Pages

Tuesday, October 30, 2018

Nhà văn Kim Dung rất gần gũi với văn hóa đại chúng

baomai.blogspot.com
Nhà văn Kim Dung rất gần gũi với văn hóa đại chúng

Kim Dung, tiểu thuyết gia kiếm hiệp rất quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả và khán thính giả Việt Nam cũng như cộng đồng Hoa ngữ trên toàn thế giới, vừa qua đời ở Hong Kong, thọ 94 tuổi, sau một thời gian dài lâm bệnh.

Tin Kim Dung từ trần đã gây xúc động trên cộng đồng mạng xã hội Việt Nam, nhiều người đã bày tỏ sự thương tiếc và ngưỡng mộ ông.

Võ hiệp kỳ tình

baomai.blogspot.com
  
Minh Báo, tờ báo Hong Kong do Kim Dung sáng lập, cho biết ông qua đời hôm thứ Ba ngày 30/10 tại Bệnh viện và Viện Điều Dưỡng Hong Kong.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời con rể của ông, Tiến sĩ Ngô Duy Xương, cho biết Kim Dung qua đời bên cạnh người thân và gia đình.

Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung (tên tiếng Anh là Louis Cha Jing-yong), sinh tại Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang, Trung cộng, vào năm 1924. Ông tốt nghiệp Trường Luật Tô Châu năm 1948.

Khi còn trẻ, ông muốn trở thành nhà ngoại giao, nhưng để có tiền ăn học ông đã bắt đầu đi làm báo và làm biên dịch cho tờ Đại Công Báo ở Thượng Hải vào năm 1947. Ông đến Hong Kong vào 1948 để làm việc cho phòng đại diện của tờ báo này.

Khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Trung cộng vào năm 1949, cánh cửa đến với ngành ngoại giao đối với ông cũng bị đóng lại.

baomai.blogspot.com
  
Năm 1955, sau khi rời Đại Công Báo, ông đã bắt đầu viết tiểu thuyết võ hiệp với nội dung thấm đẫm văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa với ba cột trụ: Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo.

Ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên ‘Thư Kiếm Ân Cừu Lục’ vào năm 1955 với bút danh Kim Dung và tác phẩm ngay lập tức trở nên rất ăn khách. Nối tiếp đà thành công, ông viết thêm 14 cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nữa cũng lấy bút danh Kim Dung. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng mà ông viết là Lộc Đỉnh Ký vào năm 1972.

baomai.blogspot.com
  
“Võ thuật đối với tôi chỉ là công cụ, là vỏ bọc bên ngoài. Nó được sử dụng như là cách để diễn đạt những tư tưởng nghệ thuật,” Kim Dung từng bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1994.

Những tư tưởng nghệ thuật đó, ông cho biết, là tự do và chống phong kiến.

Sau thành công vang dội của những cuốn tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên, vào năm 1957, ông sáng lập tờ Minh Báo lúc đầu chỉ có bốn người nhưng giờ đây đã trở thành nhật báo Hoa ngữ hàng đầu. Lúc đầu, công chúng đến với tờ báo này chỉ vì nó có đăng thường kỳ truyện của Kim Dung.

Vào năm 1966, khi cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản được Mao Trạch Đông phát động ở Trung cộng đại lục, Kim Dung đã viết một loạt những bài xã luận lên án rằng Cách mạng Văn hóa ‘sẽ hủy diệt văn hóa và truyền thống Trung Hoa’.

Các tác phẩm và thế giới các anh hùng võ hiệp của ông lần đầu tiên đến được với công chúng nói tiếng Anh vào năm 1994. Lúc đó, ông thừa nhận rằng độc giả phương Tây khó mà lĩnh hội được nội dung các câu chuyện của ông.

“Độc giả cần học hỏi về tư duy Trung Hoa mới có thể hiểu được,” ông nói và gọi những tác phẩm của ông là ‘mang tính truyền thống Trung Hoa cả về chủ đề, đạo đức và triết lý’.

Ông được nhìn nhận là nhà văn nổi tiếng nhất Hong Kong và là một trong những nhà văn Hoa ngữ có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong thế kỷ 20.

baomai.blogspot.com  

Tờ SCMP đánh giá Kim Dung là một nhà báo, nhà lãnh đạo cộng đồng được tôn kính và trên hết là một tiểu thuyết gia được ca ngợi. Thể loại tiểu thuyết võ hiệp (wuxia) của ông vốn kể về các câu chuyện hành hiệp trượng nghĩa của các cao thủ võ lâm ở Trung cộng thời xưa đã khiến cho ông trở thành một tên tuổi thân thuộc với nhiều hộ gia đình người Hoa không chỉ ở chính quốc mà còn trên thế giới.

