Bà Catherine Schwab ở Michigan ngồi trên ghế xếp, tay cầm một tấm biển làm bằng bìa cứng trong cái nắng hanh khô buổi chiều.
“Xin hãy giúp đỡ,” đó là dòng chữ ghi bằng bút dạ trên tấm biển này.
Vận một chiếc mũ rộng vành mùa hè và quần cộc, bà Schwab nhìn những chiếc xe ra vào bãi đậu xe Walmart ở thành phố Cottonwood, tiểu bang Arizona, gương mặt không biểu lộ cảm xúc.
Ngày nào của bà cũng trôi qua hệt như vậy.
Những người lái xe giảm tốc, nhìn đăm đăm vào bà, hoặc dành cho bà ánh mắt khó hiểu, rồi bỏ đi.
Có những người còn hời hợt hơn; những người khác có thể hạ kính xe hơi xuống và trò chuyện cùng bà với sự tò mò hoặc lòng thương cảm.
Đôi lần, bà Schwab có thể được cho tiền, vài chai nước, hoặc thức ăn. Nhưng phần lớn thời gian, những chiếc xe tiếp tục lăn bánh; và các tài xế chẳng buồn để mắt đến bà.
“Tôi cũng cảm thấy buồn phiền vì phải ra ngoài sống như vậy,” bà Schwab 56 tuổi cho biết, vừa nói vừa châm điếu thuốc giữa ngón cái và ngón trỏ. “Tôi thấy đây là một cuộc sống thấp kém.”
Một loạt các biến cố khiến bà Schwab mắc kẹt lại Cottonwood vào khoảng sáu tháng trước. Bà đang sống với một vài người bạn và vẫn còn mắc kẹt tại thị trấn ốc đảo có 13,000 cư dân này cho đến khi bà kiếm đủ tiền để quay trở về Michigan và bắt đầu lại mọi thứ.
“Mọi chuyện diễn ra không như ý. Tôi đang không làm đủ tốt,” bà nói.
Mắc kẹt tại Arizona
Gần như mỗi ngày, bà Schwab đều đi xin tiền dưới cái nắng không ngớt của Arizona ngay bên ngoài cửa chính của siêu thị Walmart tại Cottonwood trên một lối đi công cộng.
Mỗi ngày bà kiếm được trung bình vài dollar cho đến khoảng 40 dollar vào những ngày đẹp trời, nhưng bà cần 1,500 USD để trở về nhà. Phần lớn số tiền kiếm được bà dùng để mua thức ăn và chia sẻ tiền thuê nhà với những người bạn.
Cảnh sát trưởng thành phố Cottonwood Stephen Gesell cho biết, ít nhất có thể nói rằng, câu chuyện về hoàn cảnh của bà thật đáng thương, nhưng mỗi người chúng ta sẽ quyết định xem bao nhiêu phần trong đó là sự thật. Ông có nhiều năm kinh nghiệm tiếp xúc và làm việc với những người hành khất và người vô gia cư trước kia khi ông từng là cảnh sát trưởng tại thành phố San Luis Obispo ở tiểu bang California.
Người hành khất là một vấn đề ở thành phố Cottonwood, cũng như trên cả nước, và dường như tình trạng này có tính thời vụ.
Một vài thương nhân địa phương nói rằng tình hình còn trở nên tệ hơn với nền kinh tế đang chậm lại hiện nay. Một chủ cửa hàng cho biết vấn nạn người hành khất ngày càng “gia tăng chóng mặt”, và điều này ảnh hưởng không tốt đến việc kinh doanh.
Tại thị trấn sung túc Fountain Hills thuộc tiểu bang Arizona, quê hương của diễn viên Joe Arpaio trong bộ phim “America’s Toughest Sheriff”, đã có một “sự gia tăng đáng báo động” về số lượng người vô gia cư và người ăn xin trên đường phố.
