Chính phủ TT Biden dựa vào báo cáo Đánh giá Khí hậu Quốc gia mới nhất của mình để làm bằng chứng cho thấy hiện tượng ấm lên toàn cầu đang gia tăng do các hoạt động của con người. Tài liệu này nêu rõ rằng lượng phát thải “khí nhà kính” của con người như carbon dioxide đang làm Trái đất ấm lên một cách nguy hiểm.
Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc cũng có quan điểm tương tự và các nhà lãnh đạo của tổ chức này đang thúc đẩy những thay đổi lớn về chính sách toàn cầu để ứng phó.
Nhưng các chuyên gia khoa học từ khắp nơi trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau đang phản đối. Trong các nghiên cứu được bình duyệt, họ trích dẫn một loạt sai sót trong dữ liệu nhiệt độ toàn cầu được sử dụng để đưa ra những kết luận nghiêm trọng nêu trên; họ nói đã đến lúc phải xem xét lại toàn bộ luận điệu này.
Các vấn đề với dữ liệu nhiệt độ bao gồm thiếu dữ liệu mang tính đại diện về mặt địa lý và lịch sử, sự nhiễu loạn của các số ghi nhiệt độ do sức nóng từ các khu vực thành thị, và sự thao túng dữ liệu do một quy trình được gọi là “đồng nhất hóa” đưa ra.
Ba nhà khoa học độc lập thuộc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Khoa học Trái đất (CERES) giải thích rằng các thiết sót này nghiêm trọng đến mức khiến dữ liệu nhiệt độ và các mô hình dựa trên dữ liệu đó về cơ bản là trở nên vô dụng hoặc xấu đi.
Các chuyên gia này cho biết khi xem xét vấn đề thao túng dữ liệu, thì “cuộc khủng hoảng khí hậu” mà người ta nói là do hoạt động của con người gây ra sẽ biến mất.
Họ cho rằng, thay vào đó, tính biến thiên của khí hậu tự nhiên đưa ra một lời giải thuyết phục hơn nhiều cho những gì đang được quan sát.
Một số chuyên gia nói rằng dường như có sự gian lận có chủ ý, trong khi những người khác đưa ra những lời giải thích vô hại hơn.
Nhưng bất kể tại sao những vấn đề này tồn tại, thì thật khó để phóng đại ý nghĩa của những phát hiện này.
Trong một loạt cuộc phỏng vấn về nghiên cứu của mình, các nhà đã khoa học giải thích rằng, nếu không có khủng hoảng khí hậu, thì việc biện minh cho con số hàng tỷ dollar trong chi tiêu của chính phủ và những thay đổi đầy tốn kém trong chính sách công cộng để hạn chế lượng phát thải carbon dioxide (CO2) sẽ sụp đổ.
“Trong 35 năm qua, những lời của IPCC đã được coi là phúc âm,” theo nhà vật lý thiên văn và người sáng lập CERES Willie Soon. Cho đến gần đây, ông là một nhà nghiên cứu làm việc với Trung tâm Vật lý thiên văn, Harvard & Smithsonian.
Báo cáo Đánh giá Khí hậu Quốc gia mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ nêu rõ: “Các hoạt động của con người đang làm thay đổi khí hậu.”
“Bằng chứng về sự ấm lên trên khắp nhiều khía cạnh của hệ thống Trái đất là không thể chối cãi, và khoa học cho thấy rõ ràng rằng sự gia tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển đang thúc đẩy nhiều xu hướng và thay đổi đã được quan sát.”
Đặc biệt, theo báo cáo nên trên, đây là bởi vì các hoạt động của con người như đốt cháy nhiên liệu hóa thạch để phục vụ giao thông, năng lượng, và nông nghiệp.
Ông Soon cho biết, việc xem xét thang thời gian sẽ cho thấy rõ những vấn đề hệ trọng với luận điệu này.
“Khi người ta hỏi về sự ấm lên toàn cầu hoặc biến đổi khí hậu, chủ yếu là phải hỏi, ‘Kể từ khi nào vậy?’ Dữ liệu này cho thấy khí hậu đã ấm lên kể từ những năm 1970, nhưng tình trạng này diễn ra sau một thời kỳ mát mẻ từ những năm 1940,” ông nói.
