Pages

Wednesday, January 1, 2020

Nhìn thế giới năm 2020 qua 3 lãnh vực Chính trị, Kinh tế và Khí hậu

BM

1_ Tình hình địa chính trị năm 2020

Nhìn lại tình hình thế giới trong năm qua, giới chuyên gia địa chính trị không mấy lạc quan cho rằng viễn cảnh địa chính trị năm 2020 chẳng khác gì như mấy “quả lựu đạn đã rút chốt”.

BM
  
Nhật báo kinh tế Les Echos số ra cuối tuần 11/10/2019 khẳng định “khó có thể hình dung được một quang cảnh quốc tế lắng dịu hơn trong những tháng sắp tới”. Những ổ xung đột liên tiếp nổ ra, trong các định chế, ở ngoài biên giới và sắp tới đây có thể cả trên thị trường tài chính.

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung cộng – về thuế quan và công nghệ - có thể chạm đến những đỉnh điểm mới. Thế giới sẽ tái tổ chức ra sao xung quanh hai người khổng lồ của hành tinh? Nhưng có một điều chắc chắn là khi chứng kiến những gì diễn ra trong năm qua, từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cách đối xử của Hoa Kỳ đối với các đồng minh, và nhất là thái độ quay ngoắt của Mỹ với người Kurdistan tại Syria, “sẽ không còn ai tin tưởng vào Hoa Kỳ nữa” như lưu ý của ông Thierry de Montbrial, sáng lập viên “World Policy Conference” với nhật báo kinh tế. Trong bối cảnh này, Les Echos đưa ra những dự phóng về tình hình chính trị tại một số quốc gia trong năm 2020. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu tóm lược. 

Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ: Những thách thức nội bộ là ưu tiên

BM
  
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 sẽ là tâm điểm thời sự. Joe Biden, Donald Trump hay một người nào khác sẽ đọc diễn văn nhậm chức tại Capitol vào tháng Giêng năm 2021? Không ai đoán được. Bởi vì, chính trị là một ngành khoa học còn khó dự báo hơn là kinh tế. Cuộc bầu cử năm 2016 vẫn còn là một bài học đáng ghi nhớ. Việc ông Donald Trump đắc cử đã đi ngược với mọi dự đoán.

Dù vậy, theo Les Echos, điều có thể tiên đoán được là chương trình vận động của mỗi bên. Donald Trump, dù đang phải đối mặt với thủ tục luận tội và phế truất, vẫn sẽ ra tái tranh cử nhiệm kỳ hai. Vốn ít thiên về đối đầu quân sự với các nước thù nghịch và cũng không hào hứng với chủ nghĩa đa phương, Donald Trump sẽ phải tập trung vào tình hình chính trị trong nước, trong những tháng sắp tới.

BM
  
Phe Dân Chủ không khá gì hơn, bị chia rẽ giữa một bên là sự trung thành với di sản Barack Obama (mà Joe Biden, Pete Buttingieg hay Kamala Harris là những đại diện) với bên kia là xu hướng cải cách, đi đầu là Bernie Sanders và ngôi sao đang lên Elizabeth Warren.

Trong cuộc đua này, các chỉ số về kinh tế (tỷ lệ tăng trưởng là 2% trong quý II/2019) và thất nghiệp (3,5%, mức thấp nhất trong lịch sử) sẽ là một trong những yếu tố quyết định quan trọng. Tuy nhiên, mức tăng thu nhập và giảm tỷ lệ nghèo không ngăn cản được đà tăng bất bình đẳng. Nhiều dấu hiệu trì trệ cũng đang hiện rõ vì các nhà đầu tư và doanh nghiệp lo ngại về những hệ quả cuộc thương chiến do Donald Trump khởi xướng chống lại Trung cộng.

Chống Bắc Kinh: Hồng Kông dùng bạo lực, Đài Loan qua lá phiếu

BM
  
Tại châu Á, Hồng Kông soán ngôi của Bắc Triều Tiên trở thành tâm điểm thời sự chính. Les Echos đặt câu hỏi: “Hồng Kông có thể thách thức chính quyền trung ương Bắc Kinh cho đến lúc nào?” 

