Pages

Tuesday, January 17, 2023

Cây dâu tằm: Lá hỗ trợ giấc ngủ, trái giúp hạ đường huyết

 BM

Cây dâu tằm đã có lịch sử từ 3,000 năm nay, lá có thể nuôi tằm, vỏ cây có thể làm giấy, trái có thể làm thức ăn, lá, cành, trái, vỏ, rễ đều có thể dùng làm thuốc. Như vậy, toàn thân cây dâu tằm đều rất quý.

 

Lá dâu non là thức ăn của tằm, lá dâu già làm thuốc, thường được thu hái vào mùa đông nên còn được gọi là “đông tang diệp, sương tang diệp” (lá dâu đông, lá dâu sương). Lá dâu tằm chất nhẹ, vị đắng ngọt, tính hàn, thuộc về Phế kinh và Can kinh, có tác dụng tán phong nhiệt, thanh phế nhuận táo, thanh lọc gan, sáng mắt; Thường dùng chữa các chứng bệnh cảm mạo phong nhiệt, ho khan do phổi nhiệt, chóng mặt, nhức đầu, mắt đỏ và mờ.

 

Lá dâu tằm có thể trị chứng mồ hôi trộm, hỗ trợ giấc ngủ


BM


Lá dâu dùng điều trị chứng đổ mồ hôi trộm vào ban đêm, có hiệu quả đặc biệt tốt. Trong “Di Kiên Chí” của Hồng Mại thời Tống có ghi: Có một tăng nhân vân du ở chùa núi Nghiêm Châu, người gầy gò, ăn rất ít, mỗi đêm đi ngủ, toàn thân ra mồ hôi đầm đìa, đến sáng áo quần đều ướt đẫm. Ông bị như thế đã 20 năm, không có thuốc nào trị khỏi. Trụ trì chùa nói: “Ta có một phương thuốc vô cùng hiệu nghiệm, để ta trị cho ông.” Ba ngày sau, bệnh kinh niên của vị tăng nhân kia quả nhiên đã khỏi hẳn. Bài thuốc đó chỉ dùng một vị thuốc là lá dâu tằm, được hái lúc còn sương, rang lên rồi nghiền nát, mỗi ngày 2 chỉ (chỉ là đơn vị trọng lượng, 10 chỉ bằng 1 lạng), đun nước dùng nóng khi bụng đói.


BM

Danh y Chu Chấn Hanh, một trong tứ đại gia của thời Kim – Nguyên cũng đã từng viết trong “Đan Khê Tâm Pháp” rằng: “Nghiền nát lá dâu tằm còn đọng sương và gạo, lấy nước uống, trị chứng đổ mồ hôi trộm.” Lá dâu tằm không chỉ công hiệu đối với chứng ra mồ hôi trộm (đạo hãn), mà cũng có thể trị chứng tự ra mồ hôi (tự hãn) bằng cách dùng lá dâu, đạm đậu thị (còn gọi là đạm xị, được điều chế đặc biệt từ đậu đen lên men), hạt kê, nấu thành cháo ăn.

 

Gối hương lá dâu tằm tự nhiên hỗ trợ giấc ngủ


BM


Rất nhiều người hiện đại gặp khó khăn và rối loạn giấc ngủ, có thể dùng lá dâu tằm sương hong khô làm thành gối đầu, có thể trị chứng váng đầu mờ mắt, giúp an thần ngủ ngon.

 

Người Nhật Bản thời cận đại đã có rất nhiều nghiên cứu về lá dâu tằm. Theo thống kê thực tế lâm sàng, lá dâu tằm có tác dụng: ổn định huyết áp, cải thiện chỉ số đường trong máu, giảm cân, cải thiện nồng độ cholesterol và tăng lipid máu, cải thiện tình trạng loãng xương (tăng cao mật độ xương), trừ táo bón, chống cảm cúm, cải thiện tình trạng viêm da cơ địa, tăng cường thể lực, giúp dễ ngủ và ngủ ngon.

