Thursday, April 16, 2015

Những lời chân tình cho quê hương Việt Nam

image
Từ đầu thập niên 2000, câu chuyện Hán hóa Việt Nam của Trung Cộng đã được rất nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và thế giới phân tích và đặt vấn đề cùng truy tìm một sinh lộ cho Việt Nam.

Năm 2008, TS Phan Văn Song, GS Trần Minh Xuân và người viết có xuất bản cuốn sách tựa đề “Từ Bauxite đến Uranium: Tiến trình Hán hóa của Trung Cộng” trong đó nhiều góc độ khác nhau đã được phân tích như chính trị, quân sự, tình báo, kinh tế, xã hội, vấn đề người thiểu số v.v... Tất cả hội tụ vào một điểm duy nhứt là Trung Cộng đang trên đường tiến chiếm Việt Nam, nếu không muốn nói là đô hộ Việt Nam, dưới nhiều hình thức như kinh tế, chính trị, xã hội, và lãnh thổ, thực hiện đường lối do Mao Trạch Ðông (MTÐ) chủ xướng ngay sau khi chiếm toàn thể nội địa của Trung Hoa vào năm 1949, đặc biệt là sau khi Hồ Chí Minh sang Tàu cầu viện năm 1950.

image
Chính vào thời điểm này, Mao Trạch Ðông đã lợi dụng sự non trẻ của Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc, để chiếm đóng và sáp nhập East Turkestan thành tỉnh Tân Cương năm 1949, và Tây Tạng năm 1959. Tiếp theo sau đó là chính sách đồng hóa bằng cách di dân người Hán vào hai vùng trên và lần lần áp đặt cơ sở hành chành, quản trị xã hội. Tất cả đều do người Hán điều hành. Và cho đến hôm nay, dân bản xứ Tây Tạng và Tân Cương trở thành một dân tộc thiểu số trên chính quê hương mình.

Trở về quá khứ, trong cuộc chiến Việt Nam cả giai đoạn chống Pháp đến năm 1954, và “chống Mỹ” đến năm 1975, Bắc Việt nhận viện trợ quân sự và nhân sự và chiến cụ của Tàu nhiều hơn Liên Sô thời đó. Nhưng khi thống nhứt đất nước, Việt Nam lại bỏ rơi Tàu theo Nga. Chính vì vầy mới có cuộc chiến 1979 do Ðặng Tiểu Bình dạy cho bài học.

image
Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, CS Bắc Việt mới quay về thuần phục TC. Mặc dù, TC có tên gọi là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nhưng thực sự, theo lời của một nhà sử học người Anh, Jonathan Fenby, Trung Cộng chỉ là một quốc gia phong kiến, tổng hợp nhiều chủng tộc khác nhau, được “cai trị” bằng một tập đoàn lãnh đạo, không có “vua” như Mao Trạch Ðông hay Ðặng Tiểu Bình. Do đó, sự quản lý hay cai trị có nhiều chồng chéo, mâu thuẫn khác hẳn các thập niên đầu dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của MTÐ. Ðường lối, chính sách cũng thường thay đổi tùy theo sự đồng thuận của tập đoàn lãnh đạo TC hiện tại. Chính sách đối với Việt Nam cũng thay đổi theo từng giai đoạn và ngày hôm nay, chúng ta thấy rõ ràng là TC thực sự muốn và đang thực hiện chính sách chiếm đóng tiệm tiến Việt Nam qua sự tiếp tay của Ðảng CS Bắc Việt.

Trước mặt TC, đảng CSVN đã cam tâm ký hai hiệp ước nhượng đất và nhượng biển cho Trung Cộng. Thứ nhất là “Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam-Trung Cộng” ngày 30 tháng 12, 1999 (mất ải Nam Quan và thác Bản Dốc), và thứ hai là “Hiệp ước phân định lãnh hải” ngày 25 tháng 12, 2000 (mất khoảng 10,000 Km2 mặt biển vùng Vịnh Bắc Việt). Câu chuyện Tam Sa gồm Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa cũng chỉ là kết luận “tất yếu” của tiến trình dâng đất và dâng biển cho TC mà thôi.

image
Qua những sự kiện vừa liệt kê trên đây, chúng ta thấy rõ ràng ÂM MƯU THÔN TÍNH Việt Nam của TC cũng như lý tính thuần phục của đảng CS Việt Nam hiện tại.
Vấn đề khai thác Bauxite tại Nhân Cơ (Ðắc Nông) và Tân Rai (Bảo Lộc): Hiện tại, theo hình ảnh quan sát được, nhà máy Tân Rai đang chạy những mẻ thử nghiệm để khai thác Alumina (tức oxit nhôm Al2O3), nhưng vì chưa hoàn chỉnh, chưa có hồ chứa phế thải, cho nên bùn đỏ đã chảy vào vùng chung quanh và người dân đã khiếu nại vì hoa màu bị thiệt hại từ nhiều tháng qua. Mặc dù, dự kiến sẽ khai thác 237,000 tấn Alumina cuối năm 2011, nhưng việc khai thác phải dừng lại sau vài mẻ thử nghiệm và vì chưa có hồ chứa bùn đỏ, chất phế thải này đã làm nhiễm độc trên 200 hecta đất nông nghiệp và nông dân đang kiện thưa để được bồi thường. Và công trình đang bị ngưng trệ vì lý do “mưa.” Cho đến tháng 6 năm 2013, nhà máy Tân Rai sản xuất được 20,000 tấn oxit nhôm, nhưng bị ối đọng vì không có phương tiện chuyên chở cũng như TC không “mua” lô hàng này! Hiện có trên 10,000 công nhân TC và gia đình tại nơi đây.

image
Còn nhà máy Nhân Cơ hoàn toàn chưa xây dựng, ngoại trừ những khu gia cư xây cất trong vòng bán kính 10 cây số, tập trung hơn 10,000 công nhân (?).Tỉnh Ðắc Nông, với dự án Nhân Cơ và 5 dự án khác trong tỉnh chiếm 3/5 diện tích toàn tỉnh, chắc chắn trong một tương lai không xa sẽ là một thành phố Tàu.

Nói về việc khai thác Bauxite hiện tại ở Việt Nam, TC nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau:

-Thứ nhứt, như nhiều lần khai triển trên các cuộc hội luận và trên diễn đàn, chúng tôi luôn đề cập tới sự hiện diện của Uranium trên vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam, và TC khai thác Bauxite chỉ là “Diện,” và “Ðiểm” chính là việc nhắm tới các chất phóng xạ Uranium cần cho nhu cầu quốc phòng của họ. Hóa chất này hiện diện trong lòng đất khoảng 200,000 tấn O3U8 (oxid uranium) trong vùng cao nguyên Bolloven đã được Hội đồng Năng lượng ước tính nồng độ khoảng 0.06%.

