Ngày càng có nhiều lời đồn đoán dấy lên trong giới truyền thông Đảng Cộng Hòa rằng vụ bê bối mới đây về việc ông Joe Biden sở hữu thông tin mật một cách không phù hợp từ thời ông còn làm phó tổng thống là biểu hiện của một cuộc đảo chính nội bộ. Giả thuyết đưa ra là những người trong Đảng Dân Chủ, đặc biệt là các cựu quan chức của chính phủ cựu Tổng thống Barack Obama nằm trong chính phủ ông Biden, đang sử dụng những tiết lộ về sự bất cẩn của ông Biden để loại bỏ ông hoặc ít ra là ngăn cản ông ra tái tranh cử vào năm 2024.
Các nguồn tin của Capitol Hill cho biết đúng là chính phủ ông Biden là một nơi hỗn loạn với một số phe phái tranh giành quyền kiểm soát, trong đó có một phe nằm dưới quyền lãnh đạo của cố vấn chính sách nội địa Susan Rice và Phó Tổng chưởng lý Lisa Monaco, cả hai vị này đều trung thành với ông Obama. Tuy nhiên, việc xem xét kỹ các bằng chứng cho thấy các phụ tá cao cấp của ông Biden, các quan chức Đảng Dân Chủ, và bộ máy truyền thông của đảng này yểm trợ nhau để bảo vệ ông Biden. Những gì chúng ta đang theo dõi không phải là một cuộc đảo chính mà là một vụ che đậy.
Các bài báo cho thấy hồi đầu tháng Mười Một, các luật sư của ông Biden đã tìm thấy các tài liệu mật trong văn phòng của ông tại Trung tâm Penn Biden, một viện nghiên cứu mang tên ông ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn có liên kết với Đại học Pennsylvania. Câu chuyện này thật khó tin. Nếu nhóm pháp lý của ông Biden, chứ không phải nhân viên hành chính của ông, thường sắp xếp các giấy tờ của ông, thì có thể trước đó họ đã nhận ra những hồ sơ mật đang nói đến.
Có ít nhất hai dịp khác để các phụ tá của ông Biden tìm thấy những tài liệu này trong số đồ đạc của ông. Đầu tiên, đó là nhân viên của ông đóng gói các hộp đồ khi ông rời Văn phòng Phó Tổng thống hồi tháng 01/2017. Người ta vẫn chưa biết rằng kể từ lúc đó cho đến khi những tài liệu này được chuyển đến Trung Tâm Penn Biden khi trung tâm này được mở cửa hồi năm 2018 thì những tài liệu này đã nằm ở đâu. Việc chuyển đến trung tâm này hẳn phải cho nhân viên của ông một cơ hội nữa để phát hiện ra những tài liệu mật đó. Do đó, có vẻ như một nguồn bên ngoài đã cảnh báo cho nhóm Biden, Cục Lưu trữ Quốc gia, hoặc Bộ Tư pháp về việc tổng thống đang nắm giữ các tài liệu mật một cách không thích hợp.
Trong một cuộc họp báo hôm 12/01, Tổng Chưởng lý Merrick Garland cho biết rằng hôm 09/11, ông đã yêu cầu FBI đánh giá xem liệu những hồ sơ đó có bị giải quyết sai hay không. Hôm 14/11, ông yêu cầu Biện lý Liên Bang tại Chicago ông John Lausch tiến hành một cuộc điều tra ban đầu.
Giới chức chính phủ và những người trung thành với ông Biden trong cơ quan chấp pháp liên bang đã biết rõ rằng họ gặp một vụ rắc rối. Việc giải quyết sai các tài liệu mật là căn cứ cho Đảng Dân Chủ tổ chức một chiến dịch rộng rãi chống lại ông Donald Trump, đối thủ tiềm năng của ông Biden vào năm 2024.
Hồi tháng Tám, FBI đã đột kích vào tư dinh của ông Trump ở Florida để thu giữ các tài liệu mật, và có tin đồn rằng các bản cáo trạng sắp được công bố. Cuối cùng, Bộ Tư pháp đã chỉ định một biện lý đặc biệt để điều tra ông Trump. Thậm chí trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông hồi tháng Chín, ông Biden còn chỉ trích gay gắt người tiền nhiệm của mình vì đã giải quyết sai các tài liệu mật. Vậy mà giờ thì ông Biden cũng phạm tội lỗi như người mà họ đã hy vọng sẽ tiêu diệt được bằng chính công cụ đó— các tài liệu mật.
Nhóm của ông Biden đã chuyển sang làm giảm nhẹ khả năng xảy ra thảm kịch bằng cách rò rỉ thông tin cho giới báo chí.
