Friday, April 10, 2015

Người Việt ít tình cảm?

image
Người Việt thường nói, thậm chí, thường tự hào, là dân tộc ta có nhiều tình cảm, thường xem tình cảm như một yếu tố nổi bật, nếu không muốn nói là nổi bật nhất và cũng đẹp nhất của văn hóa Việt Nam. Người ta so sánh: trong khi văn hóa Tây phương chủ yếu có tính duy lý, văn hóa Việt Nam chủ yếu có tính duy tình; trong khi người Tây phương thường sống với những tính toán, cân nhắc, so đo về các lợi hại vật chất có khi một cách khá ích kỷ theo tinh thần cá nhân chủ nghĩa, người Việt, ngược lại, lúc nào cũng xem quan hệ giữa người với người, đặc biệt trong phạm vi gia đình và bạn bè, là tối thượng, có thể vì nó mà người ta sẵn sàng hy sinh và chấp nhận mọi thiệt thòi.

Tôi rất muốn tin như thế. Và vì muốn tin như thế nên có lần, trong giờ thảo luận về đề tài gia đình trong một lớp học về văn hóa Việt Nam do tôi phụ trách, tôi sững sờ khi nghe một nữ sinh viên người Úc nhận xét: Người Việt Nam, ngay trong đời sống gia đình, có vẻ như rất ít tình cảm.

Xin nói ngay là cô sinh viên Úc tuyệt đối không phải là người kỳ thị chủng tộc. Cô còn trẻ, mới ngoài 20, có bạn trai là người Việt Nam. Họ học chung một lớp ở trung học; đến năm lớp 12 thì yêu nhau, và tình yêu của họ kéo dài đến tận bây giờ, lúc cả hai đã sắp hoàn tất chương trình Cử nhân. Khác với các mối tình học trò ở Úc mà tôi thường chứng kiến, phần lớn chỉ thoáng qua, coi như những cuộc phiêu lưu thú vị nhưng ngắn ngủi, rồi sau đó, “anh đi đường anh tôi đường tôi”, tình yêu giữa hai người này có vẻ rất nghiêm túc. Cả hai đều nghĩ đến chuyện lâu dài. Cô sinh viên Úc, khi vào đại học, ghi danh ngay môn Tiếng Việt, và học rất giỏi. Không những học tiếng Việt, cô còn ghi danh vào tất cả các môn liên quan đến Việt Nam, từ văn hóa đến xã hội và chiến tranh. Cô học một cách cần cù, say mê và đầy quyết tâm. Mỗi lần chuyện trò, nhắc đến bạn trai và gia đình bạn trai, bao giờ cô cũng nói với một giọng âu yếm và đầy tha thiết. Cô vừa đi học vừa đi làm. Cuối năm, với số tiền dành dụm được, cô và bạn trai lại lặn lội về Việt Nam, đi thăm từ Nam chí Bắc, quan sát nếp sống và văn hóa Việt Nam cũng như cố gắng thực tập tiếng Việt. Dạy học đã khá lâu, thú thực, tôi chưa từng gặp một sinh viên Úc, nhất là sinh viên nữ nào, lại yêu một cách say đắm đến như vậy. Yêu một người rồi yêu một gia đình và cuối cùng, yêu một đất nước nghèo nàn và xa lạ.

image
Note: hình ảnh trong bài này là minh họa
Xin mở một dấu ngoặc: Ở trên, tôi nhấn mạnh “nhất là sinh viên nữ”. Lý do là, trong gần 20 năm dạy tiếng Việt tại trường đại học Úc, tôi thường thấy các sinh viên Úc học tiếng Việt vì một trong ba lý do chính: vì nghề nghiệp (chủ yếu là một số nghề có liên quan ít nhiều đến cộng đồng Việt Nam: nhân viên xã hội, cảnh sát, giáo viên, v.v...); vì văn hóa (để biết thêm một cái gì khác và mới); và vì lý do tình cảm: có chồng/bạn trai hoặc vợ/bạn gái là người Việt. Thuộc loại cuối, theo ghi nhận của tôi, bao giờ nam cũng nhiều hơn nữ. Nói cách khác, một người đàn ông Úc có vợ hoặc bạn gái người Việt dễ có khuynh hướng học tiếng Việt hoặc thậm chí, ăn uống theo lối Việt Nam hơn là một phụ nữ Úc có chồng hoặc bạn trai người Việt. Tại sao có hiện tượng đó? Để trả lời một cách thuyết phục, chúng ta cần có những công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc, những điều nằm ngoài phạm vi của bài viết này. Xin đóng ngoặc.

