Tuesday, September 12, 2023

Trường ca: Con Đường Cái Quan

 BM

Trường ca Con Đường Cái Quan là bài trường ca nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy, được khởi soạn vào năm 1954 vào lúc Việt Nam vừa bị chia đôi bằng hiệp định Geneve.


Trường ca này đã được hoàn tất phần đầu tại Paris khi tác giả đang du học tại Pháp, với niềm cảm hứng đã được ấp ủ từ hơn 10 năm trước đó, vào lúc ông vẫn còn là một kẻ du ca đi dọc khắp các nẻo đường Việt Nam. Đường Cái Quan còn gọi là đường Thiên lý, là con đường dài chạy từ miền Bắc Việt Nam đến miền Nam Việt Nam, chủ yếu đắp vào đầu thế kỷ 19. Phần lớn đường Cái Quan năm xưa nay là Quốc Lộ 1A. Con đường Cái Quan có giá trị văn hóa lớn đối với người Việt, nói lên sự thống nhất của mọi miền đất nước và lịch sử Nam tiến của dân tộc. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy kể về hoàn cảnh sáng tác Con Đường Cái Quan như sau: “Nhờ những ngày đi nghe giảng về khoa nhạc ngữ, tôi thấy mình có thể phát triển những đoản khúc dân ca lên thành những bản trường ca. Trước kia, tôi chưa bao giờ theo học một lớp nhạc nào cả và chỉ vô tình đem hơn một âm giai ngũ cung vào một ca khúc.


BM


Nay tôi hiểu rõ hiện tượng métabole nghĩa là sự chuyển điệu từ ngũ cung này qua ngũ cung khác khiến cho giai điệu của bất cứ nhạc phẩm nào cũng có rất nhiều cung bậc mà nghe ra vẫn là giai điệu Việt Nam. Sau khi nắm được hiện tượng métabole và bí quyết soạn nhạc ngũ cung của Debussy rồi, tôi soạn ra mấy khúc đầu của Trường Ca Con Đường Cái Quan. 


Trường Ca này là sự phản kháng của tôi trước sự chia cắt đất nước. Dù luôn luôn chối từ đóng những vai trò chính trị viên hay chính trị gia nhưng tôi không bao giờ bỏ lỡ cơ hội dùng văn nghệ để bày tỏ thái độ chính trị của mình”. Xem bài khác Tiểu sử nhạc sĩ Vinh Sử – Nhạc sĩ của tầng lớp lao động bình dân Vĩnh biệt nhạc sĩ Đan Thọ – Tác giả ca khúc Chiều Tím Sau khi từ Pháp trở về đến Sài Gòn, phải đến năm 1960 thì Phạm Duy mới hoàn tất phần còn lại của tác phẩm âm nhạc đồ sộ này, nhờ được kiến trúc sư Võ Đức Diên (chủ sự của tờ báo Sáng Dội Miền Nam) khuyến khích và giúp đỡ phương tiện đi lại để nhạc sĩ đi từ Sài Gòn đến vùng địa đầu Quảng Trị nhằm lấy cảm hứng và hoàn thành tác phẩm. Trường ca được in ra đầu tiên trên báo Sáng Dội Miền Nam với bản viết tay của tác giả. Trường ca Con Đường Cái Quan gồm có 19 đoạn khúc, mỗi đoạn khúc đều nói về một cuộc du hành của người lữ khách. Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết: “Trường ca Con đường cái quan đưa ra một lữ khách đi trên con đường xuyên Việt, đi từ Ải Nam Quan là tỉnh đầu miền Bắc cho tới mũi Cà Mau là cuối cùng của Miền Nam, đi từ ngày mới lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ sở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước.


