Bước
sang tháng Tư, không khí của những ngày định mệnh lịch sử bắt đầu rộ khắp các
tuyến đường, con phố, bờ sông. Năm nay đặc biệt hơn vì đây là cột mốc lần thứ
40. Bởi lẽ, những cột mốc ý nghĩa luôn nhắc người ta nhìn lại quảng đường chúng
ta đã đi suốt mấy chục năm ròng.
Sài
Gòn những năm 1975, vốn mệnh danh là “hòn ngọc Viễn đông”, từng là giấc mơ của
Lý Quang Diệu những ngày đầu thành lập Singapore. Bốn mươi năm sau, các khẩu
hiệu treo đầy đường phố nêu cao thông điệp về một Sài Gòn đầy thành tích. Kẻ đứng
trên những con số tăng trưởng kinh tế “đầy tranh cãi” sau 40 năm cười “ngặt
nghẽo”. Tôi chưa bao giờ phủ nhận một Sài Gòn mở rộng sau 40 năm - nay trở
thành trung tâm kinh tế của cả nước, thu hút đầu tư mạnh từ trong và ngoài nước
với chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hay các dự án viện trợ chính thức
(ODA) khiến nhiều nước khác phải ganh tỵ. Tốc độ phát triển chóng mặt của những
con số phát triển GDP Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung luôn khiến giới quan
sát, ngay như các vị lãnh đạo cấp bộ trưởng, cũng phải giật mình. Nhưng xin
thưa! nếu “gói ghém” thành tích của Sài Gòn, có lẽ cũng chỉ dừng ở chữ “tiềm
năng”. Trong khi hàng tá vấn đề cho đến nay, Sài Gòn vẫn loay hoay, bế tắc, và
sẽ còn tiếp tục loay hoay, bế tắc, nếu chính quyền vẫn cứ hoạt động một cách
luộm thuộm như nhiều năm qua họ vẫn làm.
Trước
hết hãy bàn về kết cấu hạ tầng, đô thị - điều khiến mấy chục triệu dân cứ mãi
phàn nàn, rồi lại phàn nàn một cách vô vọng. Bốn mươi năm các vị mở rộng Sài
Gòn cả về chiều rộng địa lý lẫn về chiều sâu kinh tế - xã hội. Các áp lực dân
số, chênh lệch giàu nghèo, môi trường, tệ nạn xã hội, sức ép hạ tầng cơ sở, văn
hóa đô thị… là không thể tránh khỏi. Để rồi người dân Sài Gòn – vốn đã “già
trước khi giàu” – nay phải quẩn quanh bên một “thành phố ao làng” với hàng loạt
các hệ lụy nhức nhối: ngập nước ngày càng nặng; ô nhiễm (khói, bụi, tiếng ồn,
nguồn nước) ngày càng trầm trọng hơn; văn hóa tiểu nông, lúa nước lũ lượt kéo
nhau vào Sài Gòn, trong khi cái mà các vị lãnh đạo gọi là “văn minh thành phố”
lại chính là việc bê-tông hóa các tuyến đường vốn được cây xanh bao phủ, là hầm
vượt sông tốn kém nghìn tỷ đồng vốn có thể được thay thế bằng nhiều cây cầu
khang trang hơn, là các đề xuất dự án “ăn trước - chặn sau” theo kiểu nhóm lợi
ích, ví như học sinh tiểu học phải trang bị máy tính bảng khi đến trường. Để
rồi bọn trẻ, dù nhiều gia đình khó khăn cũng phải vét tiền của lo cho con “sang
nước ngoài tỵ nạn giáo dục”. Nhà ổ chuột cho dân ở, trong khi nhà cao ốc thì
chỉ biết để chuột “định cư” do hệ quả bong bóng bất động sản vỡ…
Mỗi
thế hệ lãnh đạo Mỹ, EU, Nhật Bản hay Singapore đều để lại dấu ấn bằng
những công trình tầm cỡ phục vụ lợi ích của dân. Tổng thống Mỹ Barack Obama với
hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân (dù bị phe nhà giàu tranh cãi), Thủ tướng Nhật
Bản Shinzo Abe với cải cách kinh tế Abenomics vực dậy Nhật Bản, đặc biệt sau
thảm họa kép 2011. Hay như Lý Quang Diệu với gần 50 năm xây dựng một đảo quốc
Singapore bị Malaysia “bỏ rơi” trở thành con rồng châu Á. Trong khi Sài Gòn nói
riêng và Việt Nam nói chung, các vị nhận không biết bao nhiêu vốn ODA đổ vào
đầu tư hạ tầng, ưu tiên phát triển cơ sở vật chất phục vụ đời sống hiện đại
hóa, để rồi số công trình hạ tầng phục vụ lợi ích cho dân đạt chuẩn quốc tế chỉ
nằm trên đầu ngón tay bởi sự đục khoét bằng đủ các kiểu tham nhũng: lót tay,
hối lộ, bôi trơn, lại quả. Các nhóm lợi ích thì xem vốn ODA vẫn là thứ tiền
phải “giải ngân cho kịp” để “ăn”, trong khi dân phải mang tiếng “xin”, chấp
nhận những “cảnh cáo” từ phía đối tác mà mới nhất là Nhật Bản, rằng “còn tham
nhũng sẽ cắt tiền ODA”.
