Cuộc tranh cãi này xoay quanh trận đấu quyền anh diễn ra hôm 01/08 giữa võ sĩ Angela Carini của Ý và võ sĩ Imane Khelif của Algeria. Võ sĩ Khelif đã bị loại khỏi Giải vô địch Thế giới Nữ năm ngoái vì có nồng độ testosterone cao.
Võ sĩ Carini đã yêu cầu dừng trận đấu chỉ sau 46 giây vì cô cho rằng một trong những cú đấm của đối thủ trong quãng thời gian đó đã khiến cô quá đau đớn.
“Đó có khả năng thành một trận đấu để đời, nhưng trong khoảnh khắc đó tôi cũng phải bảo toàn tính mạng của mình,” cô nói với các ký giả sau trận đấu vòng loại hạng nặng 66 kg.
Võ sĩ Khelif đã bị Hiệp hội Quyền anh Quốc tế (IBA) loại khỏi Giải vô địch Quyền anh Thế giới năm 2023 sau khi không vượt qua bài kiểm tra về giới tính. Hiệp hội đã bị Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tước bỏ sự công nhận vào năm 2023.
Những video clip lan truyền về trận đấu quyền anh giữa hai võ sĩ Carini và Khelif đã gây ra nhiều chỉ trích trên mạng xã hội. IOC đã bị nhiều nhân vật nổi tiếng chỉ trích, trong đó có tác giả J.K. Rowling và Tổng giám đốc Tesla Elon Musk.
Nhiều cáo buộc về việc Khelif là nam và là người chuyển giới đã được nêu ra chống lại vận động viên này. Các cáo buộc đã bị cả IOC và Ủy ban Olympic Algeria bác bỏ.
“Có bức ảnh nào có thể gói gọn phong trào nam quyền mới của chúng ta tốt hơn bức này không? Nụ cười tự mãn của một người đàn ông biết rằng mình được bảo vệ bởi một tổ chức thể thao ghét phụ nữ đang tận hưởng trên nỗi đau của một người phụ nữ mà anh ta vừa đấm vào đầu, người mà anh ta vừa làm tan vỡ ước mơ,” nhà văn Rowling đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X.
Còn Tổng giám đốc Tesla Elon Musk, người cũng sở hữu nền tảng truyền thông xã hội này, đã bình luận tán thưởng một bài đăng của vận động viên bơi lội người Mỹ Riley Gaines, trong đó viết: “Đàn ông không thuộc về các môn thể thao dành cho nữ giới” với thẻ hashtag “Tôi đứng về phía Angela Carini” (#IstandWithAngelaCarini). Ông Musk đã đáp lại rằng, “Nhất định là vậy rồi.”
Vụ việc cũng thu hút phản ứng từ huấn luyện viên danh dự của Đội tuyển Olympic Quyền anh Hoa Kỳ Jake Paul, người bày tỏ sự phẫn nộ về những gì đã xảy ra trong trận đấu.
“Việc này thật bệnh hoạn. Đây là một trò hề. Không quan trọng quý vị tin vào điều gì. Việc này thật sai trái và nguy hiểm,” ông viết trong một bài đăng.
Trong một bài đăng khác, ông đã đề nghị cho cô Carini một cơ hội để thể hiện tài năng của mình tại nơi mà ông gọi là “một nền tảng công bằng.”
Ông viết, “Gửi Angela Carini, mặc dù hôm nay giấc mơ của cô không thể thành hiện thực vì những nghị trình điên rồ đang diễn ra trong thế giới của chúng ta ngày nay, nhưng tôi rất muốn đề nghị cô thi đấu trong một trận đấu MVP, để cho thế giới thấy tài năng của cô trên một nền tảng công bằng mà không phải đấu lại một người đàn ông. Internet hãy giúp tôi gửi thông điệp này đến cô ấy.”
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói với hãng truyền thông Anh The Telegraph hôm 01/08 rằng trận đấu này “không phải là một cuộc tranh tài cân sức.”
Một võ sĩ khác, Lâm Úc Đình (Lin Yu-Ting) của Đài Loan, cũng được phép thi đấu tại Thế vận hội Paris mặc dù vào năm 2023 cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn về giới tính của IBA như võ sĩ Khelif.
IOC đã biện minh cho quyết định cho phép cả hai võ sĩ Khelif và Lâm thi đấu tại Thế vận hội Olympic năm nay, và cả hai vận động viên sẽ tiếp tục thi đấu tại sự kiện này.
Chủ tịch tổ chức Quyền anh Thế giới (World Boxing) Boris Van Der Vorst không đồng tình với những lời chỉ trích chống lại IOC về vấn đề tư cách hợp lệ của cả võ sĩ Khelif và võ sĩ Lâm.
Ông nói với The Associated Press hôm 01/08 rằng tổ chức của ông sẽ luôn đặt sự an toàn của vận động viên lên hàng đầu trong việc phát triển các chính sách về sức khỏe và giới tính của riêng họ, đồng thời thừa nhận rằng các môn thể thao đối kháng đôi khi đòi hỏi phải cân nhắc nhiều hơn để bảo vệ tất cả các vận động viên.
Nhưng dẫu vậy, và mặc dù vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy hai vận động viên này là nam giới về mặt sinh học, vụ việc đã làm tăng thêm sự chú ý về vấn đề nam giới thi đấu trong các môn thể thao dành cho nữ.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ và hiện là đề cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa Donald Trump cũng bình luận về vụ việc này, khi đăng một đoạn video về trận đấu trên nền tảng mạng xã hội Truth Social của ông vào ngày 01/08 với chú thích, “TÔI SẼ GIỮ CHO NAM GIỚI KHÔNG CÓ TRONG CÁC MÔN THỂ THAO NỮ!”
Tòa Bạch Ốc và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris cho đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận công khai nào về vụ việc.
Trước đó, Thế vận hội Olympic Paris 2024 cũng đã vướng phải một vụ việc gây tranh cãi khác, khi lễ khai mạc vào ngày 26/07 đã bị các tín đồ Cơ Đốc chỉ trích và phản ứng dữ dội vì có tiết mục các diễn viên nam giả trang nữ (drag queen) nhại lại bức tranh Bữa Tiệc Ly của Chúa Jesus của Leonardo da Vinci.
Các nhà tổ chức sự kiện sau đó đã đưa ra lời xin lỗi và nói rằng bất kỳ sự nhạo báng nào đều là vô ý.
Kos Temenes _ Gia Bảo
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.