Thông tin về việc
sáp nhập, thay đổi đơn vị hành chính được liệt vào diện "thông tin bí mật
Nhà nước".
Sau khi Trung ương Đảng
công bố phương án dự kiến, Chính phủ và địa phương sẽ xây dựng phương án chi tiết
việc sáp nhập tỉnh, thành, xác định tên gọi, trung tâm hành chính mới, để trình
Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp vào ngày 5/6.
Thông tin về phương
án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được chia sẻ, bàn tán trên các mạng
xã hội từ nhiều ngày qua. Có thể thấy, phương án mà Trung ương Đảng mới công bố
vào tuần qua khớp với tin đồn râm ran bấy lâu.
Tuy nhiên, trước khi
Đảng chính thức công bố, nhiều người dân chia sẻ các thông tin này đã gặp rắc rối
với chính quyền.
Công an các tỉnh Tiền
Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Bắc Giang, Nghệ An, Phú Thọ... đã xử phạt nhiều người
vì có hành vi đăng tải "thông tin bí mật Nhà nước", "đăng tải
thông tin sai sự thật" liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Cơ quan công an liên
tục khuyến cáo người dân cần thận trọng khi chia sẻ nội dung liên quan đến vấn
đề sáp nhập tỉnh, thành. Còn Bộ Nội vụ liên tục nhấn mạnh việc "nghiên cứu
sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đang được thực hiện theo chế độ
mật".
Theo đó, người tiết
lộ bí mật Nhà nước có thể bị xử phạt hành chính đến 20 triệu đồng hoặc bị truy
cứu trách nhiệm hình sự, theo Nghị định 15/2020.
Báo chí Việt Nam
liên tục đưa tin công an xử phạt những người phát tán thông tin sáp nhập tỉnh,
thành phố và kêu gọi người dân cẩn thận khi tiếp nhận và chia sẻ những thông
tin này.
Tuy nhiên, với đề án mà Nghị quyết 60 đưa ra cho thấy một số thông tin được đăng tải trước đây là chính xác.
Thay đổi về phương
án sáp nhập xã
Tại Hội nghị trung
ương 11 vào tuần qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định Đảng đã thống nhất số lượng
đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6
thành phố trực thuộc trung ương).
"Việc sắp xếp
đơn vị hành chính địa phương lần này được xây dựng trên tinh thần khoa học, đột
phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100
năm, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn
hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước," ông Tô Lâm phát biểu bế mạc hội
nghị.
Trong phát biểu của
mình, ông Tô Lâm còn đề cập việc triển khai mô hình điểm về các tỉnh xã hội chủ
nghĩa, các xã xã hội chủ nghĩa, nhưng không nêu chi tiết nội hàm của các khái
niệm này.
Theo cơ cấu mới,
chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo hướng 2 cấp: cấp tỉnh và xã, bỏ cấp
huyện.
Cấp tỉnh vừa là cấp
thực hiện chủ trương, chính sách từ trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách
trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp
xã trên địa bàn.
Chính quyền cấp xã
chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp trên, nhưng được phân cấp, phân quyền và có
thẩm quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi
hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp
mình.
Phương án sáp nhập
đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước đã có nhiều thay đổi trong những ngày
qua, cho thấy bên trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang có những thảo luận,
điều chỉnh, đúng với chủ trương "vừa chạy vừa xếp hàng" mà ông Tô Lâm
và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh.
Tại Hội nghị Trung
ương 11 tuần rồi, số đơn vị hành chính cấp xã được thống nhất sẽ giảm 60-70% so
với hiện tại.
Điều này phù hợp với
các phát biểu trước đó của các thành viên chính phủ, theo đó số đơn vị cấp xã sẽ
được giảm xuống còn khoảng 2.000 đến 2.500 xã.
Vào ngày 22/3, Bộ Nội
vụ đã đưa ra tờ trình về sắp xếp đơn vị hành chính, theo đó, dự kiến tổng số
xã, phường sau sắp xếp sẽ chỉ còn khoảng 25-30% hiện tại, tức là còn khoảng
2.500-3.000.
Trong khi đó, vào
ngày 28/3, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thông tin quy mô sắp xếp đơn vị hành chính
trên cả nước dự kiến từ 10.035 xã xuống còn khoảng 5.000 (tức giảm khoảng 50%).
Thời điểm Tổng Bí
thư Tô Lâm công bố sẽ còn 5.000 đơn vị cấp xã (khác so với phương án của Bộ nội
vụ) thì đã có những lời khen cho phương án này.
Trên báo Pháp
luật TP HCM, ông Thái Quang Toản, cựu Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Biên chế, Bộ Nội vụ,
cho rằng quy mô 5.000 sau sáp nhập sẽ giúp cho xã trong mô hình chính quyền địa
phương hai cấp tới đây gần dân hơn so với phương án 2.500-3.000 xã.
Sự thay đổi về số lượng
xã sau sáp nhập này cho thấy đã có những sự thay đổi về quan điểm giữa chính phủ
và Đảng.
Lấy ý kiến người dân
Về vấn đề sáp nhập tỉnh
thành trên cả nước, những ngày qua trên mạng đã có nhiều ý kiến, có không ít
người băn khoăn, thậm chí phản đối cách đặt tên đơn vị hành chính mới. Một số
người ở Phú Yên lên tiếng về việc bị mất tên khi sáp nhập với Đắk Lắk. Tương tự,
một số người quê Bình Định cũng tỏ ra bức xúc và không đồng ý cái tên Gia Lai
sau khi sáp nhập với Gia Lai.