-Thứ hai, việc khai thác Bauxite kéo theo nhiều lệ thuộc của Việt Nam về tài chánh qua các dự án có liên quan đến việc khai thác như nguồn vốn cho việc xây dựng đường xe lửa vận chuyển oxid nhôm thô từ Nhân Cơ (cùng 5 địa điểm khác ở tỉnh Ðắc Nông) và Tân Rai, việc xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận, xây dựng các nhà máy điện địa phương và chi phí khai thác bauxite thô...

image
-Thứ ba, TC nhằm kiểm soát tất cả nguồn vốn chi thu cùng quản lý việc khai thác qua việc thu nhận hoàn toàn công nhân và ban quản đốc đều là người Hoa. Và thành phẩm chỉ được bán cho TC để từ dây, TC có thể làm áp lực Việt Nam trong vấn đề kềm và ép giá, cũng như cấm đoán Việt Nam bán nguyên liệu oxid nhôm ra các quốc gia khác;

-Thứ tư, việc kiểm soát kinh tế và sự xáo trộn xã hội Việt Nam là một điều hiển nhiên khi hàng vạn nhân công TC hiện diện trên một vùng dân cư thưa thớt ở các nơi khai thác;

-Thứ năm, về mặt môi trường, mặc dù hiện nay tại Tân Rai, TC chỉ làm một vài mẻ thử nghiệm, nhưng ô nhiễm bùn đỏ và nạn rò rỉ hóa chất đã làm hơn 200 hecta ruộng rẫy bị tàn phá nơi xã Lộc Thắng, cũng như nước mặt đã bị nhiễm bùn đỏ, trong đó một số hóa chất trong bùn đỏ như sút và sắt cùng các vi lượng hóa chất hữu cơ đã xuất hiện trên nguồn sông La Ngà và vùng Trị An.

-Thứ sáu, sâu xa hơn nữa, việc khai thác này che mắt thế giới qua việc TC cho nhân viên tình báo chiến lược, chuyển vận khí cụ thăm dò và kiểm soát vùng biển Ðông và miền Ðông Nam Á. Ðây mới là thế chiến lược của TC.

image
-Và sau cùng, âm mưu chiếm đóng tiệm tiến Việt Nam qua việc cố gắng chia đôi Nam và Bắc Việt Nam bằng cách chiếm đóng cao nguyên Trung phần Việt Nam bằng nhân sự, bằng những cuộc hôn nhân dị chủng. Ðể rồi, từ đó khi họ đạt được mục tiêu và dân số, TC có thể vin vào lý do “công dân bản địa” để đòi “tự trị.” Việt Nam sẽ bị tách làm đôi không có một tiếng súng nào cả và thế giới không có lý do can thiệp cho sự chiếm đóng này của Trung Cộng. Và TC đã thành công trong việc tách làm đôi Việt Nam.

Tại miền Bắc hiện nay, TC đã kiểm soát 9 tỉnh địa đầu với tên đường sá hoàn toàn bằng tiếng Hán. Hầu hết các khu công nghiệp ở các thành phố lớn ở miền Bắc hiện nay là những khu “tự trị” của họ, trong đó công an, quân đội CS không được quyền léo hánh tới, ngay cả những khi có án mạng hay xung đột giữa công nhân Việt và Hoa.

Như vậy, chúng ta phải làm gì trước những sự kiện đã xảy ra như trên?

Ðây là câu hỏi và mỗi chúng ta có bổn phận để tìm một hướng thoát cho quê cha đất tổ!
Trước những viễn kiến có thể xảy ra cho Việt Nam, người Việt hải ngoại và quốc nội cần phải tập trung toàn lực để giải tỏa và định hướng đấu tranh cho thật rõ ràng.
Ngày hôm nay, không còn là thời điểm chúng ta cần phải đi tìm chỗ dựa từ ngoại bang nữa!

Ðã đến lúc chúng ta phải đứng trên hai chân của mình.

Sau đây là một vài giải pháp khơi mào cho mọi sự suy nghĩ của toàn dân, hy vọng từ đó chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục truy tìm một sinh lộ mới cho Việt Nam.
Về phía Trung Cộng, có những mặt chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội đang xảy ra trong điều kiện không thuận lợi cho nước này, từ đó chúng ta có thể vận dụng để làm suy yếu hay triệt tiêu được sức mạnh “Hán hóa” của Trung Cộng. Ðó là:

image
-Về kinh tế: Tiếp tay vận động cuộc tẩy chay đi du lịch “ngắm cảnh” TC và tẩy chay hàng hóa do TC sản xuất dưới bất cứ hình thức nào, từ thực phẩm, thuốc men, vật dụng dùng trong nhà, quần áo, sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ... Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng, vừa thành lập vào cuối năm 2011 tại Westminster, California, Hoa Kỳ, đã có nhiều cố gắng trong việc chuyển tải những thông tin cho bà con ở hải ngoại và quốc nội. Xin bà con hãy cùng tiếp tay đẩy mạnh chiến dịch này.

-Về chính trị: Hãy cùng phối hợp và hợp tác với chính phủ lưu vong Tây Tạng do một người trẻ, giáo sư Ðại Học Harward, hoàn toàn không liên quan gì đến nạn quốc phá gia vong ở Tây Tạng vì năm 1959, khi mất Tây Tạng, ông chưa sinh ra. Ðó là thủ tướng lưu vong Lobsang Sangay sinh năm 1968. 

image
Vào ngày 10 tháng 3, 2012 vừa qua, tại Meleod Ganj (Ấn Ðộ), nhân ngày đánh dấu TC chiếm Tây Tạng lần thứ 53, ông tuyên bố dứt khoát chống lại sự “thống trị của TC” và “hoạt định đường lối đấu tranh hữu hiệu cho Tây Tạng” là “làm thế nào nâng cao trình độ người dân Tây Tạng, cho phép Tây Tạng có được các lãnh đạo xuất sắc và tiếng nói Tây Tạng được thế giới chú ý.”

Mô hình giải pháp Việt Nam qua việc tìm lại tính cách pháp nhân của Việt Nam Cộng Hòa cũng cần được lưu ý đến, vì qua thỏa hiệp quốc tế ngày 2 tháng 3 năm 1973 được ký kết do 9 quốc gia trong đó có 5 nước thành viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, và Trung Cộng cùng 3 thành phần Việt Nam là Bắc Việt, Chánh phủ lâm thời miền Nam VN, và Việt Nam Công Hòa... trong đó cam kết 3 thành phần sau phải thi hành Hiệp Ðịnh Paris 27 tháng 12, 1973. Và Bắc Việt đã vi phạm hoàn toàn dù hiện nay là kẻ đang làm “chủ” Việt Nam.

image
Ngoài ra, cũng không quên liên lạc, theo dõi diễn tiến của các phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền của những người như Lưu Hiểu Ba (Nobel Hòa Bình 2010), Hồ Giai, Ngải Vị Vị cùng Hiến Chương 08 qua bản tuyên ngôn đầu tiên gồm 350 chữ ký của các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhằm mục đích thúc đẩy cải cách chánh trị và dân chủ cho Trung Hoa.

