Pages

Sunday, November 13, 2022

Bầu Quốc Hội: Hậu Quả

 BM

Kết quả, cho đến khi bài này được đăng (tối Thứ Sáu 11/11/2022) thì vẫn chưa có gì ngã ngũ. Đảng DC có thể vẫn giữ được đa số trong cả thượng viện lẫn hạ viện, trong khi đảng CH cũng có thể chiếm đa số tại cả hai viện. Còn nhiều phiếu chưa đếm xong tại Arizona, Nevada và cả Cali, trong khi đang có nhiều thưa kiện, đếm phiếu lại vì xê xích quá ít, hay bầu chưa xong vì thủ tục bầu bán hết sức nhiêu khê như tại Georgia và Alaska. Có thể phải chờ tới giữa tháng Chạp mới có kết quả cuối cùng chính thức tuy tuần tới có thể biết đại khái đảng nào sẽ nắm đa số trong viện nào.


Kết quả cuối cùng tuy chưa có, nhưng theo các chuyên gia phân tích thì DC có nhiều triển vọng giữ được thượng viện trong tình trạng hiện hữu 50-50, trong khi CH có triển vọng chiếm được đa số trong hạ viện, tuy khít nút, với cỡ 220 ghế. Bài này được viết trong giả thuyết này.

 

Chỉ có một điều chắc chắn ai cũng thấy: đó là 'làn sóng đỏ' -red wave- đã không xảy ra.


Điều chúng ta cần tìm hiểu là 1) tại sao và 2) rồi sao.


Trước hết, xin ghi lại vài kết quả chính, đáng lưu ý.

 

Khi bài này được viết thì ngoài việc chưa đếm xong phiếu tại nhiều nơi, cuộc bầu thật ra vẫn chưa xong:


BM


- Kết quả bầu thượng nghị sĩ của Georgia chưa có, vì cả hai ứng cử viên, không ai đạt được 50% phiếu, phải chờ tới ngày 6/12/2022 bầu vòng nhì. Kết quả bầu thượng nghị sĩ Nevada cũng chưa có. CH phải thắng cả Georgia và Nevada thì mới chiếm được đa số trong thượng viện, nếu thắng một thì tình trạng sẽ y như hiện nay 50-50 và DC sẽ nắm đa số nhờ bà phó Kamala. Nếu CH thua cả hai thì DC sẽ chiếm đa số 51-49.

 

- Kết quả bầu dân biểu của Alaska cũng chưa có, chỉ biết CH giữ ghế thống đốc và thượng nghị sĩ. Theo luật bầu cử hết sức rắc rối của Alaska, nếu có nhiều ứng cử viên mà không ai đạt được 50% phiếu, thì cuộc bầu sẽ tiếp tục, mỗi vòng loại người về chót, cho đến khi còn hai người thôi. Trong cuộc bầu hạ viện, đã có 5 ứng cử viên và chẳng ai đạt được 50%, do đó, sẽ còn bầu tiếp tục cho đến khi chỉ còn hai người, khi những người khác bị loại hay tự ý rút lui. Cuộc bầu vòng nhì là vào ngày 23/11. Chưa ai biết sẽ tiếp tục qua vòng 3 và 4 không.


BM


Trong khi chờ đợi, chắc chắn sẽ có những điều đình lớn trong hậu trường. Trong hai ứng cử viên CH, (trong đó có bà Sarah Palin) sẽ có một người bị áp lực mạnh của lãnh đạo đảng CH phải rút lui để còn một ứng cử viên CH ra tranh đua với ứng cử viên đảng DC đang dẫn đầu vì CH chia phiếu của nhau.

Trước hết, xin có vài nhận định chung.

 

1_ Trước bầu cử, tất cả các thăm dò cho biết CH sẽ đại thắng tại hạ viện, chiếm từ 20 tới 40 ghế. Cuối cùng, có thể chỉ có đa số 2 hay 3 ghế. Có nghĩa là tất cả các thăm dò đều sai bét. Y chang như năm xưa khi tất cả các thăm dò đều cho thấy bà Hillary sẽ đại thắng, nghĩa là bài học về cách thăm dò, họ vẫn chẳng học được. Trong những ngày tới, tất cả các cơ quan thăm dò sẽ phải đâm đầu nghiên cứu lại xem mình sai chỗ nào, tại sao lại đoán trật bét hết như vậy.

