Với sự nghiệp kéo dài từ những năm 1870 đến tận năm 1920, nhà mỹ thuật Louis Comfort Tiffany gần như bao quát tất cả mọi phương diện nghệ thuật: cửa sổ pha lê, tranh khảm nạm, đèn, ly, ấm, trang sức, và đồ nội thất. Trong các thành tựu nghệ thuật của ông Tiffany, thì chính những sáng tạo của ông đối với pha lê (thủy tinh chì) đã trở thành biểu tượng nổi bật nhất của ông. Tiffany là một trong số các nhà thiết kế đầu tiên của đất nước Hoa Kỳ được công nhận trên toàn thế giới. Những kỹ thuật đối với thủy tinh cùng với sự kết hợp giữa tay nghề thủ công và nghệ thuật Hoa Kỳ đã đưa ông trở thành một nhà thiết kế nổi tiếng nhất trong thời kỳ chuyển giao của hai thế kỷ.
“Tôi luôn luôn nỗ lực để liên kết vẻ đẹp của gỗ, đá, thủy tinh hoặc gốm sứ với sơn dầu hoặc màu nước bằng cách sử dụng bất kể thứ gì phù hợp nhất để khắc hoạ được trọn vẹn vẻ đẹp đó.”
— Nhà mỹ thuật Louis C. Tiffany
Louis C. Tiffany là con trai của Charles Lewis Tiffany, nhà sáng lập hãng trang sức bạc thành công và có sức ảnh hưởng to lớn Tiffany & Co. Thay vì làm việc trong doanh nghiệp của cha mình, ông Louis C. Tiffany đã lựa chọn theo đuổi các sở thích nghệ thuật của cá nhân. Một Tiffany trẻ tuổi đã bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò là một họa sĩ, làm việc và học hỏi dưới sự giám hộ của nghệ sĩ cảnh quan Hoa Kỳ là George Inness. Inness được cho là đã nhận xét về Tiffany như sau: “Tôi càng dạy nhiều thì anh ấy hiểu biết càng ít, và càng lớn tuổi thì anh ấy càng xa rời những gì mà anh ấy nên trở thành”.
Chính sự nhiệt thành của Tiffany đối với nghệ thuật đã đưa ông đến với nước Pháp, nơi mà ông đã được học tập cùng với họa sĩ phong cảnh Léon Belly tại thủ đô Paris. Buổi triển lãm của ông Belly về phong cảnh và sắc màu theo thể loại Hồi Giáo đã bước đầu khai sáng cho Tiffany về một thế giới tươi sáng của màu sắc và hoa văn – thứ mà sau này đã trở thành thương hiệu pha lê đặc trưng của Tiffany. Mùa xuân năm 1869, ông đã có dịp gặp gỡ nghệ sĩ Samuel Colman, đồng sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của American Watercolor Society [Hiệp hội màu nước Hoa Kỳ]. Colman đã dạy cho Tiffany về các giá trị của màu nước để phác thảo, và họ đã cùng nhau đến đất nước Tây Ban Nha và cả Bắc Phi để tìm kiếm các chủ đề mới lạ khác. Tiffany đã dành khoản thời gian ở Bắc Phi của mình để sưu tập các bức ảnh, đồ dùng thủy tinh, và cả các vật phẩm khác nhau để từ đó hình thành nên các ý tưởng và những lý thuyết mới về màu sắc.
“Lần đầu tiên tôi có cơ hội đi đến vùng Cận Đông và được vẽ tranh ở nơi mà con người và các tòa nhà đều được bao phủ bởi các sắc màu xinh đẹp. Sự nổi bật của các màu sắc của thế giới này đã buộc tôi phải chú ý. Tôi đã quay trở lại New York và tự hỏi tại sao chúng ta lại sử dụng đôi mắt của mình quá ít, tại sao lại cố chấp không tận dụng những ưu điểm của màu sắc vào các kiến trúc và trang phục khi Mẹ thiên nhiên luôn là chủ thể của mọi sắc màu.”