Trở lại với cô sinh viên Úc nêu trên. Nghe cô nhận xét là người Việt Nam, ngay trong phạm vi gia đình, có vẻ ít tình cảm với nhau, tôi rất ngạc nhiên và yêu cầu cô giải thích thêm.

Hơi có chút lúng túng, cô nhấn mạnh là những nhận xét của cô đều có tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa, xuất phát từ những gì cô nhìn thấy từ gia đình và đại gia đình của người bạn trai. Chúng có thể không đúng. Nhưng tôi khuyến khích cô nói, cuối cùng, cô cũng cho biết: Lần đầu tiên cô đến nhà bạn trai của cô là nhân dịp sinh nhật của anh. Cũng có quà cáp. Cũng có bánh sinh nhật. Và cũng có đèn cầy. Như mọi gia đình Úc khác. Nhưng sau khi người bạn trai thổi đèn cầy và sau bài hát mừng sinh nhật, cô hình dung là mọi người trong gia đình sẽ ôm bạn trai của cô. Cô đứng lùi ra sau, dựa vào vách để nhường mọi người. Nhưng cô ngạc nhiên thấy chẳng ai ôm hay bày tỏ tình cảm gì với bạn trai của mình cả. Hát xong, thổi tắt đèn cầy xong, các phụ nữ trong gia đình, từ mẹ đến bà ngoại người bạn trai của cô, đều chạy ùa vào nhà bếp để chuẩn bị thức ăn; còn cánh đàn ông thì loay hoay chạy đi tìm bia rồi í ới cụng ly nhau “Dzô! Dzô!”. Hết.

image
Từ đó, cô tiếp tục quan sát. Suốt mấy năm liền, đến nhà bạn trai vài lần một tuần; cũng như cùng bạn trai về thăm họ hàng ở Việt Nam mỗi năm một hai lần, cô hoàn toàn không bắt gặp một biểu lộ tình cảm nào giữa những người thân trong gia đình cả. Xa nhau cả mấy tháng hay cả năm, gặp nhau, mọi người nhìn nhau, cười. Rồi thôi. Không một cái ôm. Không một sự âu yếm nào, dù thật nhỏ.

image
Một sinh viên Việt Nam trong lớp cũng nêu một nhận xét tương tự. Cô là du học sinh; bố mẹ còn ở Việt Nam. Sau mấy năm xa cách, bố mẹ cô quyết định sang Úc thăm cô. Cô ra phi trường đón. Đã ít nhiều quen với lối sống ở Úc, cô tưởng tượng gặp nhau, mọi người sẽ ôm chầm lấy nhau. Nhưng không. Gặp cô, bố mẹ cô chỉ cười nhẹ rồi nhìn quanh, ngắm cái này ngắm cái khác. Cô tiu nghỉu. Và buồn. Thấy có cái gì như hững hờ trong tình cảm của bố mẹ đối với cô.

Cô sinh viên người Úc nói thêm: Cô nghi ngờ cái gọi là sự đùm bọc của người Việt Nam. Cô cho biết mẹ và dì của bạn trai cô sống với nhau. Cả hai đều góa chồng. Đối với người Tây phương, hai chị em, dù trong hoàn cảnh như thế, cũng hiếm khi sống chung với nhau, nhất là khi họ còn khá trẻ. Nhưng người Việt thì khác. Sống chung sẽ đỡ được nhiều gánh nặng về kinh tế. Nhưng cô không tin là có lợi về tình cảm. Cô nhận thấy, dù sống chung với nhau, hai người, nếu không cãi cọ thì cũng thường xuyên hậm hực với nhau. Gặp chị thì nghe nói xấu em. Gặp em thì nghe nói xấu chị.

image
Một sinh viên Việt Nam khác, sành về văn chương Việt Nam, nhắc đến các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhóm Tự Lực văn đoàn, để chứng minh quan hệ trong gia đình và đại gia đình Việt Nam, ngay từ xưa đã không hoàn toàn thuận thảo. Thì mọi người thuộc nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Có vẻ ấm áp. Nhưng quan hệ giữa họ với nhau thì có thật lắm vấn đề. Giữa bố mẹ chồng và con dâu. Giữa anh em với nhau. Giữa đám con rể và đám con dâu. Lúc nào dường như cũng có các cuộc chiến tranh âm ỉ.