Theo trang web của thị trấn, “người vô gia cư là một vấn đề của cả nước, ảnh hưởng đến từng cộng đồng tại Mỹ, gồm cả thị trấn Fountain Hills.”
Trang web Endhomelessness.org cho biết, cứ 10,000 người ở Hoa Kỳ thì có 17 người vô gia cư — tổng cộng là 567,715 người — chỉ tính trong một đêm vào tháng 01/2019.
Nền kinh tế nuôi dưỡng tình trạng hành khất
Giống như các thành phố và thị trấn khác, thị trấn Fountain Hills đã trải qua sự gia tăng mạnh mẽ tình trạng hành khất do tỷ lệ trục xuất người đi thuê ra khỏi nhà cao hơn, trong bối cảnh thất nghiệp và không còn nguồn lực khi đại dịch COVID-19 tác động đến nền kinh tế.
Cộng đồng thị trấn này đang tìm cách giải quyết cả hai vấn đề liên quan trên quy mô khu vực, thông qua Hiệp hội Các chính phủ Maricopa (MAG).
Tuy nhiên, cảnh sát trưởng Gesell nói rằng phần lớn người ăn xin không khó khăn đến mức phải trở thành người vô gia cư, chủ yếu là do họ tự chọn như vậy. Họ không muốn [được giúp đỡ bởi] các chương trình hỗ trợ công cộng, các quy tắc, quy định hoặc cơ chế hàng ngày.
Ông Gesell nói nhiều người tốt bụng cảm thấy lương tâm cắn rứt và thoải mái bố thí cho những người ăn xin vì lòng vị tha. Họ “cảm thấy an lòng” khi giúp đỡ những người khó khăn.
Vì nhiều người ăn xin đòi tiền để mua rượu hoặc ma túy bất hợp pháp, nên ông Gesell cho biết những người tốt bụng này đã vô tình gây hại cho cộng đồng.
Việc bố thí đó đã trở thành một hình thức gây rủi ro hoặc tạo cơ hội cho hành vi xấu.
“Tôi nói với mọi người một thực tế là quý vị đang làm điều ngược lại hoàn toàn. Quý vị đang đẩy họ đến gần bước đường cùng hơn,” ông Gesell nói.
“Chúng tôi biết họ kiếm được bao nhiêu. Số tiền kiếm được rất là nhiều. Lập luận của tôi là những người ăn xin — chín trên 10 lần, quý vị đang khuyến khích một lựa chọn phá hoại và làm tổn hại cộng đồng. Điều đang bị thiếu sót trong cuộc thảo luận là sự lành mạnh của cộng đồng.”
Tại San Luis Obispo, một thành phố tọa lạc trong khu vực trung tâm của tiểu bang California với khoảng 60,000 dân, tình trạng vô gia cư đã tăng đến mức tội phạm lan tràn. Ông Gesell cho biết có một sự kêu gọi khẩn thiết để các quan chức thành phố hành động.
Thành phố này đã thực hiện một số chương trình và thậm chí thuê một nhà sinh vật học để giám sát vệ sinh của những người vô gia cư.
“Khi tôi đến đó, tôi bắt đầu đặt câu hỏi,” ông Gesell nói. “Thành phố có một nhà sinh vật học. Quý vị thử nghĩ sao lại có chuyện này chứ?”
Ông Gesell được biết, có khoảng 40% người vô gia cư là người “Sẽ Không” vô gia cư. Những người này chọn không tham gia hệ thống [an sinh], không quan tâm đến các chương trình dịch vụ xã hội có thể giúp họ tự cải thiện cuộc sống. Họ lựa chọn trở thành ăn xin, kiếm lợi dựa trên lòng hảo tâm của người khác.
“Vì vậy, kế hoạch chấm dứt tình trạng vô gia cư là một con đường hai chiều,” ông Gesell nói. “Hầu hết những người [‘Sẽ Không’ vô gia cư] này không muốn bất cứ điều gì liên quan đến các quy tắc hoặc cấu trúc. Họ lợi dụng thiện chí của mọi người và rồi lại tiếp tục làm thế.”