Người Tây Tạng trực diện tranh đấu cho độc lập Tây Tạng tại tỉnh Tứ Xuyên (có 5% dân số Tây Tạng), cũng như người Hồi Hột tranh đấu cho Tân Cương ở tỉnh Vân Nam (có 10% dân số trên 46 triệu người dân trong tỉnh). Cũng không quên nhắc đến phong trào Pháp Luân Công ở cùng khắp mọi nơi trong nước Tàu tranh đấu cho tự do tôn giáo và bất công xã hội. Ngày 3 tháng 3, 2012, người dân làm Ô Khảm, Quảng Châu bỏ phiếu tự do đi bầu người đại diện đầu tiên cho làng. Phải chăng đây là bước đầu đưa đến tiến trình xóa bỏ nền chuyên chính vô sản của TC?

Các phong trào trên chính là những ngòi nổ cho việc biến Trung Cộng trở thành “Ðông Châu Liệt Quốc.” Và một khi TC bị xé tan thành nhiều mảnh, VC sẽ không còn “hậu phương” lớn làm điểm tựa, dĩ nhiên ngày tàn của chế độ sẽ không còn xa sau đó.
Tất cả các phối hợp đấu tranh trên nhằm mục đích đẩy mạnh sự xáo trộn xã hội, kinh tế của TC; từ đó tiến trình mang lại tự do, dân chủ và nhân quyền của TC sẽ được rút ngắn, vì sẽ không còn một quốc gia Trung Quốc vĩ đại nữa.

Về xã hội: Người Việt quốc nội và hải ngoại còn có khả năng kết hợp với các NGO (tổ chức phi chánh phủ) trong lãnh vực môi sinh như Oxfam ở Hồng Kông và Hà Nội, một cơ quan phi chánh phủ quốc tế tranh đấu cho sự nghèo đói, bất công xã hội, và môi trường để cùng nói lên tiếng nói chung nhằm đánh động dư luận và lương tâm thế giới.

Về phía Việt Nam: Qua các nhận xét ở phần trên, quả thật chúng ta đã nhận diện được và thấy rất rõ ảnh hưởng về chính trị, kinh tế, thậm chí về văn hóa của TC ở miền Bắc và đang tiệm tiến dần dần về miền Nam.

Sự hiện diện của Trung Cộng ở Cao nguyên Trung phần hiện tại càng là một chứng minh xác quyết cho công cuộc tiến chiếm luôn miền Nam hay, ít ra, cũng có thể là một âm mưu chia cắt Bắc Nam thành hai vùng khác nhau, trong đó Cao nguyên Trung phần sẽ nằm trong dự tính là một vùng tự trị theo tinh thần của chính sách “dân tộc bản địa” theo Nghị quyết Liên hiệp quốc “Rights of Indigenous Peoples” ngày 29 tháng 6, 2006.

Chính trong cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua” do nhà xuất bản Sự Thật in ấn vào tháng 10, 1979, đã nêu lên rạch ròi về chính sách cùng sách lược của TC là “nước Việt Nam phải là một nước không mạnh, bị chia cắt, không độc lập và lệ thuộc vào Trung Quốc.” Biết rõ như vậy, mà nay, CS Bắc Việt vẫn cam tâm cuối đầu chịu khuất phục và làm “nô lệ” cho TC!

image
Từ cung cách suy luận trên, TC sẽ biến Việt Nam thành hai vùng tự trị kinh tế khác nhau, trong đó hình thức kinh tế tập trung chỉ huy và lệ thuộc ảnh hưởng chánh trị TC dành cho miền Bắc. Và miền Nam, TC còn dè chứng sức đề kháng của dân miền Nam, do đó chưa thể mạnh tay vì còn có sự “dòm ngó” của thế giới bên ngoài.

Chia được Việt Nam rồi, đối với miền Nam còn lại, TC hiện đang lan tỏa tiệm tiến về miền đất hứa này, và nếu không có biện pháp, việc mất miền Nam còn lại cũng chỉ là vấn đề thời gian sau đó mà thôi.
Câu hỏi được đặt ra là, nếu mô hình này là một tiến trình Hán hóa của Trung Cộng có nhiều xác suất có thể xảy ra, chúng ta, những người Việt còn lưu tâm đến tiền đồ dân tộc phải làm gì?
Chuyện mất miền Bắc hiện nay là một thực tế, bây giờ chỉ còn phần cho miền Nam. Do đó, vài đề nghị dưới đây xin được đan cử để khơi mào cho cho mỗi suy nghĩ của bạn đọc hôm nay.
Những người Việt yêu nước, yêu dân tộc còn lại sẽ cố đẩy mạnh khí thế miền Nam và tạo sức mạnh ngoại giao với cộng đồng thế giới như:

image
-Liên kết cùng khối ASEAN để cùng hợp lực tạo sức mạnh liên hoàn tranh đấu với TC trong vấn đề biển Ðông, trong đó Miến Ðiện (Myanmar là một nhân tố mới nhứt vừa thoát khỏi ảnh hưởng của TC và đang dựng tiến trình dân chủ cho đất nước).

-Liên kết với Ấn Ðộ trong việc đẩy mạng giao thương kinh tế và phát triển cùng phối hợp quốc phòng song phương;

-Liên kết với các quốc gia có ảnh hưởng trong vùng như Nhật, Ðại Hàn, Úc, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ để nhằm ổn định các tranh chấp trên biển Ðông. (Chúng tôi không nói đến Ðài Loan, vì, nên nhớ, người Tàu dù ở chiến tuyến nào cũng là người Tàu, và tinh thần “Ðại Hán” đã ăn sâu vào não trạng của họ, dù ở bất cứ phương trời nào).

Làm được những liên kết trên, miền Nam còn lại sẽ là một miếng xương khó nuốt cho TC một khi có kinh tế tự do và người dân sống trong một vùng có pháp quyền sẽ giúp miền Nam trở thành độc lập và cường thịnh.
Ðất và nước cũng là biểu hiện của tổ quốc, non sông.
Ðất cũng là đất, là nơi sinh sống của cả dân tộc.
Nước cũng là nước, là suối nguồn dinh dưỡng của quê hương.

Trong hơn 20 năm qua, tôi chỉ nói về Ðất và Nước của xứ tôi, xứ Việt Nam đang còn đắm chìm dưới ách cai trị của “ngoại bang” tuy có cùng tiếng nói. Ðất tôi đang bị dày xéo vì những quyết định “vô cảm và vô hồn,” vì những công cuộc xây cất các khu “giải trí” cho du khách quốc tế để thu lợi, vì những công trình vô bổ mang lại lợi ích cho một thiểu số cầm quyền.
Ðất đang bị đem rao bán cho ngoại bang!
Ðất đang bị tận dụng tàn khốc, bị lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu rầy, hóa chất diệt trừ nấm mốc v.v... để khai thác và sản xuất nhằm thu nhập ngoại tệ nặng để củng cố quyền lực chứ không nhằm mang lại phúc lợi cho người dân. Ðất không được nghỉ ngơi cho nên Ðất phải khô cằn.
Cần phải để Ðất nghỉ ngơi!
Còn Nước thì sao?
“Nước” đang bị ngoại bang làm vẩn đục!
Nước cũng chịu cùng chung số phận với Ðất. Nước đang bị tận dụng và bị ô nhiễm đến nỗi thiên nhiên không còn khả năng tái tạo lại nguồn nước trong lành.
Nước mặt, nước ngầm đều bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước ở các sông ngòi Ðồng Bằng Sông Cửu Long không còn được dùng trong việc ăn uống nấu nướng như ngày xưa nữa, ảnh hưởng lên hơn 20 triệu người dân chất phác Nam kỳ lục tỉnh.
Hủy hoại Ðất!
Ô nhiễm Nước!
Ðó là một tội ác không những đối với dân tộc Việt Nam, mà còn đối với nhân loại toàn cầu. Ðã đến lúc, cần phải tiếp tục cảnh báo cho thế giới biết về sự tàn phá Ðất và Nước của một chế độ phi nhân diễn ra trên đất nước Việt Nam từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này.

