Đợt thanh lọc đầu tiên
Tất cả bắt đầu vào một Mùa Chay định mệnh trong năm cuối đại học. Là người Công Giáo, tôi thực hiện mùa sám hối kéo dài 40 ngày trước Lễ Phục Sinh. Trong thời gian này, người ta chọn những thói quen tốt để rèn luyện và từ bỏ các thói quen xấu. Năm đó, tôi quyết định từ bỏ mạng xã hội. Lúc ấy, tôi tự đánh giá mình là người dùng ở mức độ thấp đến trung bình; tuy vậy, tôi vẫn là người dùng thường xuyên. Tôi kiểm tra Instagram và Facebook hàng ngày: cuộn trang, bấm thích, và bình luận. Tôi đã liên kết hai tài khoản này để đăng bài đồng thời và thỉnh thoảng làm như vậy không thường xuyên nhưng cũng không hiếm. Tôi nghĩ rằng việc kiêng mạng xã hội sẽ gây phiền toái nhưng không phải là điều gì khó khăn, nên tôi đã xóa các ứng dụng này khỏi điện thoại.
Tôi không hề hay biết về những cái móc nghiện đã bám chặt lấy mình.
Vài ngày sau trong mùa sám hối, tôi ngồi trong phòng ký túc xá, chiếc giường ngổn ngang tài liệu và sách vì tôi đang hoàn thành một trong nhiều bài luận sắp đến hạn nộp. Đang trong trạng thái phấn chấn làm việc, đột nhiên tay tôi với lấy điện thoại, mở khóa màn hình và tôi thấy mình đang nhìn chằm chằm vào thư mục trống mà trước đây là ứng dụng Instagram. Thật đáng sợ: Tâm trí tôi lúc đó chẳng may buồn chán, nhưng cơ thể tôi đã tự động chộp lấy ứng dụng trên điện thoại.
Đó là khoảnh khắc tôi nhận ra sự kiểm soát của mạng xã hội đối với tôi, ngay cả khi tôi tự cho rằng mình không quá lệ thuộc vào nó. Thực sự, việc gỡ các tài khoản khỏi điện thoại là cách duy nhất để tránh kiểm tra các trang cá nhân; không phải vì sự cám dỗ quá lớn, mà bởi vì phản xạ mở các ứng dụng ra quá nhanh.
Mùa Chay đến rồi đi, rồi Lễ Phục Sinh cũng vậy, và cuối cùng, tôi nhận ra bản thân có ít vấn đề hơn, ít phiền toái hơn, và cảm thấy hạnh phúc hơn khi không sử dụng mạng xã hội. Trở lại thế giới ảo càng khiến tôi nhận ra rằng tôi thà thoát khỏi đó còn hơn, vì vậy tôi quyết định từ bỏ chúng hoàn toàn và vô thời hạn. Tiếp theo, tôi chỉ cần tải xuống những bức ảnh muốn lưu giữ và hủy kích hoạt các tài khoản.
Nếu ai đó còn nghi ngờ về sự thao túng đằng sau các nền tảng mạng xã hội, chỉ cần thử xóa tài khoản: Gần như bất khả thi để thực hiện điều này. Không có bước nào trong quá trình xóa tài khoản là dễ dàng hoặc thân thiện với người dùng. Tôi đã tìm kiếm qua các sidebar và lục tung phần cài đặt rồi cuối cùng phải nhờ đến Google để nhận được hướng dẫn theo từng bước. Sau khi hủy kích hoạt, Instagram và Facebook trấn an bạn rằng các tài khoản chỉ bị đóng trong 30 ngày, phòng khi bạn muốn kích hoạt lại. Trong thời gian đó, bạn sẽ thường xuyên nhận được thư điện tử nhắc nhở rằng bạn luôn có thể quay lại.
Chạy trốn sự nhàm chán
Mọi người nói họ sử dụng mạng xã hội vì nhiều lý do. Điều họ hiếm khi nói ra, nhưng là lý do tôi thường thấy nhất, họ dùng chúng để trốn tránh sự nhàm chán. Nhà văn người Mỹ Walker Percy đã từng liên kết từ “boredom” (“nhàm chán”) với từ tiếng Pháp “bourrer,” có nghĩa là “nhồi nhét.” Kể từ khi đọc được điều đó, tôi đã thay đổi cách nhìn nhận về những việc tôi làm khi buồn chán. Giờ đây, tôi xem đó là việc cố gắng nhồi nhét vào ý thức hoặc lấp đầy tâm trí bằng một thứ gì đó.