Mặc dù hiện nay khí hậu “chắc chắn ấm hơn” so với thế kỷ 19, nhưng ông Soon nói rằng dữ liệu biến số đo được (proxy data) về nhiệt độ cho thấy thế kỷ 19 “lạnh bất thường.”
“Đó là sự kết thúc của một thời kỳ được gọi là Thời kỳ Tiểu Băng Hà,” ông nói.
Ông Soon cho biết, dữ liệu lấy từ các trạm nhiệt độ nông thôn, số đo đại dương, khinh khí cầu thời tiết, số đo vệ tinh, và các thước đo nhiệt độ như vòng cây, sông băng, và trầm tích hồ, “cho thấy khí hậu luôn thay đổi.”
“Các dữ liệu này cho thấy rằng khí hậu hiện tại bên ngoài các thành phố không có gì bất thường,” ông nói, còn cho biết thêm rằng sức nóng từ các khu vực đô thị đang ảnh hưởng không đúng đến dữ liệu.
“Nếu chúng ta loại trừ dữ liệu nhiệt độ đô thị vốn chỉ chiếm 3% diện tích hành tinh, thì chúng ta sẽ có được một bức tranh rất khác về khí hậu.”
Quá trình đồng nhất hóa
Còn một vấn đề nữa, đó là các nhà khoa học cho rằng việc thao túng dữ liệu bắt nguồn từ một quá trình mơ hồ được gọi là “đồng nhất hóa.”
Theo các nhà khoa học về khí hậu làm việc với các chính phủ và Liên Hiệp Quốc, các thuật toán được sử dụng cho việc đồng nhất hóa là nhằm điều chỉnh càng nhiều càng tốt các sai lệch khác nhau có thể tồn tại trong dữ liệu nhiệt độ thô.
Những sai lệch này, cùng với nhiều sai lệch khác, gồm việc di dời các trạm theo dõi nhiệt độ, thay đổi công nghệ được sử dụng để thu thập dữ liệu, hoặc thay đổi môi trường xung quanh một nhiệt kế có thể ảnh hưởng đến số ghi của nhiệt kế.
Ví dụ, nếu một trạm nhiệt độ ban đầu được đặt ở một cánh đồng trống nhưng sau đó cánh đồng này đã được lát đường để làm bãi đậu xe, thì dữ liệu thu được sẽ hiển thị nhiệt độ nóng hơn nhiều. Vì vậy, sẽ hợp lý nếu tìm cách sửa dữ liệu thu thập được.
Hầu như không ai phản đối sự cần thiết phải đồng nhất hóa nào đó để kiểm soát các yếu tố khác nhau có thể làm nhiễu loạn dữ liệu nhiệt độ.
Ông Ronan Connolly, một nhà khoa học độc lập tại CERES cho biết, việc kiểm tra kỹ lưỡng hơn quá trình này như đang diễn ra hiện nay cho thấy những mối lo ngại nghiêm trọng.
Ông nói: “Mặc dù cộng đồng khoa học đã trở nên nghiện sử dụng các chương trình máy điện toán này một cách mù quáng để khắc phục các sai lệch dữ liệu, nhưng cho đến gần đây, vẫn chưa có ai bận tâm đến việc xem xét kỹ lưỡng rằng liệu các chương trình này có hoạt động hay không khi áp dụng cho dữ liệu nhiệt độ thực tế.”
Kể từ đầu những năm 2000, nhiều tổ chức chính phủ và liên chính phủ khác nhau tạo ra các số ghi nhiệt độ toàn cầu đã dựa vào các chương trình máy điện toán để tự động điều chỉnh dữ liệu.
Ông Soon, ông Connolly, và một nhóm các nhà khoa học trên khắp thế giới đã dành nhiều năm xem xét các chương trình này để xác định cách chúng hoạt động và liệu chúng có đáng tin cậy hay không.
Một trong những nhà khoa học tham gia phân tích, ông Peter O’Neill, đã theo dõi và tải xuống dữ liệu hàng ngày từ Cơ quan Khí quyển và Hải dương học Quốc gia (NOAA) và Mạng lưới Khí hậu Lịch sử Toàn cầu của cơ quan này kể từ năm 2011.