image
Thưa quý bạn đọc,
Xin nói ngay là những lời sau đây không phải là lời nhắn gửi hay trao đổi với người CS Việt Nam mà chính là một vài suy nghĩ về họ trong cung cách quản lý toàn thể đất nước hơn 38 năm qua.
Nhớ lại, trong những buổi hoàng hôn trước ngày 30 tháng 4, 1975, tâm trạng một thanh niên trẻ, mang bầu nhiệt quyết hầu mong đóng góp một chút gì cho quê hương, đang bị dằn co bởi ý tưởng đi hay ở. Sau cùng quyết định ở lại đã chiến thắng, xóa đi nỗi khắc khoải của nội tâm vì một suy nghĩ rất “lãng mạn” rằng: “Cho dù CS Bắc Việt có chiếm miền Nam đi nữa, mình cũng thể đối thoại được với họ, vì cùng chung chủng tộc và cùng một ngôn ngữ.” Nhưng cá nhân tôi đã lầm, cũng như nhiều người đã lầm, vì họ (CS Bắc Việt) và tôi không nói cùng một tiếng nói mặc dù cùng phát âm ngôn ngữ Việt. Trước bế tắc của cuộc sống và tương lai con cái, phải đành liều chết vượt biên mà thôi.

Không còn một giải pháp nào khác.
Trong suốt hơn 20 năm thực sự dấn thân vào con đường tranh đấu dù dưới danh nghĩa cá nhân hay thành viên của Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam (VAST) hay dưới danh nghĩa Ðại Việt, qua 10 cuốn sách viết riêng hay viết chung với các bạn như GS Trần Minh Xuân, TS Phan Văn Song, tôi đã trang trải trong đó, nỗi lòng của người con Việt, nói lên những vấn nạn môi trường do sự phát triển không ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa và bảo vệ môi trường cùng những chính sách y tế, giáo dục hoàn toàn đi ngược lại trào lưu tiến bộ của văn minh thế giới.
Từ đó, đưa đến tệ trạng là Ðất Nước và con người Việt Nam ngày hôm nay đang đứng bên bờ vực thẳm về phát triển, chưa nói đến vấn nạn làm “nô lệ” cho Trung Cộng qua các thỏa hiệp ngầm giữa hai đảng cộng sản Việt và Trung. Hiện nay, trên thực tế và dưới sự quản lý của đảng cộng sản Bắc Việt, Việt Nam vô hình trung đã là một tỉnh phía Nam của Trung Cộng từ lâu rồi!
Ngày hôm nay, những người CS Bắc Việt hãy trở về với dân tộc đúng nghĩa thật sự nếu còn lại một chút nhứt điểm lương tâm.

image
Tài sản và quyền lực chỉ là phù du!
Hãy can đảm vứt bỏ VÔ MINH trong tâm khảm để trở về với dân tộc đúng nghĩa.
Một khi nhắm mắt và ngừng hơi thở, tất cả sẽ trở về cát bụi mà thôi!
Trong trường hợp Việt Nam, tiếc thay, những oan nghiệt trong quá khứ đã đến từ một chủng tộc khác dòng, khác giống; còn nỗi oan nghiệt dân tộc Việt phải chịu ngày hôm nay phát xuất từ một chủng tộc đồng nhứt, nói cùng một ngôn ngữ Việt tộc.
Ðã cùng là một Việt tộc mà cung cách hành xử còn tệ hại hơn thời thuộc địa, tệ hại hơn thời Bắc thuộc thuở xa xưa.
Ðó chính là nỗi oan khiên nghiệt ngã của Ðất Nước.
Nỗi oan khiên này biết đến bao giờ mới được xóa đi?

image
TS Yoshiharu Tsuboi, người Nhật đã trình luận án tiến sĩ năm 1982 tại Paris với đề tài: “Nước Ðại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 1885” (L'Empire Vietnamien: Face à la France et à la Chine entre 1849 1885) trong đó ông đưa ra một suy nghĩ tương đối mới khi nhận định về nguyên nhân mất nước về tay người Pháp không phải vì vua Tự Ðức bế quan tỏa cảng, mà chính vì vua, quan, và dân bị phân liệt thời bấy giờ, do đó, không thể nào tạo được sự kết đoàn để chống giặc được.
Và ngày nay, trong một tuyên bố gần đây về hiểm họa Hán hóa, ông đã đưa ra nhận định là: “Cần phải tạo ra thật nhiều con người biết sống trong sạch. Chính họ là sức mạnh cho đất nước Việt Nam.”
Trong “ở” trong “tâm” và “sạch” nơi mỗi “hành động”
Làm được hai điều này, chắc chắn Việt Nam sẽ thoát khỏi cơn hồng thủy phương Bắc trong tương lai.
Vì vậy,

Thưa quý bạn đọc,
Hôm nay, cuốn “Việt Nam Tương Lai” đến tay quý vị sau nhiều năm thực sự tranh đấu cho một Việt Nam tự do, dân chủ và nhân quyền nơi hải ngoại. Những sách của người viết ngoài các bài nói chuyện trên radio, TV, trên paltalk, you tube, và trên các diễn đàn cùng những lần nói chuyện khắp bốn phương, gồm: Câu chuyện Da Cam/Dioxin Việt Nam (xuất bản năm 2008), Từ Bauxite đến Uranium:Tiến Trình Hán Hóa Việt Nam (năm 2009 và tái bản 2012), Những Vấn Ðề Môi Trường Việt Nam (2010 và 2012), Tâm Tình Người Con Việt (2012), và Thư Cho Con, viết chung với Giáo Già Trần Minh Xuân từ năm 2008 từ Thư Cho Con 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22. Tất cả tâm tư của người viết đã xoáy vào những vấn nạn ở Việt Nam sau khi CS Bắc Việt nuốt trọn miền Nam sau ngày 30 tháng 4, 1975.
Nội dung cuốn sách quý vị có trong tay hôm nay, người viết xin đề cập tới vài suy suy nghĩ trong công cuộc đấu tranh cho tương lai Việt Nam.