 

2_ Cấp hạ viện, 'làn sóng đỏ' đã xảy ra tại Florida, CH chiếm thêm 4 ghế dân biểu. Tuy nhiên chiến thắng này bị hóa giải bởi việc phe DC đại thắng tại Cali, chiếm thêm tới 6 ghế. Trong khi Florida ngày càng đỏ theo CH, thì Cali ngày càng xanh theo DC bất kể nạn cướp bóc giết người hoành hành tại đây. Cuộc chiến chính trị của Mỹ trong tương lai sẽ là giữa Florida và Cali.

BM

3_ Ông Trump và cánh hữu của CH thất bại, khi quá nhiều ứng cử viên 'MAGA' thất bại, trong khi cánh CH tương đối không quá cực đoan như các thống đốc Texas, Florida và Georgia (Abbott - DeSantis - Kemp) đại thắng. Có nghĩa là dân Mỹ chán Biden, sẵn sàng bầu cho CH, nhưng lại sợ Trump, không muốn hay rất dè dặt bầu cho cánh MAGA. Điểm an ủi cho ông Trump là trong 10 dân biểu CH biểu quyết đàn hặc ông, 8 vị đã mất job hay mất hậu thuẫn phải rút lui, chỉ có 2 chưa mất job: DB Valadao của Cali, và Newhouse của Washington State, hai tiểu bang chống Trump mạnh nhất.

 

4_ Cá nhân Biden thất bại khi tỷ lệ hậu thuẫn của ông rớt như sung rụng. Tuy nhiên dân Mỹ vẫn còn tin tưởng vào đảng DC. Họ bác bỏ Biden như một tổng thống quá tệ, nhưng chấp nhận những chính khách DC, nói chung ít lệ thuộc cánh cực tả hơn.

 

Một cách tóm gọn nhất, CH vẫn thắng, chiếm được thế đa số tại hạ viện. Chiến thắng thật, nhưng nhỏ hơn xa hy vọng của đảng này. 'Cơn sóng đỏ' đã không xảy ra, ngoại trừ trong tiểu bang Florida. Cụ Biden mau mắn nhảy lên TV, đấm ngực mỉa mai "làn sóng đỏ đã không xảy ra", nhưng cụ cố tình lờ đi việc cụ có nhiều triển vọng mất hạ viện.

 

Mà chuyện quái lạ là dù chưa có kết quả chính thức, trưa Thứ Sáu 11/11, cụ Biden đã điện thoại cho dân biểu Kevin McCarthy, lãnh tụ khối CH trong hạ viện để chúc mừng CH đã thành công, chiếm được hạ viện. Cụ Biden có nguồn tin riêng? Bị hỏi về chuyện này, Biden cải chính, nói là chỉ chúc mừng vì CH thắng thêm vài ghế thôi. Cãi láo! Cho đến tối Thứ Sáu, CH mới chỉ có 211 ghế trong khi hiện nay đang có 212 ghế, tức là ... chưa thắng thêm ghế nào hết!


BM


Thật ra, việc Biden chúc mừng chẳng có gì lạ. Nghe tin CH chiếm đa số tại hạ viện, cụ mừng quá, kềm chế không được. 


Trong hai năm tới, cụ sẽ có lý cớ biện bạch cho cái bất tài của mình, tận tình đổ thừa tại CH nắm hạ viện nên cụ không làm được gì hết. Quý độc giả tin tôi đi: chuyện này chắc chắn 100% sẽ xảy ra nếu CH chiếm được hạ viện.

 

Tuy thế đa số của CH trong hạ viện mỏng hơn giấy, nhưng cũng vẫn là đa số dù là đa số một ghế. Lãnh đạo khối CH sẽ là chủ tịch hạ viện thay thế bà la-sát Nancy Pelosi, CH sẽ nắm chủ tịch tất cả các Ủy Ban, và có quyền quyết định ngưng hay mở bất cứ cuộc điều tra nào của hạ viện, và tất cả các chương trình của chính quyền Biden đều có triển vọng bị chặn hết. Trong hai năm tới, cụ Biden sẽ chỉ còn được ngủ trong Tòa Bạch Ốc cho vui thôi, chẳng còn cơm cháo gì nữa.

 

TẠI SAO DC MẤT HẠ VIỆN?


