Pages

Tuesday, April 2, 2013

Hai ả tố nga

image
Vương ông tuy sinh đầu lòng hai ả tố nga nhưng sau đó cũng ráng thêm Vương Quan theo đúng tinh thần “nhất nam viết nữu, thập nữ viết vô”. Dù một nam mới tính là có, mười nữ kể như không.
Cái quan niệm xưa thật xưa này xem chừng đến nay vẫn chưa bị xem là lạc hậu vì mọi người vẫn còn coi trọng lắm.
Việt Nam cũng như các nước Á Đông khác như Trung Hoa, Ấn Độ... vốn trọng nam khinh nữ. Là người đàn ông trong gia đình, nhất là ở vị trí trưởng nam, thì việc phải sinh con trai nối dõi tông đường quả là một gánh nặng không dứt ra được.

Ở Trung Hoa, do nhà nước giới hạn số con nghiêm ngặt nên việc phá thai hoặc lỡ sinh con gái rồi vất đi vẫn là chuyện thông thường. Còn tại Ấn Độ, con gái không có đủ của cải mang theo thật khó lấy chồng. Dành đủ hồi môn để làm đám cưới cho con có khi sạt nghiệp nên người ta càng không hào hứng sinh con gái. Một số cha mẹ ở Ấn Độ còn tốn tiền đưa con gái đến bác sĩ để giải phẫu thành con trai.

image
Ngay như Nhật là một nước văn minh, tuy không cần nối dõi tông đường nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn chưa hết. Vì thế có gia đình người Việt sau khi sinh một hơi ba cô con gái, đã xin di cư qua một nước Âu Mỹ sống, mong sau này lớn lên, con gái được quý trọng hơn, chứ ở xứ đó, buổi sáng vào sở làm việc, phụ nữ vẫn có bổn phận pha trà mời nam giới.

Đầu năm 2012, tỷ lệ giới tính khi sinh là 112 nam/100 nữ, riêng Quảng Ngãi là 117/100. Tỷ lệ này hứa hẹn không có gì thay đổi khi tại miền Bắc, nhiều thai phụ đi siêu âm để sẵn sàng phá thai nếu thai nhi là nữ. Các phòng siêu âm và phá thai mọc lên nhan nhản khiến nhà nước phải ra thông báo cấm siêu âm chỉ để tìm giới tính thai nhi.

image
Sở dĩ nạn trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại đến nay là do quan niệm lâu đời của xã hội.
Ở nông thôn, đặc biệt ở quốc gia nông nghiệp, nông dân cần nhiều con trai để thêm nhân công trong công việc đồng áng nặng nhọc, nhất là vùng biển cần con trai sức lực đi biển sóng gió. Quảng Ngãi là một trong các tỉnh sinh con gái ít, ngoài lý do nối dõi tông đường chính vì nghề biển nơi này đòi hỏi nguồn trai tráng ra khơi. Con gái nuôi tới lớn, chúng bỏ đi lấy chồng hết thì lấy ai trông nom nhà cửa ruộng vườn, của cải nhất thiết không để lọt qua tay chàng rể bị tính là “người ngoài”. Dân quê lại không có lương hưu, nếu không có con trai, khi già yếu ở một mình sẽ không có người chăm sóc.

Đời sống thành phố dù khá hơn nhưng hệ thống viện dưỡng lão chưa phát triển đúng mức, người già khi đau yếu không có chỗ nương thân, vẫn phải nhờ cậy đến con cháu trông nom.

Tư tưởng “con gái là con người ta”, “vịt giời” thật lạ khi vẫn tồn tại ở thời nay, nhất là miền quê. Con gái lấy chồng là theo chồng đi luôn, gánh vác gia đình nhà chồng. Nhiều phụ nữ khóc hết nước mắt, khóc thầm vì tết nhất giỗ chạp, nếu nhà chồng không đồng ý, không cho phép thì họ không được trở về nhà mình. Không được lui tới giúp đỡ, thăm nom cha mẹ đẻ. Thông thường ngày tết bận rộn, nấu nướng cúng kiếng tiếp đãi họ hàng khách khứa, hầu như chẳng mẹ chồng nào cho con dâu về nhà mẹ đẻ, buộc làm tròn bổn phận mà các nàng dâu ta thán là còn cực hơn người ở. Người giúp việc nhiều khi còn không dám nói nặng, không dám sai vặt nhiều chứ nàng dâu thì tha hồ.

image
Trong khi ở Tây phương, mẹ vợ là một hình ảnh khó chịu thường bị mang ra chế nhạo thì tại Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, bà mẹ chồng là nữ hoàng cai trị vương quốc gia đình. Quyền uy và độc đoán, bà là nỗi khiếp sợ của các nàng dâu đến mức chỉ được kể ra trong những câu chuyện đầy cay đắng chứ chẳng xuất hiện nổi trong chuyện vui cười. Ngày nào mà người phụ nữ còn bị coi là một vật sở hữu của nhà chồng thì ngày đó số phận của con gái vẫn bị rẻ rúng.