Điều này cho thấy rằng
dù Đảng Cộng sản quyết định mọi chuyện và bộ máy tuyên truyền những ngày qua
đang chạy hết tốc lực theo hướng ủng hộ "các quyết định đúng đắn, sáng suốt"
của Đảng, của lãnh đạo, nhưng trong lòng xã hội cũng có nhiều tâm tư khác nhau,
thậm chí bất đồng.
Theo Bộ Nội vụ, tên
gọi cấp tỉnh, xã sau sáp nhập sẽ được đặt theo tên của một trong các đơn vị
hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
Cụ thể, tên của đơn
vị cấp xã mới hình thành sau sắp xếp cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính
hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa
phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
Với danh sách dự kiến
theo Nghị quyết 60 thì cách đặt tên tỉnh mới được thực hiện theo hướng giữ tên
một tỉnh cũ để đặt tên cho tỉnh mới, còn tên của một hoặc nhiều tỉnh còn lại
sau khi sáp nhập thì bị bỏ đi.
Ví dụ, Gia Lai và
Bình Định sáp nhập đổi tên thành Gia Lai; An Giang và Kiên Giang sáp nhập đổi
tên thành An Giang; Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh sau sáp nhập có tên là Vĩnh
Long.
Theo Nghị quyết 60
thì có 29 tỉnh bị mất tên. Từ đó, có thể hiểu là những người thuộc các tỉnh bị
mất tên trong tương lai cần đi làm lại giấy tờ, còn người dân của 34 tỉnh,
thành được giữ nguyên tên thì không phải thay đổi nhiều về giấy tờ hành chính.
Như vậy, nhiều người cho rằng sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức của người
dân lẫn cơ quan địa phương.
Tuy nhiên, một số
người cho rằng, cần phải xét đến yếu tố mang tính di sản văn hóa, lịch sử, tình
cảm và ký ức tập thể, bản sắc - tự hào cá nhân và truyền thống, định danh địa
lý.
Chưa hết, các cuộc
sáp nhập sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề về tổ chức, nhân sự, và đặc biệt là
việc thay đổi địa giới hành chính kéo theo việc cấp lại giấy tờ như căn cước
công dân, hộ khẩu, giấy phép kinh doanh, gây tốn kém và mất thời gian.
Không chỉ thế, việc
sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề.
Chẳng hạn, năm 2008,
khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, chính sách và quy hoạch cũng thay đổi theo khiến
cho các dự án bất động sản như Lê Trọng Tấn - Geleximco bị chậm lại và trì hoãn
kéo dài do phải rà soát và điều chỉnh để phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng
Thủ đô đến năm 2030.
Tuy nhiên, chủ
trương của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với việc sáp nhập các tỉnh, thành là
"bàn làm, không bàn lùi" nên hiện tại cơ quan các cấp phải "vừa
chạy vừa xếp hàng". Sự vội vã này có thể thấy qua việc vừa lấy ý kiến người
dân, vừa phải thực hiện xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Ví dụ, ngày 14/4,
ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã có văn bản gửi các sở, ban,
ngành thuộc tỉnh chỉ đạo thực hiện xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp
tỉnh:
"Giao các sở,
ban, ngành thuộc tỉnh chủ trì, khẩn trương chủ động phối hợp với các sở, ban,
ngành của tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông (theo từng sở, ban, ngành), tổ chức xây dựng
đề án sáp nhập từng sở, ban, ngành của 3 tỉnh; bảo đảm tiến độ theo Kế hoạch của
tỉnh; hoàn chỉnh đề án, gửi Sở Nội vụ thẩm định, tổng hợp trước ngày
22/4".
Theo phương án dự kiến
được Đảng công bố ngày 13/4, Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ sáp nhập lại
và tên gọi sau sáp nhập sẽ là Lâm Đồng, cũng là trung tâm chính trị-hành chính
mới.
Chưa rõ việc lấy ý
kiến người dân ở các tỉnh này như thế nào và kết quả ra sao nhưng việc tiến
hành làm đề án để gửi cho Sở Nội vụ cho thấy các sở, ngành đang gấp rút tiến
hành theo ý chí của Đảng.
Tương tự, Ban Thường
vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Phú Yên dự kiến họp tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngày
18/4 để trao đổi, thống nhất phương án sáp nhập hai địa phương.
Dù Chủ tịch Quốc hội
Trần Thanh Mẫn cho rằng việc công khai tên gọi và thủ phủ 34 tỉnh thành vào
ngày 13/4 là cách lấy ý kiến nhân dân nhưng trong suốt thời gian thực hiện
phương án sáp nhập, Bộ Nội vụ đã khẳng định toàn bộ thông tin liên quan là theo
chế độ mật vì thế chưa được công bố rộng rãi, mãi tới ngày 13/4 người dân mới
được biết chính thức.
Như vậy, thực chất
người dân có chưa đến một ngày để cho ý kiến về phương án sáp nhập của tỉnh,
thành nơi mình đang sống.
Ví dụ, ngày 13/4,
báo chí đưa tin nhiều phường ở TP Thủ Đức (TP HCM) phát phiếu lấy ý kiến cử tri
về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo tờ phiếu, người
dân phải ghi rõ họ tên, địa chỉ hộ gia đình và đánh dấu vào ô "đồng
ý" hoặc "không đồng ý" về việc nhập toàn bộ diện tích tự nhiên
và dân số của TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu để lập TP HCM mới.
Phần dành cho người có ý kiến khác chỉ vỏn vẹn một dòng và thời gian thực hiện việc lấy ý kiến cũng chỉ có hai ngày 12-13/4.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.