Chưa bao giờ mùa đông lại ngột ngạt đến thế đối với ông Trâu, người đã thống kê được khoảng 20 người tử vong trong những người mà ông quen biết giữa làn sóng lây nhiễm COVID-19 trên diện rộng đang bao trùm Trung cộng.
Có thể nhìn thấy những chiếc rạp đám tang của những gia đình có người thân đã mất trên mọi con phố trên quê hương ông ở thành phố lịch sử Nhạc Dương thuộc Hồ Nam, một tỉnh miền núi phía nam Trung cộng, với dân số khoảng 20,000 người.
Nhiều đến mức “đáng sợ,” ông Trâu, người chỉ cung cấp họ của mình vì sợ bị trả thù.
Ông cho biết bầu trời có vẻ âm u hơn bình thường, không có nhiều ánh sáng mặt trời, càng làm tăng thêm cảm giác sợ hãi ở thị trấn nhỏ này khi đợt bùng phát dịch bệnh như bóng tối bao trùm hết thảy. Chỉ trong ba đến bốn ngày qua, 100 đến 200 người đã tử vong vì căn bệnh này, ông cho hay hôm 23/01.
Cách đó khoảng 4 giờ lái xe về phía nam là Thiệu Dương, một thành phố có dân số khoảng 1.5 triệu người, một người dân từ chối cung cấp tên vì lý do an toàn cho biết hàng ngàn người cao tuổi có thể đã tử vong trong đợt bùng phát này. Ông nói với The Epoch Times hôm 18/01 rằng có thời điểm, bốn gia đình sống trên cùng một con hẻm đều chìm trong tang tóc, ông mô tả điều đó là “không thể tin nổi.”
Nỗi sợ hãi dâng lên đã làm giảm tinh thần nghỉ lễ giữa các lễ hội Tết Nguyên Đán, thường là lễ kỷ niệm lớn nhất trong năm, bắt đầu hồi cuối tuần qua.
Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội hai ngày trước Tết Nguyên Đán, được quay từ một chiếc xe hơi đi qua một khu dân cư, cho thấy một con đường vắng vẻ với vô số vòng hoa và đèn lồng giấy trắng xanh trong đám tang của những người đã khuất.
Một phụ nữ họ Bào ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi quan sát những gì xảy ra với hàng xóm của mình và lo lắng cho chính gia đình mình.”
Bà Bào đã từ chối cung cấp tên của bà vì những lo ngại về an toàn. Bà nói rằng năm mới đối với bà trôi qua mà không có những chuyến thăm như thường lệ tới những họ hàng xa của bà.
Khi virus càn quét khắp đất nước này, chế độ cộng sản Trung cộng đã tiếp tục che giấu quy mô thực sự của đợt bùng phát. Tuy nhiên, số ca tử vong trên diện rộng, các bệnh viện và lò hỏa táng quá tải, và một tình trạng thiếu đồ dùng cho tang lễ đã cho thấy một con số tử vong đáng kể.
Số người tử vong gia tăng đã khiến các lò hỏa táng trên khắp nước này gấp rút mở rộng đáng kể công suất của họ.
Một đánh giá về 10 tỉnh và thành phố lớn cho thấy hơn 30 nhà tang lễ đã công bố các đề nghị mua lò hỏa táng, bình đựng tro cốt, xe tải chở thi thể, và thiết bị làm lạnh chỉ trong ba tuần qua.
“Do hoạt động kinh doanh tăng mạnh, chúng tôi cần mua gấp hai máy phân loại tro và thiết bị sau quy trình hỏa táng,” một thông báo hôm 19/01 do Nhà tang lễ Hồ Châu ở tỉnh Chiết Giang, nằm ở phía nam Thượng Hải, đăng tải.
Trong một đề nghị mua hôm 06/01 hiện đã bị xóa của chính quyền thành phố Sán Đầu ở phía nam tỉnh Quảng Đông, một nhà tang lễ đã đề nghị “mua khẩn cấp” hai lò đốt để sẵn sàng sử dụng trong 10 ngày tới. Vào khoảng thời gian đó, một lò hỏa táng lớn ở Thượng Hải nói với The Epoch Times rằng họ đốt 400 đến 500 thi thể mỗi ngày — gấp 4 đến 5 lần khối lượng công việc nhiều nhất của họ trước đây.
Vật dụng tang lễ cạn kiệt
Khi những đám tang trải dài trên các con đường Trung cộng và xe tang gây tắc nghẽn giao thông bên ngoài các lò hỏa táng, giá hàng hóa vật dụng tang lễ đã tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt.
Nhiều nhà cung cấp bình tro và quan tài đã xác nhận rằng họ đã hết hàng hoặc sắp hết hàng trong kho vào thời điểm liên lạc trước Tết Nguyên Đán. Mỗi người được phỏng vấn chỉ cung cấp họ của mình hoặc từ chối tiết lộ danh tính vì sợ bị trả thù.
Đại diện bán hàng họ Tôn cho biết một nhà sản xuất bình đựng tro cốt ở Hà Nam, tỉnh đông dân thứ ba của nước này, đã hết hàng và việc bổ sung lại có thể mất khoảng một tháng. Bà Tôn lưu ý rằng đây là điều chưa từng có trong gần hai thập niên bà làm việc trong ngành này.