—Louis C. Tiffany
Thời đại vàng son
Cụm từ “Thời Đại Vàng Son” đã được đặt ra bởi nhà văn Mark Twain và Charles Dudley Warner nhằm đại diện cho một giai đoạn thịnh vượng của Hoa Kỳ. Quá trình tái thiết của đất nước sau cuộc Nội Chiến là một thời kỳ mà nền kinh tế phát triển với tốc độ chưa từng có. Sản xuất bùng nổ và đường sắt được mở rộng đến khắp mọi miền lãnh thổ, thu hút hàng triệu người nhập cư đến với đất nước Hoa Kỳ. Nền kinh tế thịnh vượng đã nuôi dưỡng sự phát triển của thị trường hàng hóa cao cấp xa xỉ, và những người bảo trợ nghệ thuật giàu có tìm kiếm sự xa hoa như một cách để thể hiện địa vị. Thời Đại Vàng Son tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của phong trào Thủ công và Nghệ thuật ở quốc gia Hoa Kỳ.
Chittenden Memorial đã được thực hiện cho khung cửa sổ của thư viện mới ở Đại học Yale. Khung cửa sổ dài 30 feet và cao 5 feet, đã được lắp đặt vừa kịp cho buổi lễ tốt nghiệp năm 1890.
Phong trào Nghệ thuật và Thủ công đã trở nên phổ biến trong thời đại Victoria* ở nước Anh trong suốt nửa sau của thế kỷ 19th. Việc quay trở về với các phong cách truyền thống của các nghệ nhân là một cuộc nổi dậy trực tiếp chống lại cuộc Cách Mạng Công Nghiệp và những cái gọi là “cuộc công nghiệp hóa vô hồn của thủ công mỹ nghệ”. Một nghệ nhân người Anh, một nhà thiết kế, và là một triết học gia ông William Morris đã dẫn đầu phong trào này và tin rằng việc sản xuất nghệ thuật bằng máy móc là “hoàn toàn xấu xa”. Ông cũng ủng hộ cho việc kết hợp tất cả các yếu tố nghệ thuật vào trong lĩnh vực thiết kế nội thất, đặt trọng tâm vào các loại hình tự nhiên và đơn giản. Chủ đề thiên nhiên vẫn là một biểu tượng mạnh mẽ trong suốt phong trào Thủ công và Nghệ thuật – đặc biệt là trong các tác phẩm của Tiffany và tính thẩm mỹ của Tân Nghệ Thuật.
Năm 1876, Tiffany lần đầu tiên tiếp xúc với sự hấp dẫn của phong trào khi ông trưng bày các bức tranh của mình tại Triển Lãm Quốc Tế Philadelphia. Kể từ đó ông đã bị thu hút đến với nghệ thuật trang trí và bắt đầu suy nghĩ về việc chuyển hướng nghệ thuật của mình đến lĩnh vực thiết kế, nhận xét với một đồng nghiệp rằng: “Tôi tin rằng có nhiều thứ bên trong đó hơn là những bức tranh vẽ”
Tiffany bắt tay vào sự nghiệp thiết kế từ năm 1879 khi ông thành lập công ty thiết kế Louis Comfort Tiffany và phòng trưng bày Associated American Artists, cùng với Candace Wheeler, Lockwood de Forest, và Colman. Chỉ trong bốn năm tồn tại ngắn ngủi của công ty, họ đã hoàn thành vô số các thiết kế nội thất, bao gồm các hợp đồng thiết kế nội thất nhà ở cho các chủ nhân giàu có như nhà văn Mark Twain, diễn viên và nhà đầu tư James Steele Mackaye, cựu tổng thống Hoa Kỳ Chester Alan Arthur.
Sự lên ngôi của Thủy tinh Tiffany
Vào đầu những năm 1870, niềm đam mê của Tiffany đối với thủy tinh đã bắt đầu nở rộ và ông tiến hành thử nghiệm với nhiều loại kỹ thuật cũng như vật liệu khác nhau.
Khoảng giữa năm 1880 và 1881, Tiffany đã nộp ba bằng sáng chế cho quy trình sản xuất thủy tinh của mình. Một bằng sáng chế cho việc tạo ra các khối thủy tinh “tesserae” lấp lánh (những mẫu thủy tinh hình vuông nhỏ bé để sử dụng trong tranh khảm nạm). Tranh khảm nạm truyền thống được làm ra bởi các mảng vuông nhiều màu sắc. Tuy nhiên, những đổi mới của Tiffany trong kỹ thuật chế tạo thủy tinh đã cho phép ông tạo ra các bức tranh thể loại này bằng những viên gạch bằng thủy tinh lấp lánh vừa óng ánh vừa phát sáng.