Ngọn lửa âm ỉ dưới đống tro từ bao lâu nay, ít nhất là từ năm năm qua, kể từ khi nổ ra phong trào Dù Vàng năm 2014. Bắc Kinh lâu nay “bịt tai” trước những phong trào đòi dân chủ, không ngừng lớn mạnh, để rồi giờ đây bị dồn vào chân tường, đối mặt với làn sóng bạo động chưa từng có. 

Tuy quen tay trấn áp các phong trào phản đối của người dân, nhưng nay Bắc Kinh tìm cách tránh dùng “vũ lực” với người biểu tình Hồng Kông. Bởi vì, một cuộc trấn áp sẽ làm xấu đi mãi mãi hình ảnh của Trung cộng.

BM
  
Thông điệp của giới trẻ Hồng Kông đưa ra rất rõ ràng: Từ chối sự kiểm soát của Trung cộng trên vùng lãnh thổ nhỏ bé, từng là thuộc địa của Anh Quốc đến tận năm 1997. Phong trào phản kháng này đã tìm được một tiếng vang tại Đài Loan, vốn dĩ có cùng một vấn đề nhạy cảm. Dù chưa hẳn nằm trong vòng kềm tỏa của Trung cộng, nhưng người dân và vị nữ tổng thống đảo Đài Loan đang mơ ước đến một nền độc lập. 

Thế nhưng, đối với chế độ Cộng Sản, Hồng Kông cũng như Đài Loan đều là một phần của Trung cộng. Vậy nên, không có chuyện đàm phán. Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sẽ diễn ra vào tháng Giêng 2020 và bà Thái Anh Văn rất có thể tái đắc cử. 

BM
  
Do đó, một mặt, Bắc Kinh sẽ lại cho người chen chân vào các chiến dịch tranh cử, phát tán tin giả trên các trang mạng xã hội giống như kỳ bầu cử địa phương, và đưa ra nhiều thông điệp tuyên truyền. Mặt khác, Trung cộng hạn chế tầm ảnh hưởng của Đài Loan trên trường quốc tế một cách bài bản, qua việc tước đoạt của hòn đảo này các ủng hộ ngoại giao và không cho Đài Bắc tham gia vào các định chế quốc tế. 

BM

Thế nhưng, thời thế đã thay đổi. Cái thời dễ dàng hăm dọa Hồng Kông và Đài Loan đã qua. Những làn sóng phản kháng cho dù có bị nhấn chìm một lần nữa rồi cũng sẽ trồi lên ở chỗ khác. Bắc Kinh càng chờ đợi, thì cái giá phải trả để tìm kiếm một cơ sở đối thoại sẽ càng đắt. 

Liên Hiệp Châu Âu: Dàn lãnh đạo mới, những thách thức mới

BM
  
Nhìn sang châu Âu, năm 2020 báo hiệu nhiều sóng gió cho Liên Hiệp Châu Âu. Ủy Ban Châu Âu mới do cựu bộ trưởng Quốc Phòng Đức, bà Ursula von der Leyen lãnh đạo, sẽ phải đối mặt với nhiều hồ sơ lớn với những mục tiêu đầy tham vọng: Khí hậu, Kỷ nguyên kỹ thuật số và Duy trì một mô hình công nghiệp tại châu Âu. 

Tuy nhiên, vừa mới thành lập, đối đầu đã nổ ra giữa các nhóm chính đảng tại Nghị Viện. Việc các nghị sĩ châu Âu không chấp nhận ứng viên Sylvie Goulard của Pháp đảm trách vị trí ủy viên châu Âu phụ trách Thị trường Nội địa báo trước một thời kỳ mới trong hoạt động của Nghị Viện Châu Âu và mối quan hệ của định chế này với Ủy Ban Châu Âu.

Bộ đôi truyền thống giữa nhóm đảng bảo thủ và nhóm đảng cánh tả xã hội dân chủ, vốn hoạt động nhịp nhàng để cùng tồn tại, thì nay được thay bằng một sự cạnh tranh giữa 4 nhóm đảng, có nguy cơ dẫn đến những cuộc đối đầu dữ dội. 

Trong các lần biểu quyết, các liên minh để có được đa số sẽ biến chuyển liên tục và khó đạt được hơn, vào lúc châu Âu sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khẩn cấp nhất trong lịch sử của khối. 