“Đây đúng là chuyện chưa từng có,” ông Khâu, đại diện của một nhà sản xuất bình đựng tro cốt khác ở tỉnh Sơn Đông lân cận, đồng thời cho rằng COVID-19 là nguyên nhân của “cơn bão” các đơn đặt hàng vừa đến.
Một nhà sản xuất quan tài ở Cảnh Đức Trấn, thành phố nổi tiếng về nghệ thuật gốm sứ, cho biết ông chỉ còn hai món hàng cho những dòng hàng chưa bán hết và đã khuyên khách hàng mua bất cứ thứ gì có sẵn mà không cần lựa chọn.
“Thành thật mà nói, năm nay có quá nhiều người tử vong và nhu cầu quá cao; chúng tôi không thể làm kịp,” ông nói.
Lời kể của người dân địa phương trên khắp đất nước cũng không kém phần nghiệt ngã.
Cô Lương Diễm (Liang Yan), người sử dụng hóa danh vì lý do an toàn, đến từ Tô Châu, một thành phố gần Thượng Hải, đã mất ba thành viên lớn tuổi trong gia đình, trong đó có mẹ cô vào cùng một ngày đầu tháng này. Nhà tang lễ địa phương đã đặt giới hạn danh sách 400 lượt trong khoảng thời gian 24 giờ. Hôm 05/01, cô và một vài người khác trong gia đình đã cố gắng lấy một số khi nhà tang lễ mở danh sách lúc nửa đêm; trong 28 giây, họ được xếp ở lượt thứ 160. Chi phí tang lễ cho mẹ cô là hơn 10,000 nhân dân tệ (khoảng 14,740 USD), gấp đôi số tiền cho một dịch vụ như vậy trong quá khứ.
Sự thiếu hụt trầm trọng của đồ dùng tang lễ đồng nghĩa với việc không có quan tài bằng bìa cứng hoặc gỗ để đựng hài cốt của mẹ cô. Cô nói rằng tất cả những gì còn lại là một chiếc túi giấy và tấm vải liệm.
Vỡ mộng
Khi phần đông dân số Trung cộng đang gặp khó khăn do một đợt bùng phát dịch COVID-19, các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã tìm cách vẽ ra một thực tế khác.
Cùng ngày một trường đại học hàng đầu do nhà nước Trung cộng hậu thuẫn công bố một báo cáo cho biết đã có 900 triệu ca nhiễm trong làn sóng COVID-19 mới nhất, các quan chức tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Bắc Kinh đã triệu tập một hội nghị kỷ niệm 3 năm chống dịch bệnh bùng phát, trong đó họ trao hàng chục giải thưởng, với Bí thư Đảng ủy của trung tâm này, ông Hoàng Xuân (Huang Chun), tuyên bố rằng cơ quan này đã “làm tròn sứ mệnh của họ.”
Đồng tình với giọng điệu đắc thắng này là ông Tưởng Vân Trung (Jiang Yunzhong), một học giả theo chủ nghĩa Marx và là quan chức Đảng tại Đại học Thanh Hoa ưu tú ở Bắc Kinh, người đã nói rằng số người tử vong vì COVID-19 ở Trung cộng “vẫn nằm trong phạm vi có thể chấp nhận được.”
“Ngay cả khi có vài triệu người tử vong, vậy thì đã sao?” ông đã viết trên mạng xã hội Trung cộng hôm 14/01. “Trung cộng có 10 triệu người tử vong vào năm 2021; ngay cả khi có thêm 5 triệu người tử vong, đó chỉ là một mức tăng 50% — sự khác biệt giữa hai người tử vong so với ba người tử vong.”
Cho đến nay, chính quyền này đã thừa nhận có khoảng 72,000 ca tử vong, một con số đã khiến các chuyên gia và người dân vô cùng hoài nghi.
“Đó là một bi kịch trong lịch sử loài người,” ông Trâu nói. “Họ coi đây là một trò đùa tiêu khiển và thậm chí còn muốn khoe khoang về thành tích của mình và biến nó thành hình mẫu cho thế giới. Họ không quan tâm đến những gì những người dân bình thường nghĩ.”
Những con số về virus phi thực tế này là thứ đã thay đổi suy nghĩ của thế hệ lớn tuổi, những người lớn lên dưới sự tẩy não của chính quyền này và thường không tán thành bất kỳ cuộc thảo luận nào chỉ trích Đảng Cộng sản Trung cộng, theo ông Trâu, người đã mô tả đây là một dấu hiệu của “các gene màu đỏ bị phá vỡ.”
“Tôi có thể thấy họ thực sự tức giận,” ông nói. “Khi họ nói, họ sẽ hỏi: ‘Tại sao những người đó lại báo cáo dữ liệu như thế này?’ Họ không thể hiểu được.”
“Họ từng bào chữa cho tất cả những gì [chính quyền] nói, nhưng giờ họ đã hoàn toàn mất niềm tin vào chính quyền này.”
Eva Fu _ Thanh Tâm
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.