BM


Mới đây, trang mạng thiên tả và thân phe DC, Politico, đã có bài nhận định mang nhiều ý nghĩa, phân tích tại sao đảng DC mất hậu thuẫn của dân và sẽ thất bại -bài đó được viết gần hai tuần trước khi bầu cử-. Politico nêu ra nhận định của nhiều chính khách tên tuổi nhất của đảng DC, bàn về những vấn nạn lớn của đảng DC:

 

 - Cựu TT Obama cho rằng đảng DC đã đi quá xa trong vấn đề 'thức tỉnh', quá hấp tấp và sẵn sàng lên án quá nhiều người, nhất là các chính khách đảng DC, vì tội thiếu 'thức tỉnh', khiến họ đâm ra sợ hãi, có cảm tưởng như 'mình đang đi trên vỏ trứng, lúc nào cũng sợ làm vỡ vỏ trứng, để rồi phải rối rít nhìn nhận mình đang đi sai đường hướng của chính trị thời thượng'.

 

- Cụ xã nghĩa Bernie Sanders thì cho rằng đảng DC dưới Biden đã quá nhút nhát trong những vấn đề kinh tế, tạo công ăn việc làm cho giới trẻ, khiến họ nản trí, sẽ không hồ hởi đi bầu cho đảng DC. Ở đây, phải hiểu ý cụ Sanders là Biden chưa đủ thiên tả, chưa đủ hăng say trong việc tung tiền ra cho thiên hạ qua những dự án lớn, nghĩa là cái luật Cải Tổ Hạ Tầng Cơ Sở Kinh Tế còn quá nhẹ, chi chưa đủ.

 

- Theo cựu thượng nghị sĩ Al Franken thì thông điệp chống lạm phát của Biden quá yếu, quá ển ển xìu xìu, trong khi đó lại chính là ưu tư lớn nhất của người dân.

 

- CNN tóm lược rõ ràng nhất: chỉ có 17% dân Mỹ thỏa mãn với hướng đi hiện nay của nước Mỹ. Nôm na ra đại đa số dân Mỹ nghĩ cụ Biden đang đi sai đường khi nhắm mắt lao xuống hố xã nghĩa, do đó, dân Mỹ cảm thấy cần đưa đảng CH ra chặn cái đà tự tử tập thể này.


BM


- Trang mạng TIPP đưa ra 22 biểu đồ giải thích rõ ràng lý do đảng DC thất bại (xem trang Tin Tức tuần này).


TẠI SAO CH KHÔNG THẮNG LỚN?


BM


Theo Real Clear Politics, đảng CH có được 51,6 triệu phiếu của cử tri, hơn xa 46,4 triệu phiếu của DC, hơn khoảng 5 triệu phiếu. Nếu nói 'làn sóng đỏ' thì con số hơn 5 triệu phiếu khác biệt đó chính là 'làn sóng đỏ' mà cụ Biden cần nhìn cho kỹ.

 

Qua kết quả, cuộc bầu cử lần này trên thực tế đã là một thất bại của đảng CH vì thắng quá nhẹ. Có khá nhiều lý do mà kết quả bầu cử đã cho thấy rõ.

 

1_ CH đã đưa ra quá nhiều ứng cử viên mà dân Mỹ sợ, coi như cực đoan.

 

Kết quả chung cuộc cho thấy dân Mỹ tuy thiên hữu, nhưng bác bỏ cả hai khuynh hướng cực hữu và cực tả, đúng như DĐTC đã nhận định trong bài bình luận tuần rồi, "Chính Trị Mỹ Đi Vào Cực Đoan", dưới tiêu đề "CH: cơ hội chiến thắng bị đe dọa", xin phép được ghi nhận lại nguyên văn:


BM


"Các ứng cử viên cực đoan có nhiều hy vọng thành công hơn các ứng cử viên ôn hòa trong các cuộc bầu sơ bộ. Nhưng qua cuộc bầu chung kết thì tình hình thường trái ngược lại, đại đa số cử tri đi bầu mang tính ôn hòa hơn nên thường bầu cho ứng cử viên ôn hòa hơn.

 

"Các ứng cử viên [CH] chiến thắng [trong các cuộc bầu sơ bộ] vì được ông Trump ủng hộ, đương nhiên có khuynh hướng tương đối cực đoan. Trong khi về phía đảng DC, những ứng cử viên cực tả được sự ủng hộ của cụ xã nghĩa Sanders hay cô cựu bán bar quá khích Ocasio-Cortez ủng hộ, phần lớn đã rớt đài, nghĩa là chỉ còn các ứng cử viên tương đối ôn hòa.