Cũng giống như ăn uống là một lối sống, thời gian nghỉ ngơi của chúng ta cũng tương tự. Xem những trò giải trí ngớ ngẩn, vô bổ khi thư giãn cũng giống như ăn đồ ăn vặt: Liệu chúng có tốt cho bạn không? Không. Nhưng thỉnh thoảng, chúng ta cũng có thể thưởng thức chúng. Mạng xã hội giống như một cửa hàng McDonald’s nhượng quyền ngay trong nhà bạn, sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào. Tại sao phải tốn công chuẩn bị một bữa ăn tươi ngon trong khi mọi thứ đều miễn phí và sẵn sàng để lấy? Thật ra, tôi không chỉ trích mọi người vì điều đó; mạng xã hội được thiết kế để dụ dỗ và giữ chân bạn trong vực thẳm của việc lướt điện thoại vô thức.
Không có mạng xã hội, nếu tôi muốn xem thứ gì đó vu vơ và vô nghĩa, tôi cần lên mạng và chủ động tìm kiếm chúng. Bản thân việc đó thường là một rào cản khiến tôi không chọn giải trí theo cách “thức ăn nhanh” thay cho một bữa ăn nấu tại nhà. Cách tôi sử dụng thời gian rảnh chắc chắn tốt hơn nhiều so với khi còn dùng mạng xã hội. Tôi đọc sách, gọi cho bạn bè cũ, hoặc dành thời gian cho các sở thích.
Nếu bạn đang đọc bài viết này và cho rằng mình không có thời gian rảnh để lãng phí, trước đây tôi cũng nghĩ vậy. Tuy nhiên, kể từ khi rời khỏi các nền tảng này, tôi thực sự có nhiều thời gian rảnh hơn. Việc có một thứ gây nghiện ngay trong tầm tay khiến tôi mất tập trung và mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc. Không có chúng, tôi không chỉ làm việc hiệu quả hơn mà còn có nhiều thời gian rảnh hơn. Thay vì truy cập mạng xã hội bất cứ khi nào rảnh rỗi, tôi đã tiết kiệm được một lượng lớn thời gian.
Sự buồn chán là nơi ý tưởng nảy sinh. Bỏ mạng xã hội càng lâu, tôi càng trở thành người truyền bá nhiệt thành cho những khoảng lặng: những khoảnh khắc yên tĩnh ngắn ngủi, khoảng trống giữa các công việc thường ngày mà dễ dàng bị thói quen lướt điện thoại lấy mất. Những khoảnh khắc này là người hùng thầm lặng của bản tính con người. Chúng ta chạy trốn chúng, chiến đấu với chúng, và sợ hãi chúng, mà không bao giờ chấp nhận chúng. Trong thời đại mà chúng ta liên tục bị kéo ra khỏi thế giới thực và bước vào một thế giới ảo, khoảng lặng chính là những khoảnh khắc bạn có thể thực sự hiện diện.
Rào cản sáng tạo
Một trong những trở ngại khi tôi xóa Instagram là nỗi sợ mất tất cả những bài đăng DIY (hoạt động tự làm) và bài viết hướng dẫn mà tôi đã lưu. Tôi theo dõi các tài khoản nghệ thuật và lưu những kỹ thuật sáng tạo, ý tưởng hay ho vào một thư mục Instagram, cất qua một bên cho đến hôm nào đó tôi có thời gian rảnh để giũ bụi cuốn sổ ký họa và rút những cây bút chì đang nằm dưới đống mạng nhện ra ngoài. Tuy nhiên, tôi chưa từng sử dụng những bài đăng đó để tạo ra thứ gì. Tất cả những “nguồn cảm hứng” đó chỉ tồn tại trong thư mục mà thôi.
