Đức cha Jonathan Arnold, trưởng khoa thần học tại trường Đại học Magdalen, thuộc Đại học Oxford, đã từng viết về “một điều dường như nghịch lý rằng, trong xã hội thế tục của ngày hôm nay, âm nhạc hợp xướng thánh ca vẫn rất mạnh mẽ, lôi cuốn, và được ưa chuộng như thuở xưa.”
Nhưng liệu điều này có phải là một nghịch lý hay không? Có thể nói rằng, sức mạnh của loại âm nhạc này bắt nguồn từ những sáng tác của các nhà soạn nhạc vô cùng tài năng, đã qua đào tạo bài bản, những người được nuôi dưỡng trong một truyền thống Cơ Đốc Giáo, chủ yếu sáng tác âm nhạc cho nhà thờ. Nếu như nói tôn giáo thống trị hơn một ngàn năm qua là chủ nghĩa vô thần (vô thần luận), thì những nhà soạn nhạc thiên tài này vẫn có thể sáng tác âm nhạc lôi cuốn giống như vậy.
Điều này có lẽ cũng đúng với những phương diện khác trong nghệ thuật — không chỉ dành cho những nhà soạn nhạc Cơ Đốc Giáo như Mozart, mà còn có những thi sĩ Cơ Đốc Giáo như Dante, và các nghệ sĩ Cơ Đốc Giáo như Beato Angelico. Nếu vậy, sức mạnh của bản nhạc Ave Verum nổi tiếng của Mozart chẳng có mối quan hệ gì với Bí tích Thánh thể của Chúa mà hoàn toàn xuất phát từ tài năng thiên bẩm của nhà soạn nhạc này.
Tuy nhiên, đối với những giả thuyết phản thực tế như thế này, rốt cuộc cũng chỉ là “giả thuyết” mà thôi. Trong khi đó, âm nhạc thánh ca và nghệ thuật Cơ Đốc Giáo phi thường là một điều chân thực. Nhiều người trong các nghệ sĩ Cơ Đốc Giáo này đã từng có trải nghiệm “được soi dẫn,” tin rằng Chúa đã giang tay giúp đỡ trong quá trình sáng tác.
Giáo hoàng Emeritus Benedict XVI đã tuyên bố rằng “không có một lĩnh vực văn hóa nào có loại âm nhạc cao quý sánh ngang với âm nhạc sáng tác trong đức tin Cơ Đốc Giáo.” Ông còn nói thêm rằng “đối với tôi mà nói, loại âm nhạc này là một sự chứng thực chân lý của Cơ Đốc Giáo.”
Nhiều người khác đã ngộ ra điều này, rằng âm nhạc bắt nguồn từ đức tin và âm nhạc chỉ có thể xa rời đức tin thông qua bàn tay con người. Điều này bao gồm những người không có tín ngưỡng, thường nói về trải nghiệm âm nhạc của mình bằng các thuật ngữ vòng vo về tâm linh, miêu tả những trải nghiệm của họ bằng những từ ngữ như “có hồn” hay “cao siêu” hay “thần kỳ” v.v. Đây có lẽ thực sự là chỗ tồn tại một nghịch lý: con người thế tục rung động trước những điều thiêng liêng được truyền tải thông qua âm nhạc.
Sự ruồng bỏ Chúa
Sau chiến tranh, những nhà soạn nhạc cổ điển đã tìm cách thoát ly hoàn toàn với truyền thống, trong đó có những lý niệm văn hóa của Cơ Đốc Giáo. Nhà soạn nhạc người Scotland James MacMillan, cũng là một giáo sư khoa thần học tại trường Đại học St. Andrews, buồn bã than thở khi chứng kiến âm nhạc của thời kỳ này rời xa nguồn cảm hứng thiêng liêng vượt ngoài phạm trù âm nhạc:
“Những nhà soạn nhạc như Boulez, Stockhausen, Berio, và những nhà soạn nhạc Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi thời hậu chiến muốn bắt đầu lại từ năm 0 (year zero), nhằm sáng tác một bản nhạc không bị vấy bẩn bởi truyền thống.”
Vào những năm 1970, các nhạc viện và khoa âm nhạc của Anh quốc thuộc thế hệ nhà soạn nhạc MacMillan, nhìn nhận rằng [bản thân] âm nhạc là “một thể hoàn hảo” và “bất cứ điều gì khác [nằm ngoài âm nhạc] cũng là yếu tố ngoại lai và không tương hợp.”
Nhà soạn nhạc người Anh-Ba Lan Roxanna Panufnik đã từng có lời mô tả tương tự:
“Tôi đã rời bỏ trường cao đẳng âm nhạc và thề rằng sẽ không bao giờ sáng tác thêm một nốt nhạc nào nữa. … Đó là vào giữa thập niên 1980 khi loại âm nhạc lập dị và phá vỡ mọi chuẩn mực dựa vào nhân niệm vẫn được xem là một loại âm nhạc đúng đắn để sáng tác.”
Âm nhạc cổ điển trong thời đại này đã hoàn toàn trở nên tẻ nhạt, không thể cảm thụ và không được ưa chuộng: một khối óc đùa giỡn với những nốt nhạc trên trang giấy. Hai nhà soạn nhạc MacMillan và Panufnik chỉ tìm thấy tiếng gọi sáng tác của mình bằng cách thành thật với bản thân, để cho “không gian tâm linh xuất hiện” và đối kháng với văn hóa của thời đại này.
