‘Không có tâm trạng mừng Xuân’
“Lần đầu tiên đón giao thừa ở Ukraine, không hoa không pháo không rượu Sampanh, chỉ có tiếng còi báo động kéo dài từ năm cũ sang năm mới!”, ông Việt Anh buông lời cảm thán trong dòng status gửi trên Facebook vào dịp Tết Dương lịch.
Không hoa, không pháo thì đúng, nhưng nói “không rượu” thì cũng hơi quá. Nơi ông Anh sống là Krivoy Rog, miền Trung Ukraine, không phải vùng tâm chiến miền Đông, nhưng như lời ông giải thích với một người bạn, “không thiếu rượu nhưng buồn vì thời khắc giao thời quân Nga vẫn bắn tên lửa báo động khắp nơi, bạn bè thì rời đi nên cũng không có tâm trạng để uống”.
Ở những thành phố tập trung hàng ngàn người Việt trước đây như Kharkiv, Odessa thì số lượng người Việt còn ở lại giờ chỉ khoảng độ vài trăm người, theo lời ông Việt Anh, nhưng những nơi như Krivoy Rog mà gia đình ông ở thì chỉ còn lại dăm ba gia đình người Việt.
“Tết ta thì năm nào bọn tôi cũng ăn. Mọi năm không có chiến tranh thì anh em tập trung ăn Tết thì nó vui. Còn năm nay, mọi người đi hết rồi thì chỉ làm mâm cơm cúng ông bà thôi”, ông giải thích thêm, giữa lúc vẫn đang bận rộn với công việc ở quán ăn trong những ngày cận Tết Nguyên Đán.
“Tôi làm quán ăn, bán cả đồ Việt Nam và đồ Tây. Buôn bán thì lúc trước Tết (Dương Lịch) thì được, nhưng sau Tết dân họ tiêu hết tiền rồi thì mấy bữa nay cũng kém”, ông cho biết.
Mặc dù không ở ngay tâm chiến, nhưng khu vực ông ở thỉnh thoảng cũng hứng chịu những cuộc tấn công của quân Nga.
“Chỗ tôi thỉnh thoảng tên lửa có bắn nhưng không bị ảnh hưởng nhiều. Chỗ tôi cũng hơi xa khu giao tranh nên không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Có mấy tháng trước, thành phố tôi cũng bị trúng tên lửa vào trung tâm siêu thị, chết mất ba mươi mấy người, bắn trúng trung tâm thương mại đang làm việc”, ông Anh kể.
Thường xuyên di chuyển giữa các thành phố có người Việt cư trú ở Ukraine, ông Việt Anh cho biết thêm:
“Kharkiv và Odessa thì chợ búa bây giờ vẫn hoạt động bình thường, chỉ có điều những người Việt mình ngày xưa buôn bán ở đấy thì người ta đi sơ tán hết rồi, người ta không về nữa thì hàng hoá công chỗ các thứ vẫn cứ để không đấy, người ta chả về được. Bọn Tây, những người nào ở lại thì họ vẫn đi chợ, vẫn buôn bán thôi, nhưng tất nhiên rõ ràng không thể bằng ngày xưa”.
Mong ngày trở về
Anh Cường, một trong số đa số người Việt phải “bỏ của chạy lấy người”, rời khỏi vùng giao tranh Donetsk để đi sơ tán, cho biết anh hiện đang lánh nạn ở Berlin. Anh và tất cả những người tị nạn đến từ Ukraine đều được chính phủ Đức giúp đỡ, hỗ trợ vài trăm euro mỗi tháng trong thời gian chưa có việc làm và học tiếng. Hiện giờ anh đã có công việc nên không còn nhận hỗ trợ.
“Ở Ukraine thì Tết ta năm nào cũng (tổ chức) nhưng mà sang đây cuộc sống mới ở Đức nó khác, cũng chưa hoà nhập được hết”, anh Cường cho biết về mùa Xuân ly hương đầu tiên kể từ khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine.
Anh cho biết dịp Tết Dương lịch vừa qua, cộng đồng hơn 100 người Việt đang tị nạn ở Berlin đã tổ chức buổi lễ mừng năm mới. Tại đây, họ đã dành một phút trước giờ khai mạc để tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống ở quê hương thứ hai của mình.
“Đấy như quê hương thứ hai, chắc chắn phải nhớ chứ… Thương xót cho đất nước Ukraine!”, anh Cường buồn bã nói về đất nước đã cưu mang anh gần 20 năm qua.
Ở xa, anh và nhiều người Việt tị nạn từ Ukraine vẫn hàng ngày ngong ngóng tin tức chiến sự “bên nhà”.
“Vẫn giao tranh, vẫn đánh nhau ác liệt. Tầm khoảng 8 năm nay đổ lại, mình buôn bán thì vẫn ổn định cuộc sống, còn dân tình thì nhà máy đóng cửa nhiều, dân nghèo nàn đi, khó khăn thì có phải bây giờ mới đánh đâu, chỗ vùng mình nó đánh nhau từ năm 2014 cơ mà… Đất nước hoang tàn, nhiều người bỏ đi, nhà máy xí nghiệp đóng cửa, dân thì đi chạy nạn…”, anh Cường tâm sự.
Cũng như đa số người Việt từng sống ở khu vực miền Đông Ukraine, gia đình anh Cường buôn bán ở chợ để kiếm sống trước khi chiến sự nổ ra.
“Khoảng hơn chục nghìn người Việt sống ở Ukraine thôi, và 70-80% người ta có nhà, cửa hàng… Cũng như mình, có nhà có cửa hàng, xe cộ mọi cái… thì giờ cứ tạm thời gác mọi thứ ở đấy lại đã, cứ vứt ở đấy rồi thỉnh thoảng hỏi thăm qua những người bạn Tây còn ở lại”.
“Sang bên này thì mình chỉ đi làm thuê thôi, chờ khi nào đất nước hoà bình, giải phóng thì 80% vợ chồng con cái mình sẽ quay về…”, anh Cường nói về kế hoạch của gia đình mình mặc dù như lời anh nói “đến giờ hai bên vẫn đang nện nhau” và “đã có (dấu hiệu) gì về hòa bình đâu…”
https://www.youtube.com/watch?
Thông điệp ‘yếu đuối’ của Biden trong cuộc xâm lược Ukraine |
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.