Do hầu hết những người hành khất là những người cố tình vô gia cư, nên ông Gesell cho rằng việc vô gia cư và đi hành khất là những vấn đề vừa tách biệt vừa chồng chéo.
Một nhóm những người vô gia cư khác thuộc về nhóm “Không Thể” không vô gia cư, chiếm khoảng 40% nữa. Họ nghiện ngập, bị mắc kẹt trong sự lệ thuộc về thể chất và nhu cầu về tài chính, họ đi ăn xin để có tiền nuôi dưỡng thói quen dùng rượu hoặc ma túy.
Ông Gesell cho biết hành khất là con đường dẫn đến một kết cục thảm hại.
Khoảng 20% tổng số người vô gia cư là thuộc dạng “Sắp sửa Vô gia cư” — những người phải trải qua giai đoạn khó khăn, có thể do ly hôn hoặc mất việc làm, bị cưỡng chế ra khỏi nhà đi thuê, hoặc bị tịch thu tài sản.
“Nhưng họ không gặp phải những vấn đề mà hai nhóm kia gặp phải,” ông Gesell nói. “Họ không muốn trở thành [người vô gia cư] và sẽ làm những gì cần thiết để tận dụng các chương trình [dịch vụ xã hội] và thoát khỏi hoàn cảnh đó.”
“Công chúng tin rằng đại đa số [những người đi hành khất] thuộc nhóm 20% đó, nhưng thực tế không nhất thiết là vậy.”
Theo đó, con số 20% những người sống dựa vào ăn xin sẽ tiếp tục tăng khi điều kiện kinh tế xấu đi, vị cảnh sát trưởng này cho biết.
Trung tâm Pháp lý dành cho Người vô gia cư Quốc gia (NHLC) cho biết tiền lương giảm và giá thuê nhà tăng là hai yếu tố chính góp phần vào sự gia tăng tình trạng hành khất trên toàn quốc.
Trước thực trạng này, nhiều cộng đồng đang hình sự hóa việc hành khất để kiểm soát hoặc chấm dứt tình trạng này — 43% cộng đồng đã làm như vậy trong mười năm qua — mặc dù nhiều cộng đồng không nhận ra nguyên nhân mang tính hệ thống dẫn đến tình trạng trên.
Có một điều khiến cho vấn đề thêm phần phức tạp: hành khất là quyền tự do biểu đạt theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, miễn là nó được thực hiện tại [các địa điểm thuộc] tài sản công.
Nếu việc hành khất được thực hiện tại [các địa điểm thuộc] sở hữu tư nhân, thì đó là tội xâm nhập trái phép.
NHLC cho biết các nghiên cứu chỉ ra hầu hết những người ăn xin dùng số tiền kiếm được để mua thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác, khi lưu ý rằng trung bình họ kiếm được khoảng 300 USD một tháng.
Một số cộng đồng, chẳng hạn như thành phố Oklahoma, đã ra mắt các chương trình nhằm giảm số lượng người ăn xin bằng cách để họ làm công việc dọn dẹp các công viên trong thành phố và trả lương.
Ông Gesell nói rằng những chương trình này trả lương không đủ để khuyến khích người ta không đi ăn xin, vì họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách xin ăn trên đường phố.
Gần đây, thành phố Cottonwood đã bắt đầu xây dựng một kế hoạch 10 năm để chấm dứt tình trạng vô gia cư. Và dưới sự chỉ dẫn của ông Gesell, thành phố đã cho treo các biển báo tại năm địa điểm cửa hàng bán lẻ nhằm mục đích không khuyến khích hành động ăn xin.
“Quý vị có thể nói không với những người ăn xin,” dòng chữ ghi trên tấm biển cho biết, chỉ dẫn những người hảo tâm quyên góp cho các tổ chức từ thiện địa phương phục vụ người vô gia cư.