Sau Brexit: Vương Quốc Anh cần một bình dưỡng khí 

BM
  
Vương Quốc Anh sẽ làm gì một khi rời Liên Hiệp Châu Âu? Tại Luân Đôn, một số người lạc quan cho rằng việc đầu tiên là phải tìm kiếm các thỏa thuận thương mại với các nước khác, đứng đầu là Hoa Kỳ. Đơn độc, tiếng nói của Anh Quốc sẽ có ít trọng lượng trong các cuộc đàm phán nhưng trong nhãn quan những người này, nước Anh sẽ được linh hoạt hơn. Một số người khác thì nghĩ đến việc biến Vương Quốc Anh thành một “Singapore tại châu Âu”, với những chính sách thuế khóa ưu đãi hơn và những quy định mềm dẻo hơn để thu hút đầu tư. 

Thế nhưng, hành trình để đạt được những mục tiêu đó cũng lắm chông gai. Các cuộc đàm phán dài hơi với Bruxelles để có được một cuộc Brexit thật sự có nguy cơ để lại nhiều chấn thương. Trước hết là ở ngay trong nước. Brexit là một thử thách đau đớn làm cho đất nước cũng như hai chính đảng lớn bị chia rẽ.

BM
  
Tiếp đến là trong quan hệ với các đối tác lớn. Cuộc thương thuyết đầy khó khăn trong hồ sơ Brexit càng làm gia tăng mối ngờ vực giữa Luân Đôn và Bruxelles. Mối “quan hệ đặc biệt” với Mỹ đang nuôi dưỡng nhiều hy vọng, nhưng nước Anh có nguy cơ đối mặt với thực tế phũ phàng khi các cuộc thương lượng song phương đi vào những chủ đề chính. 

Chủ nhân Nhà Trắng đầu tháng Sáu năm 2019 từng bắn tweet rằng “có thể có một thỏa thuận thương mại sau khi Vương Quốc Anh được tháo xích. Chúng ta có thể làm được gấp hai hay gấp ba lần như hiện nay”. Tuy nhiên, một số nhà quan sát nghi ngờ về khả năng hai nước gia tăng các trao đổi thương mại đến mức này. Tầm mức của thỏa thuận với Mỹ phần lớn lệ thuộc vào mối quan hệ mà Anh Quốc sẽ duy trì với 27 nước còn lại. (Nguồn : RFI tiếng Việt) 

2_ Triển vọng kinh tế thế giới năm  2020 

BM

Báo cáo tháng 11/2019 của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy nền kinh tế thế giới đã suy yếu trong năm qua. 

Những yếu tố bất ổn bao vây kinh tế thế giới 

Mặc dù Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019, do xu hướng bất ngờ tăng giá ở một số nền kinh tế tiên tiến và hoạt động mạnh mẽ trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), song sự phục hồi khiêm tốn này chỉ diễn ra trong ngắn hạn. 

Việc tái diễn căng thẳng kinh tế giữa Mỹ và Trung cộng vào mùa Hè đã làm giảm niềm tin kinh doanh vốn mong manh, làm tổn hại đến triển vọng đầu tư, sản xuất và hoạt động thương mại toàn cầu. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở các khu vực Trung Đông và châu Á, sự bất ổn chính sách gia tăng ở châu Âu và Mỹ, cùng tình hình tài chính ở Argentina đã làm tăng thêm sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, tăng trưởng toàn cầu cũng bị kéo xuống bởi đà suy giảm liên tục ở một số nền kinh tế tiên tiến như Trung cộng và các thị trường mới nổi. 

Tăng trưởng GDP toàn cầu (không kể Liên minh châu Âu) dự báo sẽ giảm mạnh từ mức 3,8% trong năm 2018 xuống còn 3,2% vào năm 2019 và tăng nhẹ ở các năm sau đó. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) được dự báo sẽ giảm từ 1,9% trong năm 2018 xuống còn 1,1% trong năm 2019 và ổn định ở mức 1,2% trong hai năm tới 2020 và 2021

BM
  
Các gói kích thích chính sách được triển khai ở một số nền kinh tế lớn cho đến nay đã ngăn chặn sự sụt giảm mạnh hơn trong tăng trưởng GDP và hạn chế mức suy giảm sâu toàn cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiệu quả của kích thích kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện tại là không chắc chắn. Sự gia tăng căng thẳng kéo dài và sự không chắc chắn về các chính sách thương mại dường như đã gây thiệt hại kéo dài cho thương mại thế giới, giữa bối cảnh các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư và có thể xem xét lại hoàn toàn các thỏa thuận nguồn cung ứng cũng như các chuỗi giá trị toàn cầu liên quan trong bối cảnh hợp tác đa phương suy yếu. 