Ông nhận thấy rằng mỗi ngày, NOAA áp dụng những điều chỉnh khác nhau cho dữ liệu đó.
“Họ sử dụng cùng một chương trình máy tính điện toán đồng nhất hóa và chạy lại chương trình khoảng 24 giờ một lần,” ông Connolly cho biết. “Tuy nhiên vào mỗi ngày, những điều chỉnh đồng nhất hóa mà họ tính toán cho mỗi số ghi nhiệt độ đều khác nhau.”
Ông nói rằng điều này “thật kỳ lạ.”
“Nếu những điều chỉnh cho một trạm thời tiết nhất định có cơ sở thực tế thì chúng ta mong đợi chương trình máy điện toán sẽ tính toán những điều chỉnh giống nhau ở mỗi lần. Những gì chúng tôi nhận thấy thực tế đang diễn ra lại không giống như vậy,” ông Connolly cho hay.
Những lo ngại này là yếu tố đầu tiên làm dấy lên cuộc điều tra quốc tế của ông Soon và các đồng nghiệp về vấn đề này.
Do NOAA không lưu giữ thông tin lịch sử về các trạm thời tiết của mình nên các nhà khoa học CERES đã liên lạc với các nhà khoa học Âu Châu, những người đang biên soạn dữ liệu cho các trạm mà họ giám sát.
Và chưa đến 20% những điều chỉnh của NOAA rõ ràng có liên quan đến một sự thay đổi được ghi lại trong các quan sát của trạm.
“Khi chúng tôi xem xét cẩn thận, chúng tôi thấy mình đã làm công dã tràng,” ông Connolly nói. “Có vẻ như với những chương trình đồng nhất hóa này thì giải pháp còn tệ hơn vấn đề.”
Một phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia của NOAA đã hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề nhưng cho biết cơ quan này đang nỗ lực giải quyết các vấn đề được nêu trong các báo cáo.
“NOAA sử dụng Thuật toán Đồng nhất hóa Theo cặp được ghi chép đầy đủ hàng ngày trên GHCNm (hàng tháng) phiên bản thứ 4, và kết quả của các điều chỉnh cụ thể đối với từng loạt trạm có thể khác nhau tùy theo từng đợt vận hành,” phát ngôn viên này nói, và cho biết thêm các báo cáo được đề cập không chứng minh cho quan điểm cho rằng những lo ngại về việc đồng nhất hóa dữ liệu khiến dữ liệu trở nên vô dụng hoặc tệ hơn.
“NOAA đang giải quyết các vấn đề nêu ra trong cả hai báo cáo này trong một bản phát hành trong tương lai của bộ dữ liệu nhiệt độ GHCNm và tài liệu đi kèm.”
Trụ sở Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia tại Silver Spring, Maryland. (Ảnh: Famartin/CC)
Hiện tượng ‘đảo nhiệt đô thị’
Một trong những sai sót lớn trong dữ liệu nhiệt độ, vốn tạo ra nhu cầu đồng nhất hóa ngay từ đầu, chính là cái gọi là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Căn bản là các trạm nhiệt độ từng được đặt ở khu vực nông thôn giờ đây trong nhiều trường hợp lại được bao quanh bởi đường sá, tòa nhà, phi trường, và thành phố. Điều này làm gia tăng sự ấm lên cục bộ xung quanh trạm đo nhiệt đó, tạo ra biểu hiện của “sự ấm lên toàn cầu” đột ngột khi nhiều trạm nhiệt độ tương tự được kiểm tra cùng nhau.
IPCC đã thừa nhận hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và sự nhiễu loạn dữ liệu; tuy nhiên, theo các nhà khoa học đã nói chuyện, cơ quan này của Liên Hiệp Quốc đã nhầm tưởng rằng đây chỉ là một vấn đề nhỏ.
Ông Connolly nói: “Khi chúng tôi xem xét dữ liệu nhiệt độ ở các khu vực không phải đô thị trên đất liền, đại dương, và các chỉ số nhiệt độ khác, sự ấm lên ít đột ngột hơn nhiều và có vẻ giống với các thời kỳ ấm áp khác trước Cách mạng Công nghiệp.”