image
Thưa quý bạn đọc,
Cách đây 60 năm, ngày 20 tháng 7 năm 1954, đất nước Việt bị chia cắt làm hai do các thế lực quốc tế dàn xếp, đi ngược lại nguyện vọng của người dân Việt. Vì thế, việc khơi dậy lịch sử đòi hỏi chúng ta có tầm nhìn tổng quát về hiện trạng Việt Nam.
Chúng ta cần xác định cốt lõi của sách lược lý tưởng đấu tranh của hàng ngũ người Việt Quốc gia, những người con Việt, tinh hoa của đất nước mong tìm một giải pháp tốt đẹp cho Việt Nam tương lai, chớ không phải nhằm tái lập thể chế VNCH cũ.
Bối cảnh chánh trị hiện tại cho thấy nước Việt Nam đang có những vấn nạn trầm kha là do hệ lụy của một quá trình cai trị mù quáng áp đặt chủ nghĩa CS hoang tưởng lên toàn dân, sau khi chiếm đoạt được miền Nam, thống nhất đất nước. CS Bắc VIệt phải bị bị hụt hẫng do sự sụp đổ của đàn anh Liên Sô, đồng thời phải đương đầu với Trung Cộng, trong khi vẫn phải duy trì “mối liên hệ hữu cơ” của Ðảng CSVN và Ðảng CSTQ đóng vai chỉ đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Chiếm được miền Nam, CS giải tán Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam làm sáng mắt dân miền Nam tập kết, Ðồng thời đổi Ðảng Lao Ðộng chánh thức thành Ðảng Cộng Sản. Bước đầu vẫn duy trì lập luận tuyền truyền như sau:
(1) Bêu xấu chế độ VNCH là chế độ thối nát,
(2) Xã hội tiêu thụ phồn vinh giả tạo,
(3) Công bố mô hình “Ðảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân “làm chủ,”
(4) Xác định quyết tâm thực hiện chế độ toàn trị,
(5) Xây dựng nền kinh tế theo thủ thuật “kiểm kê, kiểm soát và phân phối,”
(6) Tuyên truyền mục tiêu “lao động theo khả năng, hưởng theo nhu cầu,”
(7) Triệt để diệt trừ giới “tư sản mại bản,” bài bác nguyên lý kinh tế thị trường.
image 
Từ đó, nạn đói nghèo của toàn dân xảy ra tiếp theo sau hai kế hoạnh ngũ niên đầu tiên, CS Bắc Việt mới nhận thấy phải trở thành nạn nhân của luận điệu tuyên truyền theo những khẩu hiệu hoang tưởng mác xít của chính mình.
Do đó, khi đứng bên bờ vực thẳm, CS đã tự cứu nguy bằng lập luận về thời kỳ quá độ, theo đó, xây dựng nền kinh tế thị trường trong nhà nước XHCN, tức là theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo nên một giai cấp tư bản đỏ đóng vai trò quyết định, gây nên bao nhiêu thảm trạng, bóc lột thâm tệ các tầng lớp người dân thấp cổ bé miệng.
Vì vậy, vấn đề quan trọng trong định hướng đấu tranh của người Việt quốc gia là cần tập trung sự tích cực tẩy trừ mô hình lãnh đạo và quản trị đất nước trên căn bản độc quyền của Ðảng CS.
Muốn tiếp tục theo định hướng đấu tranh của người Việt Quốc gia như vừa nói, xin hỏi cộng đồng người Việt hải ngoại đã làm gì trong suốt cuộc tranh đấu quá lâu dài suốt 38 năm qua?

A. Nhận định thực trạng cộng đồng Việt Nam tị nạn cộng sản trên thế giới

image 
Bây giờ, xin nêu lên thực trạng của các cộng đồng người Việt tỵ nạn của chúng ta trên toàn thế giới, qua các hoạt động bất lợi, có tác động làm hư đại cuộc, cũng như vô hình trung làm ngăn trở tiến trình mang lại dân chủ pháp trị cho đất nước.

Ðó là:
- Phong trào làm công tác từ thiện;
- Việc gởi tiền về giúp thân nhân;
- Sự bình thường hóa bang giao với VNCS của Chánh phủ Hoa kỳ.
- Những biện pháp giải quyết cần được trù liệu để ứng phó, trên căn bản cùng thông hiểu giữa nhau, mới bảo toàn được lực lượng đấu tranh cho đến ngày thành công hoàn toàn.
Chúng ta là những người Việt nam tị nạn CS Bắc Việt, sau hơn 38 năm sống tha hương, nhìn lại về Việt nam, chúng ta đều thấy có rất nhiều vần đề của đất nước cần phải điều chỉnh lại.

Vì sao?

Xin mỗi người trong chúng ta hãy tự suy gẫm.
Chúng ta đã làm gì nơi hải ngoại đối với con người, đất nước và xã hội đã cưu mang mình, hay đối với mọi người nơi quê nhà đang đau khổ vì bị áp đặt dưới ách thống trị của CS Bắc Việt?
Tuy nhiên trước mắt, với tư cách tị nạn, sống trên mảnh đất tạm dung, dù ở Hoa Kỳ hay các quốc gia khác, dường như “chúng ta là người khách trọ hữu tình nhưng bạc nghĩa”?

1. Chúng ta thật sự là người “tử tế” chưa?

image
Xin thưa, chưa hẳn.
Chúng ta vận động gửi thỉnh nguyện thư yêu cầu Hoa Kỳ ngưng viện trợ nhân đạo vài trăm triệu cho Việt Nam, trong khi đó, hàng năm chúng ta gửi về Việt nam một lượng ngoại tệ rất lớn, lên đến hàng chục tỷ Mỹ kim, như thế có phải là chúng ta đã vô tình “cứu nguy” cho chế độ CSBV đang bên bờ vực thẳm không?
Cựu Tổng Thống George W. Bush đã từng làm cho chúng ta công phẫn (hay bị chạm nọc!) khi ông nhận định về cung cách hành xử của chúng ta trong vấn đề Việt Nam là “they deserve it!” (xin tạm dịch: Cho đáng kiếp!). Câu nhận định ngắn ngủi làm chúng ta đau, nhưng thưa quý vị, xin lắng lòng nghĩ lại, quả thật đôi khi những hành xử của chúng ta cũng “xứng đáng” với lời trách móc trên.

2. Chúng ta đã làm cái gọi là “từ thiện”?
Chúng ta đã làm gì khi Hoa Kỳ gặp những tai nạn thảm khốc rúng động toàn thế giới? Sau đây là vài con số thống kê về sự đóng góp “từ thiện” của cộng đồng tị nạn Việt Nam tại Hoa Kỳ.

image
-Biến cố 911
Sau ngày 11 tháng 9 năm 2000, ngoài CS Việt Nam đóng góp $250,000, triệu phú (hotel) Trần Ðình Trường góp 2 triệu Mỹ kim, chúng tôi không ghi nhận được các danh sách đóng góp khác của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, nếu có chăng chỉ là các hội đoàn đơn lẻ với số tiền không đáng kể.

image
-Bão Katrina
Ðối với trận bão Katrina 29 tháng 8, 2005, chúng tôi không thấy CS Việt Nam đóng góp, cũng không có danh sách cộng đồng Việt Nam qua các hội đoàn, mà chỉ biết cộng đồng Houston giúp đỡ hiện kim và hiện vật, cũng như các Hội đoàn Nam và Bắc California và nhiều nơi khác tổ chức văn nghệ, tiệc gây quỹ... nhưng số tiền thu được chẳng là bao so với sự cưu mang của đất nước và người dân Hoa Kỳ đối với bà con tị nạn kể từ sau 30 tháng 4, 1975.

image
-Sóng thần Tsunami, Nhật Bản
Còn nói về Nhật Bản gặp tai nạn Tsunami thảm khốc rúng động toàn thế giới vào ngày 12 tháng 3, 2011, trên trang mạng, chúng tôi nhận thấy có ghi CS Việt Nam và “nhân dân” giúp đỡ nạn nhân là 7,783,393 Mỹ kim, trong khi đó cả thế giới giúp Nhật Bản trong vụ này lên đến 520 tỷ Yen (tương đương gần 7 tỷ Mỹ kim. Hoàn toàn không thấy đóng góp của cộng đồng người Việt hải ngoại trong danh sách hàng ngàn NGO và các hội từ thiện trên thế giới.)
Vậy mà chúng ta thường nói với nhau rằng: “Bán anh em xa mua láng giềng gần.”

