Ông được mệnh danh là “Thiên cổ nhất Thánh”, là nhà tư tưởng đầu tiên trong mười nhà tư tưởng hàng đầu thế giới. Ông sống một cuộc đời “Phạn sơ tự, ẩm thủy, khúc quăng nhi chẩm chi”, tức là sống rất giản dị, ăn cơm gạo thô, uống nước lã, co tay mà gối đầu và không biết rằng tuổi già sắp đến.
Thực ra, thê tử của Khổng Tử qua đời khi ông ở tuổi trung niên, con trai cũng ra đi khi ông về già, cuộc sống lặng lẽ cô quạnh. Ngay cả đệ tử được ông yêu quý nhất là Nhan Hồi và Tử Lộ, cũng ra đi trước ông, nỗi đau ấy chẳng khác nào nỗi đau mất con. Khi Tử Cống đến thăm Khổng Tử, nước mắt ông giàn giụa, buồn bã hát rằng: “Thái sơn kỳ đồi hồ! Lương mộc kỳ hoại hồ! Triết nhân kỳ nuy hồ!” (Tạm dịch: Ôi non Thái bạt ngàn, lương mộc nát tan, triết nhân suy tàn). Không dừng lại ở đó, một năm sau khi Tử Lộ qua đời, Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử cũng ra đi mãi mãi. Có thể nói, ngày ông về với cát bụi là nỗi đau thiên cổ đối với biết bao người.
Vậy cần chăm sóc người cao tuổi như thế nào mới là tốt nhất và phù hợp nhất? Đạo hiếu đôi khi như con dao hai lưỡi, chặt đứt nguồn sống của người già và đem lại nỗi đau mà họ không cách nào chịu đựng nổi.
Một trong những bệnh nhân của tôi là một ông lão 74 tuổi, đến để điều trị các vấn đề tim đập nhanh, mắt mờ, khó tiêu và cao huyết áp. Nhưng huyết áp tâm thu của ông đều dao động từ 100-130, còn huyết áp tâm trương từ 65-80, nhịp tim khoảng 60 nhịp/giây và thường thấp hơn 60 nhịp. Tôi nói với ông lão rằng, huyết áp đã thấp như vậy mà vẫn đang uống thuốc hạ huyết áp, lâu dần sẽ dẫn đến tim suy yếu, thận hư, huyết áp và các bệnh tuổi già khác.
Huyết áp bình thường của người trẻ khỏe mạnh là 120/80; Huyết áp của người già khoẻ mạnh là 140/90. Những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh lý về thận, protein niệu, huyết áp dưới 150/90. Người trên 80 tuổi, huyết áp dưới 150/90. Huyết áp tâm trương tăng theo tuổi trước 60, nhưng giảm sau 60 tuổi.
Tại Hoa Kỳ, huyết áp tiêu chuẩn với người từ 65 tuổi trở lên và trên 80 tuổi trở lên lần lượt là 150/90 và 160–170/90. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa huyết áp là giá trị tiêu chuẩn của huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Tăng huyết áp được xác định là khi có huyết áp tâm thu từ 160 trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 95 trở lên.
Huyết áp tâm thu là 140-160 và huyết áp tâm trương nằm trong khoảng 90-95, là hai trị số quan trọng. Giáo sư Masahiko Okada người Nhật Bản cho biết, việc sử dụng các loại thuốc tân dược để hạ huyết áp, chất béo trung tính và cholesterol sẽ gây hại cho thận, thậm chí làm tăng tỷ lệ tử vong.
Huyết áp tâm thu sẽ áp lực lên não, còn huyết áp tâm trương gây áp lực lên tim. Huyết áp của người cao tuổi cần cao hơn để máu được bơm đến các bộ phận trên cơ thể, như vậy mới tránh được các triệu chứng như đầu choáng váng, chân yếu, đau thắt lưng, tim đập nhanh và tức ngực. Tôi dặn ông cụ nên giảm dần thuốc Tây, không nên ngưng thuốc ngay lập tức, nếu không sẽ phản tác dụng. Sau đó, tôi quyết định kết hợp châm cứu và thuốc Đông y để điều hòa huyết áp giai đoạn chuyển đổi phương pháp điều trị.
Con trai ông cụ rất hiếu thảo, rất tin tưởng Tây y, khi nghe thấy sử dụng Đông y thì chỉ miễn cưỡng chiều theo ý cha.