Một kỹ thuật được cấp bằng sáng chế khác là việc sử dụng các oxide kim loại để tạo ra thủy tinh màu ánh kim lấp lánh. Trong khi Tiffany không phải là người đầu tiên phát minh ra thủy tinh óng ánh, nhưng ông lại được công nhận nhiều nhất vì phổ biến sản phẩm này trên thị trường. Từ trước năm 1880, thủy tinh óng ánh trong ngành sản xuất kính hiện đại chủ yếu được sử dụng ở Venice, và sớm hơn nữa là bởi nhà vật lý học người Scotland, Ngài David Brewster, người đã thử nghiệm với lớp gỉ óng ánh.
Bằng sáng chế thứ ba liên quan đến việc tạo ra thủy tinh màu trắng sữa [thủy tinh Opaline] bằng cách xếp các lớp kính nhuộm màu lại với nhau. Tiffany và đối thủ đầu tiên của mình là John La Farge, một nhà sản xuất thủy tinh nổi bật khác, cả hai đều được cấp bằng sáng chế tương tự nhau cho loại thủy tinh màu trắng sữa này vào năm 1881. Thủy tinh “Opaline” đã cách mạng hóa diện mạo của thủy tinh nhuộm màu, thứ mà về cơ bản đã duy trì không thay đổi từ thời kỳ Trung cổ. Việc sản xuất kính màu trước đó là sử dụng các tấm kính phẳng màu trắng và các màu sắc khác nhau, sau đó vẽ các chi tiết lên trên bề mặt trước khi đem đi nung. Tuy nhiên, các lớp sơn sẽ làm giảm độ xuyên suốt của ánh sáng.
Tiffany đã cố gắng để tìm kiếm các phương thức tự nhiên cho phép sự chuyển đổi giữa độ sâu, đường nét và màu sắc – đặc biệt là để miêu tả tông màu và kết cấu của da thịt con người mà không làm mất đi độ sáng. Hiệu ứng màu trắng sữa rất được săn đón bởi vì nó cho phép các hình dáng được định hình bởi chính thủy tinh mà không cần các lớp sơn.
“Với sự hỗ trợ của các nghiên cứu hóa học và qua nhiều năm thử nghiệm, tôi đã tìm ra phương thức để tránh việc phải sử dụng sơn, khắc, đốt nóng, hoặc các phương pháp tác động lên bề mặt thủy tinh khác nhau, để đến bây giờ đã có thể tạo ra các nhân vật trong thủy tinh mà thậm chí các tông màu của da thịt cũng không bị thể hiện một cách nông cạn, mà là được làm ra từ cái mà tôi gọi là “thủy tinh chính phẩm” bởi vì không có bất kỳ thủ thuật nào của nhà sản xuất kính được áp dụng để lột tả màu sắc của da thịt.”
—Louis C. Tiffany
Niềm đam mê mới mẻ của Tiffany với thủy tinh đã phát triển và nảy nở sau khi Hiệp Hội Nghệ Sĩ bị tan rã vào năm 1883. Nhiều năm sau đó, Tiffany vẫn tiếp tục là một nhà thiết kế nội thất, với một trọng tâm mới thuần túy là trang trí, chủ yếu sử dụng thủy tinh và ánh sáng. Một trong những thiết kế nội thất tham vọng nhất của ông là Tiffany Chapel [Nhà Nguyện Tiffany], được trưng bày vào năm 1893 tại World’s Columbian Exposition (Hội Chợ Toàn Cầu tổ chức tại Chicago – để kỷ niệm 400 năm ngày Christopher Columbus đến Tân Thế giới vào năm 1492) – rất được quan tâm vì là hội chợ đầu tiên của thế giới để giới thiệu các cuộc triển lãm về ngành điện. Có tổng cộng 27 triệu du khách trên toàn cầu đã đến và tham quan sự kiện này.