Các tác phẩm của ông, với trên 100 triệu bản đã được bán ra toàn cầu và vô số bộ phim và trò chơi điện tử được chuyển thể, vượt qua các ranh giới chính trị, địa lý và ý thức hệ, theo SCMP.

baomai.blogspot.com

Ông là giáo sư danh dự của nhiều đại học lớn ở Trung cộng như Bắc Kinh, Chiết Giang, Hong Kong và là tiến sĩ danh dự của Đại học Cambridge, Anh quốc.

Các tác phẩm của ông là bệ phóng cho nhiều tài tử nổi tiếng của Hong Kong và Trung cộng như Lưu Đức Hòa, Lương Triều Vỹ, Lý Liên Kiệt, Lý Á Bằng, Châu Tấn, Cổ Thiên Lạc, Lưu Diệc Phi...

Nghiện Kim Dung

baomai.blogspot.com  
Kim Dung là nhà văn Hoa ngữ được công chúng Việt Nam biết đến nhiều nhất và mến mộ nhiều nhất, kể cả thế hệ trước và sau năm 1975.

Có thể nói, cùng với nữ văn sĩ Đài Loan Quỳnh Dao

Ông lần lượt xuất bản 15 tiểu thuyết võ hiệp, mà người Việt Nam gọi dân dã là ‘truyện kiếm hiệp’, theo trình tự thời gian lần lượt là: Thư Kiếm Ân Cừu Lục, Bích Huyết Kiếm, Xạ Điêu Anh Hùng Truyện, Thần Điêu Hiệp Lữ, Tuyết Sơn Phi Hồ, Phi Hồ Ngoại Truyện, Bạch Mã Khiếu Tây Phong, Uyên Ương Đao, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Liên Thành Quyết, Thiên Long Bát Bộ, Hiệp Khách Hành, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Việt Nữ Kiếm và Lộc Đỉnh Ký.

baomai.blogspot.com
  
Các tác phẩm của ông được nhiều thế hệ độc giả người Việt say mê đọc đến nỗi có người bị ‘nghiện Kim Dung’.

Ở Sài Gòn trước năm 1975, nhiều tờ nhật báo sống được và bán đắt như tôm tươi là nhờ đăng truyện của Kim Dung. Các chuyến bay từ Hong Kong về Sài Gòn khi đó đều có đem theo số Minh Báo mới nhất có đăng truyện Kim Dung. Có giai thoại kể rằng, ông Hàn Giang Nhạn, dịch giả chuyển ngữ tác phẩm Kim Dung nổi tiếng nhất ở miền Nam, vào mỗi buổi sáng, đều có người của các tòa báo kéo đến đông chật, chờ ông dịch xong truyện Kim Dung để đem về tòa soạn.

Các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng văn hóa đại chúng ở miền Nam trước 1975 đến nỗi chúng đã được chuyển thể thành những vở cải lương, những bài ca cổ, thể loại sân khấu được ưa chuộng nhất thời bấy giờ. Theo trào lưu đó, các soạn giả tên tuổi như Hà Triều, Hoa Phượng, Yên Ba, Nguyên Thảo, Yên Lang cũng viết một loạt tuồng cải lương kiếm hiệp lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Kim Dung.

baomai.blogspot.com
  
Năm 1964, nam nghệ sĩ Thanh Sang đã đạt giải Thanh Tâm với vai Tạ Tốn trong vở Cô Gái Đồ Long được chuyển thể từ Ỷ Thiên Đồ Long Ký.

Sau năm 1975, một thời các tác phẩm của Kim Dung bị cấm vì bị cho là ‘văn hóa rẻ tiền’ hay ‘đồi trụy phản động’ nhưng vẫn được nhiều người lén lút đọc. Nhưng đến thập niên 1990, với chủ trương cởi trói cho văn học nghệ thuật thì các tác phẩm Kim Dung mới được cho phép trở lại và được các nhà xuất bản tại Việt Nam công khai xuất bản.

baomai.blogspot.com

Không chỉ sống trong tiểu thuyết, các nhân vật của ông còn bước ra màn ảnh và tạo nên sức hút không kém gì các tiểu thuyết. Các tác phẩm Thiên Long Bát Bộ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Anh Hùng Xạ Điêu, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Thần Điêu Đại Hiệp được các nhà làm phim Hong Kong, Trung cộng, Đài Loan, Singapore làm đi làm lại, có tác phẩm được làm phim cả chục lần.

