến những “thế lực
thù địch”. Không ai giải thích rõ, nhưng hầu như mọi người đều biết, với nhóm
từ ấy, người ta nhắm đến các quốc gia Tây phương, đặc biệt là Mỹ, trong cái gọi
là âm mưu “diễn biến hoà bình” nhằm làm thay đổi chế độ tại Việt Nam.
Tuy
nhiên, chỉ cần bình tĩnh và sáng suốt một tí, người ta sẽ thấy ngay là Mỹ không
có lý do gì để trở thành “thù địch” với Việt Nam. Cuộc chiến tranh giữa Mỹ và
Việt Nam
(miền Bắc) đã chấm dứt từ 40 năm trước. Cuộc chiến tranh lạnh, nguyên nhân làm
bùng nổ chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ, cũng đã chấm dứt cùng với sự sụp đổ
của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào đầu thập niên 1990. Với Mỹ,
một trong những nguyên tắc nền tảng của mọi chính sách đối ngoại là không có
bạn cũng như không có kẻ thù vĩnh viễn. Bạn hay thù tùy thuộc vào lợi ích quốc
gia, nghĩa là tuỳ thuộc vào hoàn cảnh. Hoàn cảnh hiện nay là Mỹ muốn làm bạn
với Việt Nam .
Có hai lý do chính: Một, Mỹ muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam để làm ăn; và hai, Mỹ cần Việt Nam để bảo vệ
Biển Đông, một trong những con đường hàng hải tấp nập và quan trọng nhất trên
thế giới.
Trong
quan hệ với Việt Nam ,
Mỹ hay nhấn mạnh đến yếu tố nhân quyền như một trong những điều kiện để hợp
tác. Điều đó khá dễ hiểu. Một, đó là một trong những nguyên tắc căn bản trong
các chính sách ngoại giao của Mỹ: để làm bạn, cả hai nước phải chia sẻ với nhau
một bảng giá trị chung. Cốt lõi của bảng giá trị ấy là tôn trọng quyền làm
người. Hai, riêng với Việt Nam, Mỹ lại càng cần nêu lên nguyên tắc ấy chủ yếu
để đáp ứng lại sự đòi hỏi của một bộ phận khá đông dân chúng Mỹ. Ở trên, tôi có
nói với Mỹ, không có kẻ thù vĩnh viễn. Đó là về phía chính phủ. Với dân chúng
thì khác. Những người từng tham gia vào chiến tranh Việt Nam cũng như thân nhân của những người đã từng
bị hy sinh tại Việt Nam
không dễ gì quên hẳn được quá khứ. Đó là chưa kể cộng đồng người Việt khá đông
đảo tại Mỹ. Tất cả đều yêu sách chính phủ Mỹ cần đặt ra những điều kiện nào đó
khi muốn đẩy mạnh quá trình hợp tác với Việt Nam. Tuy nhiên, nên lưu ý: nhân
quyền là điều kiện nhưng không phải là điều kiện tiên quyết. Trên thực tế, lâu
nay, chính phủ Mỹ vẫn hợp tác với khá nhiều chế độ độc tài nếu họ thấy sự hợp
tác ấy là cần thiết và có lợi.
Bởi
vậy, có thể nói với Việt Nam ,
Mỹ sẽ không đẩy yêu sách dân chủ hoá trong chừng mực mối quan hệ giữa hai nước
tốt đẹp đủ để bảo vệ những lợi ích chung. Cái gọi là âm mưu “diễn biến hoà
bình” của Mỹ, nếu có, chỉ có một ý nghĩa rất tương đối trong cái gọi là chủ
nghĩa thực tiễn (realism) của những nhà hoạch định chính sách tại Mỹ. Đó là
chưa kể, để bảo vệ các lợi ích của họ, điều Mỹ cần nhất ở Việt Nam là sự ổn
định về chính trị. Điều đó lại cũng dễ hiểu. Không ai có thể an tâm làm ăn buôn
bán cũng như bàn chuyện hợp tác chiến lược ở những nơi thường xuyên thay đổi
chính phủ cả. Ở điểm này, chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam rất gần
nhau: mọi người đều muốn ổn định dù cái giá để trả cho sự ổn định, về phía dân
chúng, là cái ách độc tài nặng trĩu trên lưng của họ.
Nếu
Mỹ không phải là lực lượng thù địch của Việt Nam thì là ai?
Câu
trả lời hầu như ai cũng rõ: Trung Cộng. Chỉ có thể là Trung Cộng. Chứ không có
bất cứ ai khác.
Nói
đến âm mưu xâm lấn của Trung Cộng, nhiều người nghĩ đến viễn cảnh Trung Cộng
tấn công trên đất liền. Tôi nghĩ viễn cảnh ấy sẽ không xảy ra. Trung Cộng không
phiêu lưu một cách dại dột như thế. Bởi chọn thế trận như vậy là phải đối diện
với cuộc chiến toàn dân của Việt Nam . Có chiếm cũng không giữ được
đất. Vả lại, Trung Cộng cũng không cần chiếm Việt Nam
khi họ có thể tác động dễ dàng lên guồng máy lãnh đạo Việt Nam để đạt được các mục tiêu kinh
tế và chính trị của họ.
