Nhiều người dân hân hoan đổ ra đường ăn mừng sự kiện này. Một số người xông vào dinh thủ tướng, nơi ở cũ của bà Hasina. Một số nguồn tin cho biết là đã có hành động phá hoại và ăn cắp đồ đạc tại đây.
Vài giờ sau khi bà Hasina từ chức, Tổng thống Mohammed
Shahabuddin đã ra lệnh thả cựu Thủ tướng Khaleda Zia và tất cả các sinh viên bị giam giữ khi tham gia các cuộc biểu tình gần đây chống lại hệ thống hạn ngạch viên chức, trong đó ưu tiên tuyển mộ con cháu cựu chiến binh.
Tổng thống Shahabuddin cho biết đã chủ trì một cuộc họp với các lãnh đạo quân đội và đại diện chính trị.
Theo ông Shahabuddin, một chính quyền lâm thời sẽ được thành lập, sau đó sẽ có một cuộc bầu cử và lệnh giới nghiêm quốc gia sẽ được dỡ bỏ.
Theo hãng tin AP, đã có khoảng 200 người chết trong các cuộc biểu tình, tính tới cuối tháng 7/2024.
Khởi nguồn của làn sóng biểu tình
Các cuộc biểu tình đã diễn ra liên tục từ đầu tháng Bảy, bắt đầu với những đề nghị ôn hòa từ sinh viên đại học nhằm bãi bỏ hệ thống hạn ngạch viên chức - trong đó một phần ba dành riêng cho người thân của các cựu chiến binh từ cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh khỏi Pakistan vào năm 1971.
Theo bài viết ngày 4/8 của báo The Guardian, gần 11.000 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình.
Những người vận động biểu tình cho rằng hệ thống này mang tính phân biệt và cần được cải tổ.
Tuy phần lớn những yêu cầu nói trên đã được đáp ứng, các cuộc biểu tình đã biến thành phong trào chống chính quyền trên diện rộng.
Bà Hasina tỏ ra cứng rắn trước làn sóng phản đối, mô tả những người tham gia biểu tình chống lại chính quyền của bà là "những kẻ khủng bố muốn gây bất ổn quốc gia”.
Liên Hợp Quốc đã kêu gọi chấm dứt “bạo lực khủng khiếp” và đề nghị các chính trị gia và lực lượng an ninh Bangladesh kiềm chế.
"Chính quyền phải ngừng nhắm vào những người biểu tình ôn hòa, ngay lập tức thả tự do cho những người bị bắt giữ tùy tiện, khôi phục toàn bộ quyền truy cập internet và tạo môi trường cho các cuộc đối thoại thực chất,” Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk nói trong một thông cáo vào Chủ nhật 4/8.
Theo các nguồn tin, hàng chục người đã thiệt mạng hôm 5/8, nhưng con số chính xác vẫn chưa được xác định. Hãng thông tấn AFP đưa tin có 66 người chết, nhưng báo phương Dhaka Tribune công bố đã có 135 người thiệt mạng.
Ngày 4/8, ít nhất đã có 91 người chết và hàng trăm người bị thương sau khi cảnh sát ném lựu đạn cay và bắn đạn cao su nhằm giải tán đám đông biểu tình, theo Reuters.
Việc dự kiến có thêm các cuộc tuần hành tại thủ đô Dhaka làm gia tăng lo ngại sẽ có thêm đổ máu.
Chiến dịch bất tuân dân sự toàn quốc này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
“Giờ đây không chỉ có sinh viên, có vẻ như mọi người từ mọi tầng lớp xã hội đã tham gia biểu tình,” Tiến sĩ Samina Luthfa, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Dhaka.
Làn sóng biểu tình hiện nay là một hệ quả tất yếu của những nguyên nhân tích tụ lâu nay.
Dù Bangladesh có một trong nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, các chuyên gia đã chỉ ra rằng sự tăng trưởng này không tạo thêm công việc cho sinh viên tốt nghiệp đại học.