Mỉm cười trong lúc khó khăn
Đội chiếc mũ lưỡi trai hài hước và cầm một tấm biển bằng bìa cứng có dòng chữ “Gia đình cần giúp đỡ,” bà Woneta Odem-Thompson, 46 tuổi, mỉm cười và vẫy tay chào những người lái xe khi đang đứng gần lối vào phía trước khu phức hợp bán lẻ Safeway ở Cottonwood.
Bà Odem-Thompson cho biết bà cùng hai cô con gái nhỏ và ba chú chó nhỏ đã trở thành người vô gia cư kể từ hồi tháng Bảy và sống trong một chiếc xe Dodge Caravan đời 2006. Cả hai bé gái đều đang theo học tại một trường tiểu học ở thành phố Cottonwood.
Trước đây sống ở tiểu bang Nevada, câu chuyện cuộc đời của bà Odem-Thompson là một câu chuyện bi thảm về sự lạm dụng và phản bội trong hôn nhân.
Tình cảnh [của bà] đã đến mức bỏ nhà ra đi là giải pháp duy nhất. Bà Odem-Thompson đặt mục tiêu đổi chiếc xe tải nhỏ của mình lấy một chiếc xe cắm trại đời 1979 để định cư tại một khu đậu xe RV địa phương. Bằng cách đó, bà sẽ có chỗ ở ổn định và một nơi để gọi là nhà.
“Chúng tôi biết khi đến đây, chúng tôi sẽ trở thành người vô gia cư trong một thời gian,” bà Odem-Thompson nói.
“Không có đủ nhà ở, nhưng có rất nhiều cơ hội việc làm. Tôi đã nộp hồ sơ ứng tuyển ở rất nhiều nơi. Tôi chỉ đang chờ các cuộc gọi phản hồi.”
Bà Odem-Thompson cho biết, mỗi ngày của bà bắt đầu bằng việc thay y phục cho các con gái và chuẩn bị tập vở đến trường trước khi bà chở các con đi học.
Khi làm xong các việc trên, bà quay trở lại thị trấn, tìm một nơi đậu xe và kiểm tra thư điện tử trên điện thoại. Sau đó, bà sẽ chuẩn bị nhanh một hoặc hai đơn xin việc khác trước khi đến bước tiếp theo trong ngày — đi hành khất để kiếm tiền mua thực phẩm và xăng.
Không có địa chỉ, không có việc làm
Bà Odem-Thompson nói rằng việc không có địa chỉ nhà đã ngăn cản hầu hết các nhà tuyển dụng lựa chọn bà vì điều này khiến bà trông có vẻ không đáng tin cậy.
“Tôi nghĩ đó là lý do tại sao chúng tôi mất rất nhiều cơ hội. Chúng tôi không có địa chỉ để nói lên rằng chúng tôi có sự ổn định. Xe của tôi chạy và đưa tôi đến bất cứ nơi nào tôi cần đến. Đó là sự ổn định của tôi ngay lúc này.”
Vào một ngày đẹp trời, bà Odem-Thompson có thể xin được tới 125 USD — và “hai dollar” vào một ngày tồi tệ. Bà chỉ đi hành khất khi cần thực phẩm và nhiên liệu cho chiếc xe tải nhỏ.
“Sẵn sàng mỉm cười và nói chuyện với mọi người dường như có tác dụng” thu hút sự đóng góp. “Điều đó giúp tôi vượt qua quãng thời gian này.”
“Quý vị biết đấy, khi mới bắt đầu, tôi cảm thấy thật thấp hèn. Tôi thấy thấp kém. Rồi tôi nhận ra, quý vị biết không? Tôi đủ can đảm để đứng ở đây và làm điều này. Đó hoàn toàn là một bước tiến. Tôi biết rất nhiều người sẽ không bao giờ làm thế. Họ sẽ chịu đói. Tôi sẽ không để các con của tôi bị đói.”