Hệ quả là nhu cầu về hàng hóa đầu tư, phát triển mạnh hội nhập thương mại đã giảm xuống. Sự giảm tốc hiện tại ở Mỹ phần lớn do sự trưởng thành của chu kỳ kinh tế. Ngược lại, do bị kìm hãm bởi tình trạng già hóa dân số, số nợ cao và tái cân bằng đầu tư quá mức, nền kinh tế Trung cộng được thiết lập cho sự thay đổi cơ cấu dẫn đến tăng trưởng thấp hơn. Các nền kinh tế thị trường mới nổi gần đây cảm nhận rằng giữa những căng thẳng thương mại, các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và giá cả hàng hóa thấp, dường như không thể dẫn đến sự phục hồi nhanh chóng. 

Mức tăng nhập khẩu thế giới (không kể Liên minh châu Âu) dự kiến chậm lại từ 4,1% trong năm 2018 xuống còn 0,4% trong năm 2019, trước khi lên mức 2,1% vào năm 2020 và 2,5% vào năm 2021. Cùng với sự không chắc chắn của chính sách thương mại, tăng trưởng thương mại toàn cầu suy yếu đáng kể trong nửa đầu năm 2019 mà chưa có dấu hiệu phục hồi. 

Trong hai năm tiếp theo, những yếu tố như sự không chắc chắn gia tăng xung quanh chính sách thương mại của Mỹ, lo ngại về khả năng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ duy trì hệ thống thương mại đa phương và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đều được đưa ra khi cân nhắc, đánh giá về tình hình tăng trưởng toàn cầu. Khi những nhân tố nêu trên kết hợp với các nhân tố như sự già hóa dân số và xu hướng năng suất thấp, kinh tế Trung cộng giảm tốc, xu hướng bảo hộ và tác động của biến đổi khí hậu, thì kinh tế toàn cầu (không tính EU) nhìn chung dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 3,3% và 3,4% vào năm 2020 và 2021, chỉ mạnh hơn đôi chút so với hồi năm 2019. 

3_ Tình hình biến đổi khí hậu thế giới 

BM
  
Tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một nghiêm trọng trên Trái đất. Theo ông Philip Alston - Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, biến đổi khí hậu đang đe doạ 50 năm nỗ lực xoá đói giảm nghèo và phát triển toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị Khí hậu Abu Dhabi hồi tháng 6 vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo: "Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp đặc biệt về khí hậu" và "biến đổi khí hậu mang tính hủy diệt đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh... nhanh hơn các dự đoán của các chuyên gia giỏi nhất thế giới".

Ông nhấn mạnh, mỗi tuần, thế giới phải chứng kiến những đợt thiên tai có mức độ tàn phá nghiêm trọng mới liên quan đến khí hậu như lũ lụt, hạn hạn, gió nóng, cháy rừng và siêu bão. Sự hủy diệt đó vượt qua mọi nỗ lực ứng phó của các nước hiện nay.

BM
  
Một cơn bão sấm siêu mạnh (Supercell Thunderstroms) có khả năng tạo ra lốc xoáy, bởi vậy nó còn được mệnh danh là “mẹ của vòi rồng” nguy hiểm nhất.

Sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang hàng ngày gây ra sự nóng lên của Trái Đất, kéo theo đó là vô số hệ lụy như băng tan, nước biển dâng cao, nắng nóng... Dưới đây là những hệ lụy mà biến đổi khí hậu đã gây ra trên toàn thế giới.

Nước biển dâng cao

BM
  
Chỉ trong thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp 3 lần so với thế kỷ trước.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20cm kể từ năm 1900. Cho đến gần đây, mực nước biển gia tăng là do thể tích nước tăng lên vì nền nhiệt cao hơn.

