“Giảm phát ở Trung cộng đã làm tăng thêm các động lực giảm phát ở các nền kinh tế phát triển khi giá xuất cảng của nước này giảm mạnh,” một báo cáo của Capital Economics tuần trước cho biết. “Tác động trực tiếp là không lớn, chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng 0.4% lạm phát chỉ số giá tiêu dùng chung năm ngoái, và tác động gây suy giảm này có thể sẽ giảm bớt trong năm tới. Tuy nhiên, ngay cả việc giá xuất cảng của Trung cộng giảm dần cũng sẽ làm tăng thêm căng thẳng địa chính trị.”
Hồi tháng 07/2023, tỷ lệ lạm phát chung của Trung cộng đã giảm do giá thực phẩm và năng lượng giảm và lạm phát hàng hóa cốt lõi giảm mạnh.
Nguồn cung dư thừa của ngành công nghiệp cũng có thể góp phần vào sự sụt giảm giá này.
Capital Economics lưu ý rằng các nhà sản xuất ở Trung cộng đã đầu tư mạnh để tăng cường sản xuất khi đại dịch thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm của Trung cộng trên khắp thế giới, nhưng khi nhu cầu đối với sản phẩm bình thường trở lại, thì các nhà sản xuất Trung cộng đã bị dư thừa công suất và phải xuất cảng với mức giá chiết khấu cao.
Giá trị tài sản và địa ốc giảm, dòng vốn đầu tư ngoại quốc chảy ra ngày càng nhiều, nợ nần quá mức, dân số giảm, và nhu cầu tiêu dùng kém là một số vấn đề khác đang gây khó khăn cho nền kinh tế Trung cộng hiện nay.
Chẳng hạn, trong tháng 01/2024, giá tiêu dùng đã sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng hơn 14 năm, trong khi giá sản xuất cũng giảm, gây thêm áp lực cho các quan chức trong việc thúc đẩy một nền kinh tế đang trong tình trạng khủng hoảng niềm tin và dễ bị giảm phát.
“Mặc dù năm 2023 tăng trưởng GDP thực đã ở mức tương đối khá 5.2% (số liệu mà nhiều người cho rằng không phản ánh đúng sự thật), nhưng các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung cộng vẫn tỏ ra bi quan,” một báo cáo gửi khách hàng do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố hôm 28/02 mà The Epoch Times xem được cho biết. “Sự bi quan này là do giảm phát đang ảnh hưởng đến thu nhập gia đình, thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận đầu tư, và thuế chính phủ, tất cả đều tính theo giá trị danh nghĩa.”
IIF cũng đồng ý rằng giảm phát ở Trung cộng chủ yếu là do dư thừa công suất công nghiệp và sụt giảm giá địa ốc. Công ty nghiên cứu này cho biết, tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực công nghiệp đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong giá sản phẩm (1.1% vào năm 2023) và giá dịch vụ (giảm 1.0%).
Ngoài ra, giảm phát thực phẩm ở mức 2% vào năm 2023, chủ yếu do dư thừa nguồn cung và hiệu ứng cơ sở* chứ không phải do nhu cầu không đủ, cũng góp phần khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0.6%.
(*Hiệu ứng cơ sở hay “base effect” là hiện tượng trong đó mức đo lường lạm phát bị bóp méo do so sánh giá cả hiện tại với giá cả ở thời kỳ trước. Hiệu ứng này có thể xảy ra trong thời gian giảm phát, khi giá hàng hóa và dịch vụ giảm, dẫn đến tỷ lệ lạm phát thấp hơn.)
Tương tự, sự sụt giảm doanh số bán nhà vào năm ngoái (giảm 6.5%) đã tác động tiêu cực đến doanh số bán lẻ đồ gia dụng, đồ nội thất, và các sản phẩm sửa sang nhà cửa.
“Trung cộng là nền kinh tế lớn duy nhất trải qua tình trạng giảm phát vào năm 2023,” báo cáo của IIF cho biết. CPI trong tháng Mười Hai của nước này (-0.3%) là thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (2.6%), Hoa Kỳ (3.3%), EU (3.5%), và mức cao 10.6% của các thị trường mới nổi.
Đẩy mạnh xuất cảng giá rẻ
Một chiến lược mà Trung cộng sử dụng để chế ngự nền kinh tế đang suy yếu của họ là bán bớt lượng lớn sản phẩm sản xuất dư thừa với mức giá thấp.