Cuộc
xâm lấn của Trung Cộng chỉ diễn ra trên biển.
Nói
đến âm mưu xâm chiếm trên biển của Trung Cộng, phần lớn chỉ để ý đến các sự
kiện cụ thể như vụ cắt dây cáp ngầm của Việt Nam, việc đem giàn khoan HD-981
đến thềm lục địa Việt Nam, việc cải tạo bãi đá Gạc-Ma hay việc bắt bớ các ngư
dân Việt Nam đang đánh cá gần Hoàng Sa hay Trường Sa. Chỉ chú ý đến các sự kiện
ấy nên người Việt Nam
dễ thấy thỏa mãn khi một số khó khăn đã được giải quyết: dây cáp ngầm được nối,
giàn khoan được rút về nước hay những ngư dân bị bắt được thả. Có lẽ nghĩ như
thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho là Việt Nam đã “thắng lợi” trong cuộc
đương đầu với giàn khoan HD-981 hồi đầu năm ngoái. Thật ra, đó chỉ là những sự
kiện lặt vặt. Âm mưu thực sự của Trung Cộng lớn hơn nhiều: làm chủ hơn 90% diện
tích Biển Đông của Việt Nam .
Mà
Trung Cộng không hề giấu giếm điều đó. Bằng hành động cũng như bằng lời nói,
lúc nào họ cũng cho Biển Đông là “sân nhà” của họ, là “lợi ích cốt lõi” mà họ
không thể từ bỏ hay nhân nhượng. Có thể hình dung chiến lược xâm lấn Biển Đông
của Trung Cộng được bao gồm ba giai đoạn: một, tuyên bố con đường lưỡi bò (hoặc
con đường gồm chín khúc); hai, tuyên bố vùng nhận dạng hàng không trên trời
tương ứng với con đường lưỡi bò dưới biển; và ba, thực hiện việc kiểm soát ngặt
nghèo cả trên trời lẫn dưới biển để bất cứ một chiếc thuyền hay một chiếc máy
bay nào đi ngang qua con đường lưỡi bò ấy cũng đều phải xin phép Trung Cộng và
chịu sự kiểm tra của Trung Cộng. Xong giai đoạn thứ ba, cuộc xâm lấn của Trung
Cộng coi như kết thúc.
Khi
cuộc xâm lấn ấy kết thúc, nước nào bị thiệt hại nhiều nhất? Câu trả lời rất đơn
giản: Việt Nam .
Brunei
nhiều lần tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa nhưng họ chưa bao giờ thực sự làm chủ
bất cứ hòn đảo hay bãi đá nào. Chỉ thực sự làm chủ một số đảo hay bãi đá ở
Trường Sa và Hoàng Sa là Philippines ,
Đài Loan , Malaysia
và Việt Nam .
Trong số các quốc gia ấy, nước làm chủ nhiều nhất là Việt Nam . Do đó, nếu
Biển Đông mất, Việt Nam
cũng sẽ là nước bị mất mát nhiều nhất. Hơn nữa, ngoài đảo, còn có vùng biển.
Nếu con đường lưỡi bò của Trung Cộng được xác lập chính thức, Việt Nam sẽ
mất khoảng 90% chủ quyền trên Biển Đông.
Mất
90% cũng có nghĩa là mất trắng Biển Đông.
Tất
cả những sự phân tích đều không có gì mới mẻ. Hầu như ai cũng biết trừ… chính
quyền Việt Nam .
Tại
sao cần phải nêu đích danh kẻ thù?
Cuối
bài “Ai là kẻ thù của Việt Nam ?”,
tôi có viết: Hầu như ai cũng biết cách trả lời cho câu hỏi ấy trừ…chính quyền
Việt Nam .
Viết
thế, thú thực, tôi cũng thấy có cái gì như nghịch lý. Ông Tổng Bí thư có thể lú
lẩn nhưng chả lẽ cả 15 người còn lại trong Bộ Chính trị cũng đều bị mù mắt? Rồi
còn gần 200 người trong Ban Chấp hành Trung ương nữa, chả lẽ không có ai nhìn
ra sự thật? Nhưng nếu đã thấy sự thật, tại sao người ta vẫn tiếp tục hô những
khẩu hiệu lãng nhách như “4 tốt” và “16 chữ vàng” từ năm này sang năm khác? Tại
sao người ta vẫn xem Trung Cộng như một đối tác khả tín? Tại sao người ta vẫn
buông thả để người Trung Cộng đến, ở và làm việc ở những địa điểm được xem là
trọng yếu của quốc gia? Tại sao người ta vẫn im lặng trước những hành động xâm
lấn ngang ngược của Trung Cộng ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng như trên Biển Đông
nói chung?
Quan
sát hành động cũng như nghe các lời phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam ,
người ta không thể không nghĩ là họ không hề nhận ra dã tâm của Trung Cộng.
