Gần 50 năm trước, tại thành phố bình dị Sherbrooke, Québec của Canada, khi viết bài cho tờ nhật báo đầu tiên mà tôi sở hữu một phần, tôi thường bình luận về các vấn đề của Mỹ cho rất nhiều độc giả của chúng tôi ở tiểu bang Vermont lân cận.
Thời ấy, và cả bây giờ, không có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy cựu Tổng thống Richard Nixon đã vi phạm bất kỳ luật nào. Tại thời điểm đó, hơn một thế kỷ đã trôi qua mà chưa từng có một cuộc đàn hặc tổng thống Hoa Kỳ nào, và lần duy nhất một sự việc như vậy xảy ra trước đó là cuộc đàn hặc sai lầm đối với Tổng thống Andrew Johnson vào năm 1868, vốn đã thất bại chỉ bởi một lá phiếu duy nhất. Chính Thượng nghị sĩ Edmund Ross đã bỏ lá phiếu đó. Trong cuốn sách “Profiles in Courage” (“Các Câu Chuyện về Lòng Can Đảm”) của mình, Tổng thống John F. Kennedy đã ca ngợi nồng nhiệt dũng khí của vị thượng nghị sĩ ấy vì hành động này.
Tổng thống Nixon vốn là một người Mỹ ái quốc truyền thống, và cũng với tinh thần đó, ông đã từ chối thách thức kết quả bầu cử tổng thống năm 1960, dù có rất nhiều lý do để chất vấn về tính chính xác của cuộc bầu cử này, bởi vì ông không muốn làm cho chính phủ Hoa Kỳ trở nên tê liệt vào thời khắc quan trọng của lịch sử trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, ông cũng từ chối đưa đất nước và nhiệm kỳ tổng thống đó chịu sự sỉ nhục của một phiên tòa đàn hặc. Tuy vẫn thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng nhưng phủ nhận việc mình phạm tội, ông hiểu rằng ông đã phung phí vốn liếng chính trị của mình và đã từ chức vì lợi ích quốc gia.
Tại thời điểm đó, tôi cũng viết rằng việc đàn hặc tổng thống có một mối hiểm họa khôn lường — nó có thể trở nên gây nghiện và mê hoặc. Cho đến tuần này, Đảng Cộng Hòa, sẽ chiếm thế đa số khiêm tốn tại Hạ viện, đã thông báo sẽ tiến hành điều tra các giao dịch tài chính của gia đình Tổng thống Biden với các quốc gia khác. Một ngày sau thông báo này, vài giờ sau khi có kết quả xác nhận Đảng Cộng Hòa chiếm được Hạ viện, Tổng chưởng lý Merrick Garland thông báo rằng ông sẽ chỉ định một biện lý đặc biệt để xác định xem có nên truy tố cựu Tổng thống Donald Trump hay không. Thông báo không mảy may tự phát một cách đáng nhớ này được đưa ra ba ngày sau khi cựu Tổng thống Trump tuyên bố tái tranh cử.
Do đó, nước Mỹ đã chính xác tiến đến điều mà tôi lo sợ vào gần 50 năm trước: mỗi đảng đều đang điều tra nhằm truất phế một cách hợp pháp tổng thống và ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng còn lại.
Nền chính trị Hoa Kỳ đã suy biến đến mức cả hai đảng đang cố gắng sử dụng hệ thống tư pháp hình sự và cơ hội để bôi nhọ các đối thủ chính trị bằng các cáo buộc về hành vi phạm tội, như một điều thay thế cho nền chính trị bầu cử văn minh bình thường, như các tác giả của Hiến Pháp đã hình dung, và như thường được thực hiện ở hầu hết các nước dân chủ — và như đã được thực hiện ở Hoa Kỳ cho đến khi xảy ra vụ bê bối Watergate vào năm 1973-1974.
Không chỉ việc từ chức một cách đầy thận trọng của Tổng thống Nixon đã thúc đẩy sự hăng hái đàn hặc của các đảng đối lập. Những nhân vật truyền thông thủ vai chính trong vụ Watergate đã tự ca ngợi bản thân bằng hàng loạt giải thưởng báo chí và trở thành những anh hùng dũng cảm của ngành báo chí tự do. Họ còn bao vây chúng ta, những thường dân vô danh, trên màn hình TV. Sự quảng bá những kẻ cáo buộc trong giới truyền thông đã kích thích sự thèm khát của giới truyền thông chính trị quốc gia.
Các đội ám sát không đổ máu kiểu Chúa Tể Ruồi (Lord of the Flies*) trong Bộ Tư pháp và ủy ban tư pháp Hạ viện đã trở nên mê mẩn và rơi vào tay của những kẻ săn mồi đàn hặc tổng thống của các hãng thông tấn lớn. Đó là một căn bệnh chính trị, có thể là đang ở giai đoạn cuối và vô phương cứu chữa, và giờ đây căn bệnh này đang di căn khắp hệ thống chính trị Hoa Kỳ.
Tất cả các nỗ lực đàn hặc tổng thống đều phi lý. Không chỉ vụ đàn hặc đối với Tổng thống Andrew Johnson là vô căn cứ. Vụ Watergate chỉ là một vụ đột nhập bất hợp pháp vụn vặt mà Tổng thống Nixon chẳng hay biết gì. Sự che đậy là một câu chuyện đồn thổi: Tổng thống Nixon đã nghiêm túc bàn giao mọi thứ như được yêu cầu. Trong vụ bê bối Iran-Contra ngớ ngẩn trong nhiệm kỳ Tổng thống Reagan, một nỗ lực gần như dẫn đến đàn hặc nhưng cố vấn an ninh quốc gia, Đô đốc John Poindexter, đã đỡ đạn cho Tổng thống Ronald Reagan.