Thay vào đó, thứ tôi tạo ra là một thẩm phán nội tâm độc ác, luôn so sánh tôi với những gì tôi thấy trên mạng. Thay vì truyền cảm hứng cho tôi thử những điều mới mẻ trong sở thích, mạng xã hội đã trở thành một rào cản cho sự sáng tạo. Tôi so sánh khả năng của bản thân với những người có kỹ năng điêu luyện hơn, và cảm thấy nản lòng trước cả khi bắt đầu. Bất cứ ai đã từng thử vẽ bất kỳ điều gì đều biết sự chán nản hoặc cảm giác thất bại khi thứ bạn vẽ ra không giống như bạn tưởng tượng. Hoặc trong trường hợp của tôi, không có gì giống như hình ảnh hoàn hảo, đã qua chỉnh sửa mà tôi thấy trên màn hình điện thoại.
Điều tôi nhanh chóng quên mất trên mạng xã hội là tôi luôn chỉ chứng kiến sản phẩm cuối cùng. Tôi không nhìn thấy 50 lần người ta cố gắng làm, thất bại, và thử lại. Tôi không nhìn thấy nhiều năm tháng họ dành ra để theo đuổi và rèn luyện đam mê. Tôi không nhìn thấy rằng tất cả thời gian tôi dành để “lưu lại các ý tưởng” cho một vài dự án nghệ thuật mơ hồ trong tương lai là thời gian tôi có thể dành ra để vẽ một bức tranh rất xấu. Thay vì liên tục so sánh nó với tác phẩm của người khác, tôi có thể thử lại và vẽ ra một bức tranh không đến nỗi tệ. Và hy vọng, một ngày nào đó, nó sẽ trở nên đẹp.
Nếu cần một bằng chứng cụ thể, thì đây: tôi vẫn còn giữ lại những cuốn sổ ký họa và nhật ký từ năm 5 tuổi cho đến giờ. Thời gian duy nhất trong cuộc đời của tôi có những khoảng trống lớn trong nhật ký hay không ngó ngàng gì đến sổ ký họa chính là ba năm tôi dùng mạng xã hội.
Bị bỏ lại phía sau
Cho dù tôi có ủng hộ mạng xã hội hay cho rằng nó không tốt thì vẫn không thể thay đổi thực tế rằng phần còn lại của thế giới này đang sử dụng nó. Tôi có thể cắt đứt nó ra khỏi cuộc sống của mình, nhưng theo một nghĩa nào đó, tôi cũng đang cắt đứt với mọi người các trang tin tức, kinh doanh, mạng xã hội những người sử dụng chúng. Do đó, tôi thường cảm thấy lạc lõng. Việc cập nhật tin tức, chính trị hoặc xã hội, trở thành một lựa chọn. Không có được thông tin về các chủ đề này trong cuộc trò chuyện, tôi phải tự tìm hiểu thêm. Mặc dù điều đó có một số hạn chế nhất định, tôi vẫn thấy cái được lớn hơn cái mất.
Về mặt chính trị, tôi lạc quan hơn về tình trạng thế giới so với trước đây. Không phải vì tôi nhắm mắt làm ngơ trước các thông tin tiêu cực; tôi vẫn đọc tin tức và lắng nghe các nhà bình luận chính trị, nhưng điều đó không chi phối cuộc sống của tôi. Liên tục bị nhấn chìm bởi những bi kịch và nỗi kinh hoàng của thế giới sẽ không thay đổi được điều gì. Kiểu nhận thức đó chỉ làm ta nản lòng và đau khổ hơn. Một trong những quy tắc sống của nhà tâm lý học Jordan Peterson là “Hãy dọn giường của bạn.” Khi tôi còn sử dụng mạng xã hội, tôi quá bận rộn thương xót cho những chiếc giường lộn xộn của thế giới mà hiếm khi nhảy ra và dọn dẹp giường của mình.
Trong vòng tròn xã hội của tôi, tôi thường là người nghe tin cuối cùng. Nhưng đối với tôi, đó là một trong những lý do chính khiến tôi từ bỏ mạng xã hội. Chúng ta không cần biết rõ chân tơ kẽ tóc về đời sống cá nhân của người khác. Mạng xã hội ban đầu là để giao tiếp, nhưng tôi thấy không có tình bạn đích thực nào được nuôi dưỡng trực tuyến cả. Đó là nơi người ta tô vẽ nên một cuộc sống mà họ muốn người khác nghĩ rằng họ có. Kiểu không chân thực đó làm tôi khó chịu, và dù tôi cố gắng không phán xét, nhưng việc bình phẩm trên mạng xã hội lại quá dễ dàng.
