Pages

Saturday, March 9, 2024

Các ngân hàng Hoa Kỳ cẩn thận với ngày rủi tháng Ba

 BM

Những ngày xung quanh ngày Ides tháng Ba của năm 2024 là khoảng thời gian nguy hiểm đối với lĩnh vực ngân hàng, vì của cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu từ một năm trước với sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có nguy cơ bùng phát một giai đoạn hai nghiêm trọng hơn. Những vấn đề mang tính căn bản được phát hiện vào năm ngoái trong hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ, đặc biệt là trong các ngân hàng khu vực và ngân hàng cộng đồng nhỏ hơn, vẫn chưa được giải quyết mà chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Có thể kể đến các vấn đề như không có khả năng huy động tiền gửi, ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn tài trợ khẩn cấp của chính phủ, những khoản lỗ chưa thực hiện trên danh mục đầu tư chứng khoán, những khoản lỗ cho vay ngày càng tăng trong lĩnh vực địa ốc thương mại, và tình cảnh khó khăn của người tiêu dùng.


BM


Năm 2023 đã chứng kiến ba trong số bốn vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử những vụ sụp đổ các ngân hàng SVB, First Republic, và Signature Bank đại diện cho tổng số tài sản lên tới hơn 500 tỷ USD, cũng như việc ngân hàng Credit Suisse đáng kính của Thụy Sĩ (với khối tài sản trị giá 600 tỷ USD) bị buộc phải sáp nhập vào đối thủ cạnh tranh chính UBS của họ. Các hãng xếp hạng tín dụng như Moody’s sau đó đã hạ bậc xếp hạng đối với một loạt ngân hàng của Hoa Kỳ, bao gồm cả ngân hàng quá lớn để sụp đổ (too big to fail) USBank (lại một khối tài sản trị giá 664 tỷ USD khác).


BM


Vào thời điểm đó, cả Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen và Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon đều đã công khai tuyên bố rằng hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ vẫn lành mạnh, và ngụ ý rằng các sự kiện này không mang tính hệ thống mà chỉ là những trường hợp cá biệt riêng lẻ hạn định trong các ngân hàng cụ thể được đề cập. Tuy nhiên, thị trường không cảm thấy thuyết phục, và các nhà đầu tư cũng như người gửi tiền đã tiếp tục rời bỏ các ngân hàng khu vực trong những tháng tiếp theo. Trong năm qua, giai đoạn mà các chỉ số vốn chủ sở hữu nói chung đã tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử, thì cổ phiếu ngân hàng khu vực đã tiếp tục suy yếu và duy trì ở những mức dưới các mức đạt được vào cuối năm 2022. Trong khi tính đến thời điểm hiện tại chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 7% thì chỉ số của các ngân hàng khu vực lại giảm hơn 5% vào năm 2024, cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn cảnh giác.


Kể từ năm 2022, người gửi tiền đã rút hơn 1 ngàn tỷ USD từ hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ. Dòng tiền chảy ra ổn định đã biến thành một cuộc tháo chạy vội vã với việc rút tiền hàng loạt sau sự sụp đổ của SVB. Để ngăn chặn diễn ra tình trạng cạn kiệt thanh khoản có hệ thống, Hệ thống Dự trữ Liên bang đã can thiệp để đề ra một chương trình cho vay khẩn cấp gọi là Chương trình Tài trợ có Kỳ hạn cho Ngân hàng (BTFP). Chương trình này có thời hạn một năm và sẽ hết hạn vào ngày 11/03/2024. Chương trình nhằm mục đích giúp các ngân hàng có thời gian khôi phục lại hoạt động thu thập tiền gửi bình thường. Tuy nhiên, thay vì dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn tài trợ của chính phủ, thì các ngân hàng đã tăng gấp đôi việc sử dụng BTFP trong năm qua.


BM


Fed đã thông báo hôm 24/01/2024 rằng BTFP sẽ hết hạn theo kế hoạch mặc dù mức sử dụng đã đạt đến đỉnh điểm 167 tỷ USD trong cùng tuần đó. Fed đang tìm cách chứng minh rằng “các tình huống bất thường và cấp bách” (hay nói cách khác, các tình trạng khẩn cấp) vào tháng 03/2023 đã được giải quyết và bối cảnh kinh doanh đang quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, một tuần sau, biên bản cuộc họp hoạch định chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang đã loại bỏ kiểu ngôn ngữ điển hình “Hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ vẫn lành mạnh và kiên cường” mà trước đó họ vẫn sử dụng. Đây là một dấu hiệu cảnh báo mà phần lớn thị trường đã bỏ qua.


