Pages

Wednesday, August 7, 2024

Có phải Tô Lâm là một Trần Thủ Độ ngày nay?

 BM

“Vào ngày 18/7, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thông báo này, do Văn phòng Trung ương Đảng phát đi, cũng cho biết Bộ Chính trị đã phân công ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định.”


Ngày hôm sau, 19/7, Tổng Bí thư Trọng qua đời. Nhiều dư luận cho rằng, khi ông Trọng, mang danh “người Cộng sản cuối cùng” mất đi, chính trường Việt Nam có thể đi vào tình trạng hỗn loạn. Điều đó đã không xảy ra. Tô Lâm không cho phép một sự mất trật tự chính trị nào cho Đảng.


Hai tuần sau đám tang của Tổng Bí thư Trọng, ngày 3 tháng 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu Tô Lâm làm tổng bí thư với tỷ số 100 phần trăm. Điều đáng chú ý là giới quan sát đã tiên liệu thế cờ quyền lực này của Tô Lâm và cũng không ai còn ngạc nhiên.


Nhiều đánh giá cho rằng rất có thể trong mười năm tới, chính trường và thể chế chính trị Việt Nam là của Tô Lâm. Người ta lo ngại là một chế độ công an trị khắc nghiệt sẽ gia tăng cường độ dưới thời vị tướng công an mưu lược và bản lãnh này.


Điều này có thể xảy ra không? Tôi hy vọng là không.


Đây chính là thời điểm mà tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nắm lấy nguyên lý lãnh đạo quốc gia của Nguyễn Trãi, “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân mà thay cường bạo.”


BM

Hãy nhìn lại lịch sử nước nhà. Đúng 800 năm trước, 1225, theo Đại Việt sử ký toàn thư, Vua Trần Thái Tông phong Trần Thủ Độ làm quốc thượng phụ, như thủ tướng chính phủ hiện nay, và giao hết quyền chính sự cho ông. Ngay sau khi lên nắm chức vụ, Thủ Độ phế thượng hoàng nhà Lý và bức tử vua Lý Huệ Tông, dù ông đã đi tu.


Chuyện kể rằng khi Thủ Độ đi ngang chùa Chân Giáo, thấy Huệ Tông đang nhổ cỏ trước sân, bèn nói, “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu.” Huệ Tông trả lời, “Điều ngươi nói ta hiểu rồi.” Tối hôm ấy, tụng kinh Phật xong, Huệ Tông khấn, “Thiên hạ nhà ta đã vào tay ngươi, ngươi lại còn giết ta. Ngày nay ta chết, đến khi các con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế.” Xong ông ra vườn thắt cổ tự tử.


Năm 1232, khi hoàng tộc nhà Lý tụ tập cho lễ kỵ tổ tiên ở làng Hoa Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội (quê hương của Tổng Bí thư Trọng), Thủ Độ bèn cho đào hầm sâu, làm nhà cúng tế lên trên, đợi khi mọi người nhà Lý uống say, giật sập nhà xuống hố sâu, chôn sống tất cả. Sau đó, chưa hết, Thủ Độ ra lệnh tất cả con cháu nhà Lý phải cải tộc sang họ Nguyễn.

 

Trần Thủ Độ tuy không có học vấn bao nhiêu, nhưng, cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, có “tài lược hơn người,… được mọi người suy tôn, biết tôn trọng ý kiến kẻ dưới”. Ông là người có tầm nhìn lớn trên bình diện quốc gia, không trả thù vặt, không thiên vị người thân tộc về quyền hạn và quyền lợi trong triều đình, biết lắng nghe phản biện can gián từ thuộc cấp.

 

Năm 1257, quân Mông Cổ xâm lăng nước ta, thế quân giặc như nước vỡ bờ, Vua Trần Thái tông đích thân đánh giặc nhưng phải rút về sông Lô và Thiên Mạc. Vua lo lắng tham vấn Thủ Độ và được tâu, “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo.” Cuối năm ấy, Trần Thái Tông xua quân lên Đông Bộ Đầu, đánh bại quân Mông xâm lược, cứu được nền độc lập quốc gia.