Vậy quý vị làm từ thiện nghĩ sao?
Nhưng chúng ta đã làm, bằng nhiều cách tùy theo từng nhóm, chẳng hạn giúp xây các cơ sở tôn giáo, xây viện mồ côi, công tác khám bịnh, đào giếng v.v... không kể việc đổ tiền vào sự cứu trợ mỗi khi có thiên tai như nhà cháy, lũ lụt, bão tố... Những việc trên đây là bổn phận và trách nhiệm của những người đang quản lý đất nước.

Vậy CS Bắc Việt đã làm gì?
Mỗi khi có thiên tai, CS Bắc Việt chỉ cần “xách bị ăn mày, xin ông đi qua, xin bà đi lại,” và chúng ta lại mở lòng cứu giúp, vì họ “dạy bảo” rằng chúng ta hôm nay là “khúc ruột ngàn dặm” của họ, mà trước kia họ lại nói rằng chúng ta chỉ là đám “ma cô, đĩ điếm, ngụy liếm gót giày đế quốc.”
Vậy quý vị làm từ thiện nghĩ sao?
Năm 2002, cá nhân chúng tôi đã cảnh báo tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở ÐBSCL, nhưng chỉ một ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CS thời bấy giờ, Phan Thúy Thanh đã kết án chúng tôi là vô cảm với 300,000 nông ngư dân. Họ phủ nhận sự thật đó vì họ sợ ảnh hưởng đến việc mới giao thương với Hoa Kỳ, và vì Việt Nam mới vừa được phép xuất cảng tôm cá vào Hoa Kỳ! Vậy CSBV có vô cảm với việc ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng tai hại đến sự sống còn của 300,000 nông ngư dân không?

Vậy quý vị làm từ thiện nghĩ sao?
Sự thực là chúng ta đang giúp Việt Nam quá nhiều, nhưng giúp nước Mỹ, nơi cưu mang chúng ta, quá ít, nhưng lại tiếp tục muốn nước Mỹ và thế giới ủng hộ công cuộc chúng ta đấu tranh giải thể CSBV!
Chúng ta nghĩ rằng đã làm đủ bổn phận “công dân Hoa Kỳ” là tuân hành luật pháp, đóng thuế, có nhiều thanh niên Việt đi lính, làm nghĩa vụ công dân... nhưng dường như chúng ta sống trên đất Mỹ như một người tình của nữ thi sĩ TTKh là “tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời.” Hầu như chúng ta hoàn toàn không lưu tâm đến những gì xảy ra cho đất nước tạm dung này (người viết muốn nói “chúng ta” là một số đông gồm cả chính bản thân người viết). Vì thế:
-Xin đừng làm những người khách trọ vô tình. Xin chia sẻ những gì xảy ra cho nước Mỹ, cho môi trường sống chung quanh mình.
-Xin được sống làm người tử tế, lương thiện, văn minh và có tấm lòng với người bản xứ cũng như với bà con cật ruột của mình.
-Xin đừng để những lời trách móc xảy ra nữa, như lời của TT Bush hay bất cứ lời của người bạn bản xứ nước mình đang cư ngụ.

3. Gửi tiền và đi về Việt Nam

image
Xin thử suy xét về hai khoản này.
a) Người Việt sống ở Hoa Kỳ vào khoảng 1.6 triệu người. Theo thống kê của World Bank, năm 2012, lượng tiền đổ về Việt Nam đạt trên 10 tỷ Mỹ kim, trong đó 7 tỷ về Sài Gòn. Cũng theo một thống kê khác, lượng tiền này đa số xuất phát từ Mỹ.
b) Về vấn đề đi về Việt Nam, ngoài một số nhỏ ngoại lệ bắt buộc phải về vì quan hôn tang tế, vì người thân bịnh tật hay mất đi. Chúng ta có thể nói rằng, trong số 400-500 ngàn người về hàng năm, tuy với nhiều mục đích khác nhau, nhưng tựu trung đa số người về là làm ăn với CS Bắc Việt, hay chỉ du lịch, mua vui, thậm chí tìm những thú vui vô đạo đức, dùng tiền để thỏa mãn “thú tính” của con người.
Tất cả những điều đó chỉ làm:
-Mất uy tín của người Việt hải ngoại, và
-Vô hình trung kéo dài sự sống “thừa thãi” của chế độ đang đi vào buổi xế chiều. (Ước tính 500 ngàn người về và tiêu xài trung bình US $5,000/người, VC sẽ có 2.5 tỷ Mỹ kim tiếp máu!).
Như vậy, chúng ta thấy việc đi về Việt nam và gửi tiền về quê hương chỉ góp một phần ít vào ngân sách VC, nhưng còn phần lớn thì chạy vào túi đảng viên các cấp của chế độ tham nhũng, bóc lột tàn bạo!
Ðối với những người đi về Việt Nam nhiều lần dưới danh nghĩa “làm ăn” hay “du hí”,... chúng ta cần phải có thái độ rõ ràng và dứt khoát với họ.
Xin đan cử quyết định của Cơ quan Bảo vệ Người Tị nạn và Vô Tổ quốc (OFPRA Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride).
Kể từ năm 1988 đến 2000, cơ quan này đã phế bỏ quyền tị nạn và quyền lợi được hưởng tiền trợ cấp xã hội, y tế và các phúc lợi khác do chính phủ cấp cho 22,417 người, vì họ đã về Việt Nam nhiều lần. Xin cảm ơn quyết định này của Cơ quan Bảo vệ Người Tị nạn và Vô Tổ quốc (OFPRA Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride).
Xin mỗi người trong chúng ta hãy lắng tâm cùng suy nghĩ, để tìm ra phương thức thích hợp đối phó với nhóm người vô ý thức này.
Chúng ta phải có hành động cụ thể nào đối với các việc làm vô ý thức của những một số người Việt ở hải ngoại này trên mảnh đất tạm dung họ không?

B. Ðối với quê hương?

image
Nhằm mục tiêu mời gọi những đóng góp cho việc định hướng và xây dựng một Việt Nam tương lai, chúng tôi (gồm cá nhân người viết và một số suy nghĩ của các thành viên Hội Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam - VAST) mạo muội trình bày một số quan điểm, trong đó những việc cần phải làm một khi đất nước trở về với dân tộc đích thực, nghĩa là thoát ách “đô hộ” của cộng sản Bắc Việt.
Chúng tôi hình dung mô hình chuyển đổi một Việt Nam tương lai ngõ hầu rút ngắn công cuộc tái thiết, ổn định và phát triển quốc gia. Muốn vậy, chúng ta phải đặt trọng tâm trong ba lãnh vực hàng đầu, đó là, giáo dục, y tế và môi trường.

