Theo chính phủ Hoa Kỳ, một số nhóm cánh tả đang được các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga tài trợ nhằm “gieo rắc mối bất hòa, truyền bá tuyên truyền ủng hộ Nga, và can thiệp vào các cuộc bầu cử Hoa Kỳ.”
Hôm 29/07, Bộ Tư pháp (DOJ) đã công bố bản cáo trạng của một công dân Nga vì đã thay mặt chính phủ Nga gieo rắc mối bất hòa tại Hoa Kỳ.
“Ít nhất từ tháng 12/2014 đến tháng 03/2020, ông Aleksandr Viktorovich Ionov, một cư dân Moscow, cùng với ít nhất ba quan chức Nga, đã tham gia vào một chiến dịch kéo dài nhiều năm nhằm gây ảnh hưởng xấu ở hải ngoại nhằm vào Hoa Kỳ.”
Một thông cáo báo chí của DOJ nêu rõ, “Ông Ionov — làm việc dưới sự giám sát của FSB [Cơ quan An ninh Liên bang Nga] và với sự hỗ trợ của chính phủ Nga — đã chiêu mộ các nhóm chính trị bên trong Hoa Kỳ, bao gồm Nhóm Chính trị Hoa Kỳ 1 ở Florida, Nhóm Chính trị Hoa Kỳ 2 ở Georgia, và Nhóm Chính trị Hoa Kỳ 3 ở California, và thay mặt FSB thực hiện sự chỉ đạo hoặc kiểm soát đối với họ.”
Nga ủng hộ các nhóm cánh tả
Theo nhiều báo cáo, các hoạt động của ông Ionov không ủng hộ các nhóm cánh hữu, mà hoạt động này được cho là tài trợ cho các nhóm cánh tả thúc đẩy chủ nghĩa xã hội, cắt ngân quỹ dành cho cảnh sát, và phong trào ly khai ở California.
Hồi tháng Tám, Tampa Bay Times đưa tin rằng “Nhóm Chính trị 1” có tên trong bản cáo trạng này là Đảng Xã hội chủ nghĩa Nhân dân Phi Châu (African People’s Socialist Party, APSP) ở St Petersburg, Florida. Trên trang web của nhóm này, chủ tịch của nhóm là ông Omali Yeshitela được trích dẫn câu nói “chúng ta cần một cuộc cách mạng” và thúc đẩy các kêu gọi đòi bồi thường cho con cháu những người bị bắt làm nô lệ. Theo ASPS, hôm 29/07, cùng ngày bản cáo trạng dành cho ông Ionov được công bố, FBI đã đột kích nhóm này. Khi được liên lạc để yêu cầu đưa ra bình luận, một phát ngôn viên của APSP cho biết nhóm này không thể trả lời các câu hỏi của The Epoch Times dựa trên lời khuyên từ luật sư.
Tạp chí-Hiến Pháp Atlanta đã nêu đích danh “Nhóm Chính trị 2” trong một bản tin hôm 29/07 là Đảng Búa Đen (Black Hammer Party) có trụ sở tại Atlanta. Hôm 31/05/2020, trang web của nhóm này đăng một tuyên bố của ông Ionov phản hồi về việc ông George Floyd qua đời, nêu rõ:
“Công lý dành cho ông George Floyd và tất cả những người dân Thuộc địa (hay còn gọi là “người da màu”), những người đã bỏ mạng dưới tay của chủ nghĩa khủng bố Thuộc địa Quyền lực Da trắng (hay còn gọi là hệ thống cảnh sát phân biệt chủng tộc Hoa Kỳ).”
Nhóm này tuyên bố rằng họ tồn tại để “giành lại đất đai cho tất cả những người bị đô hộ trên toàn thế giới … Hiện tại, lao động thể chất và trí tuệ của chúng ta đang bị cưỡng bức để xây dựng cho nhà nước thuộc địa da trắng tư bản chủ nghĩa, nhưng điều đó có thể được chuyển hướng cho một mục đích cao cả.” Không thể liên lạc với Đảng Búa Đen để yêu cầu bình luận.