Nói về công và tội thì Thủ Độ đều có đủ. Về mặt đức lý gia tộc thì ông đã làm nhiều điều thất đức; với dòng họ nhà Lý thì tàn bạo; nhưng với cơ đồ đại cuộc, ở giai đoạn sống còn mong manh của quốc gia, Thủ Độ là một vị cứu tinh dân tộc.


Sử gia Lê Thành Khôi viết trong Lịch sử Việt Nam rằng, “Sự độc ác của Trần Thủ Độ vượt mọi giới hạn của luật tự nhiên, tuy nhiên, ông cũng lại là người kiến tạo đích thực cho sự nghiệp lớn lao của nhà Trần. Chính ông đã bình định đất nước [vốn đang] bị không biết bao nhiêu rối ren từ khi nhà Lý suy thoái gây nên tàn phá và dựng lại một chính quyền và một quân đội có đủ sức mạnh và cố kết giúp Đại Việt đẩy lui được các cuộc xâm lược của Mông Cổ.”


Nhân dân mong gì ở Tổng Bí thư Tô Lâm?


BM

Sự so sánh này chỉ có thể như là lòng mong mỏi, hơn là sự thật cá nhân. Hai con người nói trên ở vào hai giai đoạn xa xôi của lịch sử nước nhà vốn rất khác nhau. Tuy nhiên, trong góc nhìn giới hạn, ta phải hỏi, trong buổi giao thời này, liệu lãnh tụ Tô Lâm có mang một viễn kiến quốc sự lớn lao, bản lãnh nội trị ngang tầm với Thủ Độ?


Hãy bình tâm và khách quan suy nhìn. Chế độ Cộng sản Việt Nam hiện nay đang đi vào thời kỳ với nhiều vấn đề khó khăn lớn, từ cấu trúc thể chế, biện minh độc quyền, đạo đức cán bộ đến bản lãnh cá nhân lãnh đạo. Trên bình diện chung, xã hội thì ổn định và hòa bình, kinh tế dù đang gặp khó khăn nhiều mặt nhưng vẫn chưa đến mức khủng hoảng. Nói như Tổng Bí thư Trọng lúc sinh thời thì Việt Nam chưa lúc nào được như bây giờ. Đó là về mặt tích cực.


Tuy nhiên, khi nhìn sang mặt khác thì dù không rối loạn như cuối thời nhà Lý 800 năm trước, nhưng lòng dân và tâm tư đảng viên, cán bộ đối với chế độ bây giờ đang mang nhiều bất ổn và rối ren. Nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam đang đi vào con đường đầy trắc trở và hiểm họa. Đảng đã hoàn tất vai trò lịch sử cho nhu cầu độc lập và thống nhất mà nhân dân và thời đại giao phó, và ngày nay Đảng chỉ tồn tại như là một sự thể quán tính của một triều đại đang đi tìm lối đi mới cho chính mình. Điều thất vọng lớn nhất là Đảng vẫn do dự và thiếu ý chí mở rộng không gian tự do cho quốc dân khi nhu cầu trật tự và ổn định chính trị xã hội đã được thiết lập.


Tình thế quốc gia đang chờ một lãnh tụ mới, một nhân vật mưu lược, với bàn tay thép, dám làm những điều phi thường để đưa giang sơn vào một con lộ sinh mệnh mới. Nhân vật đó có thể là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.


Câu hỏi: Liệu ông Tô Lâm có can đảm làm một cuộc đại cải cách mang tính lịch sử? Tôi hy vọng ông là người có tầm nhìn, khả năng, dám dấn thân, can đảm để làm được điều mong đợi như thế.


Những đề nghị cải cách khẩn cấp


BM

Để bắt đầu, mong Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hãy thực thi ngay 13 điều sau:

Ân xá tất cả các nhân vật trí thức, nhân sĩ bất đồng chính kiến đang bị kết án, đang bị tù, hay đã thọ án, trong nước và hải ngoại, và phục hồi toàn diện quyền công dân của họ.


Tạm ngưng thi hành các khoản hình luật liên quan đến các quyền ngôn luận và phản biện của công dân – nhất là Điều 331 và Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2017.