Một bài báo hôm 14/11 của Washington Post trích dẫn “những người quen thuộc với vấn đề này” đã giải thích rằng: “Họ cho biết các cuộc phỏng vấn của FBI với các nhân chứng cho đến nay cũng không cho thấy ông Trump có bất kỳ nỗ lực bất chính nào nhằm tận dụng, bán hoặc sử dụng các bí mật của chính phủ. Thay vào đó, cựu tổng thống này dường như được thúc đẩy bởi một mong muốn căn bản hơn, đó là không từ bỏ những gì ông ấy tin là tài sản của mình.”
Điều đó có nghĩa là không có điều gì khuất tất trong vụ này, trái ngược với sự phản đối kịch liệt của công chúng rằng ông Trump đã lấy các tài liệu đó vì các mục đích bất hợp pháp — ông đang bán bí mật hạt nhân của Hoa Kỳ cho Saudi Arabia, như một ký giả đã tuyên bố mà không có bằng chứng hay lý do nào. Thay vào đó, chỉ đơn giản là ông đã bị cái tôi của mình thúc đẩy.
Bài báo hôm 14/11 nói trên là bằng chứng cho thấy nhóm của ông Biden đang quay lưng với chiến dịch dùng tài liệu mật để hủy hoại ông Trump. Gần ba tháng sau thì lý do đã rõ ràng — đó là nhằm tái định hình bối cảnh để đến lúc thì tin tức về các rắc rối liên quan tài liệu mật của chính ông Biden sẽ được công khai.
Khi câu chuyện này được đưa ra trên các hãng truyền thông thân chính phủ hồi tuần trước, các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ không chỉ tập hợp lại xung quanh tổng thống này mà còn bày tỏ sự ủng hộ khi so sánh phản ứng của ông Biden với phản ứng của ông Trump. Dân biểu Jamie Raskin (Dân Chủ-Maryland) ngụ ý rằng các luật sư của ông Biden “dường như đã thực hiện hành động ngay lập tức và thích hợp để thông báo cho Cục Lưu trữ Quốc gia,” chứ không giống như nhóm của ông Trump là tranh luận với tổ chức đảm trách lưu giữ hồ sơ liên bang này.
Hàng chục ấn phẩm truyền thông, từ New York Times đến Vox, đã công bố những lời phân trần cho thấy tại sao những gì ông Trump làm lại tồi tệ hơn nhiều so với những gì ông Biden đã làm. Ông Trump có nhiều tài liệu hơn, cuộc tranh luận kéo dài; các luật sư của ông Biden thẳng thắn hơn, v.v. Thực tế là không ai ở phía Đảng Dân Chủ đã bỏ rơi vị tổng thống này hoặc thậm chí ám chỉ rằng ông đã làm điều gì đó sai trái. Điều này trông không giống một cuộc đảo chính nội bộ chút nào.
Vị biện lý đặc biệt được chỉ định để điều tra việc ông Biden giải quyết các tài liệu mật được xác định là một thành viên Đảng Cộng Hòa, thế nhưng ông này có vẻ là một thành viên Đảng Cộng Hòa Bài Trump. Ông Robert Hur là người được ông Rod Rosenstein, Phó Tổng Chưởng lý dưới thời cựu Tổng thống Trump, bảo hộ. Ông Rosenstein được cho là đã đề nghị đeo máy nghe lén để theo dõi vị tổng thống tiền nhiệm này.
Ông Rosenstein còn thúc đẩy động cơ chống ông Trump bằng cách giữ lại các tài liệu từ cuộc điều tra do cựu Nghị sĩ Devin Nunes dẫn đầu về các hành vi bị cáo buộc là phạm pháp và lạm dụng của FBI trong cuộc điều tra về sự thông đồng giữa ông Trump và Nga của cơ quan này. Ông cũng được cho là đã đe dọa ban trát đòi hầu tòa cho các nhân viên của ông Nunes, trong đó có ông Kash Patel. Một chuỗi các thư điện tử hồi mùa đông năm 2018 giữa các quan chức DOJ cho thấy ông Hur nằm trong nhóm chấp pháp được giao nhiệm vụ ngăn chặn cuộc điều tra của Dân biểu Nunes.
Các cựu điều tra viên của Quốc hội nói rằng mục đích của việc bổ nhiệm ông Hur làm biện lý đặc biệt không phải là để khám phá những tội ác tiềm ẩn của vị tổng thống này, mà chính là để làm ra vẻ đây là một cuộc điều tra chân thực và từ đó chôn vùi vấn đề này vĩnh viễn. Và do đó các hành động của chính phủ ông Biden, cũng như phản ứng của các quan chức và giới truyền thông Đảng Dân Chủ, cho thấy rằng những gì đang bộc lộ ra hiện nay không phải là một cuộc đảo chính, mà là một vụ che đậy.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.