Pages

Thursday, March 27, 2014

Một cách nhìn về chính trị: Địa chiến lược

image
Người biểu tình cầm hình ảnh mô tả ông Putin như Adolf Hilter trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Kiev.
Cách suy nghĩ về chính trị của phần lớn người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, cho đến nay, thường bị chi phối bởi ba yếu tố: một, kinh nghiệm; hai, ý thức hệ; và ba, lịch sử.

Yếu tố đầu, kinh nghiệm cá nhân, dễ thấy nhất nhưng cũng chủ quan, nhiều cảm tính nhất, và do đó, ít giá trị nhất. Kinh nghiệm tùy thuộc vào hoàn cảnh và thời điểm: Những người thuộc hoàn cảnh và thời điểm khác nhau sẽ có những kinh nghiệm khác nhau. Sử dụng kinh nghiệm để phán đoán, do đó, rất ít có sức thuyết phục, và càng ít có khả năng đạt đến đồng thuận. Những người sống ở miền Bắc và ở miền Nam trước năm 1975, cho đến nay, vẫn có nhiều xung khắc trong quan điểm về rất nhiều vấn đề liên quan đến chính trị Việt Nam cũng như quốc tế là vì vậy.

So với kinh nghiệm, hai yếu tố ý thức hệ và lịch sử rộng hơn nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Cả hai đều có tính thời gian. Lịch sử có tính thời gian đã đành; ngay cả ý thức hệ, một hệ thống tư tưởng dùng để chỉ đạo và biện chính cho các lựa chọn chính trị của một thể chế, cũng có tính thời gian: Chúng xuất hiện rồi chúng suy tàn, cuối cùng, biến mất. Khăng khăng ôm giữ lấy kinh nghiệm lịch sử hay ý thức hệ để phán đoán, người ta dễ có nguy cơ trở thành tù nhân của quá khứ, từ đó, chỉ nhìn được hiện tại và hiện thực qua kính chiếu hậu.

Có thể thấy cả ba yếu tố trên chi phối một cách rõ rệt cách nhìn của nhiều người Việt về cuộc khủng hoảng chính trị mới đây tại Ukraine. Người đã từng du học ở Nga hoặc có thời xem Nga là một đồng minh gần gũi dễ có khuynh hướng bênh vực cho việc Nga xâm chiếm vùng đất Crimea của Ukraine. Những người không thích Nga, từ Nga thời độc-tài-cộng-sản đến Nga thời độc-tài-hậu-cộng-sản, dễ có khuynh hướng đả kích Nga kịch liệt. Cả việc bênh hay chống đều đậm màu sắc cảm tính, do đó, người ta ít hay không để ý đến nhiều khía cạnh khác, lớn hơn, liên quan đến một số toan tính chiến lược có thể ảnh hưởng đến bàn cờ chính trị của cả thế giới sau này.

image
Liên quan đến chính trị, đặc biệt chính trị quốc tế, ở Tây phương người ta thực tế hơn. Lord Palmerston (tên thật Henry John Temple, 1784-1865), nguyên thủ tướng Anh, có nói một câu, sau này, trở thành một châm ngôn thường được nhắc đi nhắc lại trong nhiều trường hợp nhằm giải thích các quan hệ đối ngoại của các quốc gia thuộc Âu châu và Bắc Mỹ, đặc biệt, của Mỹ: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh viễn, chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn, chúng ta chỉ có những lợi ích vĩnh viễn (We have no permanent allies, we have no permanent enemies, we only have permanent interests.)

Không nhận ra được sự thật ấy, nhiều người làm chính trị ở miền Nam trước năm 1975 vẫn tưởng là Mỹ, sau khi đã bắt tay với Trung Quốc để phân hóa khối xã hội chủ nghĩa và làm suy yếu Liên Xô, vẫn tiếp tục là đồng minh đắc lực và tận tụy với mình. Cũng vì không nhận ra sự thật ấy, giới lãnh đạo miền Bắc, trước năm 1975, cứ tưởng Trung Quốc vĩnh viễn là đồng minh và đồng chí thân thiết nhất của mình. Thậm chí, ngay cả sau khi bị Trung Quốc, một mặt, xúi Khmer Đỏ tấn công ở biên giới Tây Nam; mặt khác, trực tiếp xua quân qua tấn công ở biên giới phía Bắc, vẫn cứ tưởng Trung Quốc lúc nào cũng là anh em xã hội chủ nghĩa. Rồi, sau đó, khi Trung Quốc lấn biển và chiếm đảo, dùng mọi thủ đoạn để gây khổ cho ngư dân và gây khó cho chính quyền, họ vẫn cứ tưởng Trung Quốc là “láng giềng tốt”, “đối tác tốt” và “đồng chí tốt”.