Qua những phát biểu của các sinh viên ở trên, tôi chưa muốn vội đi đến kết luận là người Việt ít tình cảm. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh điều này: sự phân biệt Đông và Tây bằng cách cho bên này là duy tình và bên kia là duy lý, theo tôi, chỉ là một sự phân biệt hời hợt. Sống ở Tây phương khá lâu, tôi đã từng cảm động trước tình cảm của một số bạn bè người Úc đối với gia đình của họ cũng như bạn bè của họ. Cũng như, cách đây bốn năm năm, tôi rất cảm động khi xem tivi, thấy tường thuật việc mấy người cựu chiến binh Úc đã lặn lội về Việt Nam tìm xác đồng đội của mình trong cuộc chiến tranh Việt Nam hơn bốn mươi năm về trước. Vì tình bạn, họ đi Việt Nam, tìm về những chiến trường cũ, thuê người đào bới khắp nơi để tìm xác đồng đội. Công việc nặng nề, cực nhọc, có lúc gần như tuyệt vọng. Cuối cùng họ cũng tìm ra được một số mẩu xương. Họ gửi về Úc để thử nghiệm. Khi biết chắc chắn đó là hài cốt của đồng đội, họ mới báo tin cho chính phủ Úc và thân nhân của những người ấy. Trước những việc làm như thế, chẳng lẽ chúng ta lại cứ khăng khăng cho là người Tây phương nặng về lý trí hơn tình cảm ư?

image
Tôi chỉ muốn lưu ý là chắc chắn người Việt không thiếu tình cảm, nhất là tình gia đình. Vấn đề chỉ là cách biểu hiện tình cảm của họ khác với người Tây phương. Vậy thôi.

Nhưng cái khác ấy có nên hay không?

http://baomai.blogspot.com/
Sau khi mẹ tôi qua đời vào năm 2000, một trong những điều khiến tôi ân hận nhất là, nhớ lại, thấy dường như, từ lúc trưởng thành, chưa bao giờ tôi ôm bà, vỗ về bà và nói thương bà. Như điều tôi thường làm với bạn bè người Úc.




Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc

image

Xuân Lộc: Tường thuật của BBC tháng 4/1975
Sinh viên người Việt chế ra tủ lạnh khỏi xài điện,...
Nguyễn Phú Trọng đã đầu hàng Tập Cận Bình
20 bức hình về triết lý nhân sinh ở đời
Ghe Dừa
Thông minh quá cũng khổ
Người Hà Nội vùng đứng lên và quyền biểu tình
Về phim 'Đất Khổ'
Chống tay đứng dậy
Vài chuyện trời ơi của du khách Trung Cộng
Trung Cộng gấp rút xây đảo Vành Khăn
TT Obama gửi thư bé gái lớp 3
Việt Nam liệu đã có độc lập, tự do?
Nga nghĩ gì về quan hệ Việt-Mỹ-Trung?
Điều Việt Nam cần làm ngay bây giờ
Chúng tôi vẫn sống
Chuyện cẩu tặc và …đại gia tặc!
Người bán sách trên bãi biển Nha Trang
30 Tháng Tư: Hòa bình và hòa giải Dân Tộc
Khuyết tật không phải là giới hạn
Ai là kẻ thù của Việt Nam?
Tháng Tư mãi là nỗi buồn!
Cái chết của những chiếc tàu ngầm
Có cần phi cơ chiến đấu hiện đại?
VTC có 'lỗi nghiệp vụ' ở phóng sự hút shisha
Chất thôn dã Việt trên đất Mỹ
Gian lận để hưởng trợ cấp
Có thật là người Pháp làm ít chơi nhiều?
Xu thế: ghét Trung Cộng
Những phi công tự tử trong lịch sử hàng không
50 năm nhìn lại Phong Trào Du Ca Việt Nam
Suy nghĩ của giới trẻ trong nước về Việt Nam Cộng ...
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa được trao giải Tự Do Ngô...
Bốn cách đơn giản để gây dựng lòng tin
Hà Nội như bị vặt lông
Cưỡi Ngọn Sấm _ Ride The Thunder
Ðàn ông Việt Nam và con lợn
Mục tiêu của phê bình
Di dời giáo xứ Đông Yên, nỗi lòng kẻ ở người đi
Ở nơi sâu nhất địa cầu

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.