Thứ
hai, không khỏi xót xa khi nhìn vào các ngành công nghiệp mũi nhọn và các ngành
công nghiệp ưu tiên. Trong tầm nhìn chiến lược phát triển công nghiệp từ nay
đến năm 2020, Sài Gòn đã xác định ba ngành mũi nhọn của công nghiệp bao gồm: i)
Cơ khí chế tạo (ô tô, đóng tàu, thiết bị toàn bộ, máy công nghiệp, cơ điện tử);
ii) Thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; iii) Sản phẩm từ công
nghệ mới (năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp phần mềm, nội dung
số).
Phải
khẳng định đây đúng là “ba mũi nhọn” quan trọng, không chỉ Việt Nam, mà nhiều
quốc gia khác như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản cũng từng trải qua. Nhưng sau 40 năm
giải phóng thì nay là lúc ai cũng hốt hoảng khi chúng ta chỉ còn 5 năm để đạt
ba mục tiêu mũi nhọn trên. Nhưng xin thưa, 5 năm là một con số “viển vông và
không tưởng” khi hiện tại Sài Gòn đang đứng sau vạch số 0. Nghĩ làm gì đến công
nghệ cao siêu khi ngay cả con ốc vít, hay các phụ kiện nhỏ nhất phục vụ ngành
công nghiệp lắp ráp, cho đến nay gần như Việt Nam đều phải nhập khẩu. Khái niệm
“công nghiệp phụ trợ” – ngành công nghiệp cơ bản của mọi ngành công nghiệp đã
được đưa ra thảo luận và đầu tư – ra đời từ hơn chục năm trước ở Việt Nam,
nhưng các vị lãnh đạo vẫn để nó dậm chân tại chỗ, mệt mỏi, thoi thóp và rồi
chết đứng, nhường chỗ cho hàng hóa tiểu ngạch, chính ngạch của Bắc Kinh.
Xin
phép được hỏi các vị “bao nhiêu doanh nghiệp phụ trợ mới có thể làm ra một
chiếc xe hơi?” Xin thưa! Trên dưới 200 doanh nghiệp con “trợ sức” từng chi tiết
máy mới có một chiếc ô tô mà các vị lãnh đạo ngồi mỗi ngày đến công sở. Cho nên
có vị nào dám cam đoan sau 5 năm nữa, khi rào cản thuế quan phải hạ xuống dưới
bước chân của gã khổng lồ WTO hay các thể chế mậu dịch tự do tương tự, một
chiếc ô tô “lắp ráp in Vietnam” có thể sống trước ô tô ngoại nhập? Báo chí mấy
hôm nay đưa tin “ô tô Việt Nam
vẫn loay hoay lắp ráp để… chờ chết”, chứ Sài Gòn đừng bàn đến công nghiệp công
nghệ cao – chỉ tổ khiến dân chờ, đợi, mỏi mòn và thất vọng.
Trong
khi đó, bảy ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển của Sài Gòn là: dệt may,
da dày, nhựa, chế biến nông lâm thuỷ sản, khai thác chế biến nhôm, thép, hoá
chất cũng đã và đang hấp hối. Xưa nay, không ít các vị lãnh đạo vẫn cứ sống
trong mớ bong bóng “rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu”, cho rằng Sài Gòn có nhân
công giá rẻ, gần các khu tài nguyên. Để rồi khi công nghệ cao ngoại nhập khỏa
lấp đi sức lực của đôi bàn tay không chỏng chơ, chai sượn của những người dân
nghèo khốn khổ, thì các doanh nghiệp nội địa bắt đầu xếp hàng phá sản, đá bể
toàn bộ chén cơm của hàng trăm nghìn người thất nghiệp. Hãy nhìn các doanh
nghiệp nội địa ngành dệt may, mía đường, sữa,… liên tục “than trời trách đất”
trong những năm qua trước áp lực của các doanh nghiệp ngoại đến từ Lào,
Campuchia sẽ thấy chúng ta đang yếu đến cỡ nào.