Ông nói, IPCC không kiểm soát hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Khi ông Connolly và các nhà khoa học khác đưa ra một bản ghi chép nhiệt độ chỉ bằng cách sử dụng các trạm nhiệt độ ở nông thôn, gần một nửa hiện tượng ấm lên toàn cầu theo khẳng định của cơ quan này của Liên Hiệp Quốc đã không còn.
Thật vậy, các bộ dữ liệu chỉ dành cho nông thôn trùng khớp một cách chặt chẽ với dữ liệu vệ tinh và khí cầu thời tiết.
Kết hợp lại với nhau, bản ghi nhiệt độ chỉ ghi nhận ở vùng nông thôn cho thấy rằng sự ấm lên vừa phải này có thể chỉ là sự phục hồi từ Thời kỳ Tiểu Băng Hà, thời kỳ tính từ khoảng năm 1300 Công Nguyên đến năm 1900 Công Nguyên, vốn diễn ra sau Thời kỳ Ấm Trung Cổ, từ khoảng năm 800 Công Nguyên đến năm 1200 Công Nguyên khi người Viking trồng trọt ở Greenland.
Ông Connolly nói: “Thời kỳ Ấm Trung Cổ dường như cũng ấm áp như thời kỳ ấm hiện đại, nhưng chỉ khi chúng tôi sử dụng bản ghi nhiệt độ chỉ ghi nhận ở vùng nông thôn.”
Ông nói, mặc dù đã có hiện tượng ấm toàn cầu kể từ cuối Thời kỳ Tiểu Băng Hà, nhưng nếu loại trừ các bộ dữ liệu nhiệt độ được đo ở đô thị, thì tất cả các ước tính nhiệt độ toàn cầu cơ bản đều cho thấy “hành tinh này luân phiên thay đổi giữa các giai đoạn ấm lên và lạnh xuống.”
Thời kỳ ấm lên hiện nay vốn đã bắt đầu từ những năm 1970 khi các nhà khoa học vẫn còn cảnh báo về sự lạnh đi toàn cầu được cho là do con người gây ra, một hiện tượng vốn đã bắt đầu từ những năm 1940.
Ông Michael Connolly, một nhà khoa học độc lập khác tại CERES và là thân phụ của ông Ronan Connolly, lưu ý rằng sự ấm lên thuộc khu vực đô thị ở các thành phố, vốn có diện tích chiếm khoảng 3% bề mặt đất của Trái đất, trên thực tế đang trở thành một “vấn đề hệ trọng” cần được giải quyết.
“Tuy nhiên, việc này không thể được giải quyết bằng các chính sách về khí nhà kính,” ông nói. “Thay vào đó, chúng ta nên đầu tư nhiều hơn vào việc phủ xanh đô thị và các biện pháp khác để cố gắng giảm bớt các đợt nắng nóng ở đô thị.”
Hòa trộn dữ liệu của nông thôn và thành thị
Ngoài thuật toán đồng nhất hóa, một vấn đề khác cũng đã được xem xét trong một bài nghiên cứu khác được xuất bản năm ngoái (2023) trên Tập san Khí tượng học Ứng dụng và Khí hậu học (The Journal of Applied Meteorology and Climatology).
Vấn đề mà ông Ronan Connolly và các đồng nghiệp của ông gọi là “sự hòa trộn đô thị,” liên quan đến việc so sánh giữa các số ghi nhiệt độ từ một trạm và các trạm khác ở khu vực xung quanh trạm đó.
Nếu số ghi nhiệt độ ở một trạm có vẻ không đồng bộ với các số ghi nhiệt độ ở những trạm khác thì chương trình này sẽ cho rằng đó là một sai lệch không đáng kể cần được sửa lại.
Có lẽ vấn đề lớn nhất với việc này là cho phép sự ấm lên của đô thị gây nhiễu loạn toàn bộ số ghi nhiệt độ được tạo ra bằng cách trộn lẫn dữ liệu nhiệt độ đô thị với dữ liệu nhiệt độ ở nông thôn.
Kết quả là dữ liệu nhiệt độ ở thành thị và nông thôn được trộn lẫn với nhau, khiến việc trộn lẫn một số hiện tượng ấm lên ở thành thị với dữ liệu nông thôn được chấp nhận.