1. Lãnh vực giáo dục VNCH

image
Vào năm 1958, một đại hội nghị giáo dục toàn quốc (miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào) đã nghiên cứu và chấp nhận 3 nguyên tắc căn bản định hướng cho nền giáo dục Việt Nam là nhân bản, dân tộc, khai phóng.

a. Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục nhân bản, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, lấy chính con người làm cứu cánh, và như vậy nhằm mục đích phát triển toàn diện con người;

b. Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục dân tộc, tôn trọng giá trị truyền thống, mật thiết liên quan đến những cảnh huống sinh hoạt như gia đình, nghề nghiệp, đất nước và bảo đảm hữu hiệu cho sự sinh tồn và phát triển của quốc gia;

c. Nền giáo dục việt Nam phải có tính cách khai phóng, tôn trọng tinh thần khoa học, phát huy tinh thần dân chủ xã hội, thâu thái tinh hoa các nền văn hóa thế giới.
Ðến năm 1970, thêm một nguyên tắc khác được đem vào làm chuẩn cho nền giáo dục miền Nam. Ðó là lấy sự tôn trọng tinh thần khoa học, như các quốc gia tân tiến trên thế giới, làm nền tảng cho mọi sự tiến bộ giáo dục tại Việt Nam.

Từ đó, giáo dục miền Nam đã có những bước đi vững chắc trên mền tảng của Nhân bản Dân tộc Khai phóng Khoa học. Ðây chính là kim chỉ nam làm cho nền giáo dục miền Nam liên tục tiến bộ nâng cao phẩm chất giáo dục quốc gia, và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên miền Nam trở thành những thành viên ưu tú của đất nước trong suốt thời kỳ 1958-1975.
Còn tình trạng giáo dục Bắc Việt & Việt Nam sau ngày 30 tháng 4, 1975 thì sao?
Giáo dục nông thôn trước năm 1975, trình độ trung bình của thanh niên vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long từ 14 đến 25 tuổi là lớp 7.5 theo thông kế của UNESCO. Cũng trong thời điểm này, trình độ của lớp tuổi trên ở Ðồng Bằng Sông Hồng là 5.5. Hiện tại, tình trạng đã đảo ngược, trình độ ở ÐBSCL là 5.0 và ÐBSH là 7.0.
Phải chăng đây là một chính sách san bằng và triệt hạ miền Nam? Trường học, ngoài việc thiếu thốn phòng ốc, tài liệu học tập ngoài các sách giao khoa từ chương và một chiều hoàn toàn hạn chế tinh thần suy nghĩ độc lập và sáng tạo của học sinh, thậm chí không có nơi cho học sinh tiểu tiện. Học sinh phải nín tiểu, nín tiêu... tạo thành một hiện tượng trường ốc có một không hai trên thế giới.
Về nước uống cho học sinh hầu như không được để ý đến, học sinh phải nhịn khát. Nhiều nơi được các nhà thiện nguyện ngoại quốc và người Việt tị nạn giúp đỡ các bình lọc nước... nhưng các bình lọc này chỉ hiện diện ở trường học một thời gian ngắn rồi biến mất về nhà của... cán bộ. Do đó, việc làm cấp bách cho Việt Nam tương lai là phải đặt trọng tâm vào việc kiến thiết lại hệ thống giáo dục miền ÐBSCL đồng thời với việc cải thiện hệ thống y tế công cộng của vựa lúa rất quan trọng này của cả nước.
Bây giờ nhìn vào xã hội hiện tại, chúng ta có thể hình dung một cách rõ ràng, qua báo chí CS, trên các mạng lưới, hình ảnh thày gạ dâm trò để nâng điểm cao hay cho biết đề thi, cảnh học sinh lớp 9 giở trò dâm ô với nhau trong khi cô giáo đang giảng dạy trên bảng, và hàng vạn tệ nạn khác xảy ra hàng ngày trên khắp các nẻo đường Việt Nam từ thành thị đến thôn quê.
Xã hội Việt Nam hiện nay ngày càng băng hoại và chính hình ảnh này đã và đang đánh dấu buổi hoàng hôn của chế độ CS Bắc Việt.
Do đó, một Việt Nam Dân Chủ Pháp Trị tương lai cần phải có một nền giáo dục đặt nặng vào các mục tiêu sau:

a. Giúp cho thanh niên thu thập được nền văn hóa phổ thông, đồng thời chuẩn bị cho họ bước vào các ngành chuyên môn ở bậc đại học và kỹ thuật.

b. Khuyến khích việc học ngoại ngữ, chú trọng đến việc sinh hoạt hiệu đoàn để học sinh quen sống tập thể, có tinh thần tháo vát, biết giúp ích mọi người, đồng thời rèn luyện những đức tính cần thiết cho đời sống thực tế của một công dân tương lai.

c. Ðặc biệt chú ý đến vấn đề sức khỏe của học sinh và phát động phong trào thể dục thể thao toàn quốc, nhằm thực hiện mục tiêu “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện.”

d. Và nhứt là đề cao môn đạo đức học và công dân giáo dục hầu tạo dựng một tầng lớp thanh niên ưu tú về khoa học, đạo đức, và ý thức công dân để kiến thiết quốc gia.
Nếu áp dụng Chính Sách Quốc Gia Giáo Dục miền Nam trước 1975 được sáng suốt thi hành, trên nền tảng Nhân bản Dân tộc Khai phóng Khoa học, để thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục băng hoại của chế độ hiện hành, thiết tưởng một Việt Nam trong tương lai sẽ thoát khỏi sự thụt lùi trong một vài thập niên hậu Cộng sản.
Bây giờ, hãy thử so sánh từng điểm của nền giáo dục trước năm 1975 với hiện trạng “giáo dục” ngày hôm nay, dưới chế độ CSBV, chúng ta thấy gì?

a. Nhân bản: Nhân bản thời xã hội chủ nghĩa là tự do đàn áp, tra tấn và “cướp ngày”;

b. Dân tộc: Dân tộc trong nghĩa Hán tộc đại đồng, chữ Tàu phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông;

c. Khai phóng: còn có nghĩa là khai thông biên giới và chỉ tiếp cận với một văn minh duy nhứt là văn minh của Hán tộc;

d. Và khoa học: là khai thác, tận dụng tối đa sức lao động của người dân để cung phụng cho lý tưởng “đại đồng” của chủ nghĩa, tức là toàn đảng cùng giàu cùng hưởng thụ.
Vậy chính sách giáo dục quốc gia của VNCH thời trước 1975 khác xa hoàn toàn giai đoạn giáo dục của xã hội chủ nghĩa hôm nay về căn bản và kết quả!
 