Tôi thấy rằng mạng xã hội đã làm giảm giá trị tất cả các cuộc gặp gỡ ngoài đời thực của tôi với mọi người: Tôi đã được cập nhật về cuộc sống của họ, cảm thấy khó chịu với hình ảnh họ trên mạng, hoặc cả hai. Bây giờ, khi gặp những người đó tại một bữa tiệc, tôi không biết cuộc sống của họ ra sao, và thực sự thích trò chuyện với họ.
Khơi thông dòng chảy
Vấn đề thì lúc nào cũng có. Giống như đường ống nước, bạn không thể tránh được thực tế là sẽ có rác trong đó. Đối với tôi, loại bỏ mạng xã hội giống như làm thông tắc đường ống. Sau khi làm xong, tôi tự hỏi làm thế nào mà trước đây tôi sống được như vậy. Rất nhiều vấn đề không cần thiết, tự chuốc vào bản thân đi kèm với mạng xã hội.
Trong cuộc sống, ai cũng gặp khó khăn khi giao thiệp với một người nào đó, và tất cả chúng ta đều phải học cách đối diện với họ. Hà cớ gì còn mở điện thoại lên và theo dõi thêm những người như vậy? Tất cả chúng ta đều có những lo lắng và sợ hãi chính đáng về hướng đi của nền văn hóa. Thế thì tại sao chúng ta còn thường xuyên tiếp xúc với những điều tồi tệ nhất của nó? Lựa chọn những thứ tốt đẹp vốn không phải là điều tự nhiên. Vậy tại sao chúng ta lại khiến việc lựa chọn những thứ xấu xa trở nên dễ dàng hơn?
Chúng ta làm vậy bởi vì mạng xã hội che mờ mắt chúng ta. Cuộc sống không hoàn hảo, nhưng với mạng xã hội, bạn có thể tạo ra một cuộc sống đẹp như mơ hoặc chạy trốn trong một thời gian ngắn. Bạn có thể có được cú hích dopamine thông qua sự hài lòng và khẳng định bản thân tức thời. Thật nhanh chóng, dễ dàng, và khéo léo để bạn cảm thấy thỏa mãn.
Nhưng mạng xã hội không có thật. Không có gì thật hết. Bất kể bao nhiêu lần tôi tự nhủ điều đó khi sử dụng mạng xã hội, tôi vẫn bị cuốn vào hố đen ảo đó. Tôi so sánh bản thân và cuộc sống của mình với cuộc sống của người khác. Tôi mang theo gánh nặng phải ghi lại từng khoảnh khắc thú vị. Bây giờ tôi ngắm mọi người thưởng lãm vẻ đẹp của một nhà thờ chính tòa, một tác phẩm nghệ thuật, một em bé đang nhoẻn miệng cười tất cả thông qua ống kính điện thoại thông minh và tôi không khỏi thắc mắc tại sao chúng ta lại làm điều này với chính mình. Mạng xã hội là thứ độc dược mỉa mai. Chúng ta uống nó, tự lừa dối bản thân để phớt lờ thực tại, rồi lại cố gắng tô vẽ một hình ảnh giả tạo trên mạng.
Thư viện ảnh của tôi giờ đây chứa những bức ảnh chụp rất xấu, tôi cũng không biết gì về “xu hướng đang thịnh hành.” Nhưng khả năng tập trung của tôi dài hơn bao giờ hết, tôi luôn chúi mũi vào một quyển sách, tôi bắt đầu vẽ lại, tôi tỉnh táo hơn nhiều, và quan trọng nhất, tôi đang rèn luyện sự chú tâm đến thế giới, con người, và mọi vật xung quanh.
Cuộc sống là một món quà đẹp đẽ, diệu kỳ. Chúng ta không cần phải tô vẽ nó. Chúng ta chỉ cần sống trọn vẹn trong đó.
Anna Barren _ Minh Châu
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.