Ông Ronan Connolly cho biết: “Một sự so sánh hữu ích, đó là nếu quý vị trộn dâu tây và chuối trong máy xay, sau đó quý vị sẽ có một hỗn hợp đồng nhất không phải dâu tây cũng không phải chuối.”
“Khi xem xét dữ liệu nhiệt độ này, chúng ta thấy rằng các dữ liệu nhiệt độ nông thôn đã được đồng nhất hóa cũng có trộn lẫn với dữ liệu của sự ấm lên ở đô thị.”
Ông nói, sự nóng lên toàn cầu “bất thường” được IPCC và các nguồn khác trích dẫn chỉ được tìm thấy trong dữ liệu đô thị bị làm nhiễu bởi độ nóng liên quan đến các thành phố. Nhưng bằng cách sử dụng dữ liệu được đồng nhất hóa, tất cả dữ liệu đó sẽ trở nên thiên lệch một cách cố ý do hiệu ứng nhiệt đô thị.
Ông Ronan Connolly cho biết: “Nếu chúng ta xem xét dữ liệu nhiệt độ không bị gây nhiễu bởi sự ấm lên của đô thị, thì có vẻ những đợt thay đổi nhiệt độ kể từ trước Cách mạng Công nghiệp cho đến nay gần như theo chu kỳ sau các giai đoạn ấm lên thì đến các giai đoạn lạnh xuống.”
“Điều này không thể giải thích với lý do là lượng khí nhà kính ngày càng tăng, chỉ vì lượng khí này ngày càng tăng lên. Thay vào đó, điều này gợi ý rằng các nhà khoa học, những người đã nhầm lẫn khi trộn lẫn giữa sự ấm lên của đô thị với sự thay đổi nhiệt độ ngoài khu vực đô thị, đã đi lệch khỏi trọng tâm của vấn đề khi họ tin rằng CO2 là yếu tố chính tác động đến khí hậu.”
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng những vấn đề này quan trọng như các nhà khoa học CERES đã đề xướng.
Giáo sư Robert Lund, một chuyên gia được công nhận trong lĩnh vực này và là trưởng khoa thống kê tại Đại học California–Santa Cruz, nói rằng những lập luận mà ông Soon và các đồng nghiệp đưa ra đã khiến ông “giật mình.”
Ông Lund nói: “Đúng là nhiều nhà khoa học khí hậu thường không sử dụng những phương pháp tốt nhất để lọc sạch dữ liệu.”
Nhưng các nhà khoa học tại CERES “lập luận rằng những suy luận về sự ấm lên mà chúng ta đang đưa ra là vô nghĩa do những thay đổi của thiết bị đo và các vấn đề về di dời trạm đo, và cách xử lý không được xử lý theo cách tốt nhất của các trạm đo trong các quy trình đồng nhất hóa, thật sự là không chính xác,” ông nói.
“Trên thực tế, cho dù quý vị giải quyết các vấn đề về điểm thay đổi ra sao, thì tất cả các chuỗi giá trị trung bình toàn cầu (như chuỗi của IPCC) đều có xu hướng tăng mạnh. Chỉ đơn giản thế thôi.”
Vấn đề đồng nhất hóa “có lẽ chiếm 0.1 hoặc 0.2°C mỗi thế kỷ trong số 1.3 °C mà chúng ta đang làm nóng lên trên toàn cầu, nhưng không nhiều hơn,” ông Lund cho biết.
Ông cáo buộc các nhà khoa học của CERES “đã cố gắng tóm lấy bất kỳ yếu tố không chắc chắn nào, phóng đại nó lên, và làm mất uy tín mọi thứ.”
Khi được hỏi liệu ông có dự định sẽ bác bỏ các nghiên cứu của họ trong một bài nghiên cứu của riêng mình hay không, ông Lund cho biết ông và những người khác trong lĩnh vực này đã trở nên không còn hứng thú tranh đấu với các nhà khoa học, những người mà theo ông là chủ yếu quan tâm đến việc làm mất uy tín luận điệu về khí hậu.
Một số nhà khoa học khác ở cả hai phía của cuộc tranh luận không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Một số người chỉ trích luận điệu về hiện tượng ấm lên toàn cầu do con người tạo ra đã yêu cầu không công khai những lời nói của họ vì sợ bị các tổ chức, đồng nghiệp, các tạp chí, hoặc nguồn tài trợ của họ trả đũa.
