Pages

Tuesday, May 5, 2015

Dịch thuật: đi tìm sự tương đương

http://baomai.blogspot.com/
Trong giới cầm bút Việt Nam tại Úc cũng như ở hải ngoại nói chung, nhiều người vừa sáng tác vừa dịch thuật. Hỏi lý do, nhiều người đáp: dịch để học hỏi. Nhưng theo tôi, đó không phải là lý do chính: Người ta có thể học hỏi về tư tưởng và kỹ thuật viết lách bằng cách đọc thẳng từ trong nguyên tác chứ không nhất thiết phải dịch sang tiếng Việt.

Theo tôi, khi quyết định dịch một tác phẩm văn học từ một ngôn ngữ nào đó sang tiếng mẹ đẻ của mình, có lẽ người ta xuất phát từ một nhu cầu muốn ngắm nghía cái đẹp của tác phẩm ấy từ góc độ tiếng mẹ đẻ của mình. Nhu cầu ấy ở đâu cũng có, nhưng trong môi trường song ngữ có lẽ nó dễ nẩy nở hơn. Tôi mường tượng: Đọc một bài thơ tiếng Anh, người ta thấy hay, từ đó, nảy sinh ra một thắc mắc: những cái hay ấy sẽ như thế nào nếu được chuyển dịch sang tiếng Việt? Từ thắc mắc đến hành động dịch thực sự, người ta đối diện với một thử thách mới: đi tìm cái tương đương. Trong nhiều trường hợp, với tiếng Anh: người ta hiểu; với tiếng Việt: người ta biết; nhưng người ta lại không thể, hoặc mất rất nhiều thì giờ để có thể, tìm ra điểm nối giữa cái điều người ta hiểu và cái điều người ta biết, từ đó, tìm ra được một cách dịch có thể chấp nhận được.

http://baomai.blogspot.com/
Tôi dùng chữ “có thể chấp nhận được” chứ không phải chữ “hoàn hảo”. Không bao giờ có bản dịch hoàn hảo. Jacques Derrida cho “một mặt, không có gì không dịch được, nhưng mặt khác, mọi thứ đều không thể dịch; dịch là tên gọi khác của sự bất khả” (1). Lý do là vì không có sự tương đương tuyệt đối. Theo Umberto Eco, “từ góc độ thơ, không có trường hợp nào mà hai cách nói khác nhau có thể được xem là tương đương.” (2) Giữa ngôn ngữ này và ngôn ngữ khác bao giờ cũng có những độ lệch nhất định.

Theo tôi, có mấy độ lệch chính. Một, lệch ở từ vựng: Mỗi ngôn ngữ có một hệ thống từ vựng phản ánh một cách chia cắt thế giới riêng. Hai, lệch ở cú pháp: Cú pháp không phải chỉ là một cách tổ chức câu mà còn là một cách phạm trù hoá hiện thực. Ba, lệch ở tu từ: Mỗi ngôn ngữ có những cách biện pháp tu từ, từ cách điệp âm, điệp vần đến cách so sánh, ẩn dụ và hoán dụ, vừa giống lại vừa không giống nhau hẳn. Bốn, lệch ở tính liên văn bản: Mỗi từ và mỗi ẩn dụ đều có tính lịch sử, ở đó, nó có cuộc sống riêng với các quan hệ với nhiều từ và nhiều ẩn dụ khác, từ đó, nó được vây bọc bởi một khí quyển riêng và gợi lên những trường liên tưởng riêng.

image
Trong văn học, đặc biệt trong thơ, ngôn ngữ còn có một đặc điểm nữa: tính nhạc điệu. Nhạc điệu nằm, một phần, trong bản thân từng từ, phần khác, nhiều hơn, ở sự kết hợp của các từ. Chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, dù muốn hay không, người ta cũng phá vỡ sự kết hợp ấy, do đó, cũng phá vỡ nhạc tính của câu hay của đoạn, và từ đó, của cả bài. Với các độ lệch trên, người ta có thể tìm cách bù trừ được. Với nhạc điệu, khi dịch, người ta chỉ có hai lựa chọn và lựa chọn nào cũng bất toàn: hoặc bỏ hẳn (chỉ giữ ý) hoặc thay thế bằng một thứ nhạc điệu khác tương ứng trong ngôn ngữ đích (target language).

image
Thay thế, thật ra, cũng là một hình thức sáng tạo. Chính vì thế Octavio Paz mới cho “chỉ các nhà thơ mới nên dịch thơ; [nhưng] trên thực tế, các nhà thơ hiếm khi là dịch giả giỏi. Họ hầu như chỉ dùng bài thơ ngoại quốc như một điểm khởi đầu cho một bài thơ riêng của họ.” (3) Cũng chính vì thế, nhiều người cho văn học, đặc biệt là thơ, không thể dịch được. Nhưng ở đây lại có một nghịch lý: Biết là không thể dịch được, nhưng người ta vẫn phải dịch. Khi trên thế giới có cả mấy ngàn ngôn ngữ khác nhau, trong đó, có cả mấy chục ngôn ngữ có truyền thống thi ca lớn, những mất mát do việc từ chối dịch hoặc đọc các bản dịch thơ chắc chắn là lớn hơn việc chấp nhận các bản dịch thơ bất toàn rất nhiều.