image
Nếu với Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam sai lầm ở chỗ vĩnh cửu hóa đồng minh; với Mỹ, họ lại sai lầm ở chỗ đã vĩnh cửu hóa kẻ thù. Trước năm 1975, họ xem Mỹ, vốn đứng đầu phe tư bản chủ nghĩa, là một kẻ thù. Ngay bây giờ, trong khi hầu hết những nhà bình luận chính trị đều xem chỉ có Mỹ may ra mới cứu Việt Nam ra khỏi hiểm họa Trung Quốc, họ vẫn không thoát được cách nghĩ trong quá khứ. Vẫn nghi ngờ. Vẫn lo ngại. Vẫn nhìn thế giới dưới nhãn quan thời Chiến tranh lạnh, ở đó, thế giới bị chia cắt thành hai phe: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Vẫn xem Mỹ như một kẻ đứng đằng sau các âm mưu “diễn tiến hòa bình” để lật đổ họ hoặc để xâm chiếm Việt Nam. Do đó, các trò ngoại giao với Mỹ cứ đong đưa, đong đưa, trong khi đó, gọng kềm của Trung Quốc càng lúc càng chặt trong mọi lãnh vực, từ quân sự đến chính trị, kinh tế, xã hội và cả văn hóa nữa.

Những cách nhìn bị giam hãm trong ý thức hệ và lịch sử như vậy khiến người ta vĩnh viễn thuộc về quá khứ. Ở người dân thường, tác hại của chúng không lớn lắm. Nhưng với giới làm chính trị, với trọng trách lãnh đạo quốc gia, thì khác: Chúng khiến người ta mất đi những tầm nhìn có tính chiến lược.

image
Trong cái gọi là chiến lược ấy, điều quan trọng nhất là địa chiến lược (geostrategy). Khái niệm địa lý khá rộng, bao gồm không chỉ có cương thổ và đất đai mà còn có địa lý nhân văn (human geography), địa lý kinh tế (economic geography), địa lý văn hóa (cultural geography), địa lý quân sự (military geography) và địa lý chính trị (political geography). Địa chính trị, một thuật ngữ do Frederick L. Schuman đặt ra vào năm 1942, một mặt, là một bộ phận của địa lý chính trị, phần khác, lại có liên hệ chặt chẽ với tất cả các thứ địa lý khác.

Nói một cách vắn tắt, đó là các chiến lược xuất phát từ những điều kiện địa lý nhằm khai triển đến mức tối đa các ưu thế có sẵn để, một mặt, bảo vệ an ninh và độc lập, mặt khác, tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của mình lên các quốc gia khác. Hai vấn đề quan trọng nhất trong địa chiến lược là việc xây dựng quân đội, kể cả các đội quân và vũ khí trên biển, cũng như việc thiết lập các quan hệ đồng minh. Trong ý nghĩa đó, địa chiến lược bao trùm lên cả quân sự lẫn chính trị và ngoại giao.

Ý thức địa chính trị đã manh nha từ lâu. Ngay thời thượng cổ, ở Hy Lạp, Herodotus đã nhận thấy mối tương quan giữa các nền văn minh lớn với các đặc điểm địa lý của các quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, một quan điểm thật rõ ràng về địa chính trị để biến nó thành một ý thức địa chiến lược thì chỉ phát triển trong thời hiện đại khi xu hướng toàn câu hóa đã phát triển mạnh biến thế giới thành một cái làng ở đó mọi quốc gia đều chịu sự tương tác mạnh mẽ của nhau.

image
Sự tự giác về địa chính trị nổi bật nhất là trước và trong đệ nhị thế chiến. Trong thập niên 1940, Pháp tự hào là có một đội quân hùng mạnh đứng hàng thứ nhì trên thế giới. Tuy nhiên, Pháp lại có hai điều bất hạnh: Một, nước có quân đội hùng mạnh nhất thế giới lại là Đức; và hai, Đức lại là nước láng giềng có chung biên giới với Pháp. Hậu quả là Pháp bị Đức đánh bại một cách dễ dàng. Trong khi đó, Anh và Mỹ lại ở xa, hơn nữa, lại được biển cả bảo vệ, ở đó, sức mạnh của họ lại nằm ở chỗ khác: hải quân. Còn Nga thì may mắn một cách khác: Nó quá rộng và khí hậu lại quá khắc nghiệt để Đức có thể chinh phạt.

Nói chung, từ góc nhìn địa chính trị, hầu như ai cũng đồng ý Mỹ là quốc gia may mắn nhất thế giới. Nhìn lên bản đồ thì thấy ngay: phía bắc là Canada, vốn cùng một văn hóa và có truyền thống hòa hiếu lâu đời, lại nhỏ, yếu và nghèo hơn Mỹ. Phía nam là Mexico, càng nghèo và yếu hơn Mỹ về mọi mặt. Còn nguyên biên giới phía Đông và phía Tây đều là đại dương. Bất cứ lực lượng thù nghịch nào muốn tấn công Mỹ cũng đều phải băng qua cái đại dương bao la ấy. Nhưng trên đại dương ấy, lực lượng hải quân mạnh nhất lại thuộc về Mỹ. Hệ quả là, trong lịch sử, Mỹ có thể thua nước này hoặc nước khác, ở trận chiến này hoặc trận chiến khác, nhưng tất cả đều ở xa, có khi rất xa nước Mỹ. Ngay cả những nước tự hào là đã thắng Mỹ cũng chưa bao giờ đặt được dù một ngón chân lên đất Mỹ.