Điều đó quả rất đáng ngạc nhiên. Tôi không thể nghĩ ra một lời giải thích nào
thật thoả đáng. Họ mê muội đến vậy sao? Hay họ bị mua chuộc? Hay, một cách lạc
quan và tích cực hơn, có thể nêu giả thuyết: Họ biết rõ nhưng phải giả vờ không
biết vì một toan tính chiến lược nào đó, ví dụ, với hy vọng Trung Cộng sẽ “thức
tỉnh” hay các biện pháp thương thảo qua con đường ngoại giao sẽ có kết quả tốt
đẹp để Việt Nam vẫn giữ được chủ quyền trên Biển Đông mà không phải đối đầu về
quân sự? Tuy nhiên, hy vọng này chỉ là một ảo tưởng: Trung Cộng vẫn khẳng định
đi khẳng định lại việc làm bá chủ trên Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” mà họ sẽ
không bao giờ nhân nhượng.
Vậy
nguyên nhân thực sự là sao? Việt Nam chỉ muốn kết hợp “hợp tác và
đấu tranh” như lời Nguyễn Tấn Dũng nói? Nhưng “đấu tranh” trong cái thế vẫn duy
trì hợp tác là đấu tranh như thế nào? Đâu là giới hạn của việc hợp tác? Cho đến
nay, không có ai trong giới lãnh đạo trả lời câu hỏi ấy cả. Về phương diện
tuyên truyền, người ta vẫn cố tô hồng viễn ảnh hợp tác qua các châm ngôn “4
tốt” và “16 chữ vàng” và làm ngơ trước các hành động xâm lấn của Trung Cộng.
Người ta cố làm ra vẻ quan hệ giữa Việt Nam và Trung Cộng vẫn tốt đẹp và sẽ
tốt đẹp mãi.
Nhưng
đó chỉ là một sự lừa dối hoặc tự lừa dối. Cần phải nói rõ: Trong tình hình hiện
nay, Trung Cộng là một kẻ thù, hoặc nhẹ nhàng hơn, một đối thủ.
Việc
công bố ấy có thể làm cho quan hệ giữa hai nước trở thành căng thẳng hơn. Nhưng
để né tránh sự căng thẳng ấy bằng cách im lặng hoặc tự lừa dối, các nguy hiểm
sẽ lớn hơn.
Nguy
hiểm đầu tiên là nó làm dân chúng và cán bộ các cấp mất cảnh giác trước các thủ
đoạn xâm lấn của Trung Cộng. Điều này đã từng xảy ra nhiều lần rồi. Một số vụ
từng làm ồn ào dư luận như việc để mặc cho Trung Cộng tha hồ tuyên truyền trên
trang mạng của Bộ Thương mại Việt Nam, việc để cho nhiều người Trung Cộng vào
làm ăn ở những khu vực được xem là bí mật quốc phòng quanh cảng Cam Ranh hay
việc cho Trung Cộng thuê dài hạn đất rừng đầu nguồn, ở những vị trí có ý nghĩa
chiến lược cao. Đó là những sự kiện được báo chí phanh phui. Không ai có thể
biết hết những gì Trung Cộng đã và đang làm ở Việt Nam .
Một
nguy hiểm khác là, qua việc im lặng ấy, Việt Nam gửi một tín hiệu sai đến các
quốc gia khác trên thế giới. Điều hầu như ai cũng đã rõ: Việt Nam không thể tự mình đối đầu với Trung Cộng.
Thế Việt Nam
quá yếu. Mọi toan tính tự vệ của Việt Nam chỉ trở thành khả thi chỉ với
một điều kiện: sự giúp đỡ từ bên ngoài. Nhưng không ai có thể giúp đỡ Việt Nam khi họ không biết Việt Nam nghĩ gì và
muốn làm gì. Không có sự hiểu biết ấy không thể có sự liên minh mật thiết được.
Nhưng
nguy hiểm nhất là điều này: sự im lặng ấy làm cho chính quyền trở thành mục
tiêu phê phán và chống đối của dân chúng. Lâu nay, dưới mắt nhiều người, giới
lãnh đạo bị xem là những kẻ hoặc quá nhu nhược hoặc bị Trung Cộng mua chuộc để
nhường nhịn hết yêu sách này đến yêu sách khác của Trung Cộng. Rất nhiều người
thậm chí còn cho giới lãnh đạo là những kẻ bán nước, hoặc ít nhất, bán Hoàng Sa
và Trường Sa cũng như Biển Đông nói chung cho Trung Cộng. Không mấy ai còn tin
vào quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh
hải của chính quyền.
Mất đi sự tin tưởng ấy cũng đồng nghĩa với việc mấy đi sức
mạnh chính đáng của sự lãnh đạo.
Tiếp
tục im lặng và bất chấp ba nguy cơ trên, chính quyền Việt Nam đang tự cô
lập mình, tự cách ly mình với dân chúng và với cộng đồng quốc tế. Đó là một
quyết định dại dột.
Tiến
sĩ Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.