Sự đảo ngược chính sách này khiến nhiều người sửng sốt, nhưng có lẽ chỉ một số người để ý rằng ông Tập đã thực hiện những thay đổi chính sách tương tự trong hai lĩnh vực then chốt khác: kinh tế và ngoại giao. Nếu chúng ta xem xét kỹ ba điều chỉnh lớn này, thì [sẽ thấy] nguyên nhân căn bản là do nền kinh tế.
Để nhanh chóng thúc đẩy nền kinh tế, tức là, để khôi phục sản xuất và xuất/nhập cảng sản phẩm càng sớm càng tốt, Đảng Cộng sản Trung cộng (ĐCS_TC) bất ngờ dỡ bỏ mọi hạn chế về COVID-19 và để dịch bệnh quét qua Trung cộng như một cơn sóng thần.
Thực tế 64% dân số bị nhiễm bệnh cho thấy Trung cộng đã thiết lập một hàng rào miễn dịch. Chúng ta sẽ thấy hoạt động sản xuất ở khắp mọi nơi được khôi phục hoàn toàn sau Tết Nguyên Đán, với cái giá là 900,000 ca tử vong từ 900 triệu ca nhiễm bệnh, thậm chí với tỷ lệ tử vong là 0.1%. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều, và một số chuyên gia tin rằng đỉnh dịch vẫn chưa đến.
Chỉ có ĐCS_TC mới dám dỡ bỏ hoàn toàn mọi hạn chế mà không có lấy một kế hoạch và bất kỳ sự chuẩn bị nào, dẫn đến 900 triệu ca nhiễm COVID-19 trong một tháng.
Tại sao?
Theo Bloomberg, “kế hoạch của chính quyền này dường như là nhanh chóng khắc phục làn sóng mở cửa trở lại ban đầu, và đưa nền kinh tế — vốn đang gặp khó khăn sau nhiều tháng phong tỏa tê liệt, cách ly, và xét nghiệm bắt buộc — trở lại mức tăng trưởng ổn định.” Tôi đồng ý với đánh giá này.
Ông Tập thậm chí đã đi xa đến mức đảo ngược các chính sách kinh tế đặc trưng của mình để vực dậy nền kinh tế. Các chính sách này có thể được chia thành ba lĩnh vực lớn: công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, và địa ốc.
Mỗi khi một công ty đối mặt với khủng hoảng, công ty đó sẽ trở thành tâm điểm đưa tin của giới truyền thông quốc tế. Chẳng hạn, vào năm 2021, Alibaba đã bị phạt ở mức kỷ lục là 18.2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.8 tỷ USD), và đại công ty địa ốc Evergrande phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ đe dọa nền kinh tế. Năm ngoái, tổ chức giáo dục hàng đầu của Trung cộng, New Oriental Education, đã sa thải 60,000 nhân viên và chứng kiến doanh thu giảm mạnh 80%.
Giờ đây, ông Tập cũng đã dỡ bỏ các hạn chế đối với các ngành công nghiệp nói trên. Với việc ông Jack Ma nhượng lại quyền kiểm soát Ant Group, Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Trung cộng Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing) nói với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã rằng cuộc đàn áp đối với hơn một chục công ty công nghệ tài chính (fintech) về căn bản đã kết thúc.
Ấn bản Hoa ngữ của The Wall Street Journal đưa tin rằng trong những tuần gần đây, các quan chức Trung cộng đã bắt đầu đánh giá các chính sách trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục. Ngoài ra, chính quyền ở Bắc Kinh đang sử dụng các công cụ tài chính của họ để giải cứu ngành địa ốc.
ĐCS_TC là một hệ thống toàn trị, và ông Tập là một nhà độc tài. Nếu không có sự chấp thuận của ông Tập, thì chính sách zero COVID hà khắc và sự đàn áp đối với các công ty giáo dục, địa ốc, và fintech đã không thể xảy ra. Và bây giờ, những việc đảo ngược chính sách 180 độ này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự chấp thuận của ông Tập.
Bây giờ ông Tập có lẽ nhận ra rằng nếu như Trung cộng muốn phát triển kinh tế, thì phải hòa hợp với cộng đồng quốc tế.
Theo dữ liệu chính thức, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung cộng trong nửa đầu năm 2022 đạt 56 ngàn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 8.3 ngàn tỷ USD), trong khi tổng kim ngạch xuất nhập cảng là 19.8 ngàn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 2.9 ngàn tỷ USD), đã chiếm 35.2% GDP, nhưng đây chỉ là số liệu về xuất nhập cảng. Việc làm và tiêu dùng do ngành xuất nhập cảng tạo ra cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong GDP.
Vì vậy, để duy trì hoạt động ngoại thương, thì cần phải duy trì các mối bang giao quốc tế tốt đẹp. Trong tháng này, ông Triệu Lập Kiên — nhà ngoại giao “chiến lang” nổi tiếng — đã bị cách chức phát ngôn viên Bộ Ngoại giao. Ông Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người từng ủng hộ không có giới hạn tối đa cho hợp tác Trung-Nga, đã được chuyển đến Tổng cục Phát thanh và Truyền hình với tư cách là phó giám đốc. Cả hai thay đổi này có thể liên quan đến mong muốn cải thiện hình ảnh quốc tế của ĐCS_TC.
ĐCS_TC từ lâu đã có một thỏa thuận ngầm với người dân để “đổi tự do lấy bánh mì”: Tôi sẽ giúp quý vị cải thiện cuộc sống, nhưng quý vị cần phải từ bỏ quyền chính trị của mình. Nhưng khi nền kinh tế chững lại, mọi người sẽ đứng lên chống lại — phong trào “Giấy Trắng” hồi cuối tháng Mười Một là một dấu hiệu cho thấy điều này.
Năm 1957, cựu lãnh đạo ĐCS_TC Mao Trạch Đông đã phát động “phong trào chống cánh hữu” chống lại giới trí thức vì những người này không hài lòng với cách cai trị của ông ấy. Sau chiến dịch này, ông Mao cũng đi theo con đường phát triển kinh tế để khiến nhiều người ủng hộ mình hơn — đây là phong trào “Đại Nhảy Vọt” năm 1958.
Tuy nhiên, chiến dịch đó đã kết thúc trong thất bại thảm hại, khiến khoảng 30 triệu người tử vong vì đói. Ông Mao buộc phải từ bỏ các chính sách kinh tế của mình và giao quyền điều hành đất nước cho ông Lưu Thiếu Kỳ. Nhưng ông Mao không muốn từ bỏ quyền lực, và vào năm 1966 thông qua “Cách mạng Văn hóa”, ông ấy đã lật đổ ông Lưu và giành lại quyền kiểm soát.
Có phải ông Tập đang mở đường cho “Đại Nhảy Vọt” kinh tế của chính mình bằng cách bác bỏ các chính sách kinh tế trong quá khứ của mình? Liệu ông ấy có thành công? Nếu không thành công, ông ấy có phát động một cuộc “Cách mạng Văn hóa” lần thứ hai không? Suy cho cùng, thì ông Tập dường như đang bắt chước ông Mao.
Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang hay Shujia Gong) _ Nhã Đan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.