image
Được thiên nhiên ưu ái bảo vệ, trong suốt cả thế kỷ 20 và bước sang thế kỷ 21, Mỹ chỉ quan tâm đến địa chiến lược ở tầm toàn cầu. Thời chiến tranh lạnh, họ đẻ ra thuyết domino với quan niệm: nếu cộng sản chiếm được một nước, nó sẽ dần dần lan sang nước khác bên cạnh; bởi vậy, công việc chống cộng sản một cách hiệu quả nhất là bao vây các nước cộng sản và ngăn chận sự phát triển của nó. Xuất phát từ thuyết domino ấy, Mỹ đã quyết định nhảy vào Việt Nam, thay thế vai trò của Pháp.

Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, từ quan điểm địa chiến lược, Mỹ tiếp tục theo đuổi ba chủ trương chính: Một, tiếp tục duy trì lực lượng quân sự cực lớn và cực mạnh ở Bắc Mỹ; hai, tiếp tục duy trì thế thượng phong về hải quân để có thể đương đầu với các thử thách đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt với những siêu cường mới nổi và có khả năng tranh chấp với Mỹ, trong đó, đáng kể nhất là Trung Quốc; và ba, tiếp tục duy trì và xây dựng các quan hệ đồng minh để tạo nên sức mạnh toàn cầu. Trước, trung tâm của cái gọi là đồng minh ấy nằm ở Âu châu với việc mở rộng Liên hiệp Âu châu và khối NATO; sau, từ mấy năm nay, mở rộng sang các đồng minh ở châu Á, chủ yếu với Nhật, Hàn Quốc và Úc để bao vây Trung Quốc.

image
Trong cách nhìn địa chiến lược như vậy, Việt Nam không những không còn là kẻ thù của Mỹ mà còn có triển vọng trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ trong việc bảo vệ con đường hàng hải qua Biển Đông cũng như trong việc ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc: Trong hai việc này, Việt Nam có ưu thế hơn hẳn các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

image
Việt Nam có khai thác được ưu thế ấy để tìm được một chiến lược tối ưu nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền cũng như sự phát triển của nước mình hay không là tùy vào tầm nhìn của giới lãnh đạo, trong đó, quan trọng nhất, chính là tầm nhìn địa chiến lược.




Nguyễn Hưng Quốc


image

Tổng thống Obama hội kiến Ðức Giáo Hoàng tại Vatic...
Những cái nhất không đáng tự hào của Việt Nam
Singapore là quốc gia 'bất hạnh'?
Một con cá bị chết đuối
Chia sẻ với các bạn sinh viên mới ra trường
Bức “tâm thư“ bàn về văn hóa Việt
Những sao Việt rơi vào cảnh nghèo nàn, túng thiếu....
Bi kịch cuộc đời của người phụ nữ xấu nhất Thế Giớ...
Xe buýt lợi hay hại cho giao thông VN?
Một người Việt được trao giải thành tựu trọn đời t...
Hộp đen có đem lại lời giải MH370?
Nhật, Thái, Hàn rêu rao người Việt trộm cắp, ăn th...
Bất thường quanh một luận văn
Hoa trong món ăn người Việt
MH370 'đâm xuống' Nam Ấn Độ Dương
Người trẻ gốc Việt chỉ huy đào tạo lực lượng đặc n...
Chính quyền nhát hơn gián?
Hình ảnh về “độ tham ăn” của con người
Quốc tế bình luận cảnh vượt suối ở VN
Sơ Cristina Scuccia trên sân khấu The Voice của Ý
Già hóa lú?
Không có toa-lét thì không có cô dâu
Hai khung trời...
Ðịnh kiến 'thiểu số gương mẫu': Một vấn đề đối với...
Cuộc xâm lăng êm thấm nhất của Nga
Câu chuyện người thợ xây nhà
Liệu Nga có bị trừng phạt thêm?
Thành quả và tương lai quỹ VEF
Tuổi già hải ngoại và niềm vui Internet
Vì sao người lương thiện cả đời gặp nỗi buồn và tr...
Chứng chảy máu mũi ở trẻ em
Một sự hiểu lầm tai hại
EU 'cấm đi lại' với quan chức Nga
Tập yoga giảm đau lưng
Có nên phá dỡ cầu Long Biên?
Một năm cầm quyền của Tập Cận Bình
Đường độc hơn trứng
Sự đáng sợ của nước Mỹ
10 vụ tai nạn hàng không bí ẩn nhất
Người giàu nhất VN sở hữu 1,6 tỷ đôla

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.