Chính phủ đã né tránh các hướng dẫn của Quốc hội về các hoạt động chống du kích ở Trung Mỹ, nhưng tính hợp hiến của luật đó chưa bao giờ được kiểm chứng. Biện lý đặc biệt, ông Lawrence Walsh, đã điên cuồng truy tố cựu Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger, người may mắn được Tổng thống George Bush cha ân xá trước khi quy trình tố tụng đi quá xa. Tổng thống Bill Clinton có lẽ đã khai man trước một đại bồi thẩm đoàn về quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, nhưng Thượng viện đã kết luận một cách đúng đắn rằng điều này còn cách quá xa so với [định nghĩa] “trọng tội hoặc khinh tội” mà Hiến Pháp yêu cầu để có cuộc đàn hặc chính đáng đối với một tổng thống.
Hai lần đàn hặc Tổng thống Trump là ngớ ngẩn nhất trong tất cả các cuộc đàn hặc. Với tư cách là quan chức chấp pháp cao cấp của đất nước, ông hoàn toàn có quyền hỏi tổng thống Ukraine liệu gia đình Biden có tham gia vào hoạt động không phù hợp nào ở đất nước của ông ấy hay không. Ông Trump không yêu cầu một phán quyết được chuẩn bị trước; ông ấy muốn tìm kiếm sự thật. Lần đàn hặc thứ hai, nỗ lực nhằm truất phế ông khỏi một vị trí mà ông đã mãn nhiệm vào cuối nhiệm kỳ, là dựa trên những lời dối trá rằng ông đã tìm cách kích động một cuộc nổi dậy hoặc thậm chí là một vụ xâm nhập bất hợp pháp vào Điện Capitol Hoa Kỳ hôm 06/01/2021. Bất chấp nỗ lực truy tố điên cuồng đã thành lệ nhằm đưa ra một số bằng chứng về hành vi sai trái của vị cựu tổng thống này, người ta vẫn không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào.
Ông Garland đã thể hiện sự phi lý không thể hiểu nổi mang tính đảng phái khi thông báo bổ nhiệm ông Jack Smith giàu kinh nghiệm làm công tố viên đặc biệt khi ông cho rằng bước đi này là cần thiết, vì tuyên bố của ông Trump về việc tái tranh cử đã tạo ra một sự xung đột lợi ích cho vị tổng chưởng lý này. Ông đã dũng cảm đối mặt với một cuộc xung đột gay gắt hơn nhiều khi trong hai năm qua từ chối bổ nhiệm một biện lý hoặc công tố viên đặc biệt trong cuộc điều tra về những gì dường như là một vụ lừa đảo tài chính tai tiếng nghiêm trọng do gia đình ông Biden thực hiện trong nhiều năm ở các quốc gia hải ngoại, trong đó một số không phải là quốc gia thân thiện với Hoa Kỳ.
Cựu tổng chưởng lý dưới thời Tổng thống Trump, ông William Barr, đã cung cấp thông tin một cách hữu ích với giới truyền thông rằng Bộ Tư pháp có thể có đủ cơ sở để truy tố ông Trump theo Đạo luật Gián điệp vì đã lưu giữ bất hợp pháp các tài liệu mật. Việc các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc bất cứ điều gì ngoại trừ ý kiến cho rằng ông Trump đã vi phạm Đạo luật Gián điệp là điều ngớ ngẩn nhất được lan truyền ở Hoa Thịnh Đốn kể từ những ngày đầu của trò bịa đặt về vụ thông đồng giữa cựu Tổng thống Trump và Nga.
Từ mọi dấu hiệu bên ngoài, chính phủ được điều hành bởi một gia đình gần như là tội phạm trộm cắp, và Đảng Dân Chủ thậm chí không thể cùng tồn tại với ông Donald Trump mà không đồng thời gây khó dễ cho ông ấy bằng một cuộc điều tra giả mạo. Những kẻ tạo ra đồn thổi căm ghét ông Trump đồng bộ như nhau trong giới truyền thông chính trị quốc gia có thể khuếch đại cuộc điều tra này cho đến khi các ô cửa sổ đều vỡ trên khắp Hoa Thịnh Đốn.
Đảng Cộng Hòa sẽ có thu hoạch từ cuộc điều tra tài chính của gia đình Biden, nhưng họ sẽ không thể có được bất cứ bản cáo trạng nào từ Bộ Tư pháp của ông Biden. Các công tố viên có thể kết tội bất kỳ thành viên Đảng Cộng Hòa nào về bất cứ điều gì ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nhưng nếu họ buộc tội ông Trump theo Đạo luật Gián điệp hoặc theo các sự kiện ngày 06/01/2021, thì đó sẽ là một thảm họa do chính Đảng Dân Chủ tự mình gây ra mà sẽ kéo dài hàng thập niên.
Điều tốt nhất có thể hy vọng là trận chiến ác liệt của nền công lý đã bị chính trị hóa này sẽ chữa khỏi chứng nghiện hình sự hóa đảng phái cho tầng lớp chính trị Mỹ, [điều vốn đã tồn tại] trong một thời gian dài.
(*) Chú thích của dịch giả: Lord of the Flies (Chúa Tể Ruồi) là một cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Anh từng đạt giải Nobel William Golding, xuất bản vào năm 1954. Cốt truyện liên quan đến một nhóm cậu bé người Anh bị mắc kẹt trên một hòn đảo không có người ở và những nỗ lực tai hại của họ để tự cai trị. Các chủ đề bao gồm sự căng thẳng giữa tư duy nhóm và tính cá nhân, giữa phản ứng hợp lý và cảm xúc, giữa đạo đức và vô đạo đức.
Conrad Black _ Thiên Thư
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.