Lại thêm ý nghĩ “khi chết không có người chống gậy”, “không có người hương khói”... là những gánh nặng của xã hội, tiền đề của những tệ nạn xã hội như phá thai nhi gái, nuông chiều con trai, đánh đập vợ con... Ông nào là đích tôn, trưởng họ thì nhiệm vụ sinh con trai càng bức bối.

Cái nhiệm vụ nặng nề ấy được ông chồng chuyển sang vợ. Nhiều phụ nữ bị chồng và gia đình chồng ruồng rẫy, đánh đập hành hạ vì tội chỉ sinh toàn con gái. Cho đến khi nào một đứa con trai ra đời, coi như vị trí của người phụ nữ trong gia đình chồng mới được thừa nhận, khẳng định.

Ở huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, cặp vợ chồng và hai con gái sống hạnh phúc nhưng người chồng luôn bị người chung quanh khích bác là “sinh con một bề”. Từ một người hiền lành biến thành thú dữ khi say rượu, người chồng, người cha này đã đánh đập vợ con bằng đủ mọi thứ từ mũ bảo hiểm, dép nhựa, dao, xích chó...
Oan nghiệt hơn là chuyện “sinh bề con gái” lại gây ra cái chết.

Huyện Kim Bôi, Hòa Bình, tuy mới có hai cô con gái, người chồng đã đổ cho vợ tội “không biết đẻ con trai” để đánh vợ sống đi chết lại nhiều lần, treo ngược người lên, đánh bằng thớt, đổ nước mắm, đổ rượu cho vợ tỉnh lại để còn đánh tiếp cho sướng tay. Đánh hết vợ lại sang con. Người con gái đầu 19 tuổi trong bước đường cùng đã dùng thanh củi đập đầu cha...

Tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, một anh trưởng nam sau khi vợ sinh đứa con gái thứ ba mấy ngày, đã treo cổ tự tử. Té ra chết còn... sướng hơn phải chịu cảnh “con một bề”! Đó là “bề” con gái chứ “bề” con trai cả chục tên bao nhiêu cũng đủ!

image
Ngày nay, nhờ siêu âm để biết sớm giới tính thai nhi, các bà mẹ sẵn sàng bỏ thai nếu biết đó là con gái. Bộ Y tế đã phải ra thông báo cấm các phòng khám siêu âm xác định giới tính. Cấm nhưng làm sao kiểm soát được. Thành thử cấm thì cứ cấm, siêu âm vẫn siêu âm và phá thai mặc tình phá thai. Các phòng siêu âm tư nhân tránh việc nói thẳng dễ mang tiếng nên dùng cách nói tránh để ám chỉ giới tính: gà, vịt, cu, hĩm, người chống gậy...

Người ta lao vào tìm mọi cách để tránh con gái. Từ nhờ cậy khoa học tân tiến đến cầu tự, tìm đến các thầy lang, bà mo, các phương thuốc cổ truyền dân gian sao cho khỏi sinh tố nga.
Ngoài nỗi buồn của gia đình, họ hàng còn thêm lời chế giễu, nhạo báng của hàng xóm, láng giềng. Một số thôn quê miền Bắc còn phân chia ai có con trai được ngồi chiếu trên, sinh con gái ngồi chiếu riêng. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp nên trường hợp này bị coi là nhục ! Thực tế nếu chỉ sinh con gái, tội này xem như mặc nhiên thuộc về bà vợ. Nguy cơ đàn ông đòi ly dị hoặc lấy vợ bé là điều khó tránh khỏi. Cuối cùng gia đình tan vỡ. Chỉ khổ cho mẹ và con gái ôm nhau khóc. Cha mẹ chồng thường về hùa với con mình trong việc tìm kiếm cháu đích tôn. Nhiều bà mẹ chồng sẵn sàng xúi con bỏ vợ hoặc đồng lõa cho con ngoại tình không ngoài mục đích ấy.