 

"Như vậy dân Mỹ có sẵn sàng bầu cho các ứng cử viên tương đối cực đoan của cánh Trump không, hay họ sẽ bầu cho các ứng cử viên tương đối ôn hòa hơn của đảng DC? Một câu hỏi vĩ đại mà thiên hạ chỉ có câu trả lời sau ngày bầu cử. Chỉ cần coi kết quả bầu cử, xem những người được ông Trump ủng hộ, bao nhiêu sẽ thắng, bao nhiêu sẽ thua thì biết".


BM


Câu hỏi DĐTC nêu lên đã được trả lời qua kết quả bầu cử: dân Mỹ không thích cực đoan! Hay chính xác hơn, không thích chạy quá nhanh, thay đổi quá mạnh. Theo nghiên cứu của Washington Post có đâu 159 ứng cử viên đủ cấp loại 'MAGA' đã đắc cử, nhưng phần lớn là ở cấp dân biểu hạ viện. Ở cấp thượng viện và thống đốc, một số lớn các ứng cử viên được ông Trump ủng hộ mạnh đã thất bại, đặc biệt là tại Pennsylvania khi cả hai ứng cử viên thống đốc (Mastriano) và thượng nghị sĩ (Mehmet Oz) đều thất bại. Các ứng cử viên MAGA khác như Masters (Arizona), Bolduc (New Hampshire), Zeldin (New York), Tshibaka (Alaska), Walker (Georgia),...đều thất bại. Nhân vật MAGA tên tuổi duy nhất thành công là tân thượng nghị sĩ đắc cử JD Vance của Ohio.

 

Như ông Trump nói, chỉ là đâu 16 MAGA bị nạn thôi. Nhưng đó lại là những người tranh cử những ghế quan trọng, thượng nghị sĩ và thống đốc.


BM


Nhìn vào cá nhân các ứng cử viên, phải nhìn nhận đa số về phía DC có khuynh hướng tương đối ôn hòa hơn phía CH, và họ có triển vọng thắng cử nhiều hơn ứng cử viên CH có khuynh hướng thiên hữu nhiều khi quá nặng so với quan điểm chung của dân Mỹ. Đã vậy, một số lớn những ứng cử viên MAGA lại là những người nổi tiếng -celebrities- như Mehmet Oz, Kari Lake, Herschel Walker,... không phải chính trị gia có kinh nghiệm, lại có nhiều điểm bất lợi về chính trị.

 

2_ Thất bại của cá nhân ông Trump

 

Thẳng thắn mà nói, kết quả bầu cử này đã là một thất bại lớn cho ông Trump. Nhưng cũng công tâm mà nói, thất bại không phải vì ông Trump quá tệ hại, có quá nhiều sai lầm, thói hư, tật xấu, hay bất tài. Những chuyện như bị đàn hặc hai lần, bị điều tra cả chục vụ, bị thưa kiện tứ tung, bị FBI đột kích khám nhà, ... thật ra không phản ảnh những tội tầy trời gì của ông Trump, mà trái lại, chỉ phản ảnh cái thâm thù của đảng DC, sợ ông Trump đến độ phải lợi dụng việc đang nắm quyền để tìm đủ mọi mánh triệt tiêu ông.

 

Ông Trump hiển nhiên đã đi quá nhanh và quá xa, và nước Mỹ, kể cả các đồng chí CH của ông rõ ràng là đã không thể theo kịp, hay không muốn chạy quá nhanh như ông. 


Ông Trump cũng là người quá tự tin coi thường đối thủ, và muốn ôm đồm quá nhiều.


BM


Khi ông muốn 'tát cạn đầm lầy' thì ông đã không ý thức được cái đầm lầy này không chỉ nằm ở thủ đô Washington DC, mà còn ở khắp nước, kể cả trong nhiều tiểu bang then chốt, trong đảng DC, nhưng cũng đầy dẫy trong ngay cả đảng CH và khối các đồng chí của ông luôn. Hậu quả tất nhiên là ông đã gây thù chuốc oán với quá nhiều người, từ DC đến cả CH, luôn cả các phụ tá, đồng minh, khiến quá nhiều người sợ ông và sợ lây qua các chính khách MAGA ra tranh cử.