2. Lãnh vực y tế

image
Nhìn vào tình trạng y tế dưới chế độ CSVN hiện tại, chúng ta thấy gì?
CSBV đã xây dựng hàng trăm sân golf, những khu du lịch cho người ngoại quốc, còn bệnh viện vẫn là những cơ ngơi cũ của miền Nam để lại. Bệnh viện bị thoái hóa công thêm với hàng ngàn tệ nạn ăn cắp thuốc men, nạn “cò” để được chữa bịnh, nạn đút lót tiền bạc để có thuốc “ngoại” v.v... Và biết bao việc làm trái tai gai mắt của những người “lương y như từ mẫu xã hội chủ nghĩa.”

Cả một hệ thống y tế hoàn toàn không đặt căn bản vào việc bảo vệ sức khỏe của người dân ngoài mục tiêu... làm tiền. Dĩ nhiên, vẫn có những bịnh viện mới xây, tối tân dành riêng cho một thiểu số ít ỏi có thể trả y phí hàng trăm, hàng ngàn Mỹ kim một ngày, làm sao 90% dân số với mức lương dưới 100 đô la/tháng có thể được vào chữa trị?
Ðó là ở các thành thị.
Còn nông thôn thì sao?

image
Nhìn lại từ đầu, chúng ta thấy nông thôn hoàn toàn bị bỏ rơi, một trạm y tế địa phương chì là nhưng căn nhà nhỏ, không có dụng cụ tối thiểu để cứu cấp nhứt thời.

a. Vấn đề của chúng ta trong tương lai là phải thiết lập tức khắc hệ thống y tế dân dụng đi sâu vào tận thôn xóm, những vùng hẻo lánh.

b. Phải hết sức cố gắng đem lại một phúc lợi đồng đều cho mọi người dân, nhất là cho nông dân. Ðó là tầng lớp chịu thiệt thòi nhứt của dân tộc, và cũng lại là tầng lớp đã bị CSBV lợi dụng trong công cuộc đấu tranh giai cấp trong cuộc chiến Việt Nam. Họ đang bị bốc lột tàn khốc cho việc phát triển nông nghiệp làm giàu cho chế độ.

c. Cho nên, việc mang lại ý thức y tế công cộng và mở rộng chương trình cấp cứu y tế sẽ phải là ưu tiên hàng đầu một mai đất nước thoát ách thống trị của tầng lớp thái thú Tàu nhưng nói tiếng Việt.

3. Lãnh vực môi trường

image
-Sau hai kế hoạch ngũ niên thất bại, và để giải tỏa tình trạng đói nghèo, VC Bắc Việt bắt buộc phải mở cửa từ năm 1986 hầu mong thoát cảnh bế tắc trên.

-Sau gần 30 năm phát triển không kế hoạch, không ứng hợp với việc bảo vệ mội trường, có thể nói ngày hôm nay, tất cả môi trường sống của người dân Việt, từ không khí, nguồn nước và lòng đất đều bị ô nhiễm nặng đưa đến sự giảm thọ, bệnh nan y, và dẫn đến con số tử vong cao trên toàn quốc.

-Mức ô nhiễm trầm trọng đến nỗi những dòng sông khắp nơi từ Bắc chí Nam không còn khả năng tự điều tiết để thanh lọc được nữa, và dần dần biến thanh những dòng “sông đen.” Và một quốc gia như Việt Nam với vũ lượng lớn hàng năm lên đến trên dưới 2000 mm nước mưa, mà giờ đây tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

-Do đó, một việc làm khẩn thiết không kém việc tạo lập nền móng giáo dục và y tế công cộng một mai Ðất Nước thanh bình trở lại là cần phải duyệt xét toàn thể cung cách phát triển đồng hành với việc bảo vệ môi trường, thanh lọc nguồn nước sinh hoạt cho người dân, cùng quản lý và kiểm soát chặt chẽ phế thải trong các nhà máy sản xuất từ không khí, phế thải rắn, cho đến phế thải lỏng...

-Ðây là một công việc hết sức quan trọng cần phải bắt tay vào việc ngay sau khi chế độ chuyên chính vô sản chấm dứt.

image
Thời gian không cho phép chúng ta trì trệ.
Bao lâu đất nước còn trong tay CS Bắc Việt, việc phục hoạt môi trường sống cho con người ngày càng khó khăn hơn nữa.
Từ những nhận định và phân tích trên đây, hướng về Việt Nam tương lai, chúng ta có thể hình dung được một mắc xích tháo gỡ cho sự tắt nghẽn của Ðất Nước do CS Bắc Việt để lại. Ðó là Sách lược: Y tế, giáo dục, và môi trường.

Thực hiện được những điều trên theo thứ tự ưu tiên, tương lai Việt Nam chắc chắn sẽ được thâu ngắn lại, và con đường kiến quốc, tạo dựng lại một xã hội có kỷ cương, có đạo lý, và khôi phục được nền văn hóa đặc thù của tổ tiên đã bao năm gầy dựng.

Xin mời gọi quý bạn đọc tiếp những thao thức của một người con Việt.




Mai Thanh Truyết
Viết cho quê hương Việt Nam

image

Giấc mơ 40 năm chưa thành
Làm gì để hóa giải hận thù ngày 30/04?
Sau 40 năm, Việt Nam còn mấy phần cộng sản?
Bí quyết làm nhiều việc mà không tốn sức
Hòa giải, giấc mơ 40 năm của dân tộc
Mẹo phát hiện trò 'tẩy não'
Bài chửi mất Nước.. của Mẹ Việt Nam
Dưới bề mặt Trái đất: Sự sống có tồn tại nơi đây?
Con tàu Việt Nam Thương tín
Cuộc chiến tiền tệ
Rùa làm gì khi bị lật ngửa?
VNCH hay VNDCCH 'cũng đều là Việt Nam'
Sự ra đời của "plastic điện tử"
Người Việt thích nổ
Hãy để 30/4 như một ngày bình thường
Bên thắng cuộc...
Mốt nhuộm tròng mắt và xăm mình.
Mẹo đối phó tình trạng mất ngủ
Trong thế giới 'cây cao bóng cả'
Ông Trọng và những 'hố bẫy' do TC cài
Hoa Kỳ kết liễu sự mập mờ của Trung Cộng về đường ...
TRỌNG: Tặng biển đảo & quà đối lập cuội và hào hợp...
Thú sưu tầm tác phẩm khiêu dâm
Phố của thành phố
Dân cần các quan sòng phẳng
Người Việt ít tình cảm?
Xuân Lộc: Tường thuật của BBC tháng 4/1975
Sinh viên người Việt chế ra tủ lạnh khỏi xài điện,...
Nguyễn Phú Trọng đã đầu hàng Tập Cận Bình
20 bức hình về triết lý nhân sinh ở đời
Ghe Dừa
Thông minh quá cũng khổ
Người Hà Nội vùng đứng lên và quyền biểu tình
Về phim 'Đất Khổ'
Chống tay đứng dậy
Vài chuyện trời ơi của du khách Trung Cộng
Trung Cộng gấp rút xây đảo Vành Khăn
TT Obama gửi thư bé gái lớp 3
Việt Nam liệu đã có độc lập, tự do?
Nga nghĩ gì về quan hệ Việt-Mỹ-Trung?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.