Nhưng vừa nghe cần phải giảm thuốc huyết áp cho ông cụ, liền lập tức phản đối, cho rằng bác sĩ Tây y đã dặn dò, không được dừng thuốc, và phải uống thuốc cả đời. Mặc dù tôi đã cố gắng hết sức để giải thích cặn kẽ với anh ấy, rằng huyết áp là một chỉ số của chức năng cơ thể, chứ không phải một căn bệnh. Khi huyết áp tăng đột ngột, thì chúng ta không phải cần giảm huyết áp, mà là loại bỏ các yếu tố khiến huyết áp tăng, như thế huyết áp tự nhiên sẽ hạ xuống. Hơn nữa, huyết áp sẽ thay đổi theo tâm trạng, giấc ngủ, thời tiết, bệnh tật và tuổi tác.
Tuy vậy, người con trai vẫn không đồng ý chuyện giảm dần dùng thuốc hạ huyết áp. Hơn nữa, bản thân anh cũng đang uống thuốc hạ huyết áp, mặc dù huyết áp thỉnh thoảng mới cao hơn một chút, vì bác sĩ nói bệnh cao huyết áp có tính chất di truyền, nên uống thuốc hạ huyết áp để đảm bảo an toàn. Nhưng, anh nào có biết, tinh thần bồn chồn bất an còn gây tử vong cao hơn cả tăng huyết áp. Huyết áp không đổi cũng là một dạng căng thẳng.
Tuy nhiên, ông cụ cũng có chính kiến riêng của mình, dần dần cắt thuốc hạ huyết áp, huyết áp trong hai lần đo sáng và tối vẫn bình thường, và một năm sau mới chính thức ngừng sử dụng thuốc hạ huyết áp. Ngoại trừ khi ốm đau, tức giận, mất ngủ thì huyết áp sẽ cao hơn một chút, những ngày khác đều ổn. Đối với người mắc bệnh tim, uống thuốc Tây mỗi ngày 1 viên, và đồng thời dùng cả thuốc Đông y. Các vấn đề như thị lực, tiêu hóa, cơ và xương đều được giữ gìn cân bằng nhờ châm cứu và thuốc.
Người con trai rất hiếu thảo nên có dịp gì đều đưa ông cụ đi du lịch, giờ tình trạng của ông đã tương đối ổn định. Mười mấy năm sống trong cảnh bức bối, một ngày ông hồi tưởng lại câu: “Cao đường minh kính bi bạch phát, Triêu như thanh ty”(Tạm dịch: Cha mẹ soi gương buồn nhìn tóc bạc. Sáng còn như tơ đen mượt, chiều tối đã trắng như tuyết.)
Cảm giác ấy như thế nào? Ông cụ thường hỏi tôi, tại sao ông lại thành ra tứ chi vô lực như thế? Vốn là người luôn tay luôn chân, điều này với ông quả thực vô cùng đau xót! Khi ông cụ 80 tuổi, vợ ông cũng qua đời. Tuổi già sức yếu, bạn già cũng ra đi, nỗi cô đơn trong tâm hồn khiến đôi mắt của ông dần mờ đục.
Bác sĩ nói, ông bị đục thuỷ tinh thể nên phải phẫu thuật mắt trái, sau lại đến mắt phải. Nhưng chỉ sau vài tháng, mắt của ông lại bắt đầu mờ trở lại. Ông thường xuyên chảy nước mắt, rồi lại phải trải qua thêm một cuộc phẫu thuật nữa, đến năm 90 tuổi, ông đã trải qua 4 lần phẫu thuật mắt. Bác sĩ nói phải tái phẫu thuật, nhưng ông cụ đã hoàn toàn mất niềm tin vào bác sĩ, chán nản không muốn làm nữa. Bởi vì sau nhiều lần phẫu thuật, sức khoẻ của ông bị tổn hại nghiêm trọng.
Ông giờ đã 94 tuổi, cao 150cm, nặng 38kg, gầy còm yếu ớt, các chức năng thể chất suy giảm dần, mắt mũi lờ đờ, bước đi loạng choạng. Trước dòng đời mênh mang vô định, làm sao hóa giải nỗi thê lương ông đang chịu đựng?
Trong một lần đến khám bệnh, thấy vẻ mặt buồn bực của ông, tôi bèn hỏi: “Ông ơi! Ông có sao không?” Ông cụ hậm hực nói: “Tôi cứ như bị các con bỏ rơi vậy. Chúng bỏ tôi cho người giúp việc, còn tôi thì ngày ngày sống cùng một người xa lạ.