Những bộ phim kiếm hiệp này một thời là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Nam và người Việt ở hải ngoại vào những năm 1980, 1990 và vẫn tiếp tục chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ của nhiều kênh truyền hình ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Các tiểu thuyết Kim Dung có ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa đại chúng của Việt Nam và đã hòa quyện vào đời sống hàng ngày dân Việt.

baomai.blogspot.com
  
Những nhân vật trong truyện của ông, mỗi người một vẻ, đều đã trở thành những nhân vật quen thuộc của người Việt: Kiều Phong hiên ngang khẳng khái, Quách Tĩnh thật thà nhân hậu, Trương Vô Kỵ ngay thẳng quân tử, Hồng Thất Công hào hiệp trượng nghĩa, Lệnh Hồ Xung tiêu dao hào sảng, Dương Hoa tinh quái trí trá, Vi Tiểu Bảo khôn ngoan mưu trí, Nhạc Bất Quần giả nhân giả nghĩa…

Người Việt cũng trở nên quen thuộc với các địa danh được mô tả trong truyện của ông như Nhạn Môn Quan, Tuyệt Tình Cốc, Đào Hoa Đảo, Quang Minh Đỉnh, Thiếu Lâm Tự, Đại Lý, Thành Tương Dương, Hoa Sơn, Hắc Mộc Nhai…

baomai.blogspot.com
  
Nhiều ngôn ngữ trong truyện của Kim Dung đã đi vào lời ăn tiếng nói của người Việt: đại hiệp, cao thủ, giang hồ, minh chủ, võ lâm, cao thủ, tẩu hỏa nhập ma, ma giáo, bàng mô tả đạo, cái bang, tiền bối, bí kíp, hào kiệt, hảo hán, võ nghệ cao cường, thân thủ, công lực, khinh công, ám khí, hạ độc thủ, chiêu thức, độc cô cầu bại, cái thế, nha đầu, tiểu nhị, tại hạ, các hạ…

Các tác phẩm của ông được đánh giá là ‘từ điển’ về văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán của Trung cộng – trải rộng trên các lĩnh vực võ thuật, địa lý, triết học, tư tưởng, tôn giáo, y học, trà đạo, âm nhạc, châm cứu, thư họa…

Lồng trong các câu chuyện về võ thuật trong các tác phẩm này là những triết lý nhân sinh quan, về đạo đức, về cách đối nhân xử thế và đạo nghĩa ở đời.

baomai.blogspot.com

Nhiều câu nói của các nhân vật trong truyện của ông đã trở thành những câu cửa miệng của người Việt, chẳng hạn như: ‘Quân tử báo thù, 10 năm chưa muộn’; ‘Buông hạ đồ đao, lập địa thành Phật’; ‘Biển cả mênh mông, quay đầu là bờ’; ‘Giang hồ hiểm ác, lòng người khó lường’; ‘Ân đoạn nghĩa tuyệt’; ‘Oan oan tương báo, bao giờ mới dứt’; ‘Ma cao một thước, Đạo cao một trượng’; ‘Có mắt không nhìn thấy Thái Sơn’; ‘Tứ hải giai huynh đệ’; ‘Hỏi thế gian tình là chi?’…

Trên Facebook, một người có tên Nguyễn Thiện viết: “Nhớ hồi nhỏ, tôi đang ngồi đọc truyện ở nhà dưới thì ba tôi gọi bảo lấy cái kềm đem lên cho ông. Tôi đứng dậy, mắt không rời sách, chân bước đến chỗ để kềm. Rồi một tay cầm kềm, tay kia cầm truyện, mắt vẫn dán vào truyện, chân bước lên nhà trên đưa kềm cho ba! Không rớt chữ nào! Truyện đó chính là tiểu thuyết của Kim Dung! Và hơn 40 năm sau, tôi vẫn mê Kim Dung.”

baomai.blogspot.com
  
Một người khác là Tô Phạm An Nhiên bày tỏ: “Hồi đó đọc một mạch series từ Anh Hùng Xạ Điêu - Thần Điêu Đại Hiệp - Ỷ Thiên Đồ Long Ký, xong suốt ngày lấy mấy cái mền làm áo choàng, mang thêm thanh kiếm gỗ ông đóng cho ra đường hành hiệp… Sau này, mình đi làm, ngay công ty đầu tiên gặp sếp kéo lại hỏi: "Anh đố chú cha của Quách Tĩnh tên gì?". Thế là biết mấy anh em trong công ty ai cũng từng đọc Kim Dung… Cảm ơn Kim Dung vì một tuổi thơ đầy tưởng tượng và lắm kỉ niệm đẹp.”