Ánh sáng bên trong nhà nguyện được lọc qua 12 chiếc cửa sổ pha lê và phát ra từ một chiếc đèn chùm hình cây thánh giá nặng khoảng 500kg được bao phủ bởi các món đồ trang sức và những mảnh thủy tinh lấp lánh. Được tạo ra theo phong cách Byzantine-Romanesque [Kiến trúc Byzantine là một phong cách kiến trúc xuất phát từ Constantinopolis, thủ đô của đế quốc Đông La Mã – Kiến trúc Romanesque là sự kết hợp của các phong cách kiến trúc La Mã cổ đại, Byzantine cùng với các truyền thống địa phương], Nhà nguyện Tiffany cũng bao gồm 16 cây cột và 1 chiếc bàn thờ khảm đá cẩm thạch và thủy tinh màu trắng. Tác động trực quan của nhà nguyện là không thể phủ nhận, đã đưa thanh danh của ông Tiffany lên tầm cỡ quốc tế. Điều đó đã được ghi nhận bởi sử gia nghệ thuật Wilhelm von Bode, giám đốc của bảo tàng nghệ thuật Gemäldegalerie (Phòng trưng bày tranh) ở thủ đô Berlin, nước Đức, những chiếc cửa sổ bằng thủy tinh Opaline nhận được nhiều sự quan tâm của các du khách tham quan hơn là bất kỳ dự án nghệ thuật công nghiệp nào khác ở đất nước Hoa Kỳ. Nhà nguyện Tiffany đã trở thành một biểu tượng cho sự khéo léo của con người Hoa Kỳ, điều mà có thể cạnh tranh, thậm chí là vượt qua tất cả những thứ được sáng tạo ra ở các nơi khác trên thế giới vào thời điểm đó.
Nghệ thuật vì Vẻ Đẹp
Khiếu thẩm mỹ của ông Tiffany dựa trên niềm tin rằng những thiết kế đẹp nhất và hoàn hảo nhất đã được hiển hiện trong thế giới tự nhiên và thế giới đó nên là nguồn cảm hứng căn bản cho nghệ thuật. Ông có một thư viện về kỹ thuật làm vườn sâu rộng và một bộ sưu tập các bức ảnh cây cối phong phú để có thể thường xuyên sử dụng như nguồn tài liệu của mình. Cô con gái nhỏ tuổi nhất của ông, cô Dorothy Tiffany Burlingham, đã nói về cha của mình như sau: “Ông hiểu rõ tất cả mọi loài hoa và cây trồng… Quan sát những bông hoa phát triển từ giai đoạn nụ cho đến khi nở rộ chính là sự thỏa mãn to lớn nhất của ông.”
Niềm say mê với thiên nhiên và việc phát huy các hiệu ứng của thủy tinh để tái tạo những sắc thái tinh tế cũng như các bảng màu trang nhã của hoa và cây trồng đã khiến cho Tiffany khám phá ra một kỹ thuật mới – kỹ thuật Favrile. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ một chữ tiếng Anh cổ là Fabrile, có ý nghĩa là thủ công. Thủy tinh Favrile khác biệt với các loại thủy tinh óng ánh khác bởi vì màu sắc không chỉ nằm trên bề mặt, mà thật sự là nó hòa quyện vào trong thủy tinh.
Năm 1893, ông Tiffany đã thuê các chuyên gia thổi thủy tinh, một số họ là đến từ công ty thủy tinh Boston và Sandwich vừa mới đóng cửa không lâu, và thành lập một lò luyện thủy tinh của riêng mình ở vùng lân cận Corona, thuộc quận Queens của thành phố New York. Từ đó, một số lượng lớn các chiếc bình và chén bát bằng thủy tinh thổi theo kỹ thuật Favrile của ông đã có thể gửi đến các viện bảo tàng trên toàn cầu. Năm 1896, Tiffany đã đưa các sản phẩm mới của ông ra thị trường, tổ chức cuộc triển lãm thủy tinh Favrile với công chúng lần đầu tiên tại xưởng nghệ thuật của ông nằm trên Đại Lộ Số Bốn của thành phố New York.
Từ sau năm 1900, tên tuổi của ông Tiffany đã gắn liền với thủy tinh nghệ thuật, đèn và những vật phẩm trang trí khác hơn là những chiếc cửa sổ kính màu và tranh khảm thủy tinh đã được công nhận trước đây. Các vật phẩm được làm ra vào thời gian đó gồm có đồ dùng làm việc, gạt tàn thuốc, những chiếc hộp tráng men, và các loại trang sức.
