Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines có thể vỡ nợ vào tháng 7/2024 nếu thời hạn trả khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng không được gia hạn, theo Chính phủ Việt Nam.
Thông tin từ Chính phủ Việt Nam cho biết VNA đã nhận được khoản vay 4.000 tỷ đồng lãi suất thấp từ một số ngân hàng thương mại. Khoản vay này sau đó được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn với lãi suất 0% vào năm 2021.
Khoản vay tái cấp vốn này là theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, khoản vay tái cấp vốn đã được VNA triển khai vào năm 2021 và từ tháng 7 tới tháng 12/2024 VNA phải trả khoản vay này.
VNA vẫn đang gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Chính phủ Việt Nam cho biết VNA vẫn chưa hoàn thành việc tái cấu trúc tài chính, bao gồm tái cơ cấu các khoản đầu tư không cốt lõi và bán cổ phiếu mới, do yêu cầu phê duyệt từ các cơ quan quản lý.
Do đó, VNA có khả năng đối mặt với nhiều rủi ro khổng lồ, vướng vào các vụ kiện tụng và bị tổn thất uy tín nếu thời hạn trả nợ không được gia hạn.
Từ đó, chính phủ đề xuất các đại biểu Quốc hội cho phép gia hạn thời hạn trả nợ khoản vay tới ngày 31/12/2027, tạo điều kiện cho VNA hoàn thành việc tái cấu trúc.
Liên quan tới việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rằng ủy ban này “cơ bản nhất trí” với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái, theo báo Nhân Dân.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của Vietnam Airlines để làm rõ hơn tính khả thi và hiệu quả của phương án.
Cần có phương án tổng thể
Bên cạnh việc gia hạn thời hạn trả nợ, Chính phủ Việt Nam cũng kiến nghị Quốc hội thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội, theo báo Bảo vệ Pháp luật – cơ quan của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Theo đó, thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội).
Nêu ý kiến về vấn đề này trong buổi thảo luận tại tổ ngày 25/6 thuộc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương, cho rằng nên có một phương án kinh doanh để đảm bảo làm sao sau 5 năm thì sẽ VNA không xin gia hạn tái cấp vốn nữa.
“Bây giờ Vietnam Airlines xin thời hạn 5 năm, 5 năm nữa VNA lại xin tiếp thì sao?” ông Huân đặt vấn đề.
Cũng tại đây, đại biểu Nguyễn Thanh Nam, đoàn Phú Thọ, có quan điểm tương đồng, cho rằng phải xây dựng được phương án tái cấu trúc VNA hiệu quả.
“Trong báo cáo, tờ trình của Chính phủ, từ năm 2021 đã xây dựng phương án tổng thể cho việc hoạt động, sản xuất kinh doanh của VNA.
“Tuy nhiên, qua 13 lần tiếp thu, do vướng một số cơ chế cho nên đến giờ phút này vẫn chưa có động thái gì để thay đổi được nên đúng như các vị đại biểu Quốc hội nói, phải có một phương án tổng thể cho VNA thì mới đảm bảo,” ông Nam nêu.
‘Câu chuyện âm vốn, rồi lỗ kéo dài’
Trong bài viết ngày 14/6/2023 trên báo Đấu thầu - Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi ngành hàng không bước sang năm phục hồi thứ hai sau đại dịch Covid, VNA vẫn tiếp tục báo lỗ. Tình hình tài chính cho thấy nhiều khó khăn với cơ cấu tài sản - nguồn vốn mất cân đối, lỗ lũy kế lớn, nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn đến cuối quý I/2023 là gần 70.000 tỷ đồng.
Theo bài viết ngày 14/3/2024 trên báo Thanh Tra, VNA thường xuyên rơi vào cảnh “mất cân đối tài chính” trước đại dịch Covid-19. Sau đại dịch, VNA càng gặp thêm những khó khăn về tài chính và “thường xuyên đối mặt với nguy cơ phá sản”.