Tôi chỉ muốn có tình thân, hy vọng con cháu bên cạnh.” Nói rồi, ông cụ ứa nước mắt! Ông cụ tuy nói vậy nhưng thực ra rất sợ con trai mình, mỗi lần con trai mở miệng, ông đều không dám hé răng nửa lời, nhưng trong lòng lại rất mâu thuẫn. Bởi vì ông càng sợ khi ông chết đi, con trai không ở bên cạnh, nên đành nuốt hận giữ im lặng.
Tôi đưa ông hộp giấy để ông lau nước mắt, và nói: “Thật đáng buồn! Ông à, cháu hiểu nỗi lòng của ông, vì cháu cũng từng chăm sóc cha mẹ rất cẩn thận đến tận khi họ qua đời. Nhưng, thời thế giờ đã khác, trong xã hội hiện đại, mọi người phải đối mặt với vô vàn áp lực từ gia đình, cuộc sống và công việc, v.v. Nên chúng ta cũng nên hiểu cho họ!” Đây cũng là tình huống chung của hầu hết các gia đình hiện tại.
Ở phòng khám, thường thấy những cảnh ông bà lão được người giúp việc đỡ vào. Nếu có con cháu đi cùng thì cũng chỉ mải miết xem điện thoại, hiếm khi thấy phụ giúp một tay, coi như là bỏ tiền thuê người giúp việc thì để họ làm hết. Nhưng dù tiền bạc nhiều đến đâu, cũng không mua nổi tình thân. Giúp việc nhiều đến đâu, cũng không thay thế được con cái. Chứng kiến cảnh ấy, tôi không khỏi buồn bã, liền tiến đến đỡ ông bà cụ. Có lúc tôi còn cố ý gọi con cháu của họ vào phụ giúp một tay và dặn dò họ cần quan tâm song thân của mình hơn.
Có đôi khi, sinh mệnh của con người bị đoạt mất lúc nào không hay! Sáng sớm, ông lão được bảo mẫu đưa ra ngoài đi dạo, đó là công việc hàng ngày của ông. Hôm ấy tiết trời nắng dịu mát mẻ, trong lúc ông đang đi dạo thì bị xe hơi tông phải, ngã sõng soài trên đất. Người lái xe thấy ông cụ ngã trên đường, sợ phải chịu trách nhiệm nên phóng xe đi mất. Lúc ấy, ông cụ chỉ thấy chân trái hơi đau, từ từ đứng dậy nhưng vẫn đi lại được.
Người con trai nhận được điện thoại của người giúp việc, lập tức đưa cha đến bệnh viện khám, kết quả X-quang cho thấy rạn đùi trái, có hiện tượng gãy nhẹ. Bác sĩ cho biết, ông cụ bị gãy xương, tỷ lệ tử vong khi phẫu thuật là 20%. Người con gái lo lắng gọi điện thoại cho tôi hỏi biện pháp giải quyết.
Tôi khuyên rằng, nếu chỉ là rạn xương nhẹ thì có nên tiến hành điều trị không? Bó bột cố định có thể mất khoảng 3 tháng. Vì ông cụ đã 94 tuổi, nhưng nặng có 38 kg, giờ chỉ còn da bọc xương thôi, giờ làm phẫu thuật cho ông chẳng phải rất nguy hiểm cho ông sao? Tôi còn khuyên rằng, không nên chụp CT, vì giáo sư Masahiko Okada người Nhật Bản đã chỉ ra rằng liều lượng bức xạ từ chụp CT gấp 1,000 lần phim X-quang, như thế sẽ làm tổn hại nghiêm trọng dương khí của người cao tuổi.
Đối với người cao tuổi, một cuộc phẫu thuật chính là phải đương đầu sinh tử, khiến tinh thần và sức lực cạn kiệt, như thế chẳng khác nào chặt đứt sự sống của họ. Thuốc gây mê có rất nhiều rủi ro và để lại nhiều di chứng. Thuốc kháng sinh có vị đắng, tính lạnh, làm tổn hại khí tim, chặn đứng quân hỏa của tim và mệnh hỏa của thận. Một điều nhẫn tâm hơn cả là ở cái tuổi gần đất xa trời ấy có thể chịu nổi nỗi đau đớn, khổ sở sau cuộc phẫu thuật không? Đó là tra tấn như bị lăng trì chứ không tầm thường chút nào. Hơn nữa, việc rạn xương cũng không quá nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh tử của ông cụ, nên không nhất thiết phải tiến hành phẫu thuật.
Nhưng người con trai hiếu thảo, muốn nhanh chóng điều trị cho cha, thế là làm theo ý mình, lập tức đăng ký phẫu thuật cho cha. Trong phòng phẫu thuật, mọi người ai cũng sốt sắng, lo lắng không biết tim yếu thế có chịu được thuốc mê không, có thể qua khỏi sau cơn đại phẫu thuật hay không. Mọi người đều bồn chồn như đứng trên đống lửa, ngồi trên đống than.
