Em họ của tôi đã đi ra mắt. Nghe người giới thiệu nói thì cô gái này cũng không tệ, tính tình giản dị, hơn nữa còn là giáo viên đại học. Cô ấy so với người em có điều kiện tốt của tôi quả là xứng đôi vừa lứa. Nhưng em họ tôi lại không ưa người ta.
Tôi đã tưởng rằng người giới thiệu cường điệu, thổi phồng cô nương xấu thành một đóa hoa. Không ngờ em họ tôi nói cô gái ấy xác thực là xinh đẹp và giản dị, nói chuyện cũng hợp với cậu ấy, và thực ra cậu ấy rất thích.
Nhưng điều khiến em họ tôi mất đi hảo cảm với cô ấy lại là một chuyện khác. Em họ tôi kể rằng, cậu ấy giữa buổi gặp thì đi vệ sinh, vừa bước ra từ phòng vệ sinh thì thấy cô ấy đang mất bình tĩnh trước một phụ nữ quần áo cũ kỹ.
Em họ tôi thấy hai người có khuôn mặt hao hao nhau, đoán rằng người phụ nữ kia chính là mẹ của cô ấy.
Note: hình trong bài là minh họa
Để không làm họ khó xử, em tôi không tiến về gần phía họ, nhưng cậu ấy có thể nghe thấy những gì cô gái nói. Chưa cần nghe nhiều, em họ tôi đã biết chuyện gì đang xảy ra. Hóa ra đó đúng là mẹ của cô ấy, vì lo lắng nên bà lặng lẽ nấp ở ngoài và nhìn trộm hai người, mong muốn giúp con gái mình ra mắt thuận lợi.
Thực ra, người mẹ cũng là có ý tốt, nhưng cô ấy lại rất tức giận. Cô ấy mắng mẹ không ngớt lời, trong lời nói có cả những từ khiến mẹ cô phải cảm thấy xấu hổ.
Bà mẹ không dám nói lời nào, chỉ cúi gằm mặt lắng nghe. Bà ấy trông già hơn nhiều so với những người cùng tuổi, cho thấy vẻ khắc khổ và đã phải chịu đựng rất nhiều.
Về sau em tôi hỏi người mai mối mới biết, hóa ra bố của cô gái ấy mất sớm, tất cả đều là một tay người mẹ đã nuôi cô khôn lớn, vừa làm cha vừa làm mẹ, cuộc sống thực sự không hề dễ dàng.
Một người mẹ sống nương tựa vào con gái, vậy mà lại bị con mắng mỏ như vậy ở nơi công cộng, thì cũng có thể tưởng tượng được tình cảnh ở nhà sẽ như thế nào.
“Trăm điều thiện, hiếu đứng đầu”, yêu kính cha mẹ là gốc rễ của nhân đức. Nếu một người con bất hiếu, không đối đãi tốt với cha mẹ của chính mình, thì cho dù tướng mạo có sáng sủa đến đâu, sự nghiệp rạng rỡ như thế nào, địa vị xã hội cao ra sao, thì người đó vẫn là một kẻ bị xã hội lên án.
Chính vì điều này mà cậu em họ của tôi đã từ chối mối nhân duyên này. Cậu ấy nói có thể chấp nhận gia cảnh cô gái nghèo khó, cũng có thể chấp nhận gia đình cô gái neo đơn, hoặc thậm chí tính tình cô gái đó có chút nóng nảy, nhưng cậu không thể chấp nhận việc cô ấy đối xử tệ với mẹ mình như thế được.
Theo như lời người mai mối giới thiệu, cô ấy rất thích em họ của tôi. Vốn dĩ cô ấy cũng khiến cậu em tôi xiêu lòng, nhưng thái độ của cô đối với người mẹ đã xoay chuyển tình hình, cũng bỏ lỡ một mối nhân duyên tốt đẹp.
Cha mẹ là điểm xuất phát trên con đường nhân sinh của chúng ta, họ đã cho chúng ta sinh mệnh, để chúng ta có cơ hội trưởng thành.
Cha mẹ cũng là bước ngoặt nhân sinh của chúng ta. Thái độ của chúng ta đối với cha mẹ sẽ dẫn chúng ta đến những ngã rẽ khác nhau trên đường đời, từ đó sẽ tao ngộ những cảnh đời khác nhau.
Ở một khía cạnh nào đó, cha mẹ còn là điểm cuối cùng trên con đường nhân sinh của chúng ta. Họ có thể chứng nhận rằng, rốt cuộc chúng ta đã trở thành người như thế nào, thất bại hay thành công.
Vào ngày nọ, vài người bạn của tôi đã thảo luận về một vấn đề, họ hỏi thành công là gì?
Mọi người bàn tán say sưa, có người nói rằng thành công là kết hôn được với một cô gái giàu có và xinh đẹp chỉ bằng chút lương ít ỏi của sinh viên; người thì nói rằng đó là học hành làng nhàng nhưng lại trở thành được giám đốc điều hành của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500; có người lại nói thành công là giành được giải thưởng Nobel; một số khác thì nói rằng kiếm được hàng trăm triệu, v.v.. Tất cả đều không có gì khác ngoài danh và lợi.
Khi đến lượt Lâm, cậu ấy không trực tiếp đưa ra câu trả lời, mà chỉ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình.
Lâm vốn là con nhà quê, vì thi đỗ vào trường đại học ở thành phố lớn nên có cơ hội ở lại thành phố làm việc. Những đứa trẻ lớn lên từ làng quê nghèo khó, vốn chịu khó chịu khổ cho nên càng khao khát thành công.
Lâm rất chịu khó, năng lực cũng tốt và có chí tiến thủ, cho nên rất nhanh đã gặt hái được thành công, hơn nữa còn cưới được tiểu thư con nhà giàu. Cha mẹ Lâm cũng rất mừng cho cậu, tự hào con mình đã làm rạng rỡ tổ tông.
Điều đáng tiếc là, gia đình nhà vợ không ưa ông bà thông gia nhà quê cho lắm. Cô con dâu cũng không ưa bố mẹ chồng, mỗi lần ông bà từ quê ra chơi thì Lâm không dẫn về nhà mà đưa thẳng ra nhà nghỉ.
Khi cô con dâu sinh được đứa cháu cũng không muốn cho ông bà nội gặp mặt, nói rằng dân quê mất vệ sinh, chớ mang mầm bệnh lên thân cháu.
Vốn dĩ việc bị gia đình thông gia và con dâu không ưa đã không mấy dễ chịu, lại còn không được gặp cháu trai nên bố mẹ của Lâm càng khó chịu hơn. Hàng xóm nơi quê nhà vào ra bàn tán khiến hai ông bà càng thêm bực bội.
Chúng ta luôn muốn theo đuổi thành công, nhưng khi chúng ta có tài sản, quyền lực và danh tiếng ở bên ngoài, lại phát hiện nơi quê nhà cha đang thở dài, còn mẹ thì rơi lệ. Vậy thành công như thế còn có ý nghĩa gì?
Đừng để thân xác của cha mẹ làm bàn đạp cho sự trưởng thành của chúng ta, cũng đừng lấy máu và nước mắt của cha mẹ để làm vật liệu cho những tấm huy chương.
Thành công không ở bên ngoài, mà luôn luôn hiện diện trong chính ngôi nhà của bạn. Thành công không phải là những bông hoa và những tràng pháo tay bạn giành được ở thế giới bên ngoài. Mà thành công chính là bạn luôn luôn có khả năng bảo vệ những người thân yêu của mình không phải chịu ủy khuất.
Xuân Hoàng biên dịch
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.