Ông Lakshman Achuthan và ông Anirvan Banerji, những người đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Chu kỳ Kinh tế (ECRI), đã viết trong một bài bình luận hôm thứ Sáu (13/01): “Một số nhà kinh tế lập luận rằng sức mạnh của thị trường lao động — cũng như bảng cân đối kế toán gia đình — sẽ giữ cho nền kinh tế đủ mạnh để tránh suy thoái. Chúng tôi không đồng ý,” họ viết, đồng thời cho biết thêm rằng “chúng tôi vẫn dự kiến rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bước vào suy thoái trong năm nay.”
Họ viết, đó là bởi vì một phần là do các quyết định gần đây của Cục Dự trữ Liên bang nhằm tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập niên nhằm giảm mức lạm phát chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980. Việc tăng lãi suất dường như đã có tác dụng ở một mức độ nào đó khi tuần trước (02-08/01) Bộ Lao động xác nhận rằng chỉ số giá tiêu dùng đo lường lạm phát đã giảm 0.1% trong tháng Mười Hai xuống còn 6.5%.
Tháng trước (12/2022), Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất chuẩn lên nửa điểm phần trăm, trong khi bốn lần tăng gần đây nhất đều là ba phần tư điểm phần trăm.
Hai kinh tế gia này đã viết cho CNN, “Suy thoái kinh tế luôn kéo theo sự sụt giảm đáng kể về cả GDP lẫn việc làm, nhưng những sự sụt giảm như vậy không hẳn là rõ ràng ngay từ đầu cuộc suy thoái,” và nói rằng người Mỹ “đừng để bị lừa” bởi những dự báo lạc quan nói điều ngược lại. “Mặc dù GDP và việc làm có di chuyển cùng nhịp với nền kinh tế, nhưng vào thời điểm các số liệu này được công bố, chúng chỉ cho chúng ta biết nền kinh tế đã ở đâu trong quá khứ gần đây.”
Họ viết rằng đã có những điểm tương đồng giữa nền kinh tế Hoa Kỳ hiện tại và cuộc Đại Suy Thoái năm 2008.
“Khi đó, nhiều người—bao gồm cả Tổng thống khi ấy là ông George W. Bush — không lo ngại về suy thoái kinh tế vì GDP vẫn chưa giảm, mặc dù tình trạng mất việc làm đã bắt đầu,” bài báo của họ cho biết. “Chúng tôi đã đẩy lùi tâm lý tự mãn đang thịnh hành, khi viết cho CNN vào thời điểm đó, ‘Mặc dù GDP vẫn chưa giảm, nhưng chúng ta đã chứng kiến bốn tháng liên tiếp mất việc làm. Thực tế này cho thấy nền kinh tế đang trên đà suy thoái. Và điều đó ngụ ý rằng một trong hai hoặc cả hai ước tính GDP hơi tăng gần đây sẽ được điều chỉnh xuống mức âm vào năm tới.’”
Một cuộc suy thoái sẽ bao gồm mất việc làm. Trong lĩnh vực công nghệ đã có những đợt sa thải được thực hiện vào mùa đông này, dẫn đầu là Amazon, Meta và Facebook, Twitter, cùng những công ty khác.
Ông Banerji và ông Achuthan viết, “Đó là lý do tại sao — sau khi dự đoán rằng nền kinh tế sẽ bước vào suy thoái — mùa xuân năm ngoái, chúng tôi đã kêu gọi những người tìm việc ‘cập nhật hồ sơ cá nhân’ và thực hiện bất kỳ bước chuyển việc nào trong khi thị trường việc làm vẫn còn nóng.”
Và trong khi GDP hoặc tổng sản phẩm quốc nội giảm, và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn là những dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái đang diễn ra, hai nhà kinh tế này nói rằng hai yếu tố đó “di chuyển cùng nhịp với nền kinh tế, đồng thời đến lúc các số liệu này được công bố, chúng sẽ chỉ nói cho chúng ta biết nền kinh tế đã ở đâu trong thời gian gần đây mà thôi.”
“Đặc biệt, việc làm có thể duy trì lâu hơn dự kiến trong một kịch bản suy thoái,” họ cho biết thêm. “Điều đó đúng trong thời kỳ lạm phát vào khoảng những năm 1970. Đáng chú ý nhất là tỷ lệ thất nghiệp không đạt đỉnh cho đến tám tháng sau khi bắt đầu cuộc suy thoái nghiêm trọng 1973-1975.”
Chính phủ Tổng thống Biden chưa công bố báo cáo việc làm tháng Mười Hai. Trong tháng Mười Một, Hoa Kỳ đã tạo thêm 263,000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 3.7%.
Các dự báo khác
Một nhà kinh tế khác, cựu Bộ trưởng Ngân khố Lawrence Summers, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn phải đối mặt với suy thoái vào năm 2023. Dự đoán đó là bất chấp các tin tức đáng hoan nghênh trong những tuần gần đây về lạm phát thấp hơn và số lượng việc làm ổn định.
“Người ta phải cẩn thận với những bình minh giả,” ông Summers nói với Bloomberg hồi tuần trước. “Tôi sẽ kiên định với quan điểm của mình rằng một cuộc suy thoái trong năm nay có nhiều khả năng xảy ra hơn là không.”
Và khoảng 61% các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Wall Street Journal dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái trong vòng 12 tháng tới.
Các nhà kinh tế Brett Ryan và Matthew Luzzetti của Deutsche Bank cho biết trong cuộc khảo sát của WSJ, được công bố hôm 15/01: “Mặc dù các báo cáo về lạm phát gần đây đã cho thấy một số tiến bộ, nhưng lạm phát trong một số lĩnh vực như các ngành dịch vụ cốt lõi vốn trong lịch sử thường có mối tương quan với thị trường lao động chặt chẽ (tức thị trường có nhu cầu cao) còn dai dẳng, cho thấy Fed vẫn còn ‘một chặng đường dài phía trước.’” Họ nói thêm, “Fed sẽ duy trì quỹ đạo thắt chặt tiền tệ để khôi phục trạng thái tái cân bằng của thị trường lao động và sự ổn định giá cả, làm như vậy theo quan điểm của chúng tôi sẽ khiến tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế gia tăng mạnh mẽ.”
Jack Phillips _ Vân Du
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.