Khi bác sĩ bước ra khỏi phòng và mỉm cười nói ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp, tất cả mọi người thở phào nhẹ nhõm. Nụ cười ấy như niềm an ủi sâu sắc, ngầm báo hiệu ông cụ đã tai qua nạn khỏi, và không gặp nguy hiểm đến sinh mệnh. Sau khi thuốc mê hết tác dụng, ông cụ từ từ mở mắt, như thể trải qua cả một kiếp người, lần đầu tiên cận kề cái chết, khi nhìn thấy các con, ông bỗng dưng bật khóc!
Sau ca phẫu thuật, khắp người ông cụ cắm đầy kim tiêm và vết mổ, không kìm được mà kêu lên đau đớn! Trái tim yếu ớt lại thêm những những giày vò trên thể xác. Ông cụ rên rỉ đau đớn, ngủ không yên, giữa đêm la hét, rút cả ống thở, đòi về nhà bằng được. Thế nên tôi đành phải tiêm cho ông một liều thuốc an thần nhẹ vào buổi tối, rồi trói chân tay ông cụ lại.
Nhưng ông cụ vẫn khóc lóc cả đêm, nói rằng tổ tiên đến tìm ông, tức giận hỏi: “Tôi có tội tình gì mà trói tôi lại? Mau cởi trói cho tôi! Cứu tôi với!” Ông náo loạn suốt đêm, khiến mọi người lao đao, mãi đến 3-4 giờ sáng, ông cụ vì mệt quá nên ngủ lúc nào không hay.
Ông cụ vốn thích trò chuyện, nhưng sau khi phẫu thuật ông trở nên trầm tính, không thích nói, thậm chí hỏi cũng không trả lời. Khi bạn bè đến thăm, ông thẫn thờ không mở miệng, như thể không hề quen biết đối phương. Từ một người nhiệt tình hiếu khách, giờ đây, ai đã cướp đi những nhiệt huyết một thời của ông cụ?
Ông cụ thỉnh thoảng không chịu uống thuốc, không chịu ăn uống, như thể đang muốn phản kháng điều gì đó? Người nhà chăm sóc ông rất vất vả, nhưng ông không muốn đi lại, mới đi được vài bước đã mệt mỏi, hụt hơi, rồi ngồi xe lăn. Ông trước đây vốn có thể tự chủ đại tiểu tiện, sau ca phẫu thuật lại mất kiểm soát nên phải mặc bỉm. Điều này đã tổn thương sâu sắc đến một người vốn ưa sạch sẽ như ông, từ đó lại khiến ông càng trở nên trầm mặc tự ti.
Về chuyện người tài xế phóng xe bỏ đi, gia đình đã đến đồn công an nhờ mở máy giám sát đã tìm được chủ nhân chiếc xe. Chủ xe cho biết hôm đó vội vàng đưa con đi học nên không dừng xe lại, nhưng cũng không nói lời xin lỗi. Gia đình ông cụ không hài lòng trước thái độ thiếu trách nhiệm của chủ xe và yêu cầu anh bồi thường chi phí thuốc men. Nhưng chủ xe cho biết anh là cha đơn thân, làm thuê kiếm tiền, không chi trả nổi chi phí y tế. Tuy nhiên, họ lại có nhiều tiền mua một chiếc ô tô cao cấp, điều này khiến người nhà ông cụ vô cùng phẫn nộ. Nhưng ngay khi ông cụ nghe thấy chủ xe là gia đình đơn thân, ông liền tha thứ và không cần ông chi trả nửa đồng.
Điều trị bằng châm cứu
Ông cụ 94 tuổi gần như cạn kiệt dương khí, để bổ sung khí huyết, tránh Thần chết gõ cửa, cần châm huyệt Bách Hội, vì huyệt Bách Hội còn gọi là “huyệt Thiên môn” (cổng trời), chặn Thiên môn để tránh mơ ác mộng về đêm khiến tinh thần hoảng loạn. Ông cụ chân tay vô lực, thậm chí không nâng nổi bát cơm, phải có người bón thức ăn, đây là biểu hiện của triệu chứng yếu tim. Do đó còn cần tăng cường sức khỏe tim mạch, nên châm vào huyệt Nội Quan. Cánh tay vô lực cần châm huyệt Khúc Trì và huyệt Hợp Cốc, cũng giúp phòng ngừa cảm mạo. Đây là những mấu chốt cần chú ý.