3 Thung lũng Silicon (Mỹ) có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm. Nguồn: The Social Investment Consultancy

BM
  
Các nhà khoa học cho rằng mực nước tại các đại dương sẽ dâng cao bao nhiêu vào năm 2100, chủ yếu sẽ phụ thuộc vào nhiệt độ Trái Đất sẽ gia tăng thế nào.

Ngày nay, hiện tượng các sông băng bị tan chảy, đặc biệt các tảng băng ở đỉnh Greenland ở Bắc Đại Tây Dương và Nam Cực tan chảy đã trở thành nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng nhanh.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phải cảnh báo về hiện tượng nước biển dâng hoặc người dân phải tản cư vì nước biển nhấn chìm các khu vực ven biển.

Thời tiết cực đoan

BM

Trên toàn thế giới, biến đổi khí hậu đang biến những mùa hè rực rỡ thành ác mộng về nhiệt độ, gây hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

BM
Bão lũ hoành hành gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người.

Ảnh hưởng của cơn ác mộng này có thể thấy rõ ở từng cá nhân: mất nước, mệt mỏi, sốc nhiệt, thậm chí mất mạng. Đối với kinh tế, nắng nóng đi kèm với hạn hán cũng đang trở thành “kẻ thù” của ngành nông nghiệp. Ngành vận tải đường thủy tại nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề do các dòng sông cạn nước. Chất lượng của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường sá cũng đang chịu tác động lớn từ nhiệt độ cao.

Và những hệ quả này cũng mới chỉ là những phần nổi của tảng băng. Xa hơn nữa, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng đến sự sống còn của toàn nhân loại.

Hệ sinh thái bị phá hủy

Biến đổi khí hậu và lượng CO2 ngày càng tăng đang “thử thách” hệ sinh thái của chúng ta. Các vấn đề như không khí bị ô nhiễm, thiếu nước ngọt, nhiên liệu bị khan hiếm… không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn liên quan đến vấn đề sinh tồn.

BM
Biến đổi khí hậu sẽ làm biến dạng nhiều hệ sinh thái toàn cầu

San hô bị tẩy trắng do nước biển ấm chỉ là một trong những hậu quả mà biến đổi khí hậu đem đến cho hệ sinh thái. Những thay đổi triệt để hơn có thể kể đến như hiện tượng sa mạc hoá.

Chiến tranh, xung đột

Dân số tăng trong khi nước ngọt và lương thực ngày càng khan hiếm, đất đai thì dần dần biến mất. Điều này dẫn đến các nước và vùng lãnh thổ xảy ra xung đột và chiến tranh.

BM
Hàng tỉ người dân sống trong cảnh thiếu nước sạch trên thế giới.

Cuộc xung đột Darfur là một xung đột điển hình do biến đổi khí hậu gây ra. Cuộc xung đột xảy ra do hạn hán kéo dài tại nơi đây. Suốt 20 năm, vùng này chỉ mưa rất nhỏ, thậm chí có năm còn không mưa. Điều này khiến nhiệt độ của vùng tăng cao và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.
Cũng theo các chuyên gia, việc thường xuyên khan hiếm nước và mùa màng thất bát khiến các quốc gia đó bất ổn về an ninh.

Ảnh hưởng kinh tế - xã hội

Những cơn bão lớn hình thành do biến đổi khí hậu khiến mùa màng thất bát, dịch bệnh hoành hành. Các quốc gia phải chi hàng tỉ đô la để cứu tế. Vì vậy, khí hậu càng khắc nghiệt, kinh tế càng thâm hụt.

BM

Tổn thất về kinh tế còn ảnh hưởng đến đời sống. Theo đó, người dân phải mua thực phẩm với giá đắt. Giá nhiên liệu thì leo thang. Lợi nhuận từ ngành công nghiệp và du lịch giảm sút. Nhu cầu cấp thiết sử dụng thực phẩm sạch và nước sạch sau mỗi cơn bão lũ…

Tổ chức WHO cũng từng thông báo rằng nhiều dịch bệnh đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Những vùng khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện những loại bệnh chỉ xuất hiện ở vùng nhiệt đới.

Cũng theo khảo sát, trung bình có khoảng 150 nghìn người chết do biến đổi khí hậu gây ra. Các bệnh có thể kể đến như bệnh về hô hấp, tiêu chảy, tim tái phát do nhiệt độ quá cao… 



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.