Theo ước tính, có khoảng 18 triệu người trẻ ở Bangladesh đang tìm việc. Sinh viên tốt nghiệp đại học phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với những người ít bằng cấp hơn.
Suốt 15 năm cầm quyền của bà Sheikh Hanisa (bà có hai giai đoạn làm thủ tướng: 1996-2001 và 2009-2024), Bangladesh đã có những bước chuyển mình đáng kể, khi xây dựng thêm đường sá, cầu cống, nhà máy và cả một hệ thống đường sắt đô thị.
Sử dụng vốn của quốc gia, các khoản vay và hỗ trợ phát triển, chính phủ của bà Hasina đã thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm cây cầu Padma có kinh phí 2,9 tỷ USD bắc qua sông Hằng.
Thu nhập bình quân đầu người ở Bangladesh tăng gấp ba trong thập kỷ vừa rồi.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, hơn 25 triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo trong 20 năm qua.
Phần lớn sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp dệt may. Đây là ngành công nghiệp chiếm phần lớn tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh và đã tăng trưởng nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, cung cấp sản phẩm cho các thị trường ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng một phần của sự tăng trưởng này chỉ mang lại lợi ích cho những người theo Đảng Awami League của bà Hasina.
Tháng 1/2024, Đảng Awami League của bà Hasina thắng cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp. Kết quả bầu cử lúc bấy giờ đã gây ra nhiều tranh cãi.
Quyền lực của bà Sheikh Hasina
Sinh năm 1947 trong một gia đình hồi giáo ở Đông Bengal (ngày nay là Bangladesh), bà Sheikh Hasina có sẵn dòng máu chính trị chảy trong huyết quản.
Cha bà là nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Sheikh Mujibur Rahman – người “Cha già dân tộc” đã lãnh đạo Bangladesh giành lại độc lập từ Pakistan vào năm 1971 và trở thành tổng thống đầu tiên của Bangladesh.
Lúc đó, bà Hasina đã nổi danh là một nhà thủ lĩnh sinh viên tại Đại học Dhaka.
Ông Rahman và hầu hết thành viên gia đình ông đã bị ám sát trong cuộc đảo chính quân sự năm 1975. Bà Hasina và em gái sống sót do đang đi du lịch vào thời điểm đó.
Sau thời gian sống lưu vong tại Ấn Độ, bà Hasina trở về Bangladesh vào năm 1981 và trở thành lãnh đạo của đảng chính trị mà cha bà từng tham gia - Đảng Awami League.
Bà đã liên kết với các đảng chính trị khác để tổ chức các cuộc biểu tình đường phố ủng hộ dân chủ trong thời kỳ độc tài quân sự của Tướng Hussain Muhammad Ershad.
Được thúc đẩy bởi cuộc nổi dậy quần chúng, bà Hasina nhanh chóng trở thành biểu tượng quốc gia.
Bà nhậm chức thủ tướng lần đầu tiên năm 1996 và gây dựng được uy tín sau khi thành công ký một thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với Ấn Độ và một thỏa thuận hòa bình với các phiến quân bộ lạc ở khu vực miền đông nam Bangladesh.
Nhưng đồng thời chính phủ của bà cũng hứng chịu chỉ trích vì nhiều giao dịch kinh doanh bị cáo buộc là tham nhũng, cũng như việc chính phủ Bangladesh quá phục tùng Ấn Độ.
Năm 2001, bà Hasina mất chức thủ tướng vào tay cựu đồng minh Begum Khaleda Zia của Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP).
Đều thuộc các gia tộc chính trị, hai người phụ nữ này tổng cộng đã thống trị chính trường Bangladesh trong hơn 30 năm và từng biết tới với cái tên “những quý bà chinh chiến” (battling begums). Begum là từ dùng để ám chỉ người phụ nữ Hồi giáo có địa vị cao.
Theo các nhà quan sát, sự đối đầu gay gắt giữa hai người khiến các vụ đánh bom xe buýt, mất tích và hành quyết mà không qua xét xử trở nên phổ biến.