 

3_ Truyền thông loa phường

 

Khi mà gần như tất cả các báo, các đài TV trên cả nước đều nhất loạt làm loa phường cho đảng DC, biện giải cho Biden, giảm thiểu tính quan trọng của lạm phát trong khi khai thác tối đa những hù dọa về phá thai và mất dân chủ, xuyên tạc và công kích CH và nhất là những ứng cử viên mà chúng gọi là 'election deniers' -những người bác bỏ kết quả bầu tổng thống năm 2020-, thì dù sao cũng có ít nhiều ảnh hưởng đến quần chúng.

 

Khi truyền thông ngủ chung giường với một đảng thì người dân đã bị bịt mắt rồi, còn đâu là thể chế dân chủ thực sự trong đó người dân được quyền lựa chọn trong hiểu biết?

 

4_ CH chưa đủ hậu thuẫn của dân thiểu số

 

Một lý do quan trọng nữa khiến CH không thắng lớn: trước bầu cử, nhiều quan sát viên đã cho rằng một số lớn dân da đen và gốc La-Tinh sẽ bỏ đảng DC vì những khó khăn kinh tế quá lớn của họ trước nạn lạm phát, nhưng cuối cùng thì khối dân da đen vẫn bám vào đảng DC, đặc biệt là tại New York và Cali, và khối dân gốc La-Tinh cũng chưa nhảy rào qua phe CH, khiến đảng CH gặp khó khăn lớn tại các tiểu bang then chốt Nevada và Arizona.


Thực tế là các khối dân này đang gặp khó khăn kinh tế lớn vì lạm phát và giá xăng tăng thật, nhưng các chuyên gia thăm dò không hiểu được kinh tế càng khó khăn, thì dân nghèo lại càng bám mạnh hơn vào đảng DC vì họ vẫn sống trong huyền thoại 'đảng DC là đảng của trợ cấp'. Kinh tế càng khó khăn thì họ càng cần trợ cấp, và càng cần đảng DC.

 

Không ít cụ vẹt tị nạn sống bằng trợ cấp hay tiền già cũng suy nghĩ tương tự. Giá nước mắm càng cao, các cụ càng ôm lấy chân Biden để hy vọng được thêm tiền trợ cấp mua nước mắm, thay vì ủng hộ đảng CH để đảng này giảm giá nước mắm.

 

5_ DC đã có chính sách vận động tranh cử hữu hiệu


BM


Làn sóng đỏ đã xuất hiện cả tháng trước, và đảng DC cùng với Biden đã tung ra hàng loạt đòn chống đỡ, và phải nhìn nhận họ đã thành công lớn.


- Những chiêu bài 'CH cắt trợ cấp', 'CH sẽ cấm phụ nữ phá thai', 'CH sẽ áp đặt chế độ độc tài, phá nát thể chế dân chủ', 'Trump là đại gian ác',... đã có hiệu quả hơn xa những dự đoán của các chuyên gia, chỉ vì các chiêu bài này đã được truyền thông loa phường tiếp tay tung ra để hù dọa cử tri, và các chuyên gia đánh giá quá cao trình độ của đám cử tri trung bình của Mỹ.

 

- Những chính sách Biden tung ra giờ chót như mở cửa kho xăng dự trữ để giảm giá xăng, xóa nợ sinh viên, đã có hiệu quả tức thời, giúp đảng DC nhiều. Trong việc xóa nợ sinh viên, Biden và cả nước biết cụ không có quyền và lệnh xóa nợ sẽ bị thu hồi, nhưng kệ, cụ Biden vẫn tung ra, mua được cả vạn phiếu sinh viên, dù sau đó họ chẳng được xóa nợ tới một xu nào. Nghĩa là Biden chơi trò lừa đảo, mà đám sinh viên gọi là có học vẫn mắc lừa vì cụ Biden đã đánh trúng lòng tham tiền của chúng.


- Ủy Ban J-6 điều tra cuội không đi đến đâu, nhưng cũng đã có ít nhiều ảnh hưởng trên quần chúng, khiến họ càng sợ ông Trump và MAGA.