Các vấn đề khác
Trước những năm 1970 thì dữ liệu nhiệt độ trong lịch sử không thực sự tồn tại, gây cản trở bất kỳ loại nghiên cứu trong dài hạn nào.
Và bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ, có rất ít tin tức về chủ đề này.
Cho đến gần đây, dữ liệu từ các đại dương chiếm hơn 2/3 bề mặt hành tinh này cũng thưa thớt, chủ yếu giới hạn ở những số ghi không thường xuyên từ các tuyến vận tải hàng hải chính ở Bắc bán cầu.
Hồi tháng Một, dẫn nguồn từ các nhà khoa học và một nghiên cứu khác kiểm tra những ghi chép về nhiệt độ của NOAA, rằng NOAA đã bị chỉ trích vì đã để hơn 90% trạm khí hậu của mình bị ảnh hưởng bởi sự thiên lệch theo nhiệt độ đô thị.
Một nghiên cứu của nhà khí tượng học Anthony Watts tiết lộ rằng đến năm 2022, khoảng 96% các trạm này không đáp ứng được các tiêu chuẩn của chính cơ quan đó về độ tin cậy.
Ông Michael Connolly nêu ra rằng các trạm thời tiết này được thiết lập lúc đầu là để theo dõi thời tiết hàng ngày, chứ không phải để theo dõi những thay đổi khí hậu lâu dài.
Ông nói: “Mặc dù hầu hết các nhà khoa học mà tôi nói chuyện ở góc độ cá nhân đều thừa nhận rằng họ có những nghi ngại về các phương diện của luận điệu về biến đổi khí hậu hiện nay, nhưng họ nói rằng các tổ chức của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu họ lên tiếng.”
Ông Soon thừa nhận rằng việc đo lường biến đổi khí hậu là một “vấn đề khoa học rất khó,” đặc biệt vì dữ liệu không hoàn chỉnh. Nhưng các nhà khoa học có nghĩa vụ phải trung thực về điều đó.
“Nhiều nhóm nghiên cứu vì gấp rút nhận tài trợ và xuất bản công trình của họ dường như đã bỏ qua các vấn đề nghiêm trọng về dữ liệu mà họ đang sử dụng,” ông cho biết, nói thêm rằng nhiều nhà khoa học lo ngại sẽ mất việc nên không muốn lên tiếng.
Nhưng một số nhà phân tích đã nhìn ra vấn đề thì nói rằng đó là sự gian lận có chủ ý.
Nhà khoa học và là kỹ sư Tony Heller của trang web Real Climate Science cho biết dữ liệu về nhiệt độ xét cả về mặt lịch sử và địa lý “hết sức không đầy đủ.”
Nhắc lại những lo ngại về sự đồng nhất hóa và pha trộn dữ liệu, ông nói rằng “lý thuyết hoạt động đó có vẻ như là việc trộn nhiều nguyên liệu rất dở với nhau sẽ tạo ra một món súp ngon.”
Ông Heller cáo buộc NOAA đã làm xáo trộn dữ liệu để tạo ra “biểu hiện của sự ấm lên” này và gọi các số ghi nhiệt độ trên toàn cầu và của Hoa Kỳ là “tuyên truyền, không phải khoa học.”
Những điều chỉnh sai lệch trên dữ liệu và sự lừa dối rõ ràng này là “hoàn toàn có chủ ý,” ông cho biết.
“Hàng ngàn tỷ dollar đang được đổ vào để thổi phồng hiện tượng ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.”
Cho đến nay, các nghiên cứu của ông Soon và những người khác chưa gặp phải sự phản đối bằng bất kỳ tài liệu được bình duyệt nào.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học nổi tiếng làm việc cho chính phủ liên bang và các cơ quan khác có liên quan đến phong trào khí hậu đã nhạo báng và xúc phạm những tác giả này.
Alex Newman
***
Vì sao TT Trump chống biến đổi khí hậu?
Khoa học gia về khí hậu cho rằng thật vô lý
Giáo sư Richard Lindzen của MIT khẳng định rằng việc gọi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa hiện hữu là do tuyên truyền mà ra.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.