Cuối
cùng, xin hãy thẳng thắn nói về môi trường đầu tư. Chỉ chưa đầy một tháng, Việt
Nam
nhận liên tiếp ba sự kiện “choáng váng”. Một là, Nhật Bản tuyên bố “cắt viện
trợ ODA nếu có thêm bất kỳ một dự án tham nhũng nào tại Việt Nam . Hai là,
tập đoàn POSCO (Hàn Quốc) bị điều tra tham nhũng, hối lộ nhà thầu Việt Nam trong các
dự án cao tốc giai đoạn 2009-2012. Ba là, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tuyên
bố cấm hoạt động trong vòng một năm đối với Tập đoàn Louis Berger Group (LBG, Mỹ)
vì dính líu đến các hành vi hối lộ trong hai dự án do Ngân hàng Thế giới tài
trợ tại Việt Nam. Công ty mẹ của LBG cũng bị hạn chế quyền đấu thầu đối với các
dự án của Ngân hàng Thế giới vì không quản lý được các hoạt động “chung chi,
hối lộ quan chức” mà LBG đã thực hiện trong hai dự án: Giao thông Nông thôn 3,
và Đầu tư Ưu tiên Cơ sợ Hạ tầng Đà Nẵng do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tất
nhiên, không ai điểm mặt chỉ tên Sài Gòn, nhưng những vấn nạn tương tự: thủ tục
kinh doanh, đầu tư rườm rà, phức tạp mở đường cho các nghi thức “lót tay”, hay
“lại quả”. Đó là chưa kể đến các vụ bê bối về tham nhũng, lừa đảo trong hệ
thống ngân hàng; hối lộ trong hệ thống cảnh sát giao thông… Tất cả làm giảm
đáng kể tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Sài Gòn.
Một
Sài Gòn mà hàng triệu dân mơ ước bất kể phải nếm mật nằm gai trong suốt 40 năm
qua phải theo đuổi tám mục tiêu: i) Hệ thống cung cấp nước và vệ sinh môi
trường (Water supply and sanitation); ii) Giao thông vận tải (Traffic and
transport); iii) Năng lượng (Energy); iv) Chức năng đô thị (Urban functions);
v) Kiến trúc (Architecture); vi) Quản lý chất thải (Waste Management); vii) Quy
hoạch cảnh quan (Landscape Planning); viii) Hợp tác giữa khối nhà nước và khối
tư nhân (Public and private stakeholders).
Nhưng
rồi trước mắt họ, con đường từ nhà đến nơi làm việc đang đối diện quá nhiều rủi
ro từ hệ lụy tích tụ suốt 40 năm: Đó là một con đường đầy khói bụi, lô cốt dựng
khắp nơi, dây điện chằng chịt, nước ngập úng với lượng rác thải khổng lồ. Thỉnh
thoảng lại gặp vài ba anh cảnh sát giao thông “nghiêm khắc” rất thích bắt lỗi
đèn xi-nhan, lấn tuyến dù con đường nhỏ hẹp và biển báo đánh đố người dân –
những kẻ ngoài việc đóng thuế nuôi quan chức phải tự nguyện trả thêm ít tiền
“lót tay” nếu không muốn bị “vạch ví” giữa đường. Và cũng trên con đường ấy,
những chiếc xe hơi sang trọng, vẫn âm thầm và lạnh lùng lướt qua những mảnh đời
cơ cực phải lam lũ đội nắng trên đầu, lội mưa tới bụng và trong hai hốc mắt sâu
hoắm vẫn mong chờ bữa ăn chiều có đủ cháo, rau.
Vậy
đấy, chẳng biết sau những ngày tiệc tùng mừng 40 năm chiến thắng, có vị quan
chức nào giật mình thốt lên “đã 40 năm rồi cơ đấy” khi thấy tại quảng trường
độc lập vẫn còn không ít kẻ lang thang nhặt lấy từng chiếc lọ, cái lon để bán
kiếm tiền mà quên mất “ngày độc lập phải vui lên”.
Cao
Huy Huân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.