Tuesday, April 8, 2025

Tử hình toàn cầu đạt đỉnh

Human Rights Prison GIF by INTO ACTION

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết số người bị xử tử trên khắp thế giới đã tăng mạnh trong năm 2024.

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức phi chính phủ này về các bản án tử hình và sự hành quyết, tổng cộng có 1.518 người đã bị hành quyết trong năm 2024, tăng 32% so với năm 2023, bất chấp số lượng quốc gia thực hiện án tử hình giảm nhẹ.

Dữ liệu của Ân xá Quốc tế cho thấy số ca bị xử tử được ghi nhận vào năm ngoái là cao nhất kể từ năm 2015, trong khi số quốc gia liên quan đã giảm từ 16 xuống 15.

Quốc gia được cho là hành quyết nhiều người nhất trên thế giới là Trung cộng, nhưng không có con số chính xác nào về các vụ hành quyết được ghi nhận tại nước này.

Điều này là do không có dữ liệu chính thức - Trung cộng coi những số liệu thống kê này là bí mật quốc gia, Ân xá Quốc tế cho biết.

Việt Nam và Triều Tiên là hai quốc gia khác được cho là sử dụng án tử hình rộng rãi, nhưng lại không tiết lộ số vụ hành quyết.

Những nước được biết đến là hành quyết nhiều nhất


Iran dẫn đầu thế giới về số vụ hành quyết đã được ghi nhận.

"Iran, Iraq và Ả Rập Xê Út là những quốc gia chịu trách nhiệm cho sự gia tăng đột biến về số ca xử tử trong năm ngoái, thực hiện hơn 91% số vụ đã được biết đến, vi phạm nhân quyền và nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của người dân vì các cáo buộc liên quan đến ma túy và khủng bố," bà Agnès Callamard, Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói.

Báo cáo cho thấy trong năm 2024, ít nhất 972 người - bao gồm 30 phụ nữ - đã bị Iran hành quyết. Con số trong năm 2023 là 853.

Các nhà hoạt động nhân quyền Iran cho rằng sự gia tăng này có liên quan đến tình hình bất ổn chính trị trong nước.

Comedy Reaction GIF by La Guarimba Film Festival

"Chúng tôi đã chứng kiến số vụ hành quyết gia tăng sau các cuộc biểu tình lớn và trong những giai đoạn bất ổn," bà Roya Boroumand, Giám đốc Điều hành của Trung tâm Nhân quyền Aborrahman Boroumand tại Iran, cho hay.

Bà Boroumand chỉ ra rằng có 12 phụ nữ bị hành quyết vào năm 2022 và 25 người vào năm 2023. Một số người trong số họ bị kết án vì các tội liên quan đến ma túy. Bà nói rằng những người chỉ trích chế độ cũng đang bị nhắm mục tiêu.

"Một số nhà hoạt động nữ đã bị kết án tử hình - một lời răn đe hiệu quả đối với phụ nữ Iran dám phản đối các luật lệ và thông lệ mang tính phân biệt đối xử," bà Boroumand nói.

Nước láng giềng khu vực của Iran là Ả Rập Xê Út đã hành quyết 345 người, và Iraq đứng thứ ba với 63 người.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho hay Iran và Somalia mỗi nước đã hành quyết bốn người dưới 18 tuổi.

Iran và Afghanistan là hai quốc gia đã thực hiện các vụ hành quyết công khai trong năm 2024.

'Hàng ngàn vụ hành quyết'

Tuy nhiên, các số liệu của Ân xá Quốc tế có một lưu ý quan trọng.

"Các số liệu toàn cầu của chúng tôi cho năm 2024 không bao gồm hàng ngàn vụ hành quyết và án tử hình mà chúng tôi tin rằng vẫn tiếp tục diễn ra ở Trung cộng," Chiara Sangiorgio, chuyên gia về án tử hình của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói.

"Số liệu về án tử hình vẫn được phân loại là bí mật quốc gia nhưng thông tin mà chúng tôi thu thập được đã vẽ nên một bức tranh hãi hùng."

Tổ chức Ân xá Quốc tế tin rằng Trung cộng đang áp dụng án tử hình đối với tội tham nhũng và buôn bán ma túy, vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc, trong đó quy định rằng việc áp dụng án tử hình phải giới hạn ở "những tội ác nghiêm trọng nhất", mà Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc định nghĩa là những tội liên quan đến hành vi giết người cố ý.

Các tội không trực tiếp và cố ý gây ra cái chết, chẳng hạn như tội phạm ma túy và tình dục, không đáp ứng tiêu chí đó.

"Chúng tôi cũng thấy rằng chính quyền tiếp tục sử dụng các vụ hành quyết như một công cụ kiểm soát nhà nước để gửi đi một thông điệp rằng tội phạm và bất đồng chính kiến sẽ không được dung thứ," bà Sangiorgio nói.

Trung cộng có một truyền thống lâu dài trong việc sử dụng hình phạt tử hình. Năm 1983, nước này thực hiện chính sách trừng phạt nghiêm khắc nhắm vào các băng nhóm tội phạm. Các báo cáo truyền thông cho thấy một số vụ xử tử là đối với các tội không gây chết người như trộm gia súc hoặc xe cộ.

Những người buôn bán ma túy đặc biệt bị nhắm mục tiêu.

Tổ chức Ân xá Quốc tế báo cáo vào năm 1996 rằng "Ngày Quốc tế Phòng chống Ma túy 26/6 đã được đánh dấu bằng việc hành quyết hơn 230 người trong một ngày tại nhiều thành phố."