 

Bài thuốc Trung y cổ: cháo lá dâu điều dưỡng thân thể suy nhược


BM


Đối với những người mới bệnh dậy và sau khi sinh, người già yếu, tuy thân thể không khỏe nhưng không có bệnh, chỉ là “ban ngày thường ra mồ hôi, đêm ngủ tâm thần không yên”, dùng loại cháo lá dâu này sẽ có hiệu quả tốt.

 

·       Nguyên liệu: Lá dâu sương 6gr, đạm đậu thị 10gr giã nát, hạt kê 50gr.

 

·       Cách nấu: Cho vào nồi 2 chén nước, rồi cho lá dâu sương, đạm đậu thị vào, đun với lửa lớn, sôi lên thì cho lửa nhỏ liu riu rồi nấu tiếp khoảng 15 phút. Sau đó lọc bỏ bã, cho kê vào nấu thành cháo. Dùng nóng trước khi ngủ, mỗi ngày ăn 1 lần. Dùng liên tục trong 5 ngày.

 

Lưu ý: Người bị bệnh kéo dài thì cần phải dùng nhiều, mỗi đợt dùng một tháng mới có thể dần dần khôi phục sức khỏe (theo bài thuốc hiệu nghiệm của thầy thuốc Trung y lâu năm Cố Triệu Nông ở Sơn Tây).

 

Trái dâu tằm giảm đường huyết và nhiều công dụng khác


BM


Trái dâu tằm tươi có vị chua ngọt ngon miệng, ngoài công dụng sinh tân dịch (tăng nước bọt), làm dịu cơn khát, còn có rất nhiều công dụng tốt khác. Theo “Tùy tức cư ẩm thực phổ”: “Trái dâu tằm, vị ngọt bình, dưỡng gan thận, bổ huyết, giải khát, ích khớp, giải rượu, trừ phong thấp, thông tai sáng mắt, an hồn trấn phách. Có thể ăn sống (nên trộn với một ít muối ăn), có thể ép nước uống. Hoặc có thể sên thành mứt, hoặc phơi khô dùng dần. Gặp năm mất mùa, có thể thay lương thực. Dùng lâu dài, râu tóc không bạc. Nên hái trước tiết Tiểu Mãn, chọn trái chín mọng có màu sắc đen vị ngọt thuần là tốt nhất. Dùng vải lọc trái dâu tằm chín lấy nước, dùng dụng cụ sứ sên đặc, pha với một muỗng nước trong hoặc rượu trắng uống. Người già dùng có tác dụng nâng cao tinh thần, khỏe chân, trị hư phong, dẹp hư hỏa, trị phù thũng sưng đầy, lao da.”


BM

Trái dâu tằm cũng có thể giúp hạ đường huyết, trong “Tân tu bản thảo” của Tô Kính thời Đường viết: “Ăn trái dâu tằm ngăn bệnh tiêu khát (chứng uống nước nhiều, tiểu tiện nhiều, bao gồm cả bệnh tiểu đường).” Người bị Can dương thượng cang (gan nóng bốc lên quá nhiều, dương thiên thịnh ở đầu), huyết áp lên cao, đầu nặng chân nhẹ, thì nấu trái dâu tằm thành cao dùng mỗi ngày, có thể trị hư phong hư hỏa, điều trị cao huyết áp.

 

Những kiêng kỵ khi nấu và dùng trái dâu tằm


BM


Không sử dụng nồi sắt. Nấu trái dâu tằm thành cao để dùng, có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt. Trái dâu tằm không nấu chín sẽ rất khó phơi khô, sau khi khô thì vị cũng nhạt. Khi nấu trái dâu tằm không nên dùng dụng cụ bằng sắt, vì nó có rất nhiều chất Tannin, có thể sẽ có phản ứng với sắt. Vì vậy, nấu trái dâu tằm nên dùng nồi đất là tốt nhất, cũng có thể dùng nồi tráng men.