Niềm đam mê của Tiffany là những tác phẩm nghệ thuật cũng như những vật phẩm xinh đẹp được làm ra để cung cấp đến nhiều nhất những chủ sở hữu nhà trên khắp đất nước Hoa Kỳ. Ông đặt mục tiêu cung cấp các vật dụng thường ngày mà ông cảm nhận rằng chúng sẽ làm phong phú chất lượng cuộc sống mọi người bằng sự tuyệt mỹ, và điều chỉnh trọng tâm của nghệ thuật từ việc trưng bày công cộng trở thành các món đồ gia dụng với lý do rằng những vật phẩm như đèn, lọ hoa, và thiết bị phòng tắm có thể tiếp cận đến nhiều người hơn là các bức tranh. Ông Tiffany coi những nghệ nhân là “các nhà giáo dục con người theo ý nghĩa chân thực nhất” và là bậc thầy của nghệ thuật hấp dẫn mọi giác quan và cảm xúc, từ đó “khơi gợi sự nhiệt tình đối với cái đẹp trong cuộc sống của con người”
Ông luôn tuân thủ theo một tiêu chí về cái đẹp tương tự như tiêu chuẩn của triết gia người Ai Len Edmund Burke đã viết trong luận thuyết của mình: “Cao siêu và Đẹp đẽ,” đặt định các khái niệm của con người về cái đẹp phát triển từ niềm đam mê với tình yêu, các giác quan, sự tĩnh lặng trong tinh thần, và sự gia trì thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Một bài báo được viết bởi ông Tiffany cho tờ Country Life ở Mỹ có tiêu đề: “The Gospel of Good Taste” chia sẻ công khai các quan điểm thẩm mỹ của ông, hy vọng sẽ giáo dục và truyền cảm hứng cho một làn sóng nghệ thuật tinh mỹ tại Hoa Kỳ: “Đó là vấn đề về giáo dục, và chúng ta sẽ không bao giờ có được các sản phẩm nghệ thuật tốt đẹp trong ngôi nhà của mình cho đến khi mọi người đều có thể phân biệt được cái đẹp giữa những thứ xấu xí… Chúng ta nên tìm hiểu về nghệ thuật cổ điển, và học hỏi rằng những thứ đơn giản nhất chính là những điều tốt đẹp nhất.”
Một giấc mơ được hiện thực hóa
Sự hợp nhất của các loại hình nghệ thuật và đỉnh cao của những nỗ lực và thẩm mỹ của ông Tiffany đã được thể hiện bằng toàn bộ ngôi nhà cuối cùng mà ông thiết kế – ngôi nhà của chính ông. Tòa dinh thự Laurelton được xây dựng tại Cảng Cold Spring, thành phố New York, vào năm 1905. Một tòa nhà 84 phòng nằm trên một mảnh đất rộng 580 mẫu Anh, trong đó có 60 mẫu đất được dành riêng để thiết kế các khu vườn đẹp như tranh vẽ cũng như các khu rừng với ao nước, sân quần vợt, và bãi tắm biển.
Tòa nhà này chứa đựng bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà ông thu thập được trên khắp thế giới, cũng như là các vật phẩm được thiết kế bởi Tiffany Studios như: đồ nội thất, đèn, cửa sổ, các chiếc bình, và rất nhiều thứ khác nữa. Kiến trúc của tòa nhà, cả trong lẫn ngoài, đều được trang hoàng bởi các bức tranh khảm thủy tinh và gỗ chạm trổ, được truyền cảm hứng bởi nghệ thuật và thiết kế từ khu vực Á châu và vùng Trung Đông.
Thiết kế nội thất bao gồm các tấm kính dài có viền hoa tử đằng làm cửa để thắp sáng cho căn phòng ăn. Ở trong một góc của phòng sinh hoạt, Tiffany trưng bày một số các tác phẩm bằng thủy tinh nhuộm màu của mình, trong đó có bức “The Four Seasons (Bốn Mùa)”, được ông cắt thành nhiều tấm – tác phẩm này trước đó đã được trao huân chương vàng tại Triển Lãm Paris năm 1900 và là cảm hứng để chính phủ nước Pháp phong cho Tiffany danh hiệu Chevalier (Hiệp sĩ) của Quân Đoàn Danh Dự.
“Chúa đã ban cho chúng ta tài năng của mình, không cần phải sao chép tài năng của những người khác, mà hãy dùng chính bộ não và trí tưởng tượng của chúng ta để đạt được sự soi sáng về Vẻ Đẹp Đích Thực”
—Louis C. Tiffany
Ông Tiffany muốn tạo ra một ngôi trường nghệ thuật duy lý (như ông đã đề cập đến), nơi mà sinh viên sẽ được xem các tác phẩm nghệ thuật tốt đẹp được sưu tầm từ các thời kỳ và những quốc gia khác nhau, nuôi dưỡng sự giáo dục về tính đơn giản, chân thực và cái đẹp. Kế hoạch của ông đối với một “trường học bảo tàng” đặc biệt đã bị Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan từ chối, nhưng vẫn được gìn giữ qua việc tái hiện lại cơ ngơi của chính mình, Dinh thự Laurelton, trở thành một nơi trú ẩn của các nghệ sĩ.