image
Tình trạng này xem chừng không khá hơn mà ngày càng tệ. Với việc cố gắng bằng mọi cách tránh sinh con gái: phá thai, lách luật, ra ngoại quốc sinh đẻ... Công chức chấp nhận bị phạt: bị cách chức, đổi chỗ làm, mất một phần thu nhập... để có thể vượt sự ngăn cấm của nhà nước, sinh đứa con thứ ba hòng kiếm thằng cu. Thiệt ít tiền, chậm lên chức một chút chẳng sao. Với lại cùng làm một sở ra vào gặp nhau nên bỏ qua vi phạm, có gì là nghiêm trọng đâu. Ông sếp cũng thế thôi. May ra là con trai, chỉ ngại con gái nữa thật méo mặt. Thậm chí nhiều gia đình đã có con trai rồi nhưng vẫn muốn sinh thêm con trai nữa cho chắc ăn. Dĩ nhiên những gia đình nào không phải là công chức thì tha hồ sinh đến khi nào như ý mới thôi.

Như vậy khoảng hai mươi đến ba mươi năm nữa, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng bốn triệu nam so với Ấn Độ thừa 42 triệu và Trung quốc thừa 67 triệu nam.
Đến mức này thì không còn thể làm ngơ được nữa. Câu khẩu hiệu kêu gọi chung chung trên pa nô khắp nơi. “Gia đình hạnh phúc, dù gái hay trai, chỉ hai là đủ” rõ ràng chẳng có tác dụng gì cả.

Vì thế đã có nghị định quy định xử phạt những người có lời nói, hành động trêu ghẹo, khích bác, xúc phạm nhân phẩm người sinh con một bề có thể bị phạt cảnh cáo từ 100 đến 300 ngàn đồng. Điều này cho thấy nhà nước cương quyết bênh vực con gái nhưng giữa hàng xóm, họ hàng chế nhạo nhau, nếu không về nhà trút lỗi cho vợ thì đàn ông cãi cọ, xông vào đánh đấm nhau chứ chắc chắn không ai vác đơn đi thưa kiện chuyện này. Không có thời giờ và không cả bằng cớ.

Song song đó là những đề án giúp đỡ những gia đình sinh... toàn con gái.
Tức là theo đúng chính sách “chỉ 2 là đủ” nhưng nếu là hai gái thì sẽ được an ủi bằng nhiều hình thức. Được miễn giảm học phí, cộng thêm điểm trong kỳ thi đại học, ưu tiên học nghề, xin việc... Và còn nhiều thứ lợi lộc khác nữa để nâng cao giá trị con gái. Hiện nay, nhiều xí nghiệp không muốn nhận nữ công nhân. Ngoài thời gian bầu bì, lại còn sinh nở nghỉ vài tháng ở nhà nuôi con lãnh lương đầy đủ thì xí nghiệp cảm thấy mình thiệt thòi quá.

Dù sao nói là làm, nhà nước quyết định chi ra ba ngàn tỷ đồng cho chính sách bênh vực phái yếu.
Số tiền này được chi ra nhiều cách. Tỉnh Thái Bình cho mỗi gia đình có hai con gái một cái quạt điện giá chưa đến... một triệu đồng.
Chẳng biết kết quả thế nào chứ những ưu tiên này không chừng phản tác dụng vì khiến các gia đình sinh con gái càng thêm tự ti. Nhiều nhà coi đó là một sự xúc phạm khi bị xoáy vào nỗi buồn của họ. Cái quạt được thưởng chẳng xứng đáng mang khoe, tốt nhất là giấu kỹ hơn là mang ra như thêm một bằng chứng cho cảnh nhà toàn con gái.

image
Tình hình trọng nam khinh nữ thường xảy ra ở miền Bắc nhiều hơn miền Nam, thôn quê nhiều hơn thành thị.

Cứ cái đà này mai mốt trai Việt chắc phải sang các nước láng giềng kiếm vợ chứ chẳng chơi. Giống như đàn ông Đại Hàn, Đài Loan, Trung quốc sang Việt Nam tìm vợ tạo nên phong trào “xuất khẩu” cô dâu thời gian vừa qua. Đàn ông Việt Nam e rồi cũng đến lúc phải dành dụm để sang Campuchia hay Lào tìm ý trung nhân.

Có điều con gái Việt Nam lúc đó cho dù cao giá thì vẫn lủi thủi đi theo chồng về nhà chồng.
Chẳng biết ngày nào ở xứ Việt Nam, nam nữ được bình đẳng. Điều đó còn tùy thuộc vào dân trí.


Saigon cô nương


Note: Những hình ảnh trong bài viết này là hình minh họa

image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.