 

Không nên ăn trái chưa chín. Tái dâu tằm chín màu đen là loại thực phẩm bồi bổ hàng đầu. Trái chưa chín chứa nhiều chất dị ứng tan huyết và Hyaluronic acid, nếu ăn nhiều dễ xảy ra tan huyết và viêm ruột.

 

Trẻ nhỏ không nên ăn nhiều. Vì trái dâu tằm có chứa nhiều Tannic acid nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt, calci, kẽm và các chất khác của cơ thể, vì vậy không nên cho trẻ ăn quá nhiều.

 

Những người tỳ vị hư nhược, đi phân lỏng không nên ăn


BM

Vỏ rễ cây dâu tằm có tác dụng tả phế bình suyễn, lợi thủy tiêu thũng. Tang bạch bì hay tang căn bạch bì (vỏ rễ cây dâu tằm) có vị ngọt, tính hàn, thuộc về Phế kinh, có tác dụng tả phế bình suyễn (thông phế, làm bình hòa phế khí), lợi thủy tiêu thũng (lợi tiểu, tiêu phù thũng). Dùng trị ho khan do phế nhiệt và phù thũng, còn có thể cầm máu lọc gan, trị chảy máu cam, ói ra máu và cao huyết áp do gan hỏa vượng.

 

Tang bạch bì có hiệu quả tốt trong điều trị rụng tóc


BM


Tang bạch bì có một công dụng tuyệt vời, đó chính là điều trị chứng rụng tóc, trong “Thánh Huệ Phương” có ghi: “Trị tóc mai rụng, tang bạch bì mài 3 thăng, ngâm với nước, nấu sôi 5-6 lần, lọc bỏ cặn, lấy nước ấy gội nhiều lần, tóc hết rụng. Hoặc trị tóc khô không bóng, dùng tang bạch bì, bách diệp, mỗi thứ 1 cân (1/2kg), nấu lấy nước gội tóc sẽ khỏe bóng mượt.”

 

Dùng tang bạch bì nấu với nước dùng để gội đầu có thể trị hết gàu, gội một lần là có hiệu quả, sử dụng liên tục hiệu quả càng tốt. Chú ý, sau khi gội đầu với nước tang bạch bì thì không cần gội lại nước trong, cũng không cần dùng dầu gội. Phương pháp này đối với chứng rụng tóc tiết bã nhờn rất hiệu quả.

 

Cành dâu tằm trừ phong, thông kinh mạch, lợi khớp


BM

Tang chi (Cành dâu) có vị đắng, tính bình, thuộc về Can kinh. Nó có công dụng tán phong, thông kinh mạch, lợi khớp, dùng chữa phong thấp tê nhức, co rút chân tay, đặc biệt điều trị chứng đau nhức mất cảm giác các khớp vai và cánh tay; chứng hàn, nhiệt đều có thể dùng, càng thích hợp dùng cho chứng tê nhiệt.


Cành dâu tằm lợi khớp, trị phế khí, hết ho khan


BM


Trong “Bản Thảo Cương Mục” ghi: Khắp cả người phong dương khô (khô ngứa), thủy khí, cước khí, phong khí, tay chân tê rút, khí lên mắt, ho khan do phế khí. Dùng cành dâu tằm sẽ lợi tiêu hóa và tiểu tiện, dùng lâu khỏe người, thông tai sáng mắt, làm cho người khỏe khoắn. Dùng lâu cả người không bị thiên phong.”

 

Trong “Dưỡng kỳ mạn bút” của Triệu Tấn có ghi chép một y án Tang chi trị ho khan:


BM


Ở Việt Châu có một thiếu niên bị ho đau rát, dùng nhiều thuốc mà không hiệu quả. Có người bảo dùng một nắm cành dâu tằm ở hướng nam, bẻ khúc cho vào nồi, dùng 5 chén nước sắc còn 1 chén, rót vào bình chứa bằng đất nung, uống khi khát, uống 1 tháng thì khỏi bệnh.

 

 

Trung y Ngô Quốc Bân & Trương Tĩnh Thiền  _  Lam Yên


https://baomai.blogspot.com/

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.