Tuesday, April 1, 2025

Nỗi hối hận muộn màng

i regret nothing GIF

Tuổi thơ của Chekhov gắn liền với những năm tháng cơ cực, khi gia đình ông phá sản và phải chuyển đến Moscow. Dù hoàn cảnh khó khăn, Chekhov vẫn cố gắng học tập và sau này theo học trường Y tại Đại học Moscow. Ông trở thành bác sĩ và luôn coi nghề y là một phần quan trọng trong cuộc đời mình, nhưng văn chương mới là đam mê lớn nhất.

Chekhov bắt đầu viết truyện ngắn từ những năm 1880 để kiếm sống và nhanh chóng khẳng định được tên tuổi. Các tác phẩm của ông thường tập trung vào cuộc sống hàng ngày của con người, khai thác tâm lý sâu sắc và chứa đựng những triết lý nhân sinh.

Bên cạnh việc viết truyện ngắn, Chekhov cũng là một nhà biên kịch xuất sắc với các vở kịch như Uncle Vanya (Chú Vanya), Three Sisters (Ba chị em) và The Cherry Orchard (Vườn anh đào). Những sáng tác này phản ảnh sự chuyển biến xã hội và mối quan hệ giữa con người trong một thời đại đầy biến động ở nước Nga cuối thế kỷ XIX.

Không chỉ nổi tiếng ở Nga, Chekhov còn có tầm ảnh hưởng lớn đến nền văn học thế giới. Các nhà văn như Ernest Hemingway, William Faulkner, Raymond Carver đều chịu ảnh hưởng từ phong cách viết của ông.

Khác với nhiều nhà văn cùng thời, Chekhov không cố gắng đưa ra những kết luận rõ ràng trong truyện của mình. Ông tin rằng nghệ thuật không phải để trả lời câu hỏi, mà là để đặt ra câu hỏi. Các câu chuyện của ông thường kết thúc mở, để lại dư âm, những suy gẫm trong lòng người đọc.

Các đặc điểm nổi bật trong văn chương của Chekhov là sự miêu tả cuộc sống một cách chân thực, không tô vẽ hay cường điệu. Thay vì những tình tiết gay cấn, ông tập trung vào những khoảnh khắc đời thường nhưng giàu cảm xúc. Chekhov luôn thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc với nỗi khổ và tâm trạng của con người.

Một trong những tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ phong cách này chính là truyện ngắn Nỗi Đau (Grief), nói về sự hối tiếc muộn màng của một người chồng trong cách đối xử với vợ mình.

Grigory Petrov, một người thợ mộc ở một vùng quê nghèo khổ và thiếu thốn của nước Nga vào cuối thế kỷ XIX. Vợ Grigory Petrov lâm bệnh gần cả một năm trời. Họ đã dốc hết tiền bạc vào thuốc men nhưng dường như vô ích. Lúc này, bà đang trên bờ vực của cái chết. Grigory Petrov cố đưa vợ đến bệnh viện trong thị trấn với suy nghĩ còn nước còn tát, còn chút hy vọng nào không?

Trời tuyết rơi nhiều, đường trơn trợt, Grigory đặt vợ lên chiếc xe ngựa cũ kỹ. Con ngựa già nua lê từng bước rã rời, mệt nhọc. Cả hai không nói gì nhiều, chỉ có tiếng gió rít qua những hàng cây, tiếng bánh xe nặng nhọc lăn trên nền tuyết lạnh. (Hình ảnh tuyết rơi nhiều là hình ảnh của cuộc đời lạnh quá. Hình ảnh con ngựa già lê bước là hình ảnh Grigory mang vợ mình về chốn mãi chia xa!)

Trên đường đi, Grigory bắt đầu nói chuyện với vợ, nhưng thực ra Grigory đang tự nói với chính mình. Ông nhắc lại những năm tháng họ sống bên nhau, những khó khăn, gian khổ mà vợ ông đã phải chịu đựng. Suốt 40 năm qua, bà đã làm việc quần quật, gánh vác cả gia đình mà chưa bao giờ nhận được một lời yêu thương hay một cử chỉ dịu dàng từ chồng mình.

Chỉ đến lúc này, khi cái chết cận kề, Grigory mới nhận ra lỗi lầm của mình. Ông nói với bà bằng giọng nghẹn ngào: “Lẽ ra tôi nên đối xử với bà tốt hơn… Cuộc đời quá bất công với bà, và tôi cũng quá bất công. Tôi chưa bao giờ dành cho bà một lời tử tế, một nụ cười dịu dàng. Tôi thật tệ…” Bà vợ khẽ rên lên, hơi thở yếu dần.

“Cố lên bà nhé… Chúng ta sắp đến nơi rồi. Bà sẽ khỏe lại thôi…” Nhưng trong thâm tâm, Grigory biết đó là điều không thể.

Cuối cùng, họ cũng đến thị trấn. Ông dừng xe, vội vã bước xuống. Lần đầu tiên trong đời, ông bế bà trên tay để đưa bà vào bệnh viện. Nhưng khi chạm vào bà, ông sững người. Bà đã lạnh ngắt. Bà đã chết. Bà trút hơi thở cuối cùng trên đường đi, trước khi kịp nghe những lời yêu thương muộn màng của chồng mình.

Chekhov không lên án, vì Grigory không phải là người xấu. Ông chỉ là một người nông dân bình thường. Nhà quá nghèo, kiếm được miếng ăn trầy vi tróc vảy, sao mà không cơ cực? Grigory quá bận rộn với cuộc sống mà quên đi giá trị của tình yêu.

Câu chuyện đặt ra một câu hỏi nhức nhối: “Tại sao con người chỉ nhận ra giá trị của nhau khi đã quá muộn?”

Những lời hối tiếc của Grigory chẳng còn ý nghĩa khi người cần nghe chúng đã không còn nữa.

Chekhov không kết luận, không dạy đời phải làm thế này hay phải làm thế nọ. Ông chỉ kể lại một tình huống mà ai cũng có thể thấy được chính mình trong đó, để rồi tự rút ra bài học cho bản thân.

Thông điệp của câu chuyện thật giản dị nhưng thấm thía. Chekhov nhắc nhở chúng ta rằng những điều tốt đẹp về sự yêu thương, chăm sóc cho nhau trong nghĩa vợ chồng không nên để quá muộn. Khi yêu thương một ai đó, hãy thể hiện ngay khi còn có thể, bởi thời gian không chờ đợi ai.

Câu chuyện của Chekhov không chỉ là một tác phẩm văn học xuất sắc mà còn là một bài học sâu sắc về cuộc sống. Nó khiến người đọc phải suy ngẫm về những giá trị quan trọng trong đời: “Đừng trì hoãn yêu thương. Một lời yêu hôm nay đáng giá hơn cả ngàn câu hối tiếc sau này.”

Người phương Tây có câu: “Whispered words—too late. Echoes in the empty room, love left unspoken.”

Lời thì thầm quá muộn để nói ra chỉ vang vọng trong căn phòng trống, lời yêu thương chưa nói, giờ mới nói ai nghe?


Đoàn Xuân Thu

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.