Dịch, do đó, vừa là điều cần thiết vừa là một quyết định đối diện với cái bất khả. Dịch, cũng do đó, là một cách chấp nhận những giới hạn, không những giới hạn của ngôn ngữ mà còn những giới hạn của chính mình: Với công việc dịch, người ta đi từ kinh nghiệm về cái bất khả đến kinh nghiệm về sự bất toàn. Trước những giới hạn ấy, người ta phải biết tương nhượng: nhường cái này để đạt được cái khác. Các lý thuyết dịch thuật thường nêu lên hai kiểu tương nhượng chính: hoặc chọn con đường “ngoại hoá” (foreignization), tức giữ nguyên phong cách và sau nó, văn hoá của văn bản gốc (source-oriented), hoặc “nội hoá” (domestication) nó để phù hợp với văn hoá đích và với thị hiếu thẩm mỹ của những người tiếp nhận bản dịch (target-oriented).

http://baomai.blogspot.com/
Cần lưu ý, nói theo Umberto Eco, với mỗi văn bản, người ta cần có một giải pháp riêng (4) chứ không có nguyên tắc chung nhất và bất biến nào để căn cứ vào đó, dịch giả lựa chọn cả. Hắn phải quyết định ngả theo hướng này hoặc hướng khác tuỳ từng trường hợp cụ thể. Trong trường hợp nào thì dịch cũng là một cách đánh đu giữa hai ngôn ngữ và, hơn nữa, giữa hai văn hoá. Công việc đánh đu ấy, ở người mới bắt đầu dịch, khá ì ạch; ở người giỏi và giàu kinh nghiệm, thoải mái hơn; nhưng với ai thì bản chất của vấn đề vẫn là một: Dịch, một mặt, là tiến hành một cuộc đàm phán văn hoá, ở đó, người ta đối chiếu hai ngôn ngữ ở những khía cạnh và những góc độ khác nhau để lựa chọn một cách dịch được xem là tối ưu; mặt khác, như là hệ quả của sự đàm phán ấy, dịch trở thành một động tác xuyên ngôn ngữ, xuyên văn hoá, và thậm chí, xuyên quốc gia.

image

Chú thích:
Jacques Derrida (1998), Monolingualism of the Other or the Prosthesis of Origin (Patrick Mensah dịch), Stanford: Stanford University Press, tr. 56-7.
Umberto Eco (2001), Experiences on Translation, Toronto: University of Toronto Press, tr. 11.
Dẫn theo José María Rodríguez García, “Literary into Cultural Translation”, Diacritics số mùa thu – đông 2004, tr. 14.
Umberto Eco (2001), sđd., tr. 39.




Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc

image

Bartoszewski: nhân vật lịch sử của Ba Lan
Thủ pháp né tránh câu hỏi khó
Hồ Chí Minh có mấy vợ và bao nhiêu người tình lẻ ?...
Tại sao phụ nữ thích mang xách tay đồ hiệu đắt tiề...
Xúc tiến TPP, thay vì rơi vào bẫy hội nghị Thành Đ...
Dân là gì trong mắt chính quyền?
Canada: Xứ sở của sự tử tế
Học tiếng Anh qua thơ của GS Ngô Bảo Châu
Hòa bình của nấm mồ
Vang danh xứ người
Thống nhất và đần độn, man rợ
Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang trang
5 tên kẻ thù nguy hiểm nhất của Internet
Những cánh bướm đêm dập dìu trong bóng tối
Nổ súng tại nơi diễn ra sự kiện về tiên tri Muhamm...
Đạo đức nghề nghiệp trong việc dùng ảnh
Ảnh bé Hà Giang thành trẻ em Nepal
Đảng Cộng sản có thực sự ‘sáng suốt’?
Blogger Điếu Cày trả lời RFA ngay sau khi gặp TT O...
TT Obama 'rất quan tâm' nhân quyền VN
Đu dây đến bao giờ?
Ảo Ảnh
Mỹ không ngầm muốn thay đổi ý thức hệ trong lòng V...
Không nên gọi 30/4 là ngày giải phóng
Cựu binh Nga kể chuyện bắn máy bay Mỹ
Ký ức 30/4 qua ảnh chiến trường
Quan hệ tình dục nhiều dễ làm giảm trí nhớ?
Đánh dấu 40 năm ngày 30/4 tại Đài Tưởng niệm Chiến...
Thủ tướng Dũng cáo buộc Mỹ gây ra ‘các tội ác dã m...
Các cựu phóng viên nhớ lại ngày kết thúc cuộc chiế...
30/4 - Ngày phán xét của Việt Nam
TNS Canada lên án Việt Nam 'chối cãi sự thật' lịch...
30/4 làm sống lại những chia rẽ của người Việt
Báo chí có những hình ảnh có hại cho VNCH
Bài học gì từ cuộc chiến Việt Nam?
30-4-1975: "The D-Day" of Saigon
40 năm ngày 30-4-1975 đã lột mặt nạ
Trung Cộng muốn ‘nuốt chửng’ Việt Nam sau năm 75?
Du học sinh nghĩ gì về ngày 30/4?
Chờ nhìn quê hương Việt Nam sáng chói

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.