Trường ca Con Đường Cái Quan gồm có ba phần:


BM


Phần Thứ Nhất: Từ Miền Bắc, mang tính chất hào hùng của miền quê cha đất tổ. Phần Thứ Hai: Qua Miền Trung, với tình thương yêu chan chứa niềm xót xa. Phần Thứ Ba: Vào Miền Nam, tỏ sự vui mừng của con người đã cả thắng thiên nhiên để hoàn thành nước Việt…” Hãy cùng đi vào từng phần của bài trường ca này: Phần Thứ Nhất: Từ Miền Bắc Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết những ca khúc mạnh mẽ trong phần 1 – Từ Miền Bắc đã diễn tả sự hào hùng của người đi khai sơn phá thạch. Đoạn khúc 1: Anh đi trên đường Cái Quan Bản trường ca mở đầu với tiếng hát của những cô thôn nữ đang cắt cỏ thì thấy người lữ khách đi qua, cô tạm nghỉ tay để nhắn nhủ đến người đôi lời: Hỡi anh đi đường cái quan Dừng chân đứng lại Dừng chân đứng lại Cho em đây than đôi lời Ði đâu vội mấy anh ơi… Đó là lời hát gợi chuyện quen thuộc trong các bài dân nhạc đối đáp ở các miền phía Bắc. Người lữ khách kia cũng không chút gì quan ngại về cuộc hành trình còn dài chỉ vừa mới bắt đầu, anh dừng chân lại bên những cô gái trẻ và vui vẻ thổ lộ tâm sự như sau trong Đoạn khúc thứ 2 – Tôi đi từ ải Nam Quan: Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ Chia đôi một họ trăm con đã lên đường Năm mươi người ngược núi rừng Ðã dựng vòng biên ải Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng Tôi theo người vượt quan san Ơi người ơi Ơi người ơi Vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn đường giặc Hán Tôi chưa về Ải Chi Lăng Ơi người ơi Ơi người ơi Dưới chiēn bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn…


BM


Khởi đầu là tiếng hát vu vơ của những cô gái trẻ với âm điệu dịu dàng và thiết tha của dân ca cổ truyền miền Bắc, đến phần này đã chuyển sang âm điệu hùng hồn như một hành khúc, với những yếu tố lịch sử được lồng vào nội dung. Chàng trai kể rằng mình khởi hành từ Ải Nam Quan, cùng với 50 người ngược núi rừng, 50 người theo sông. Ải Nam Quan Ngay từ đầu, nhạc sĩ đã nói rằng người lữ khách đã đi trong lịch sử và lòng dân, và lịch sử ở đây chúng ta có thể nhận ra đó là truyền thuyết mẹ Âu Cơ. Lữ khách muốn đi trên một con đường để nối liền dân chúng và đất nước mà sau hàng ngàn năm, kể từ thời Âu Cơ cho đến thời Ngô đánh quân Nam Hán dành được độc lập. “Dưới chiēn bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn” – Câu hát này gợi mở cho đoạn khúc thứ 3 về nàng Tô Thị. Người khoác chiēn bào nhưng nhớ thương người vẫn đứng đợi ở đầu nguồn, ngàn năm đã thành đá vọng phu. Đoạn khúc 3: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị đứng chờ đợi ai Và khuyên người chẳng tái hồi Cho ngàn năm được sống đời vọng phu… Đường lên Ải Nam Quan từ Đồng Đăng Người lữ khách đã về đến thị trấn Đồng Đăng (thuộc tỉnh Lạng Sơn),  Tại đây nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa vào một câu ca dao quen thuộc mà người Việt gần như ai cũng đã thuộc lòng: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh” Nhưng nàng Tô Thị ở đây khác trong truyền thuyết, nàng vẫn đứng chờ người ở đầu nguồn, nhưng lại khuyên người lữ khách đừng trở về (khuyên người chẳng tái hồi).