 

6_ Dân Mỹ muốn thay đổi thế hệ lãnh đạo


BM


Trước bầu cử, thiên hạ đều cho rằng đây là một trưng cầu dân ý về thành tích của Biden, Sau bầu cử, mới thấy dân Mỹ không mấy quan tâm đến Biden, mà họ chỉ nhìn vào tương lai. Qua kết quả bầu cử, họ có vẻ bác bỏ cụ Biden và cả ông Trump luôn. Chiến thắng lớn của các ông DeSantis, Abbott, Kemp, cả Newsom và bà Hochul chứng tỏ dân Mỹ muốn thấy một khối lãnh đạo mới cho cả hai đảng. Cả hai đảng đều cần thay máu, trẻ trung hóa với những nhân vật mới. Đây phải nói là một thất bại chung cho thế hệ lãnh đạo của các 'lão đồng chí', từ Trump đến McConnell, từ Biden tới Pelosi và Schumer, từ Sanders tới Warren.

 

Và dĩ nhiên, với chiến thắng lớn này, tất cả các ngôi sao sáng DeSantis, Abbott, Newsom, đều sẽ cân nhắc lại việc ra tranh cử tổng thống năm 2024. Họ còn rất trẻ, có thể chờ mấy lần bầu cử nữa cũng được, tuy nhiên trong chính trị Mỹ, cơ hội thường chỉ tới một lần, bỏ qua có thể sẽ không bao giờ có lại. Ai biết được 5-10 năm nữa chuyện gì sẽ xẩy ra, ai biết được sẽ không có một ngôi sao sáng mới nào nổi bật lên, che khuất họ?

 

Vì tất cả những lý do trên, vào giờ chót, có nhiều cử tri đã thay đổi ý kiến, không bỏ phiếu cho CH, khiến chiến thắng của CH không lớn như dự đoán, các thăm dò đều sai hết.

 

Vấn đề gian lận bầu cử


BM


Gian lận bầu cử, lạ lùng thay, đã thành một thực tế trong cái thành đồng của dân chủ pháp trị này. Tất nhiên là gian lận đã có, không nhiều thì ít, không tránh khỏi. Chỉ cần nhìn vào hai chuyện:

 

- Tại Pennsylvania, tiểu bang muốn nhận phiếu bầu bằng thư, vẫn với tối thiểu kiểm soát, nhận luôn các các phiếu bầu không đề ngày. Một quan tòa ra lệnh cấm loại phiếu bầu bằng thư này, nhưng ông Fetterman đã kiện lại dưới lý do khác. Việc chưa ngã ngũ nên tiểu bang hiện nay, vẫn chấp nhận những phiếu bầu bằng thư này. Trong trường hợp ông Fetterman đắc cử thượng nghị sĩ khít nút, có điều cần lưu ý. Một tuần trước ngày bầu, đã có cuộc tranh luận trên TV giữa ông Fetterman và ông đối thủ CH Mehmet Oz. Cuối cùng ông Fetterman vẫn thắng chỉ vì cả mấy tuần trước ngày tranh luận trên TV, đã có cả mấy trăm ngàn phiếu bầu bằng thư đã được gởi tới, trước khi thiên hạ thấy ông lờ mờ Fetterman vấp váp trên TV, và ông Fetterman chiếm tuyệt đại đa số số phiếu gửi bằng thư quá sớm này.

 

- Tại Arizona, hai ngày trước ngày bầu, ủy ban kiểm soát bầu cử khám phá ra 20% tất cả các máy bầu đều có 'trục trặc kỹ thuật', trong đó cả mấy ngàn phiếu bầu cho đảng DC đã được máy ghi nhận rồi dù còn hai ngày nữa mới tới ngày bầu và chưa ai bỏ phiếu. Chẳng ai biết tất cả những 'trục trặc' đó đã được chỉnh sửa hết, kịp trước ngày bầu hay không, chỉ biết bà Kari Lake, là người ai cũng biết chắc sẽ đại thắng, chiếm ghế thống đốc dễ dàng, cuối cùng đang lao đao, có thể sẽ thua!


BM


Gian lận khó tránh được trong phạm vi cục bộ, nhưng không thể giải thích được việc 'làn sóng đỏ' đã không xẩy ra trên cả nước, ngoại trừ Florida.

 

CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA?

 

'Làn sóng đỏ' đã không xảy ra. Trên thực tế, chẳng ai cần 'làn sóng' gì hết. Như trong trận túc cầu, chẳng mấy ai thắc mắc phải thắng 10-0, chỉ cần thắng, và thắng 1-0 cũng đã là thắng. Nhất là trong trường hợp này, khi cụ Biden mất hạ viện, có nghĩa là các cuộc điều tra về Trump sẽ chấm dứt để được thay thế bằng những cuộc điều tra về Biden, và quan trọng hơn xa, các chương trình lao xuống hố xã nghĩa của Biden sẽ bị chặn đứng.