Chính trị hóa các mối đe dọa nội địa
Các nhà phê bình đã cáo buộc chính phủ TT Biden sử dụng đòn bẩy của chính phủ liên bang để tấn công phe chính trị đối lập của mình bằng cách ưu tiên những gì ông gọi là mối đe dọa đối với nền dân chủ và sự bình yên trong nước. Danh sách các mục tiêu của ông Biden bao gồm những người ủng hộ cựu TT Trump, “những người phủ nhận cuộc bầu cử” và “những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.”
Đầu tháng Chín, dưới một phông nền đỏ rực cùng hai sĩ quan Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đứng bên cạnh, TT Biden nói với cả nước, “Không còn nghi ngờ gì nữa rằng Đảng Cộng Hòa ngày nay đang bị thống trị, thúc đẩy, và đe dọa bởi ông Donald Trump và những thành viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ MAGA, và đó là một mối đe dọa đối với đất nước này.”
Bộ An ninh Nội địa (DHS) của TT Biden đã ưu tiên điều tra những nhóm và những người mà ông Biden xem là một mối đe dọa. DHS đã từ chối phỏng vấn cho bản tin này nhưng đã cung cấp “Bản tóm tắt về Đe dọa Khủng bố đối với Hoa Kỳ” được xuất bản trong Thông cáo Hệ thống Tư vấn Khủng bố Quốc gia tháng Sáu.
Thông cáo này nêu rõ: “Việc những tường thuật sai lệch hoặc gây hiểu lầm về các sự kiện hiện nay liên tục gia tăng có thể củng cố những bất bình hoặc ý thức hệ cá nhân hiện có, và kết hợp với các yếu tố khác, có thể truyền cảm hứng cho những người vận động bạo lực.”
Nhiều mối đe dọa nội địa được liệt kê trong thông cáo này đã nhận diện những người nghi ngờ các chính sách của chính phủ:
“Một số kẻ cực đoan bạo lực nội địa đã bày tỏ sự bất bình liên quan đến nhận thức của họ rằng chính phủ Hoa Kỳ không muốn hoặc không thể củng cố biên giới Hoa Kỳ-Mexico.”
“Dựa vào một vụ kiện nổi tiếng tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ về các quyền phá thai, trên các diễn đàn công khai, những người ủng hộ hoặc phản đối phá thai đã khuyến khích bạo lực, bao gồm chống lại chính phủ, tôn giáo, cũng như các cơ sở và các nhân viên chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như những người phản đối các hệ tư tưởng.”
Thông cáo này cũng dự đoán, “Khi Hoa Kỳ bước vào mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay, chúng tôi đánh giá rằng các lời kêu gọi bạo lực của những kẻ cực đoan bạo lực nội địa nhắm vào các tổ chức dân chủ, các ứng cử viên chính trị, các văn phòng đảng phái, các sự kiện bầu cử, và những nhân viên bầu cử có thể sẽ gia tăng.”
Tuy DHS và chính phủ TT Biden nói rằng họ đang dự đoán các nhóm cánh hữu sẽ gây ra bạo lực, nhưng những người khác nói rằng có một mối đe dọa cấp bách hơn từ cánh tả.
Báo cáo học thuật khiến cánh tả sợ hãi
Vào mùa hè năm 2020, Trung tâm Miller về Bảo vệ Cộng đồng và Khả năng phục hồi của Đại học Rutgers đã đưa ra một báo cáo (pdf), trong đó đã tìm ra bằng chứng cho thấy các nhóm cánh tả gây ra mối đe dọa đáng kể:
“Các lực lượng dân quân xã hội chủ nghĩa vô chính phủ rõ ràng tôn vinh những thuyết về những kẻ “tử vì đạo”, những luận điệu về độc tài cổ điển, và những câu chuyện về cách mạng hiện đang được tổ chức — và đang phát triển một cách chính thức.”
Trung tâm Miller đã nêu ra các nhóm cánh tả như Mặt trận Giải phóng Thanh niên (Youth Liberation Front), Câu lạc bộ Súng John Brown (John Brown Gun Club), Cuộc nổi dậy của Tầng lớp người lao động da trắng (Redneck Revolt), và Hiệp hội Súng trường Xã hội chủ nghĩa (Socialist Rifle Association), cùng những nhóm khác, có từ 10,000 đến 40,000 thành viên trên các tài khoản mạng xã hội.