BM


Có lẽ bởi là vì trở thành đá và “sống đời vọng phu” đã như là một định mệnh của nàng, là sự chấp nhận hy sinh để chồng ra đi gìn giữ non sông bền vững. Đoạn khúc 4: Người về miền xuôi Dân thượng du: Người về miền xuôi đem theo tình người miền núi Nhà sàn lả lơi đứng bên đường hoang vắng soi Ðưa chân anh qua đồi Cơm lam đem theo người Lên cao anh ôm trời Ðể dòng suối lẻ loi… Lữ Khách: Ðường về ruộng dưới ngát hương củi rừng gạo núi Vượt tầm đèo khơi thấy con đường lúa tươi cười Ðường về miền xuôi biết bao đò bao quán mới Ðường dài mà vui hỡi người bạn đường nặng vai Rồi một ngày mai có qua nhịp cầu tả tơi Nhìn bọt bèo trôi nhớ chăng màu tóc xanh ngời… Hát chung: Ðường ngược đường xuôi Nhớ nhau vì chuyện đầu môi Tạm biệt một nơi Thấy nhau ở cuối chân trời…


Nhạc sĩ Phạm Duy trên đường Cái Quan Người lữ khách lúc này đã tới thượng du và đi trong làng mạc của người dân bản xứ, và những người ở vùng núi rừng này cùng vui hát để tiễn đưa và ca ngợi lòng quả cảm của người lữ khách: “Lên cao anh ôm trời, để dòng suối lẻ loi…” Lữ khách cũng đáp trả lòng thịnh tình của dân chúng bằng sự biết ơn và những lời hát ca tụng cái đẹp của vùng thượng du đất Bắc: Ðường về ruộng dưới ngát hương củi rừng gạo núi Vượt tầm đèo khơi thấy con đường lúa tươi cười … “Rồi một ngày mai có qua nhịp cầu tả tơi” – Nhịp cầu ở đây có thể hiểu là cầu nối của đất nước đã bị chia cắt, người lữ khách có niềm tin là sau này sẽ nối lại nhịp cầu dù đã tả tơi đi nhiều, rồi được trở về nhìn thấy lại cảnh cũ sẽ nhớ lại một thuở màu tóc còn xanh ngời, nhớ lại tình đồng bào giữa kẻ miền xuôi và người miền ngược của ngày hiện tại. Họ hẹn nhau một ngày như vậy ở cuối chân trời của ngày tương lai: “Tạm biệt một nơi Thấy nhau ở cuối chân trời…”


BM


Đoạn khúc 5: Ngày người ơi Lúc này người lữ khách đã về tới trung du, qua đèo ngang và gặp một cô lái đó, nghe cô hát: Này người ơi ghé bến sang sông Lên đường đi tới bõ công em chèo thuyền Mừng người đi tìm thấy tình duyên Con đường đất nước nối liền lòng dân. Lữ khách: Sông Thương ơi nước chảy đôi ba dòng Anh về Hà Nội một lòng, lòng yêu em Sông Thương ơi nước đục người đen Anh về thành phố không quên cô mình. Miền trung du có phong cảnh trù phú, nơi có dòng sông Thương tĩnh lặng trôi êm đềm. Qua bến đò ngang, người lữ khách nghe cô lái đò ca tụng về hành trình nối liền lòng người, và nàng cũng chúc cho người lữ khách “tìm thấy tình duyên” trên hành trình “nối liền lòng dân”. Con sông Thương chảy qua các vùng Bắc Giang, Hải Dương.


Qua con sông này sẽ về đến Hà Nội rồi, nhưng hẳn là chàng lữ khách sẽ vẫn vương vấn hoài bóng hình cô lái đò dù lam lũ nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng và đằm thắm, sống cuộc đời quanh năm lặng lẽ cũng giống như là dòng Thương này đã ngàn năm trôi lững lờ. Đoạn khúc 6: Tôi đi từ lúc trăng tơ Lữ khách: Ra đi từ lúc trăng tơ, trăng một miền hoa cỏ Trăng lên đầu của ô xa vẫn chưa mờ Im nghe lời Thủ Ðô chào, ôi lời mừng đông đảo Ði trong lịch sử dân ta, luống nghẹn ngào. 