Giống như nhà soạn nhạc MacMillan đã cho thấy trước đó, có một nghịch lý đáng cười là đôi lúc người ta lại tôn vinh thể loại âm nhạc theo trào lưu nghệ thuật hiện đại chính thống có sự gắn liền nhiều hơn với truyền thống Do Thái — Cơ Đốc Giáo. Sau cuộc diệt chủng Holocaust, nhà soạn nhạc Arnold Schoenberg đã cải đạo sang Do Thái Giáo. Nhà soạn nhạc Igor Stravinsky là người theo Chính Thống Giáo Nga; nhà soạn nhạc Olivier Messiaen là người theo Thiên Chúa Giáo.
Từ góc độ này mà xét, Cơ Đốc Giáo là một nguồn cảm hứng nghệ thuật siêu thường; việc chối bỏ tìm kiếm những điều thiêng liêng cuối cùng sẽ dẫn đến ngõ cụt.
Sáng tác âm nhạc ở thế kỷ 21
Ngày nay, nếu bạn đến dự một buổi hòa nhạc, ngay cả là âm nhạc thánh ca, thì không nhất định bạn sẽ tìm thấy thông tin tham khảo về sự soi dẫn từ đức tin trong phần ghi chú của chương trình này. Trong giới trí thức, vẫn còn tồn tại thái độ trịch thượng xem thường đối với “nguồn cảm hứng thiêng liêng vượt ngoài phạm trù âm nhạc,” đồng thời cũng cũng dành một sự ưu ái hơn cho việc phân tích âm nhạc thuần túy.
Công nghệ thu âm đang hướng đến sự hoàn hảo về kỹ thuật, trong khi đó khái niệm “Historically informed performance” (trào lưu HIP, một trào lưu biểu diễn trong đó các tác phẩm bám chặt vào những tiêu chuẩn thẩm mỹ của giai đoạn mà nó được thai nghén) đang dần chiếm ưu thế hơn bao giờ hết như là một phần của việc mở rộng tầm chú ý để vươn tới một phong cách được cho là “chuẩn xác hoàn hảo.” Tất cả những điều này quá dễ dàng trở thành các mục tiêu, thay vì là các phương tiện để biểu đạt một điều gì đó sâu sắc hơn.
Tại trường Đại học St. Andrews, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu về sức mạnh sáng tạo của Cơ Đốc giáo cho những nhà soạn nhạc thuộc thế hệ tương lai, nhằm để mở đường cho điều mà chúng tôi gọi là chương trình và biểu diễn âm nhạc theo bối cảnh thần học. Chúng tôi đã ghép cặp sáu nhà soạn nhạc tương lai giỏi nhất trên khắp Vương quốc Anh và Ireland cùng với những tiến sĩ thần học đến từ trường đại học của chúng tôi.
Những nhà thần học này có nhiệm vụ nghiên cứu những trích đoạn từ Kinh Thánh để các nhà soạn nhạc có thể chuyển thành âm nhạc. Những người tham gia chương trình này không bắt buộc phải có đức tin, và được khuyến khích trải nghiệm truyền thống Cơ Đốc Giáo theo cách mà họ mong muốn. Nhà soạn nhạc MacMillan phụ trách hướng dẫn chương trình này và đây cũng là một phần trong dự án TheoArtistry lớn hơn của chúng tôi, những người tham gia đã cùng nhau phối hợp sáng tác sáu bản nhạc thánh ca mới vô cùng mỹ diệu, những tác phẩm này sẽ được phát hành trong đĩa CD có nhan đề “Lời truyền tin: Âm nhạc Thánh ca cho Thế kỷ 21.”
Một ví dụ tuyệt vời nữa là của tiến sĩ Rebekah Dyer và nhà soạn nhạc Kerensa Briggs. Nghiên cứu của tiến sĩ Dyer về ngọn lửa trong thần học, cùng với sở thích múa lửa của cô, đã mang đến cho nhà soạn nhạc tài năng Kerensa Briggs một góc nhìn mới mẻ về cuộc hội ngộ giữa Moses và Chúa tại Bụi Gai Cháy. Bằng cách sử dụng âm thanh có kết cấu của dàn hợp xướng và đàn organ, tác phẩm này đã truyền tải một cuộc hội ngộ giữa trời và đất, giữa lịch sử và sự vĩnh hằng.
Khi âm nhạc gặp gỡ tôn giáo, tôi nhìn thấy kết quả giống như hình ảnh của nước và rượu trong Kinh Thánh: Nghệ thuật có thể biến hóa và không phải để phục vụ cho thần học, mà là để trở thành thần học — hay chính xác hơn là nghệ thuật thần học, từ đó đạt đến cảnh giới có thể biểu đạt Chúa theo một cách mới thông qua nghệ thuật.
Từ những bài thánh ca Gregorian thuở đầu, xuyên suốt đến thời đại của các nhà soạn nhạc Bach và Mozart, cho đến âm nhạc thánh ca đương đại rất khác biệt của nhà soạn nhạc MacMillan và Arvo Pärt, còn có rất nhiều ví dụ khác về vẻ đẹp mỹ diệu mà nghệ thuật thần học có thể mang lại.
George Corbett _ Ngọc Vũ
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.