Trước đó, nhiều báo và đài khác của Nhật đưa tin về hàng loạt các vụ trộm cắp, phạm tội do người Việt gây ra ở quốc gia Đông Bắc Á.
Hiện có khoảng 570.000 người Việt sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, 35% là các thực tập sinh, theo Asahi Shimbun. Việt Nam đang đứng đầu nhóm 15 nước đưa thực tập sinh, người lao động tới đất nước này. Họ góp phần duy trì các ngành quan trọng như xây dựng, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe.
Nhưng kèm theo sự hiện diện của họ là nhiều vụ phạm tội gây phiền lòng người dân sở tại. Đã có một loạt các bản tin và các trang tin Việt ngữ ở hải ngoại về ít nhất 10 người Việt bị nhà chức trách Nhật bắt giữ về tội trộm cắp hoặc ăn cướp trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay.
Gần đây nhất, NHK và một số đài, báo Nhật đưa tin về một nhóm người nói tiếng Việt đánh cắp 11 xe ô tô hồi rạng sáng ngày 19/8 tại một đại lý của hãng Honda ở thành phố Otawara, tỉnh Tochigi.
Phóng sự hôm 28/8 của Asahi Shimbun nêu ra trường hợp một người đàn ông Việt Nam 32 tuổi bị đem ra xét xử ở tỉnh Fukuoka vì bị cáo buộc đã nhiều lần ăn trộm trong các căn nhà vắng chủ hồi năm ngoái. Ông này đã nhận tội với cảnh sát.
Ông này đến Nhật năm 2015 làm thực tập sinh nhưng bị người chủ chê trách về thái độ làm việc. Sợ bị trả về nước, ông ta bỏ trốn và bắt đầu đi ăn trộm sau khi được một người quen cũng là người Việt khuyến khích, Asahi Shimbun cho biết, dẫn thông tin từ các điều tra viên.
Vẫn các điều tra viên nói rằng ông này nợ số tiền hơn 171,5 triệu đồng sau khi trả các loại phí cho công ty môi giới để được đi Nhật và đã không thể trả số nợ đó. Ông ta khai rằng khi trộm cắp được, ông ta gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam, theo phóng sự của Asahi Shimbun.
Tờ báo này nói rằng con số công dân Việt Nam bị cảnh sát Nhật Bản bắt giam vì bị tình nghi dính dáng đến các vụ tội phạm đã tăng lên trong những năm gần đây. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật, 1.608 người Việt đã bị bắt trong năm ngoái, tăng thêm 27 người so với năm kia. Họ chiếm 28% trong toàn bộ những người nước ngoài bị bắt ở Nhật và là con số cao nhất trong 4 năm liên tiếp.
Nhiều thực tập sinh Việt Nam, khoảng 80%, gặp khó khăn do nợ những khoản tiền lớn vì phải trả phí môi giới, Asahi Shimbun viết. Trong khi đó, về nguyên tắc, họ không được thay đổi chỗ làm trong 3 năm đầu tiên.
Gặp vấn đề về bắt nhịp với nơi làm việc, song lại không thể chuyển chỗ làm, trong khi vẫn phải chịu gánh nặng nợ nần là những yếu tố đẩy nhiều thực tập sinh người Việt vào con đường phạm tội, các chuyên gia nói trong phóng sự của Asahi Shimbun.
Hồi giữa tháng 12 năm ngoái, khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản ở tại Tokyo, ông đề nghị các cơ quan chức năng của Nhật Bản và Việt Nam, bao gồm cả Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo, phối hợp tốt với nhau để tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho người lao động Việt Nam.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.