BM


Lữ khách và dân chúng thủ đô: Hai bên nhà cửa thân yêu Ơi người ơi Ơi người ơi Ðã mấy lần để đám rêu xanh thay màu gạch ngói Thăng Long buồn tủi chia phôi Tháp, Tháp Rùa ơi Tháp, Tháp Rùa ơi Gió tiễn người về đến quê hương câu ca giọng hời. Rời khỏi dòng sông Thương trong nỗi luyến tiếc vào lúc trời nhá nhem tối, khi trăng hãy còn tơ, lữ khách về đến Hà Nội trong nỗi mừng tủi. Về Thăng Long, nghe như vẫn còn phảng phất tiếng nói quân vương nghìn năm trước, thấy mình như đang đi trên dòng “lịch sử dân ta”, vừa tự hào, vừa luống những nghẹn nào khi nghĩ về hiện tại với những buồn tủi chia phôi. Từ mươi năm qua dân chúng Hà Nội ly tán khắp các vùng, nhà cửa hai bên đầy rêu xanh mảng bám. Tất cả gợi lên một không gian quạnh hiu khơi gợi nhiều kỷ niệm.


BM


Trường ca Con Đường Cái Quan, là cuộc khởi hành của một người lữ khách đi từ ải Nam Quan, băng qua các vùng thượng du, trung du Bắc Bộ rồi về đến cố đô Thăng Long, bài viết này sẽ tiếp tục phần đi qua miền Trung của lữ khách trong cuộc hành trình nối lại giang san, nối lại tình người. (Các bạn có thể nghe lại bản thu trước 1975 của trường ca này ở cuối bài viết). Có thể vì nhạc sĩ Phạm Duy hoàn tất phần trường ca Con Đường Cái Quan trong những ngày ông ở vùng Trị-Thiên, nên phần 2 của trường ca (Qua Miền Trung) này cũng là phần mang nhiều cảm xúc nhất trong toàn bộ trường ca, với những âm điệu dịu dàng và truyền cảm đặc trưng của dân nhạc xứ Huế, những đồng vọng và câu hò tha thiết, những câu hát lý, hát ru đã có từ ngàn xưa. Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng: Nhạc khúc trở nên ngọt ngào, đôi khi cũng xót xa như bước chân Huyền Trân Công Chúa năm xưa. Như đã nhắc đến ở phần trước, nhạc sĩ Phạm Duy được ông Võ Đức Diên tài trợ một chuyến đi về Quảng Trị tìm kiếm những chất liệu về dân nhạc để có thể hoàn tất phần trường ca còn dang dở, có thể vì vậy mà khởi đầu phần 2 này, tác giả đã tiến thẳng đến Quảng Trị mà bỏ qua một số địa điểm bắt buộc phải đi qua sau khi rời miền Bắc, đó là vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh và Quảng Bình. Nhạc sĩ viết trong hồi ký nói về hành trình trở lại miền Trung cuối thập niên 1950 đó như sau: “Chúng tôi đi ven bờ biển Thái Bình, vượt qua những nơi đầy ắp kỷ niệm như Phan Thiết sáng sủa, Nha Trang ấm áp, Qui Nhơn lộng gió, Ðà Nẵng ồn ào, Huế thơ mộng và Quảng Trị cằn khô. Khi ghé Quảng Ngãi, Hồng Vân (nữ ca sĩ) lúc đó còn bé tí teo, leo lên bờ tường khách sạn, ngồi rình xem mặt Phạm Duy. Chúng tôi có những giây phút trầm ngâm trước cảnh tượng hùng vĩ của Ðèo Cả, Ðèo Hải Vân và cũng không quên nhào xuống biển để tắm táp và kỳ cọ ở bãi Lăng Cô”.