Điều khiến bà tiếp tục tồn tại là bà “biết rằng tôi còn những đứa con phải chăm sóc — và rồi cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.”
Khi cảnh sát trưởng Gesell biết về trường hợp bà Odem-Thompson, ông đã gửi một sĩ quan đến kiểm chứng hoàn cảnh và xác nhận rằng bà có hai cô con gái đang học tại một trường học địa phương. Tuy nhiên, các viên chức trường học bày tỏ nỗi lo ngại về tình trạng vắng mặt và sự an toàn của các em.
Ông Gesell nói rằng thông thường một bà mẹ vô gia cư có con sẽ cố gắng tìm nhà ở và các nguồn lực ngay lập tức thông qua các dịch vụ xã hội. Bà Odem-Thompson đã từ chối nhiều lời đề nghị về nhà ở, minh họa một “ví dụ điển hình về sự phức tạp của vấn đề này,” ông nói.
Một nghiên cứu năm 2002 của Trung tâm Trị an Hướng đến Vấn đề (Center for Problem-Oriented Policing) của Đại học Arizona State University cho thấy có hai loại người ăn xin: thụ động và hung hăng, cùng với hai quan điểm khác biệt về họ, đồng cảm và không đồng cảm.
Những người đồng cảm với người ăn xin nhìn nhận rằng họ chỉ đang làm những gì cần thiết để tồn tại. Những người không có sự đồng cảm đó coi họ như một mối nguy hại đối với cộng đồng và là nguồn gốc của tội phạm.
Ông Gesell cho biết các bằng chứng thu thập được nghiêng về quan điểm thứ hai hơn và [thực tế là] nhiều người ăn xin sử dụng lời hăm dọa để đòi tiền. Những người khác dùng cách gian lận, sử dụng bình dưỡng khí giả, nạng, trẻ em, vật nuôi, và các đạo cụ cảm xúc khác để thao túng cảm xúc của các mạnh thường quân tốt bụng.
Nghiên cứu của ASU cho biết, những người ăn xin thường chọn những địa điểm nổi tiếng để kiếm tiền: góc phố, lối vào cửa hàng, lối ra đường cao tốc, vỉa hè, và ngã tư đèn giao thông. Họ thường hoạt động theo mô hình thời vụ.
“Nghe có vẻ nhẫn tâm, nhưng đó là mục đích của người ăn xin — một chiêu trò bán hàng,” ông Gesell nói. “Đó là phần khó chịu nhất, dẫu biết điều đó có đúng hay không.”
Ông Gesell cho biết trong nhiều trường hợp luật pháp có ảnh hưởng tiêu cực đối với các cộng đồng đang cố gắng kiểm soát sự gia tăng của những người ăn xin.
“Quý vị có thể nhìn thấy ảnh hưởng tiêu cực đó. Tại sao không chủ động giải quyết [vấn đề] và gặp gỡ những người ăn xin? Chúng tôi hiểu rằng trong nhóm nhân khẩu học này, có những người đã rơi vào thời kỳ khó khăn và không biết phải đi đâu.”
“Nếu không làm vậy thì chúng ta sẽ để cho những cảnh tượng này dẫn đến một mức độ tội phạm cao hơn, khi mà có người bị bắt vào tù và tạo thêm gánh nặng cho người nộp thuế,” ông Gesell nói.
Lời than phiền hàng đầu mà sở cảnh sát của ông Gesell nhận được từ người dân và doanh nghiệp là những người ăn xin thật “chướng mắt”. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là: nên bố thí hay mặc kệ những người ăn xin?
Lời khuyên của ông Gesell là người bố thí nên thận trọng (caveat emptor).
“Đó là điểm khởi đầu của quý vị. Nếu quý vị chấp nhận nguy cơ thì đó là một quyết định cá nhân, [nhưng] cũng nên nghĩ đến cộng đồng nữa.”
Allan Stein _ Thiên Thư
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.