Sau cuộc bầu cử được chính phủ lâm thời tổ chức, bà Hasina quay lại làm thủ tướng vào năm 2009.
Bà Hasina đã nhiều lần bị ám sát hụt. Năm 2004, một vụ ám sát đã khiến bà bị suy giảm thính giác.
'Kịch bản tồi tệ nhất cho Ấn Độ'
Ấn Độ tới nay vẫn các cuộc biểu tình nói trên là "chuyện nội bộ" của Bangladesh.
Câu hỏi đặt ra là liệu Ấn Độ có thể nói hay làm gì khác để tác động tới tình hình hiện tại hay không?
"Không gì cả. Hiện tại không thể làm gì cả," ông Happymon Jacob, một chuyên gia chính sách đối ngoại của Ấn Độ, viết trên tài khoản X (Twitter).
"Tình hình vẫn đang diễn tiến. Vấn đề không phải là Ấn Độ mà là về chính trị của Bangladesh. Hãy cứ để họ tự giải quyết."
Chuyên gia Michael Kugelman từ Trung tâm Wilson (Mỹ) cho rằng việc bà Hasina từ chức và bỏ trốn "gần như là kịch bản tồi tệ nhất cho Ấn Độ, vì Ấn Độ từ lâu đã coi các lựa chọn thay thế bà Hasina và đảng của bà ấy là mối đe dọa cho lợi ích của Ấn Độ".
Ông Kugelman nói rằng Ấn Độ có thể sẽ liên lạc với quân đội Bangladesh để bày tỏ mối quan ngại của mình và hy vọng lợi ích của họ sẽ được xem xét trong một chính phủ lâm thời.
"Ngoài ra, Ấn Độ sẽ phải theo dõi và chờ đợi trong lo lắng.
"Họ có thể ủng hộ các cuộc bầu cử tự do và công bằng vì sự ổn định, nhưng họ không muốn Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP), kể cả nếu đảng này đã suy yếu và chia rẽ, quay trở lại. Do đó, Delhi có thể sẽ không phản đối một chính phủ lâm thời kéo dài."
Việc bà Sheikh Hasina từ chức và trốn sang Ấn Độ đã nêu bật mối quan hệ giữa Bangladesh và Ấn Độ.
Vào tháng Sáu, bà Hasina đã tới thăm Ấn Độ hai lần trong vòng chỉ hai tuần.
Chuyến thăm đầu tiên là để dự lễ tuyên thệ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Sau đó, bà thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày. Bà Hasina là nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới thăm Ấn Độ sau khi Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) do Đảng Bharatiya Janata Party (BJP) của ông Modi lãnh đạo thắng cử lần thứ ba liên tiếp tại Ấn Độ.
“Chúng tôi đã gặp nhau 10 lần trong năm qua. Tuy nhiên, cuộc gặp này đặc biệt vì bà Sheikh Hasina là vị khách nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nhiệm kỳ thứ ba của chính phủ chúng tôi,” ông Modi phát biểu tại một cuộc họp báo.
Sự thân thiết là điều không thể phủ nhận.
“Bangladesh rất coi trọng mối quan hệ với Ấn Độ,” bà Hasina nói. “Hãy đến Bangladesh để thấy được những gì chúng tôi Bangladesh và Ấn Độ đã làm và sẽ làm.”
Ấn Độ có một mối quan hệ đặc biệt với Bangladesh. Hai quốc gia láng giềng chia sẻ đường biên giới dài 4.096 km và có mối liên hệ về ngôn ngữ, kinh tế và văn hóa.
Với sự hỗ trợ từ Ấn Độ dành cho các nhà chủ nghĩa dân tộc người Bengal, Bangladesh (trước đây là Đông Pakistan) được hình thành sau cuộc chiến tranh vào năm 1971 với Tây Pakistan (nay là Pakistan).
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai quốc gia đạt khoảng 16 tỷ đô la và Ấn Độ là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Bangladesh ở châu Á.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.