Quan Miền Trung (Với tình thương yêu chan chứa, niềm xót xa) Đoạn khúc 7: Ai đi trong gió trong sương Lúc này người lữ khách đã rời khỏi miền Bắc, qua hết miền Bắc Trung bộ và về đến vùng đất khô cằn sỏi đá của tỉnh Quảng Trị, sau đó là Huế. Đến đầu làng, người bỗng thấy có một đám trẻ con chạy ra đón, hát lời thúc giục người lữ khách phải đi nhanh chóng kẻo đường còn xa. Lũ trẻ: Ai đi trong gió trong sương (ơ) Phải mau (ơ), phải mau để mà tới người ơi Kẻo đường (ơi) người ơi còn xa Kẻo đường (ơi) người ơi còn xa… Đến Huế, có rất nhiều điệu hát dân ca miền Trung được nhạc sĩ vận dụng đưa vào lời hát, như đoạn khúc này có giai điệu được phỏng theo ”Lý Con Sáo Huế”, có âm hưởng ngũ cung Ðiệu Nam Hơi Ai. Những lời hát hồn nhiên của con trẻ càng làm cho bước chân người lữ khách tăng thêm sự phấn chấn, nhưng cũng pha chút ngậm ngùi khi người chợt nghe vang vọng tiếng ru hời vang lên trong liếp nhà tranh ở trong đoạn khúc 8: Đoạn khúc 8: Ai vô xứ Huế thì vô Bà mẹ: À ơi… Ai vô xứ Huế thì vô Chớ sợ Truông nhà Hồ, chớ sợ Phá Tam Giang  À ơi…


Ngó ra quê cha đường xa sông rộng Ngó về quê mẹ núi lộng đèo cao… À ơi… Nhưng con ơi, con ngủ, ngủ sâu Chứ nối lại nhịp cầu Chứ đã có người đi À ơi… Tiếng ru con của bà mẹ Huế như vừa an ủi, vừa thúc giục người lữ khách tiếp tục sứ mạng nối lại nhịp cầu, không e sợ bất kỳ cái gì, cho dù đó là Truông nhà Hồ hay phá Tam Giang đầy hiểm nguy được nhắc tới câu ca dao xưa. Đến đây, người lữ khách đã đi được gần nửa đoạn đường Cái Quan, quay nhìn ngược về đường cố xứ thấy đã xa vạn dặm với núi lộng đèo cao. Đoạn ru tiếp theo của bà mẹ là lời nhắn nhủ đến đứa con còn bé bỏng nằm nôi, nhưng cũng như là lời ca tụng sứ mệnh khai sơn phá thạch để “nối lại nhịp cầu” của người lữ khách. Mai sau đứa bé kia trưởng thành sẽ có thể tiếp bước con đường tươi sáng và “đã có người đi” của hôm nay. Đoạn khúc 9: Ai đi trên dặm đường trường Qua thôn xóm, gặp lúc ngày mùa, lữ khách nghe thấy tiếng hò giã gạo giòn vang: Dân làng: Hò hô hò hò ơi hò Ai đi trên đường là dặm đường Ði mô mà vội vã (à) cùng là hò khoan Hố hô hò khoan Hò hô hò hò ơi hò Khoan khoan tôi mời (là) mời bạn Vui là họp đoàn đêm nay chừ là (à) nay Hố hô hò khoan. Lữ khách: Năm tê trong lúc sang Xuân Tôi theo Công Chúa Huyền Trân tôi lên đường Ðường máu xương đã lắm oán thương Ðổi sắc hương lấy cõi giang san Tôi đi theo bước ái tình Ði cho trăm họ được hòa bình ấm no Ðèo núi cao nghe gió vi vu Thổi phấn son bay tới kinh đô.