Hai chân vô lực, thì châm huyệt Dương Lăng và Tam Âm Giao. Tại vị trí rạn xương cần châm huyệt Phong Thị và Côn Lôn, giúp đả thông kinh mạch. Triệu chứng chán ăn cũng liên quan đến tim mạch suy yếu, thì châm huyệt Túc Tam Lý, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương. Ông cụ trước đây thường đi châm cứu và không sợ kim châm, sau phẫu thuật thì cơ thể yếu ớt, nhưng sau liệu trình châm cứu nhẹ nhàng thì khí sắc tăng lên đáng kể, da dẻ hồng hào rõ rệt.
Lúc ấy ông cụ chỉ nặng vỏn vẹn 35kg, con trai hiếu thảo đã mua rất nhiều thực phẩm chức năng để bồi bổ sức khỏe cho cha. Nhưng ông cụ xưa nay ăn uống đạm mạc, và không quen sử dụng những thực phẩm bổ sung ấy. Trước cảnh tượng ấy, con trai không vui, quở trách cha không hiểu chuyện. Ông cụ nghe xong rơm rớm nước mắt.
Tôi nói với người con rằng, đương lúc suy nhược thì không thể sử dụng những thực phẩm bổ sung này, vì người già tiêu hoá kém lại thêm triệu chứng yếu tim, nên không thể chịu nổi những thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cao được. Hơn nữa, uống viên canxi và vitamin D3 là tác nhân dẫn đến mắc bệnh tim mạch, cũng khiến tim người già càng suy yếu hơn. Điều tốt nhất cho ông cụ nên là dùng những sản phẩm thiên nhiên, chứ không phải thực phẩm tinh chế.
Ngày đến buổi châm cứu thứ hai, vị trí rạn xương của ông cụ đã bắt đầu phù nề, nên cần châm tiếp huyệt Âm Lăng Tuyền và Tam Âm Giao. Trong lần châm cứu thứ ba, cả phần đùi đều đã phù nề. Ông cụ gặp tôi, nước mắt giàn giụa nói: “Bác sĩ, sao phòng khám của cháu lại xa thế!” Tôi nắm chặt tay ông cụ và nhắn nhủ ông cần giữ gìn sức khoẻ.
Cha mẹ là chỗ dựa tinh thần, là tổ ấm bình yên nơi con cái tìm về sau bao nhiêu mệt nhọc. Nhưng khi cha mẹ ra đi, chốn bình yên ấy đã theo mây phiêu bạt về phương trời vô định! Những người con của họ cũng chẳng còn chốn về khi cô đơn nhọc nhằn, thật đáng buồn thay!
Sau này, chứng phù nề của chân chỗ rạn xương của ông cụ càng ngày càng nặng, ánh mắt lờ đờ, thời gian tỉnh táo càng ngày càng ít. Ông cụ dường như mất đi tri giác, ngày ngày qua khung cửa sổ nhìn mặt trời hết mọc rồi lặn, và mòn mỏi chờ đợi một điều xa xăm. Mỗi cần có các con về thăm, ông cụ như mới tỉnh táo hơn một chút. Ông ngắm nhìn các con, nắm chặt tay chúng, nước mắt giàn giụa.
Chưa đầy hai tháng sau ca phẫu thuật, ông cụ gần như kiệt sức, không thể chịu đựng thêm nổi nữa, thống khổ trong cuộc đời sao mà bi ai! Một ngày trước khi ông qua đời, ông giàn giụa nước mắt khẩn cầu con trai ở lại qua đêm với ông. Nhưng con trai ông lại thích tập thể dục và dắt chó đi dạo vào buổi sáng sớm, nên đã vô tình rời đi. Sáng sớm hôm sau, ông cụ một mình cô độc bước xuống hoàng tuyền, khi ấy chỉ có bảo mẫu ở nhà.
Người bảo mẫu vội vàng gọi điện thoại, rất lâu sau mới thấy con trai bắt máy. Anh vội vàng đưa cha đến bệnh viện cấp cứu, nhưng bác sĩ đáp rằng ông đã về trời rồi. Anh khẩn khoản xin bác sĩ cứu chữa, bác sĩ dùng biện pháp sốc điện vào tim, cuối cùng vẫn vô phương cứu chữa. Linh hồn của ông cụ thấy xương cốt nơi lồng ngực của mình bị xung kích mạnh mẽ như thế, cũng thấy đau đớn. Cô con gái đang khóc thảm thiết bên ngoài như cảm ứng được nỗi đau ấy, trái tim đột nhiên đau nhói!
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.