Báo cáo của Trung tâm Miller cho biết những nhóm này sử dụng mạng truyền thông xã hội để quảng bá bạo lực: “Các diễn đàn trực tuyến xã hội chủ nghĩa vô chính phủ cực đoan ít phổ biến trên Reddit sử dụng các ảnh chế kêu gọi sát hại cảnh sát và các ảnh chế tích trữ bom, đạn nhằm thúc đẩy cách mạng bạo lực.”
Báo cáo này nêu ví dụ về ông Willem Van Spronsen, người đã bị bắn tử vong trong một cuộc đấu súng với cảnh sát vào tháng 07/2019. Ông Van Spronsen đã cho nổ bom một cơ sở Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) ở tiểu bang Washington. Nhiều bản tin cho biết ông Van Spronsen là thành viên của Antifa và Câu lạc bộ Súng John Brown.
Theo báo cáo của tổ chức bất vụ lợi toàn cầu Dự án Chống Chủ nghĩa cực đoan (CEP), trong số này có nhiều nhóm hoạt động “dưới trướng của Antifa” bao gồm các chi bộ riêng lẻ và “lãnh đạo của những chi bộ này vẫn tự trị.”
Trong một thư điện tử trả lời các câu hỏi của The Epoch Times, ông John Farmer, Giám đốc Trung tâm Miller, tuyên bố rằng ông không nhận thấy mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng nào đến từ cả cánh hữu lẫn cánh tả. Ông Farmer nói, “Thành thật mà nói, tôi không xem cái gọi là ‘những kẻ cực đoan xã hội chủ nghĩa vô chính phủ’ hay ‘những kẻ cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc da trắng’ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.”
Tuy nhiên, theo ông Farmer, những kẻ cực đoan ở cả phía đều gây ra các vấn đề: “Mỗi phía theo cách riêng của họ là mối đe dọa đối với trật tự công cộng; vì những lý do khác nhau, mỗi phía tìm cách làm mất ổn định các tổ chức của chúng ta và lật đổ các chuẩn mực dân chủ đã được thiết lập. Mỗi phía đã được chứng minh là bạo lực, thậm chí sát nhân, trong các bối cảnh khác nhau.”
Các cuộc tấn công chính trị có ý nghĩa gì
Ông J. Michael Waller, một chuyên gia tình báo và an ninh quốc gia tại Trung tâm Chính sách An ninh, nói với The Epoch Times rằng chính phủ TT Biden đang “cố gắng khiến công chúng sợ hãi” bằng cách gán cho những người ủng hộ ông Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ: “Họ đang cố gắng tạo ra một lý do chính trị, tâm lý, và pháp lý để trấn áp các nhóm và các phong trào lớn hơn mà họ có thể quy kết thông qua lỗi ngụy biện.”
Ông Waller so sánh kiểu quy chụp này với cái gọi là thời kỳ “sợ hãi màu đỏ” trong Chiến Tranh Lạnh.
Ông Waller nói rằng ông nhận thấy một đặc điểm đáng lo ngại trong phát ngôn của ông Biden, “Nếu quý vị áp dụng các định nghĩa chủ quan cho các từ ngữ, rồi quý vị làm cho những từ ngữ này có nghĩa như những gì quý vị muốn chúng có nghĩa, sau đó quý vị áp dụng những từ ngữ đó một cách liều lĩnh với đối thủ của mình, thì quý vị đang tạo ra một nỗi sợ hãi màu đỏ của thế kỷ 21.”
“Quý vị gọi ai đó mà quý vị không ưa bằng một thuật ngữ khích động vốn không áp dụng một cách khách quan, điều này mang lại cho quý vị sự ủng hộ của công chúng mà quý vị cần để tích lũy thêm quyền lực để rồi tạo ra sự quan liêu nhiều hơn. Sau đó, quý vị có cơ sở pháp lý để truy lùng những ai được coi đối thủ chính trị.”