Dân miền Trung: Hò hô hò hò ơi hò Anh đi trên đường (là) gập ghềnh Mau mau đi kẻo lỡ (a) truyện tình nước non Hố hô hò khoan. Hò hô hò hò ơi hò Mau mau đi kẻo là kẻo lỡ Câu chuyện tình năm xưa là tình (à) xưa Hố hô hò khoan. Đến nơi cũng đến lúc trời chập tối, dân làng mời chàng vào làng để chung vui và nghỉ ngơi lấy sức: “Khoan khoan tôi mời (là) mời bạn Vui (là) họp đoàn đêm nay chừ (là à) nay” Trong đêm rộn ràng tiếng chày khua bên ánh lửa cùng với dân làng, người lữ khách đã kể về chuyến hành trình của mình, vào một “năm tê” (phương ngữ miền Trung, tức “năm kia”) lúc trời vừa sang Xuân, chàng quyết đi theo dọc đường Cái Quan nối liền một đường của đất nước. Đó cũng là con đường mà Huyền Trân công chúa năm xưa đi về phía Nam để làm hậu của nước Chiêm Thành, là con đường mang lắm oán thương, buồn tủi của một nàng công chúa vốn ở trong cung son vàng ngọc, đã chấp nhận “đổi sắc hương lấy cõi giang san” để mở mang bờ cõi thêm 2 châu Ô Lý.


Đó là một vùng tương đối rộng lớn, từ đèo Hải Vân cho đến phía Bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay, bao gồm cả vùng Trị-Thiên, là nơi chàng lữ khách đang dừng chân. Khi trời vừa sáng, dân làng đã thúc giục lữ khách lên đường kẻo lỡ một “truyện tình nước non”, đó chính là truyện tình nàng Huyền Trân công chúa. Từ những “tháp Hời” của kinh đô Champa năm xưa, người lữ khách chợt nghe như có tiếng hát Huyền Trân của ngàn năm vọng về: Đoạn khúc 10: Nước non ngàn dặm ra đi Huyền Trân Công Chúa: Nước non ngàn dặm ra đi Nước non ngàn dặm đi Dù đường thiên lý xa vời Dù tình cố lý chơi vơi Cũng không dài bằng lòng thương mến người… Bước đi vào lòng muôn dân Bước đi vào lòng muôn dân Bằng hồn trinh nữ mơ màng Bằng tình say đắm ơi chàng Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân Nhưng ánh Tháp vàng Cây quế giữa rừng Chỉ một mùa tang là hương là sắc tan Tàn cả tình yêu Vì hận còn gieo Ðất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu Mới hay tình nhẹ như tơ Mới hay tình nhẹ như tơ Mộng ngoài biên giới mơ hồ Chẳng ngăn được sóng vỡ bờ Với đêm mờ hồn về trên Tháp ma. Trong phần hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy giải thích rằng ở đoạn khúc này, công chúa Huyền Trân muốn nói rằng con đường thiên lý kia có dài đằng đẵng, nhưng dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người. Nàng mong lữ khách nối tiếp công việc đi vào đất nước và lòng người của nàng khi xưa. Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân. Vì sao nàng công chúa lại “nuôi hòa bình trong ái ân”? Là bởi thân phận nữ nhi mong manh liễu yếu đào tơ, nàng có gì đâu ngoài một hồn trinh nữ nguyên sơ, chấp nhận hy sinh tình riêng để biên cương phía Nam của nước Việt được yên ổn, hòa bình với lân bang. Nhưng ánh Tháp Vàng Cây quế giữa rừng Chỉ một mùa tang là hương là sắc tan Nhưng rồi về đến xứ sở của Tháp Vàng, chỉ 1 năm là đến mùa tang, hương sắc của nàng công chúa Đại Việt cũng tan theo. Ở đoạn này, dù chỉ rất ngắn nhưng nhạc sĩ đã tóm lược được cả một câu chuyện lịch sử. Năm xưa vua Chiêm là Chế Mân xin cưới Huyền Trân, dâng 2 châu Ô Lý để làm sính lễ. Nhưng chỉ được một năm thì Chế Mân băng hà, nàng vương hậu phải chịu phận tuẫn táng theo.


