Một trong những lợi thế kinh tế to lớn của Trung cộng đang biến mất. Nhân công đáng tin cậy với chi phí tương đối thấp từng là trụ cột cho động cơ kinh tế của Trung cộng trong nhiều thập niên.
Trong nhiều năm, các nhà sản xuất đến từ Âu Châu và Bắc Mỹ đã vội vã đầu tư vào Trung cộng để sản xuất sản phẩm của họ với chi phí thấp hơn so với sản phẩm trong nước, đầu tiên là những mặt hàng đơn giản, rẻ hơn và sau đó là những mặt hàng phức tạp, có giá trị cao hơn. Việc đầu tư này và thu nhập tạo ra sau đó đã giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế không tưởng của Trung cộng. Nhưng chỉ một thời gian sau, tiền lương ở Trung cộng và Á Châu nhìn chung đã tăng nhanh hơn tiền lương ở phương Tây, vì vậy ngày nay, sức hấp dẫn của lợi thế chi phí thấp gần như đã biến mất.
Vào giai đoạn đầu trong quá trình phát triển của Trung cộng, khoảng cách tiền lương này là rất lớn. Ví dụ, năm 2000, khi Trung cộng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức lương trung bình hàng năm ở Trung cộng là khoảng 9,333 nhân dân tệ một năm, theo Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh. Với tỷ giá hối đoái USD-nhân dân tệ phổ biến lúc bấy giờ, mức lương hàng năm đó quy ra khoảng 1,127 USD. Tại thời điểm đó, trung bình một người lao động Mỹ kiếm được khoảng 30,846 USD một năm, mức lương gần như cao gấp 30 lần so với người lao động Trung cộng.
Một nghiên cứu do Nghiệp đoàn Nhân viên Xe hơi Hoa Kỳ (UAW) thực hiện vào thời điểm đó đã đưa ra mức lương trung bình cho một lao động xe hơi ở Trung cộng tương đương với 59 xu một giờ, thấp hơn 3% so với đồng sự người Mỹ của họ. Mặc dù sản xuất ở ngoại quốc có thể mang lại nhiều sự phức tạp và tốn kém, và người lao động Mỹ có thể tự hào về nền đào tạo tốt hơn và năng suất cao hơn so với người lao động Trung cộng, nhưng khoảng cách tiền lương này là lớn tới mức các nhà sản xuất không thể cưỡng lại việc đặt địa điểm sản xuất ở Trung cộng.
Nhưng khi ngày càng có nhiều cơ sở phương Tây đặt tại Trung cộng và nền kinh tế này phát triển lên, thì tiền lương bắt đầu tăng nhanh hơn nhiều so với ở Âu Châu hoặc Mỹ. Đến năm 2011, một người lao động Trung cộng trung bình có mức lương hàng năm là 41,799 nhân dân tệ, tương đương với 6,120 USD theo tỷ giá hối đoái thời đó. Năm đó, một người lao động Mỹ trung bình vẫn mang về nhà nhiều hơn đáng kể, khoảng 40,000 USD, nhưng khoảng cách này đã được thu hẹp. Lương của người Mỹ cao gấp 6.5 lần lương của người lao động tương đương trong ngành nghề của họ ở Trung cộng.
Vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và tất cả những phức tạp thêm nữa mà đại dịch này gây ra đối với việc phương Tây tìm nguồn cung ứng ở Trung cộng, thì khoảng cách tiền lương đã giảm xuống mức gần như không đáng kể. Năm 2021, năm cuối cùng mà Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh cung cấp dữ liệu, một người lao động Trung cộng trung bình kiếm được 105,000 nhân dân tệ hàng năm, tương đương với 16,153 USD. Một người lao động Mỹ trung bình kiếm được khoảng 58,120 USD một năm, chỉ bằng 3.5 lần so với người lao động Trung cộng.
Và theo công ty tư vấn độc lập ECA International, dữ liệu sơ bộ cho thấy khoảng cách tiền lương đang tiếp tục thu hẹp vào năm 2022 và có khả năng sẽ thu hẹp hơn nữa vào năm 2023. Báo cáo Xu hướng Tiền lương nổi tiếng của công ty này chỉ ra rằng tiền lương ở Trung cộng và Á Châu nói chung sẽ cao hơn tốc độ lạm phát trong năm mới này, trong khi người lao động ở Âu Châu và Mỹ Châu sẽ phải chịu mức tăng lương thấp hơn tỷ lệ lạm phát của họ. Đối với Trung cộng, báo cáo này dự đoán tiền lương thực tế sẽ tăng 3.8% vào năm 2023 và mức tăng này thậm chí còn ấn tượng hơn ở Ấn Độ và các nơi khác ở Á Châu. Kỳ vọng đối với Âu Châu xoay quanh mức giảm 1.5% trong tiền lương thực tế, trong khi đối với Mỹ Châu, ECA dự kiến mức giảm thực tế 0.5%. Điều này có thể giảm khoảng cách tiền lương giữa Hoa Kỳ và Trung cộng xuống còn chênh nhau gần 3.3 lần.
Chắc chắn là vẫn còn một khoảng cách, nhưng khoảng cách này không còn đủ để kéo dài các xu hướng về địa điểm sản xuất trong quá khứ. Xét đến việc người lao động Mỹ vẫn tự hào về tỷ lệ năng suất cao hơn so với các đồng sự người Trung cộng của họ, có lẽ sự chênh lệch này là đủ để xóa bỏ hoàn toàn tác động của khoảng cách chi phí lao động vốn đang bị thu hẹp. Và trong những năm gần đây, một vấn đề khẩn bách khác đã trở nên rõ ràng. Trung cộng không còn đáng tin cậy cho việc thuê sản xuất như người ta từng nghĩ. Trong đại dịch COVID-19, Bắc Kinh đã tạm dừng xuất cảng một số mặt hàng quan trọng, chẳng hạn như khẩu trang. Những lý do đằng sau là rất dễ hiểu.
Trung cộng có một nhu cầu rất lớn trong nước. Nhưng làm như thế hầu như không khuyến khích các bên mua hoặc nhà sản xuất ngoại quốc. Và ngay cả sau khi chính sách zero COVID của Bắc Kinh chặn sản xuất trong thời gian dài, thì các nhà sản xuất phương Tây vẫn tìm ra được một lý do khác để cân nhắc lại việc thuê sản xuất ngoài tại Trung cộng.
Nền kinh tế Trung cộng không còn cần việc thuê sản xuất ngoài của phương Tây nhiều như trước đây. Nền kinh tế này có thể tiếp tục phát triển ngay cả khi các nhà sản xuất phương Tây tìm kiếm địa điểm sản xuất khác. Nhưng sự thay đổi bắt nguồn từ khoảng cách tiền lương ngày càng thu hẹp, cũng như những cân nhắc vừa được nêu ra ở đây, sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung cộng xuống mức thấp hơn nhiều so với tốc độ mà Trung cộng và thế giới đã từng quen thuộc.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.