“Hãy xem xét cách họ rêu rao từ ‘phát xít,’” Ông Waller nói. “Họ thậm chí không sử dụng định nghĩa khách quan cho từ phát xít.”
Tại sao lại nhắm đến những người ủng hộ ông Trump
Bà Emily Finley, tác giả cuốn sách “Ý Tưởng về Chủ Nghĩa Dân Chủ,” nói với The Epoch Times rằng chính phủ TT Biden đang đặt cơ sở để “bình thường hóa ý tưởng rằng Đảng Cộng Hòa ủng hộ MAGA là những kẻ cực đoan,” nói thêm rằng “sự thúc đẩy triết học to lớn hơn” đằng sau bài diễn văn tại Philadelphia của ông Biden là để tách biệt và “gạt bỏ” các thành viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ MAGA.
“Bằng cách gợi ý rằng họ [các thành viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ MAGA] nằm ngoài quy trình dân chủ, họ có thể loại trừ một cách an toàn những ‘kẻ cực đoan’ này khỏi quy trình dân chủ. Họ có thể bị kiểm duyệt, họ có thể bị tước quyền bầu cử, nếu họ bị chụp mũ là ‘những kẻ khủng bố nội địa,’ thì họ có thể bị bỏ tù.”
Bà Finley nói rõ rằng khi các chính trị gia quyết định cái gì là dân chủ và cái gì là không dân chủ, điều này tạo cho họ vỏ bọc để theo đuổi lợi ích riêng bên ngoài quy trình dân chủ. Bà Finley gọi điều này là “chủ nghĩa dân chủ”.
“Đó là nền dân chủ như họ nhìn nhận nó, và điều đó không nhất thiết phải kết hợp bất kỳ yếu tố thực tế nào của quy tắc phổ biến. Họ thậm chí có thể không cần giả vờ rằng họ đang làm việc theo hướng dân chủ và hành động của họ là một phần của quá trình dân chủ.”
Theo bà Finley, bằng cách tuyên bố bản thân họ là các trọng tài của nền dân chủ, các chính trị gia có thể tạo cho bản thân họ thẩm quyền ngoài pháp lý.
“Họ có thể kiểm duyệt, họ có thể thông đồng với các đại công ty công nghệ để kiểm duyệt, và họ thậm chí không cần phải lo lắng về việc [bị buộc tội] vi phạm Tu chính án thứ Nhất bởi vì rất nhiều người thuộc giới tinh hoa đều đang có quan niệm về nền dân chủ theo cách này. Gần như có một thỏa thuận bất thành văn rằng một số tiếng nói nhất định có thể bị gạt ra ngoài lề, bị bịt miệng và có thể bị loại trừ.”
Bà Finley nói: “Họ có một ý tưởng rất đặc biệt về chính trị chuẩn tắc trong đầu,” đề cập đến tầng lớp chính trị và giới truyền thông, điều mà bà giải thích tại sao có vẻ như có sự hợp tác.
Bà Finley nói, “Hệ tư tưởng này giống như không khí mà chúng ta hít thở. Có một quan niệm rộng rãi về dân chủ như chủ nghĩa dân chủ như thế thay vì chế độ cai trị phổ biến trên thực tế; quan niệm về điều đó quá sâu rộng trong xã hội phương Tây nên giờ đây không cần ai đó chỉ cho họ cách giải thích các sự kiện.”
“Họ có những giả định nhất định về các vấn đề xã hội. Họ có những giả định nhất định về bản chất con người, về sinh học, về tổ chức xã hội, về giới tính. Họ có những quan niệm được hình thành trước đó về xã hội phải nên như thế nào và vì vậy tầm nhìn mà họ có trong đầu, đối với họ, được xem là nền dân chủ mà chúng ta nên hướng tới. Vì vậy, bất cứ khi nào cử tri đi theo hướng ngược lại với những gì họ nghĩ là dân chủ thực sự, thì họ sẽ tìm cách gán cho phe đối lập đó là ‘phản dân chủ.’”
Văn phòng Báo chí Tòa Bạch Ốc đã không trả lời các cuộc gọi yêu cầu bình luận.
Scott Wheeler _ Thanh Nguyên
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.