Ở vùng Trung và Nam Trung Bộ vẫn lưu truyền câu ca dao nổi tiếng để nói về câu chuyện Huyền Trân như sau: Tiếc thay cây quế giữa rừng Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo Thực ra câu ca dao này đã có từ đời Lý, với ý nghĩa là thời đó có chính sách hòa hiếu với các tộc thiểu số (man dân), triều đình đã gả các công chúa quyền quý cho các tù trưởng miền Thượng du (đó là các tộc Mán, Mường ở phía Bắc, chứ không phải là người Chăm ở miền Trung), khác nào như cây quế để cho những phường phàm phu trèo leo vùi hoa dập liễu, tiếc thay cho thân thể ngọc ngà. Câu chuyện này gần khớp với chuyện Huyền Trân sau này, nên khi nhắc tới Huyền Trân Công Chúa, Phạm Duy đã nhắc lại câu ca dao “cây quế giữa rừng” là như vậy. Câu “Ðất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu…” là muốn nói về nguy cơ nàng Huyền Trân có thể phải lên dàn lửa thiêu tùy táng, nếu không có sự giải cứu kịp thời của Trần Khắc Chung để đưa về lại cố hương.

 

Đoạn khúc Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi được đánh giá là hay nhất trong trường ca, và thường được tách ra thành một ca khúc riêng biệt. Đoạn này được lấy từ ý thơ của khúc hát dân gian “Nước Non Ngàn Dặm” theo điệu Nam Bình để kể về tâm tình nàng công chúa Huyền Trân. Đoạn khúc 11: Gió đưa cành trúc la đà Trời vừa tờ mờ sáng, lữ khách vội vã ra đi, và trong sớm tinh mơ nghe thấy giọng hò trên sông Hương bên chùa Thiên Mụ của cô gái Huế: Cô gái Huế: Ớ ơi hò! Ớ hò ơi… Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà điểm sương Người về chưa ghé sông Hương Ðã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay Anh đi mau (ơ) để nối lại duyên may Tình xưa là nghĩa cũ anh đắp xây cho thiệt bền Ớ ơi hò! Ớ hò ơi…

 

Một lần nữa nhạc sĩ lại sử dụng ca dao tục ngữ đặc trưng của miền Trung, nơi có dòng sông Hương và tháp Thiên Mụ vẽ nên khung cảnh thơ mộng. Nhưng tiếc rằng vì chàng vội đi theo tiếng gọi của non sông, của tình người, nên o Huế tỏ lời tiếc nuối: Người về chưa ghé sông Hương Ðã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay Nhưng ngay sau đó là lời cô gái thúc giục chàng lên đường để “nối lại duyên may”: Anh đi mau (ơ) để nối lại duyên may Tình xưa là nghĩa cũ anh đắp xây cho thiệt bền…