 

Hậu quả trên Tòa Bạch Ốc và trên các chính sách lớn của Mỹ


BM


Trong thể chế chính trị Mỹ, tất cả mọi luật lớn hay quyết định lớn đều cần có hậu thuẫn và hợp ý của Tòa Bạch Ốc cùng với cả thượng viện lẫn hạ viện. Nghĩa là một trong hai chính đảng lớn của Mỹ bắt buộc phải nắm quyền kiểm soát cả ba cơ chế này thì mới hy vọng làm được chuyện gì đáng kể. Nếu như việc kiểm soát ba cơ chế bị phân chia ra cho hai đảng, chẳng hạn một đảng nắm Tòa Bạch Ốc, một đảng nắm lưỡng viện quốc hội, hay thậm chí chỉ một viện quốc hội, thì chính trường Mỹ sẽ bị tê liệt hoàn toàn.

 

Và qua đó, thông điệp rõ ràng nhất là dân Mỹ không chấp nhận sự bất tài của Biden và nhất là không chịu theo Biden lao xuống hố xã nghĩa, hay 'thức tỉnh' vớ vẩn theo cụ, trao cho đảng CH trách nhiệm khóa tay Biden bớt lại, không hơn không kém. Vấn đề là cụ nghễnh ngãng nặng tai Biden có nghe thấy gì không?

 

Một cách cụ thể nhất, ta sẽ thấy:


BM


- chính sách vung tiền qua cửa sổ qua đủ hình thức trợ cấp, để mua phiếu cử tri sẽ bị chặn đứng; đồng thời việc đi vay nợ bừa bãi sẽ bị quốc hội chặn đứng để giảm công nợ quốc gia;

 

- viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ tiếp tục, tuy nhiên mỗi quyết định chi sẽ phải được cân nhắc, tính toán kỹ hơn, chứ Biden không còn một mình tự tung tự tác, vung tiền vô giới hạn hay vô kiểm soát nữa;

 

- quan hệ với Trung Cộng sẽ bị quốc hội soi kính hiển vi kỹ hơn nhiều, nhất là khi quốc hội sẽ điều tra về những 'kinh doanh' mờ ám của cậu ấm Hunter;


- phán quyết bác bỏ án lệ Roe vs Wade, chỉ cho phép phá thai theo luật lệ của mỗi tiểu bang sẽ không thể thay đổi gì được nữa. Sẽ không có luật phục hồi Roe vs Wade được như phe DC đã hù dọa trước bầu cử.

 

- nói chung, quyền ký sắc lệnh bừa bãi của Biden sẽ bị giới hạn mạnh.

 

Hậu quả trên hạ viện


BM


Hậu quả đầu tiên liên quan đến các vụ điều tra của hạ viện.

 

Trước tiên, hạ viện hiện đang có cả lô điều tra về ông Trump, kẻ này chẳng rõ tổng cộng là bao nhiêu nữa. Chỉ biết tất cả sẽ đương nhiên bị phe dân biểu CH biểu quyết chấm dứt hết. Đặc biệt là cuộc điều tra J-6 về vụ biểu tình bao vây quốc hội ngày 6/1/2021.

 

Sau khi tân hạ viện chặn đứng các cuộc điều tra về ông Trump, thì chắc chắn phe CH nắm quyền trong các ủy ban, sẽ tung ra hàng loạt ủy ban mới để điều tra về cụ Biden. Không thiếu gì chuyện phải điều tra. Phe CH đã cảnh báo sẽ điều tra về vụ rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan, các biện pháp chống COVID, việc thả lỏng biên giới, và đặc biệt là điềutra các quan hệ làm an với Trung Cộng và Ukraine của cậu ấm Hunter Biden. Phe CH cũng đã công khai hăm dọa sẽ điều tra cả bộ Tư Pháp và FBI luôn, đặc biệt là trong vụ đột kích tư dinh ông Trump tại Mar-a-Lago luôn. Ngay cả Ủy Ban Điều Tra J-6 có thể cũng sẽ bị điều tra luôn.

 

Hậu quả trên kinh tế


BM


Với chính trường Mỹ hoàn toàn tê liệt vì phân hóa, sẽ chẳng có biện pháp kinh tế lớn nào được thông qua, ngoại trừ việc Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tiếp tục tăng lãi suất để chặn lạm phát. Tuy nhiên, mặt trái của việc tăng lãi suất liên tục là kinh tế sẽ trì trệ mạnh trong năm tới.

