Hôm 21/01, một quan chức y tế hàng đầu của Trung cộng cho biết 80% người dân nước này đã bị nhiễm COVID-19 trong dịp Tết Nguyên Đán.
Trung cộng đang chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt trên cả nước. Theo các quan chức và các nghiên cứu, đại bộ phận dân số đã bị nhiễm bệnh, các lò hỏa táng và bệnh viện hiện đang rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên, việc chính quyền này tiếp tục che đậy số liệu tử vong khiến việc xác định quy mô thực sự của đợt bùng phát trở nên khó khăn.
Ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung cộng, đã tuyên bố trong một bài đăng trên Weibo rằng 80% dân số đã bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát mới nhất. Nhận định này của ông là phù hợp với tuyên bố của các quan chức Trung cộng khác trong những tuần gần đây và một nghiên cứu cho thấy 900 triệu người Trung cộng đã bị nhiễm bệnh.
Đợt bùng phát này làm dấy lên các mối lo ngại về khả năng sẽ xảy ra một đợt bùng phát dịch thứ hai trong những tháng tới trong bối cảnh người dân đổ xô đi du lịch vào dịp Tết Nguyên Đán. Bộ Giao thông dự đoán có hơn 5 tỷ lượt hành khách trong mùa lễ hội này.
Tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) đưa tin, hơn 1.1 triệu người ở Trung cộng đã đi du lịch bằng đường hàng không trên toàn quốc hôm 20/01, và 800,000 người đã đi các chuyến bay nội địa ngày 30 Âm lịch (tức 21/01 Dương lịch), gấp đôi con số so với năm trước.
Bệnh viện và nhà tang lễ quá tải
Các bệnh viện và nhà tang lễ quá tải cho thấy Trung cộng đang chiến đấu với một đợt bùng phát nghiêm trọng với rất nhiều người tử vong.
Ông Lưu Mộng Hùng (Lew Mon-hung), cựu thành viên cơ quan cố vấn chính trị của ĐCS_TC, cho biết “toàn bộ khoa ngoại trú và khoa cấp cứu của các bệnh viện đều chật kín người và không còn giường cho người nằm viện.”
Ông chỉ ra rằng tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày đã tăng lên 1 triệu ở tỉnh Chiết Giang. Các quan chức ở thành phố Thanh Đảo thừa nhận rằng số ca nhiễm hàng ngày của khu vực này đã tăng lên 500,000 người.
Các trường hợp được xác nhận tại thành phố Đông Hoản ở trung tâm tỉnh Quảng Đông đã tăng từ 250,000 lên 300,000 người. Các tỉnh đông dân như Tứ Xuyên và Hà Nam đã ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm lên tới hơn 80%.
“Họ hàng thân thích của tôi, anh chị em ruột, và mẹ tôi ở Quảng Châu đều bị nhiễm bệnh. Một đoàn người xếp hàng, chạy dài từ một đến hai cây số (khoảng 1-1.2 dặm) bên ngoài Nghĩa trang Liệt sĩ Ngân Hà Quảng Châu, chờ ghi danh cho dịch vụ hỏa táng,” ông Lưu cho biết thêm.
“Người dân không chỉ xếp hàng dài bên ngoài các nhà tang lễ ở những nơi khác nhau ở Trung cộng, mà họ còn phải đợi nửa tháng, thậm chí hơn một tháng, để hỏa táng được cho người thân.”
Ông Lưu tuyên bố rằng hiện đang có một sự thiếu hụt quan tài ở Trung cộng. Ông nói rằng những người dân bình thường, những người buộc phải tìm kiếm sự giúp đỡ của những người làm phe vé, “đã phải trả 38,500 nhân dân tệ [5,700 USD] để chuyển thi thể đến một nhà tang lễ.”
Một cư dân Thượng Hải ẩn danh nói, các gia đình đôi khi buộc phải bảo quản thi thể của những người thân yêu ở nhà hoặc trong xe của mình. Cư dân Thượng Hải Trường Bồi (bí danh) nói rằng một người bạn đã phải trả thêm 5,000 USD để kịp hỏa táng cho một thành viên cao niên trong gia đình.
Hôm 13/01, một cư dân Thượng Hải khác là bà Ngô Phương Diễm (Wu Fangyan) (bí danh) cho biết “các bệnh viện vẫn đông đúc. Mỗi lần khám chỉ được phát một liều thuốc, uống một liều không hạ sốt được, nên phải quay lại vào buổi chiều và phải xếp hàng chờ nhiều tiếng đồng hồ.”
Bà Ngô bày tỏ sự thất vọng khi các bác sĩ không muốn kê nhiều hơn một liều thuốc.
“Có những lúc xếp hàng cả mấy giờ đồng hồ mà [một liều thuốc] cũng không lấy được.”
“Thái độ của chính quyền đối với chúng tôi là phớt lờ việc chúng tôi có thể sống sót hay không.” Bà Ngô cho biết ai mạnh thì tồn tại, còn lại thì diệt vong.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.