BM


Mới đây nhất vào tuần trước (26/02-03/03), việc sử dụng BTFP của các ngân hàng Hoa Kỳ đã ở gần mức cao nhất trong lịch sử với hơn 163.5 tỷ USD, so với mức sử dụng cao nhất là 79 tỷ USD vào giữa cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng 04/2023. Diễn biến này thật đáng kinh ngạc trước thực tế là với mức lãi suất 5.4%, thì nguồn vốn của BTFP đang tương đối đắt so với nguồn tiền gửi. Mặc dù không có khoản vay mới nào có thể được ứng trước sau ngày 11/03/2024, nhưng các khoản nợ tồn đọng có thời hạn tối đa một năm kể từ ngày cho vay tạm ứng. Các ngân hàng vẫn đang vay BTFP vào tháng 03/2024 đang gửi đi tín hiệu cho thấy rằng họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính theo các điều khoản liên quan đến thị trường. Tình trạng này không làm tăng được lợi nhuận và đang làm cạn kiệt vốn của họ.


Các ngân hàng lớn thì đang trong một vị thế khác. Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, những khoản tiền gửi của các ngân hàng trung tâm tiền tệ quá lớn để sụp đổ này tại Hệ thống Dự trữ Liên bang giờ đây đã mang lại lợi nhuận. Trong hầu hết khoảng thời gian kể từ năm 2008–2009 (tức là kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu), cho đến những năm suy thoái do các đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 gây ra lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ chỉ nhỉnh hơn mức 0% một chút. Tuy nhiên, kể từ tháng 07/2023, Hệ thống Dự trữ Liên bang đã trả các ngân hàng lớn này lãi suất 5.4% cho số tiền gửi dự trữ của họ tại Fed.


BM

Kết quả là số dư dự trữ đã tăng hơn gấp đôi từ 1.6 ngàn tỷ USD vào tháng 02/2020 lên 3.6 ngàn tỷ USD vào cuối tháng 02/2024. Các ngân hàng quá lớn để sụp đổ không thể tin được rằng họ lại may mắn đến thế. Việc gửi tiền dự trữ vào Fed với lãi suất cao dễ dàng mang lại lợi nhuận hơn và ít rủi ro hơn nhiều so với hoạt động cho vay phiền phức. Các ngân hàng cộng đồng và ngân hàng khu vực nhỏ hơn có thanh khoản dư thừa thấp hơn và chi phí tài trợ vốn cao hơn, đồng thời sở hữu khả năng tiếp cận cửa sổ chiết khấu của Fed hạn chế, nên ít có khả năng kiếm lời từ việc Fed sẵn sàng chấp nhận thua lỗ hơn và do đó đang ngày càng tiến gần hơn đến tình trạng mất khả năng thanh toán. Khoản lỗ lũy kế hơn 133 tỷ USD của Fed kể từ tháng 09/2022 phần lớn là mang lại lợi ích cho các ngân hàng quá lớn để sụp đổ, một món quà hào phóng của chủ nghĩa tư bản thân hữu mà rốt cuộc người đóng thuế Mỹ sẽ phải trở thành bên chi trả.


Thật trùng hợp, vào ngày Ides tháng Ba của năm 2020, Hệ thống Dự trữ Liên bang đã công bố giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng Hoa Kỳ xuống mức 0. Nói cách khác, các ngân hàng không còn bị cơ quan quản lý chính của họ yêu cầu phải giữ bất kỳ khoản tiền mặt nào trong tay để đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền nữa. Trước khi có thay đổi này, yêu cầu dự trữ đối với các tài khoản giao dịch ròng là 3% hoặc 10%, tùy thuộc vào số dư tài khoản. Nếu như dưới hệ thống yêu cầu dự trữ theo tỷ lệ trước đây, các ngân hàng đã chưa từng bao giờ có đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu rút tiền gửi tăng đột ngột của khách hàng, thì giờ đây với quy định ân huệ này, các ngân hàng thậm chí còn không phải vờ như mình có đủ tiền nữa.