Năm 1918, một mảnh đất rộng 62 mẫu Anh (với một số các kiến trúc đã xây dựng sẵn) được xem như một món quà để trao cho Quỹ Louis Comfort Tiffany mới thành lập. Khu chuồng ngựa được chuyển đổi thành các ký túc xá và nhà gác cổng đổi thành phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật để tạo chỗ ở cho những sinh viên hăm hở mong muốn học tập về đặc tính thẩm mỹ trong học thuyết về cái đẹp của mĩ thuật gia Tiffany.
Di sản của Tiffany
Công việc của Tifany và những phẩm hạnh của ông đã hoá giải được những ý tưởng mâu thuẫn trong phong trao Nghệ thuật và Thủ công, tạo ra vô số các dòng sản phẩm phục vụ cho rất nhiều khách hàng tại mỗi giai tầng kinh tế khác nhau. Trong khi nhà thiết kế Morris, người có ảnh hưởng đến phong trào Nghệ thuật và Thủ công đã từng nói, “Chúng ta chỉ có thể kinh doanh với nghệ thuật khi tất cả mọi người đều có thể chia sẻ nó”, trong thực tế, hầu hết các công ty đều không thể sản xuất ra sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao với giá cả thích hợp. Tuy nhiên, Tiffany đã thành công một cách rực rỡ trong việc tạo ra một ngành công nghiệp nghệ thuật dành cho tất cả mọi tầng lớp dân chúng, cũng một phần vì sự giàu có cá nhân đã cho phép ông hy sinh lợi nhuận vì lợi ích phát triển triết lý nghệ thuật của riêng mình.
Từ những năm 1920, cùng với quá trình hiện đại hóa của đất nước Hoa Kỳ, nghệ thuật của Tiffany đã không còn được ưa chuộng. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ bị lãng quên, phong trào Tân Nghệ Thuật đã hồi sinh lại qua những thiết kế nội thất, các ấn phẩm, và các bảo tàng triển lãm – có một câu cách ngôn phổ biến đó là chúng ta thường chế giễu nghệ thuật của các bậc cha mẹ nhưng lại làm sống lại những điều đã có từ thời của ông bà chúng ta. Từ khi bước qua thế kỷ mới, đất nước Hoa Kỳ đã chứng kiến các tòa nhà công cộng được tăng cường thêm các trang trí và đồ khảm nạm, và có rất nhiều nghệ sĩ bắt đầu làm việc với thủy tinh – thủy tinh thổi, như một loại hình nghệ thuật, được đánh giá cao hơn bao giờ hết.
Di sản của Tiffany vẫn tồn tại nhờ việc bảo quản cẩn thận các di vật có được và thu thập được sau khi ông qua đời vào năm 1933. Một cuộc hỏa hoạn vào năm 1957 đã tàn phá Dinh Thự Laurelton bị lãng quên, ông Hugh F. Mckean, một cựu nghệ sĩ sống ở Dinh Thự Laurelton, và vợ là bà Jeannette Genius McKean, nhà sáng lập của Bảo Tàng Morse, đã mua lại tất cả những gì có thể còn sót lại. Ngày nay, bộ sưu tập các di tích của Dinh Thự Laurelton ở Bảo Tàng Morse là bộ sưu tập tư nhân lớn nhất gồm các vật liệu còn sót lại của mảnh đất có từ đầu thế kỷ của nhà mĩ thuật Tiffany và có thể sẽ vẫn là một kiệt tác hình ảnh có sức ảnh hưởng và nguồn cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ sau này.
Ghi chú của dịch giả:
Thời đại Victoria ở nước Anh*: Thời đại Victoria, trong lịch sử nước Anh, khoảng thời gian từ khoảng năm 1820 đến năm 1914, tương ứng gần như nhưng không chính xác với Triều đại của Nữ hoàng Victoria (1837–1901)
Jennifer Schneider _ Hoàng Long
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.