Chấm dứt những giới hạn về ngôn luận trên không gian mạng. Tôn trọng quyền tố giác tội phạm, biểu đạt ý kiến, phê bình, phản biện về các vấn đề nhân sự và chính sách quốc gia, từ trung ương đến địa phương. Chấp nhận phản biện dù ngôn từ có tiêu cực hay nặng lời. Đó là giá trị của một thể chế văn minh, rộng lượng có khả năng chấp nhận khác biệt chính kiến.


Bãi bỏ chế độ lý lịch đối với công dân cho mọi chức vụ, ngành công quyền.


Loại bỏ chính sách “hồng hơn chuyên” cho các vị trí lãnh đạo. Bổ nhiệm lãnh đạo các bộ ngành theo trình độ chuyên môn, mở rộng cánh cửa tham chính và quản lý công quyền cho mọi khối đồng bào, đặc biệt là trí thức Việt kiều hải ngoại.


Tách rời Bộ Công an ra làm hai bộ độc lập: Bộ Cảnh sát và Bộ An ninh nhằm giám sát lẫn nhau giảm thiểu sự lạm quyền của ngành công an.


Cải tổ sâu rộng cơ chế và tinh giản nhân sự hành chánh công quyền ở mọi cấp. Giải thể các tổ chức, hội đoàn ngoại vi thiếu thực chất, tốn kém ngân sách. Tăng lương bổng cho cán bộ các ngành nhằm giảm thiểu tiêu cực vì nhu cầu kinh tế.


Tái tổ chức Bộ Tư pháp và đổi danh hiệu sang Bộ Công lý. Bổ nhiệm Công tố viên quốc gia đóng chức năng truy tố hình sự từ trung ương đến địa phương. Đổi mới toàn diện Bộ luật Hình sự hiện nay nhằm hoàn chỉnh nhu cầu công lý trong giai đoạn mới.


Gia tăng chức năng, khả năng, vai trò giám sát quốc sự cho Quốc hội. Hãy thực thi nguyên tắc hiến pháp rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực quốc gia tối cao.


Cải cách toàn diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, và chính sách giáo dục đào tạo. Bổ nhiệm một chuyên gia Việt kiều trong lĩnh vực giáo dục làm bộ trưởng với một tầm nhìn và phương cách lãnh đạo mới từ cơ bản.


Cải tổ sâu rộng Bộ Tài chính. Cải cách cơ chế quản lý và giám sát ngân hàng. Đổi mới chế độ thuế khóa vốn bất công và bất cập hiện nay, trong đó người giàu không đóng đủ thuế theo khả năng của họ - nhất là ở lĩnh vực bất động sản.


Giải thể Bộ Tài nguyên và Môi trường để thành lập Bộ Gia cư và Bất động sản nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho nhân dân và tái lập trật tự thương trường nhà đất.


Thành lập Bộ Bảo vệ Môi trường nhằm thực thi những chính sách mạnh mẽ khẩn cấp cứu nguy môi trường giang sơn.


Cho một chương sử mới


BM

Còn rất nhiều điều cần phải làm. Những điều nêu trên chỉ là những bước đầu khiêm tốn, tối thiểu để dần đưa quốc gia sang một chương sử mới – như Trần Thủ Độ đã từng dấn thân xây dựng triều đại nhà Trần oai hùng và huy hoàng. Những hành động cải cách sơ khởi như thế sẽ ví như là tân tổng bí thư mạnh tay rút bỏ chùm rác vốn làm nghẽn ống cống trên đại lộ quốc gia đang ngập nước.


Lịch sử nước nhà trong giai đoạn kế tiếp đang ở trong tay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm – nhân vật có thể trở nên một anh hùng khi Việt Nam đang cần một lãnh tụ xứng tầm với mệnh lệnh thời đại.


Mong tân tổng bí thư sẽ thực hiện đạo lý trị quốc như trong lời phát biểu của ông ở buổi họp báo sau lễ nhậm chức, “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành ‘dân là gốc’. Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn không ai bị bỏ lại phía sau.”


Nhân dân đang mong chờ lãnh tụ Tô Lâm hành động.




Nguyễn Hữu Liêm

***

Ngôn ngữ “Tô Lâm” CHXHCNVN

 BM

Ngày đầu tiên về cơ quan, sếp tôi tuyên bố hùng hồn với nhân viên:

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.