Người Hong Kong khổng lồ

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đặc khu trưởng Hong Kong, đang công du Nhật Bản đã ra thông cáo bày tỏ ‘sự đau buồn sâu sắc’ trước sự ra đi của Kim Dung.

“Ông ấy sáng lập tờ Minh Báo khi còn trẻ và cũng viết những bài xã luận với những bình luận mang tính xây dựng cho xã hội, do đó mà giành được sự kính trọng,” thông cáo của bà Lâm viết.

baomai.blogspot.com
  
Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và là đồng hương Chiết Giang với Kim Dung, là một trong những người đầu tiên phản ứng trước sự ra đi của nhà văn mà ông ngưỡng mộ.

“Đó là mất mát lớn lao đối với người Trung cộng trên thế giới và đặc biệt đau buồn đối với chúng tôi ở Alibaba do chúng tôi đã áp dụng những gì ông viết như là một phần của văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi,” ông Ma nói.

“Tinh thần võ hiệp mà Tra tiên sinh thúc đẩy đã trở thành giá trị cốt lõi của Alibaba,” ông Ma, người đã gặp Kim Dung ở Hàng Châu vào năm 2000 và trở thành bạn thân từ đó, nói. “Từ lâu tôi đã ngưỡng mộ Tra tiên sinh và ông ấy đã là nguồn cảm hứng đối với tôi. Ông ấy sẽ luôn trong trái tim tôi.”

baomai.blogspot.com
  
Oliver Chou, cây bút bình luận văn hóa của SCMP gọi Kim Dung là ‘người khổng lồ’ của văn hóa Hong Kong, tương đương với William Shakespeare đối với Anh quốc.

“Không có tác giả Hoa ngữ nào có thể làm say mê các độc giả người Hoa như vậy bất chấp phương ngữ và quan điểm chính trị,” Chou viết và cho biết có giai thoại rằng ông Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo thời cải cách của Trung cộng, đã từng gửi đặc vụ đến Hong Kong để mua các bộ tiểu thuyết của Kim Dung vào đầu những năm 1980.

Kim Dung sau đó cũng được gặp Đặng Tiểu Bình vào năm 1981. Khi đó, ông Đặng đã nói với Kim Dung: “Chúng ta đã là bạn rồi. Tôi đã đọc tiểu thuyết của ông.”

baomai.blogspot.com
  
Nam tài tử Trịnh Thiếu Thu, người từng đóng các vai chính trong các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung, được SCMP dẫn lời nói: “Quý vị có thể gọi những tiểu thuyết đó là giả tưởng lịch sử, nhưng chúng còn hơn thế. Anh sẽ đắm chìm trong những trang viết của ông đến nỗi anh sẽ tin rằng những chuyện hành hiệp giang hồ như thế thật sự đã xảy ra.” 

baomai.blogspot.com

Trump muốn bỏ quyền ‘trẻ sinh ở Mỹ thì có quốc tịch’
Opossum con vật săn bọ chét
Tác giả kiếm hiệp Kim Dung qua đời ở tuổi 94
Bầu cử Hoa Kỳ _ Bầu cho ai?
Ngày Nấm 12 tuổi
Đảng Dân Chủ đã thay đổi lý tưởng?
Khi nữ nhân ăn phở
Công chúa Nhật kết hôn với thường dân
Máy bay tàng hình của Hoa Kỳ
Bạn có vấn đề về uống nước không?
Lộn xộn thực sự có thể dẫn đến lo âu
Đoàn lữ hành di dân
Lời nói thật của một bác sĩ
Vì sao toàn Thế Giới ủng hộ Mỹ tấn công Trung cộng
Nhiều công ty Mỹ ở Trung cộng tìm đường lánh nạn thương chiến
Boeing 747 _ Từ nhu cầu quân sự đến phi cơ dân dụng
Căng thẳng có thể tốt cho bạn - thực sự có đúng không!
5.000 lính Mỹ điều động đến biên giới Mexico
Đòn kết hợp xẻ thịt Trung cộng
Phật ở quán cà phê

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.