Cũng theo bài viết này, hệ số khả năng thanh toán hiện hành của VNA vào ngày 31/12/2023 là 0,24. Theo lý thuyết kế toán, hệ số này càng gần về 0, nguy cơ phá sản của doanh nghiệp càng cao, bài viết nêu.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2024 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), tổng doanh thu hợp nhất của VNA đạt gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong ba tháng đầu năm, hãng hàng không mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt lợi nhuận sau thuế 4.441 tỷ đồng, đảo chiều ngoạn mục so với mức lỗ 37 tỷ đồng cùng kỳ.
Mức lãi nêu trên là lớn nhất của hãng này trong một quý, kể từ khi công khai thông tin tài chính đến nay, đồng thời chấm dứt chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp.
Bên cạnh việc quý 1 là thời điểm kinh doanh cao điểm của ngành hàng không, việc Pacific Airlines (công ty con của VNA ) đàm phán trả lại toàn bộ máy bay đang thuê và xử lý các khoản nợ được cho là đã giúp hãng hàng không quốc gia ghi nhận "khoản thu nhập khác" tăng đột biến, theo lý giải của VNA.
Tuy nhiên, dù lãi kỷ lục, hàng hãng không quốc gia vẫn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 12.556 tỷ đồng, tính đến hết ngày 31/3/2024.
Trong buổi thảo luận tại tổ được nhắc tới nói trên, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP HCM, cho rằng về lâu dài cần có tính toán cụ thể về tình hình tài chính của VNA.
“Với tư cách là một doanh nghiệp cổ phần thì Vietnam Airlines cũng phải rà soát lại hiệu quả của mình xem những khó khăn hay việc kinh doanh không hiệu quả là do COVID-19, thị trường thế giới biến động hay còn do nguyên nhân gì… để có phương án xử lý tốt nhất,” ông Nghĩa nói.
Đại biểu Vũ Văn Kim, đoàn Nam Định, cho rằng VNA phải năng động hơn trong vấn đề quản trị doanh nghiệp, hoạt động tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn… “Nếu không vài năm nữa mình vẫn phải tính câu chuyện âm vốn, rồi lỗ kéo dài…”
Tăng giá vé để bù đắp chi phí?
Trong bài viết ngày 24/6 trên tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Cơ quan của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi trả lời câu hỏi “khi nào giá vé máy bay giảm?”, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết các hãng hàng không nước ngoài đã nhận định chỉ khi cung và cầu bằng nhau thì giá vé mới giảm.
"Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước, vì thế cần làm hài hòa giữa quyền lợi của hành khách, doanh nghiệp và Nhà nước.
“Mức giá tăng trong thời gian qua được đánh giá là hợp lý, trong tầm kiểm soát và tính toán để đảm bảo sự hài hòa, cân đối cho các quyền lợi trên", ông Tuấn nói.
Trước đó, trong cuộc họp cổ đông thường niên năm 2024 vào ngày 21/6, ông Tuấn nói rằng Vietnam Airlines tăng giá vé máy bay để bù đắp chi phí, theo thông tin từ báo Kinh tế & Đô thị - Cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân việc giá vé máy bay tăng là do các hãng hàng không phải đối mặt chi phí nhiên liệu cao, chênh lệch tỷ giá, thiếu đội bay, việc bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng máy bay, vấn đề thiếu hụt nhân lực.
“Tăng giá vé bay để hãng hàng không bù đắp chi phí. Vietnam Airlines đã bắt đầu có lãi nhưng tích lũy mỏng và vẫn còn tiềm ẩn rủi ro với những biến cố có thể xảy ra trong tương lai,” ông Tuấn nêu.
***
Chân dung nữ tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật
Hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được phép bay thẳng đến Mỹ
Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản
Vietnam Airlines hiện có số nợ phải trả lên đến 6.240 tỉ đồng và dự kiến lỗ tới 10.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đang đối diện với những kiện tụng pháp lý vì số nợ quá hạn cao và có nguy cơ phá sản, theo dự thảo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.