 

Biden đốt nhà, bây giờ đám cứu hỏa của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang đang tối tăm mặt mũi chữa cháy.

 

Hậu quả trên cụ Biden


BM


Dù không có làn sóng đỏ, nhưng nếu mất hạ viện thì coi như trong hai năm tới, Biden chỉ còn ngáp ngáp cho qua ngày.

 

Chẳng ai biết cụ sẽ loay hoay ra sao, chỉ biết việc quốc hội điều tra về kinh doanh của cha con cụ sẽ gây phiền toái không ít cho cụ. Thậm chí, có thể cụ còn bị đàn hặc luôn không chừng.

 

Quan trọng nhất: cụ sẽ bị áp lực rất mạnh để rút lui, không ra tranh cử năm 2024. Nhưng hầu như chắc chắn 100% cụ Biden sẽ ra tranh cử lại, vì tự ái cá nhân, vì không thể ra đi quá mất mặt như vậy, và nhất là nếu Trump ra tái tranh cử. Trừ phi các lãnh đạo đảng DC nhất trí lôi cụ xuống để thay máu cho đảng vì họ nhận thấy cụ Biden thật sự quá xệ. Cụ Biden mới tuyên bố sẽ cho biết quyết định sau Giáng Sinh. Thời giờ cần thiết để cụ thảo luận với lãnh đạo đảng và các cựu quan chức lớn của đảng như Obama, Clinton,...

 

Hậu quả trên ông Trump


BM


Vài con vẹt tung tin đảng CH đang áp lực "lật đổ" Trump. Ngớ ngẩn đến tiếu lâm luôn! Ông Trump đang làm chức gì mà đòi lật đổ???


Vấn đề dĩ nhiên là sau khi đảng CH thắng một cách ển ển xìu xìu, thì ông Trump sẽ tính toán những gì. Phải nói ngay, ông Trump là một chính trị gia 'không giống bất cứ chính trị gia nào khác', do đó, tính toán của ông khác rất xa những tính toán bình thường của bất cứ chính trị gia nào khác, nghĩa là chẳng ai biết chắc ông Trump sẽ làm gì, chỉ biết phản ứng đầu tiên của ông là đã giận dữ, công kích mạnh những người nào có ý quy trách nhiệm CH thất bại lên đầu ông, đồng thời công kích mạnh TĐ DeSantis mà nhiều người coi như địch thủ đáng gờm nhất của ông Trump.

Kẻ này không phải thầy bói, mù tịt, không thể đoán trước được gì. Có tin ông Trump sẽ chính thức công bố ý định ra tái tranh cử hay không vào ngày 15 tháng 11/2022. 

Ta chờ xem.


Vũ Linh


Vote Voting GIF

Lưỡng đảng đang tìm cách giải quyết các kết quả bầu cử giữa kỳ
Phiếu bầu qua thư: ‘Làn sóng Trắng’ đã dẫn đến thất bại của ông Oz, và các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa khác
Một người mẹ bốn con được gặp Chúa và hồi sinh sau khi tim ngừng đập
Sinh vật hình người đưa người chết đuối trở lại thế gian
Các nhân viên Tòa Bạch Ốc đang nghĩ gì?
Texas và Nevada phù hợp hơn California để làm trụ sở công ty
Cuộc đua vào chức thống đốc Arizona quá sít sao để dự đoán kết quả
Jennifer Wexton tái đắc cử, đánh bại cựu Đại tá Hải quân Hùng Cao
Kết quả tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ 2022
Đảng Cộng Hòa gặt hái nhiều thành công trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ
Đảng Cộng Hòa cơ hội giành lại Quốc hội
Thông điệp khác biệt rõ rệt giữa Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa
Có bao giờ bạn tự hỏi: Thành công là gì?
Máy bay tự sát không người lái
Dạy thêm _ học thêm là lý do giáo dục yếu kém _ tiêu cực ở Việt Nam
95% người Mỹ lo ngại giá thực phẩm tăng trước các cuộc bầu cử giữa kỳ
Sức mạnh của nụ cười làm thay đổi cuộc sống
Xu hướng bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư tái diễn
Ông Biden trong vai diễn người Mỹ già nua xấu xí
Cử tri lo lắng về lạm phát và nền kinh tế trước cuộc bầu cử giữa kỳ

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.