Án tử hình đang trên đà giảm

Giáo sư Michelle Miao (Miêu Miêu) từ Đại học Trung văn Hong Kong đã nghiên cứu các yếu tố khác nhau góp phần vào số lượng án tử hình cao trong những năm gần đây.

Bà đã trao đổi về công trình của mình và giải thích tại sao việc ước tính số vụ hành quyết tư pháp ở Trung cộng là không hề dễ dàng.

"Giống như nhiều quốc gia còn áp dụng hình phạt tử hình, Trung cộng không công bố dữ liệu toàn diện về các vụ hành quyết. Nghiên cứu của tôi cho thấy sự mờ ám này xuất phát từ cả truyền thống chính sách và tính nhạy cảm của vấn đề," Giáo sư Miao nói.

Để thực hiện nghiên cứu của mình, bà đã phỏng vấn 40 thẩm phán Trung cộng và 40 luật sư bào chữa. Kết luận của bà cho thấy sự thiếu nhất quán trong các bản án tử hình và sự mơ hồ trong luật pháp.

"Luật Hình sự quy định rằng án tử hình treo chỉ nên áp dụng 'khi không cần thiết phải thi hành ngay lập tức'. Nhưng các thẩm phán Trung cộng nên sử dụng tiêu chí nào để xác định sự cần thiết này?" Giáo sư Miao đặt câu hỏi.

"Hơn hai phần ba số người tôi phỏng vấn, bao gồm cả các thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, đã không thể đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi này."

Tổ chức nhân quyền Dui Hua (Đối Thoại) có trụ sở tại Mỹ cho biết tổng số vụ hành quyết ở Trung cộng đã giảm từ 12.000 vào năm 2002 xuống khoảng 2.000 vụ vào năm 2018. Tổ chức này không cung cấp bất kỳ chi tiết nào cho những năm tiếp theo. Dui Hua đã từ chối yêu cầu bình luận thêm của BBC về tình hình hiện tại ở Trung cộng.

Giáo sư Miao cho rằng sự giảm trong ước tính số vụ hành quyết là do một loạt cải cách trong hệ thống tư pháp hình sự được thực hiện trong hai thập kỷ qua.

Một người bị kết án hiện có thể kháng cáo hai lần thay vì chỉ một và trong khi Bộ luật Hình sự Trung cộng năm 1979 liệt kê 74 tội danh có thể bị trừng phạt bằng án tử hình, con số này đã được sửa đổi giảm xuống vào năm 2011 và 2015.

Hiện tại, có 46 tội danh có thể dẫn đến án tử hình.

"Giết ngườivà các tội liên quan đến ma túy là hai loại tội phạm chính dẫn đến án tử hình," Giáo sư Miao trả lời.

Bà lạc quan về những năm tới, tin rằng những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ, việc thực thi pháp luật mang tính phòng ngừa và sự cải thiện mức sống ở Trung cộng sẽ làm giảm số lượng tội phạm.

"Với sự giảm xuống của các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy - như buôn bán, buôn lậu, sản xuất và vận chuyển - cũng như tội giết người, và khả năng xu hướng sẽ này tiếp tục, chúng ta có thể kỳ vọng số vụ hành quyết nói chung sẽ giảm trong những năm tới."

Tỷ lệ kết án

Các tòa án Trung cộng thụ lý một lượng lớn vụ án, và tỷ lệ kết án cũng rất cao. Theo một báo cáo do tổ chức Dui Hua công bố, "chỉ có 631 cá nhân trong số 1.431.585 bị cáo được tòa án hình sự tuyên vô tội vào năm 2022".

Một bài viết trên trang Dui Hua ghi nhận:

"Tỷ lệ kết án năm 2022 là 99,95%, một mức cao kỷ lục theo thống kê trong Niên giám Luật Trung cộng."

Một bài nghiên cứu học thuật khác được đăng trên Chuyên san Quốc tế về Luật pháp, Tội phạm và Công lý (International Journal of Law, Crime and Justice) chỉ ra rằng một tòa án ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, đã kết án toàn bộ bị cáo trong giai đoạn từ năm 1995 đến 1999.

Giáo sư Miao nhận định tỷ lệ kết án cao là do quy trình sàng lọc chặt chẽ.

Bà giải thích:

"Trong suốt quá trình tố tụng hình sự ở Trung cộng, các vụ án đều trải qua quá trình sàng lọc trước khi xét xử. Chỉ những vụ án được cho là có khả năng dẫn đến kết án mới được đưa ra xét xử do các thẩm phán ngại rủi ro tư pháp và hệ thống đánh giá hiệu suất khuyến khích các công tố viên loại bỏ những vụ án yếu."

"Điều này không chỉ áp dụng cho các vụ án tử hình mà còn cho các vụ án hình sự nói chung."

Với tỷ lệ kết án cao như vậy, nguy cơ xảy ra oan sai là điều có thể lường trước. Năm 2016, 27 quan chức đã bị xử phạt vì vụ hành quyết oan sai một thanh niên bị cáo buộc hiếp dâm và giết người, và cha mẹ của thanh niên 18 tuổi sau đó đã được bồi thường.

Trung cộng không phải là quốc gia duy nhất có tỷ lệ kết án cao như vậy – nước láng giềng Nhật Bản, một quốc gia dân chủ, cũng có tỷ lệ kết án hơn 99% sau khi truy tố. Tuy nhiên, Nhật Bản đã không hành quyết bất kỳ ai kể từ tháng 7 năm 2022.

Bất chấp những quan ngại quốc tế về số lượng các vụ hành quyết ở Trung cộng, Giáo sư Miao cho hay dư luận trong nước phần lớn ủng hộ án tử hình.


Swaminathan Natarajan


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.