Chia tay xứ Huế, lữ khách qua đèo Hải Vân để về miền duyên hải: Đoạn khúc 12: Tôi xa quê nghèo ruộng nghèo Lữ khách: Hò hô hò hò ơi hò Tôi xa quê nghèo là ruộng nghèo Tôi leo qua cồn cát à, vượt đèo Hải Vân Hố hô hò khoan. Hò hô hò hò ơi hò Tôi trông én liệng là từng đàn Tôi gọi đàn chim ơi kià là à chim Hố hô hò khoan. Dân miền Trung: Vua Lê dắt lính vô Trung Anh theo Chúa Nguyễn vượt Cù Mông anh qua đèo Ðể núi cao ngơ ngác trông theo Ðễ tháp son thương nhớ trong chiều Anh đi chân cứng đá mòn Ði chưa thấy mỏi mà lòng còn say sưa Biển thắm ru tiếng hát thiên thu Làn gió xanh theo gót phiêu du. Lữ khách: Hò hô hò hò ơi hò Lênh đênh ven bờ là biển sâu Hương thơm là thoang thoảng à đất màu miền Nam Hố hô hò khoan Hò hô hò hò ơi hò Lênh đênh ven bờ là biển giàu Nghe nhịp cầu đã nối tình là à xưa Hố hô hò khoan. Lữ khách đã rời khỏi tỉnh Thừa Thiên Huế và đã về tới đèo Hải Vân và tiến thẳng về phía Nam. Trong tâm trạng tươi vui, người lữ khách ca vang những lời hát theo điệu hò khoan nổi tiếng vùng Nam Trung bộ để kể về hành trình của mình, và được người dân miền này đáp lại: Vua Lê dắt lính vô Trung Anh theo Chúa Nguyễn vượt Cù Mông anh qua đèo Hai câu hát này thể hiện được quá trình mở mang bờ cõi của các đời vua chúa năm xưa. Nếu như đời vua của triều Hậu Lê nới rộng được vùng lãnh thổ tới ranh giới là tỉnh Bình Định ngày nay (Vua Lê dắt lính vô Trung), thì sau đó các đời Chúa Nguyễn còn lấn sâu hơn nữa, qua đèo Cù Mông để đến Phú Yên rồi dần dần đi sâu xuống phía Nam. Người lữ khách háo hức vì đã gần đến được vùng phía Nam rồi: Hò hô hò hò ơi hò Lênh đênh ven bờ là biển sâu Hương thơm là thoang thoảng (à) đất màu miền Nam Hố hô hò khoan Hò hô hò hò ơi hò Lênh đênh ven bờ là biển giàu Nghe nhịp cầu đã nối tình (là à) xưa Hố hô hò khoan.


Toàn bộ bản trường ca được thâu âm lần đầu tiên năm 1965 bởi Ban Hoa Xuân của Đài Phát thanh Sài Gòn (với Thái Thanh, Duy Khánh và Kim Tước, Thái Hằng, Nhật Trường, Trần Ngọc… và nhiều người khác) và ban nhạc Nghiêm Phú Phi, Y Vân, Đan Thọ cũng với sự soạn hòa âm của nhạc sĩ người Đức, Otto Soellner, và cả nhạc sĩ Phạm Duy điều khiển dàn nhạc.


BM

https://www.youtube.com/watch?app=desktop&v=u4_PqPeLLxE&ab_channel=NguyenMinhDuc


BM
Cộng Hòa _ Dân Chủ _ hay nhà nước Toàn Trị?
Hoa Kỳ chỉ trích ‘sự giả dối’ của Trung cộng về vụ xả nước thải ở Fukushima
Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang
President Biden in Vietnam
Quạ mượn lông Công
Hội chứng vi sóng đang gia tăng một cách đáng lo ngại
Gia đình ở Úc đang trong tình trạng căng thẳng do chi phí sinh hoạt
Kinh tế đang trong trạng thái tồi tệ hơn những gì Toà Bạch Ốc tuyên bố
Biden đang dập tắt giấc mơ sở hữu nhà của người Mỹ
Kim Vui: “Chân Trời Tím”
Thoát nạn nhờ vượt phong tỏa của cảnh sát
Tăng sức khỏe trí óc cho trẻ em và người lớn tuổi
Hoa Kỳ muốn được tiếng hay làm việc thiện tại Đài Loan
Thị trường nhà ở Hoa Kỳ đối mặt với nhiều thách thức
Tìm thấy sự an lòng trong thời kỳ hỗn loạn
Đào xuyên Vạn Lý Trường Thành _ Thiệt hại không thể cứu vãn
10 hồ có diện tích lớn nhất thế giới
Hai tiếp viên Việt vận chuyển ma túy vào Hàn Quốc
Thác Niagara Falls & Thác Victoria Falls
Tại sao chúng ta đang cảm thấy nghèo hơn rất nhiều

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.