Ông Michael Ashley Schulman, giám đốc đầu tư của Running Point Capital có trụ sở tại California: “Chắc chắn, các công ty như TEMU và Shein đang giành được thị phần và làm suy yếu các cửa hàng 1 dollar cũng như các nhà bán lẻ khác ở Hoa Kỳ.”
Theo ông Schulman, mặc dù tác động của tình trạng giảm phát xuất cảng của Trung cộng đã phần nào giảm bớt “với sự tách rời kinh tế” hậu đại dịch ở Hoa Kỳ, nhưng “xu hướng đó có thể thay đổi đáng kể nếu BYD hoặc các nhà sản xuất xe điện khác của Trung cộng bắt đầu bán xe của họ ở Hoa Kỳ.”
Capital Economics lưu ý rằng giá xe đã giảm do các nhà sản xuất xe điện ở Trung cộng đang nỗ lực để giành được thị phần và duy trì hoạt động. Tất cả những yếu tố này đã góp phần làm giảm mạnh giá hàng xuất cảng từ Trung cộng nói chung, điều mà các mức giá nhập cảng giảm ở các thị trường phát triển đã phản ánh ra một cách dễ hiểu.
Công ty nghiên cứu này cũng cho biết thêm rằng xuất cảng của Trung cộng không được báo cáo đầy đủ trong số liệu thống kê chính thức vì nhiều mặt hàng nhập cảng, đặc biệt là sang Hoa Kỳ, đã được vận chuyển vòng qua các quốc gia khác.
“Hơn nữa, giá xuất cảng giảm từ Trung cộng có thể gây áp lực làm giảm giá của các nhà cung cấp địa phương khác, mặc dù dữ liệu chỉ chứng minh rất ít cho tác động này,” ghi chú cho biết.
Các chuyên gia tin rằng với sự dẫn đầu toàn cầu của Trung cộng trong các lĩnh vực sản xuất như pin, tấm quang năng, dược phẩm trung gian, và nhiều sản phẩm khác, bất cứ khi nào các nhà sản xuất Trung cộng cạnh tranh trực diện, thì các công ty có thị trường tầm trung trên toàn cầu sẽ phải đối mặt với áp lực biên lợi nhuận và giá giảm mạnh đối với một số loại đầu vào.
Ông Schulman nói thêm: “Chúng tôi đang theo dõi tỷ giá hối đoái giữa Trung cộng và Hoa Kỳ một cách thận trọng để hiểu và đo lường được tác động này.”
IIF cho biết: “Trung cộng đang xuất cảng giảm phát thông qua thương mại.”
Rủi ro chính sách phản tác dụng
Theo Capital Economics, các chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy đầu tư sản xuất có nghĩa là tình trạng dư thừa công suất có thể vẫn tiếp diễn, khiến giá sản phẩm lâu bền có xu hướng giảm trong tương lai gần. Công ty nghiên cứu này cho biết giá xuất cảng bằng đồng USD của Trung cộng dường như cũng sẽ tiếp tục giảm, mặc dù với tốc độ chậm hơn nhiều so với năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng thông qua mức chiết khấu cao, các nhà xuất cảng Trung cộng có thể làm giảm bớt áp lực lên các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu trong việc duy trì ổn định giá cả; khi đó chiến lược này cuối cùng có thể sẽ phản tác dụng.
Tỷ suất lợi nhuận và lợi nhuận vốn cổ phần của các nhà sản xuất Trung cộng sẽ thường xuyên bị thu hẹp do giảm giá quá mức để tận dụng công suất dư thừa.
Ngoài ra, tâm lý bài xích Trung cộng có thể sẽ bùng phát trong chiến dịch bầu cử Hoa Kỳ vào tháng Mười Một nếu ngày càng nhiều công ty Trung cộng buộc phải bán sản phẩm giá rẻ ra thị trường xuất cảng toàn cầu.
Ông Schulman cho biết: “Một trong những vấn đề chính mà chúng tôi nhận thấy là nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống vào tháng Mười Một, thì ông ấy có thể sẽ tăng thuế hơn nữa đối với các mặt hàng nhập cảng của Trung cộng, do đó làm giảm tác động giảm phát của các mặt hàng này.”
Ông nói thêm, trong nội địa, để chống tình trạng giảm phát hoặc thiểu phát trong nước, Bắc Kinh cần tăng cường niềm tin của người tiêu dùng để tăng chi tiêu của người tiêu dùng ở mọi mức thu nhập.
“Trung cộng có năng lực công nghiệp dồi dào để trợ giúp tăng trưởng,” báo cáo của IIF kết luận. “Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng, cần có các chính sách kích thích để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước.”
Indrajit Basu _ Vân Du
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.