Nếu có một đợt rút tiền tháo chạy hàng loạt khác, thì Fed sẽ chỉ tạo thêm tiền từ hư không cùng với Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, sau đó bơm vào hệ thống số tiền mặt cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền. Nhưng đây không phải là những đồng tiền thật hoặc tiền chân chính. Tiền này chỉ đơn giản là làm tăng thêm khoản nợ của chính phủ liên bang Hoa Kỳ, vốn đã ở mức đáng kinh ngạc 34 ngàn tỷ USD và đang tăng thêm 1 ngàn tỷ USD cứ mỗi khoảng ba tháng. Người Mỹ một lần nữa sẽ phải trả giá bằng một khoản thuế ẩn dưới dạng lạm phát dẫn đến mất sức mua.


BM


Vào ngày 30/09/2023, hệ thống ngân hàng có khoản thua lỗ chưa thực hiện được ước tính vào khoảng 1.5 ngàn tỷ USD trên danh mục chứng khoán và sổ cho vay của họ. Nếu những khoản thua lỗ này được định giá trên thị trường và được thực hiện đối với vốn ngân hàng, thì phần lớn khoản vốn được dành ra để hấp thụ thua lỗ sẽ bị xóa sạch, và hệ thống ngân hàng sẽ bị thiếu vốn đáng kể. Mặc dù có một số ngân hàng hoạt động tốt còn số khác thì không, nhưng nhìn chung hệ thống đang yếu kém và gặp rủi ro. Tóm lại, hệ thống không có đủ vốn để bù đắp khoản lỗ ngày càng tăng và không có đủ thanh khoản để đối mặt với một đợt rút tiền gửi tháo chạy hàng loạt khác.


Hệ quả sau đó có thể là một cuộc khủng hoảng làm lu mờ quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–2009, và mức độ can thiệp cần thiết của chính phủ sẽ trông rất giống với việc quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng. Điều không thể tránh khỏi trong một kịch bản như vậy là sức mua của đồng USD sẽ sụt giảm nghiêm trọng khi hàng ngàn tỷ tiền mới nực cười được tạo ra từ hư không để trợ giúp cho hệ thống tài chính.




Michael Wilkerson  _  Vân Du

***

Tiền của quý vị trong ngân hàng _ Làm thế nào để bảo vệ?

 BM

Hai ngân hàng lớn ở Hoa Kỳ, Silicon Valley Bank và Signature Bank, vừa sụp đổ. Hầu hết mọi người đều biết về sự sụp đổ đó, và sự kiện này khiến nhiều người tự hỏi liệu tiền của họ có an toàn trong ngân hàng hay không. Bên cạnh những vụ sụp đổ của ngân hàng, các điều kiện kinh tế khác càng làm cho mọi người bối rối khi tự hỏi làm thế nào để bảo vệ tiền của mình.

https://baomai.blogspot.com/2023/03/tien-cua-quy-vi-trong-ngan-hang-lam-nao.html


BM
Cựu TT Trump đang tìm ra những cách thức mới để phá vỡ trò chơi chính trị
Boeing 777 của United Airlines rơi bánh xe ngay sau khi cất cánh
Cuộc điều tra về ca tử vong của em dâu TNS. McConnell
Bằng chứng cho thấy thuốc trừ sâu có liên quan đến bệnh Parkinson
Trump đáp lại bài diễn văn Thông điệp Liên bang
Thần Cupid: Biểu tượng tình yêu vượt thời đại
Nền kinh tế của ông Biden tốt cho robot, xấu cho con người
Phơi bày những vấn đề nghiêm trọng dữ liệu về biến đổi khí hậu
Dữ liệu DNA toàn cầu của Trung cộng để phát triển vũ khí và các hình thức giám sát
Ba loại thức uống làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ
Thuốc mỡ bôi mắt và lẹo mắt bị thu hồi
Truyền thông xã hội viện dẫn quyền Tu chính án thứ Nhất để kiểm duyệt người Mỹ
Phân cực chính trị qua phim: "Đào, phở và piano"
Lễ hội âm nhạc Yeehaw tôn vinh dòng nhạc Bluegrass
Nỗi khổ của bệnh Parkinson
Tổng thống Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang
Nước ép củ dền giúp sức khỏe cho bệnh nhân COPD
9 điểm rút ra từ các cuộc tranh cử đối đầu ngày Siêu Thứ Ba
Làng A Di Đà _ Conroe, Texas
Sự tê liệt và suy tàn của Mỹ quốc

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.