Vào những thập niên đầu của thế kỷ 19, triết gia chính trị người Pháp Alexis de Tocqueville đã hết lời ca ngợi “Nền dân chủ của Mỹ quốc.”
Sau khi bãi bỏ chế độ nô lệ, Tổng thống Abraham Lincoln gọi nền Cộng hòa Hoa Kỳ là “một chính phủ của người dân, do người dân, và vì người dân.” Trong tâm trí các bằng hữu của Mỹ quốc, những Tổ phụ lập quốc này đã xây dựng một hệ thống chính trị không ai sánh kịp.
Tuy nhiên, một số người Mỹ đã nảy sinh ác cảm sâu sắc với việc liên kết thuật ngữ “dân chủ” với chính phủ hợp hiến cộng hòa.
Trở lại thời cựu Tổng thống Reagan, tôi nhớ đến cuộc trò chuyện với một nhóm học sinh trung học Mỹ và Canada tại một hội nghị quốc tế do Freedoms Foundation tổ chức tại Valley Forge.
Chủ đề của hội nghị là “Chia sẻ ý tưởng về tự do và khả năng lãnh đạo,” và trong suốt bài thuyết trình của mình, tôi thường gọi Canada và Hoa Kỳ là “các nền dân chủ.” Sau đó, một phụ nữ cao tuổi đứng dậy và nghiêm khắc nói với cả khán phòng rằng “Mỹ quốc không phải là một nền dân chủ. Đó là một quốc gia cộng hòa.”
Những khẳng định như vậy không phải là không có cơ sở. Nhưng tốt hơn hết những khẳng định này nên nhắm vào những người ủng hộ “nền dân chủ trực tiếp.” Đó là một hệ thống mà trong đó đa số thực sự hay trong tưởng tượng có tiếng nói cuối cùng về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến quản trị quốc gia.
Các nền dân chủ trực tiếp bầu lãnh đạo hoàn toàn bằng đa số và thường tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định các vấn đề gây tranh cãi. Những người ủng hộ dân chủ trực tiếp kêu gọi bãi bỏ một số thể chế sáng lập Mỹ quốc. Những người cánh tả cấp tiến muốn loại bỏ Cử tri đoàn và thực hiện bầu cử thường trực các tổng thống thân thiện với nền chính trị cấp tiến của các thành phố lớn ven biển.
Bản thân ông Tocqueville đã dự đoán những mối nguy hiểm cố hữu trong một nền dân chủ có thể trở thành “sự chuyên chế của đa số.” Nếu Hoa Kỳ là một nước dân chủ trực tiếp thì có thể quốc gia này đã là một quốc gia độc đảng, và bà Hillary Clinton đã được bầu làm tổng thống vào năm 2016.
Các nguyên tắc dân chủ xứng đáng được công nhận
Một bài viết trong ấn bản tháng 09/2018 của National Review, tác giả Jay Cost đã nhắc nhở độc giả rằng “từ ‘cộng hòa’ bắt nguồn từ cụm từ tiếng Latinh res publica, hay ‘mối quan tâm của người dân’ gợi ý thước đo về sự tham gia của người dân vào việc cai quản đất nước.” Ít người có thể lập luận rằng những nhà soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ không tin rằng quyền lực công hợp pháp bắt nguồn từ người dân.
Có rất nhiều điều về Hiến Pháp Hoa Kỳ khiến mọi người quý mến kiểu dân chủ được phát triển ở Mỹ quốc. Một số nguyên tắc tự do quan trọng nhất được phát triển trong các dân tộc sử dụng Anh ngữ được ghi trong Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ.
Tu chính án thứ Nhất đề ra những biện pháp bảo vệ quan trọng cho một tiến trình dân chủ. Trong đó có quyền bày tỏ quan điểm thông qua diễn thuyết và báo chí, quyền tụ tập để biểu tình, hoặc kiến nghị chính phủ giải quyết những bất bình.
Tu chính án thứ Tư đến Tu chính án thứ Tám bảo vệ quy trình tố tụng công bằng và ngăn chặn các cơ quan đảng phái sử dụng “luật pháp” để đạt được lợi thế chính trị.
Điều này gồm ngăn chặn việc khám xét và bắt giữ không chính đáng, bảo đảm các thủ tục pháp lý công bằng, bảo đảm phiên xét xử có một bồi thẩm đoàn công tâm, và ngăn cấm mức bảo lãnh tại ngoại quá cao hoặc các hình phạt tàn nhẫn và bất thường.
Ngoài ra còn có những yếu tố trọng yếu của nền dân chủ được đưa vào các hoạt động bầu cử của Mỹ quốc. Trong những thập niên đầu của nền Cộng hòa, các phương pháp bỏ phiếu vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nhưng đến cuối thế kỷ 19, từng tiểu bang chuyển sang hình thức bỏ phiếu kín do các cử tri được xác định danh tính đích thân bỏ phiếu trong sự riêng tư tại phòng bỏ phiếu vào một ngày bầu cử được chỉ định. Điều này khẳng định quyền lựa chọn độc lập của công dân. Việc bỏ phiếu kín khiến cho việc gây ảnh hưởng đến cử tri bằng cách đe dọa hoặc hối lộ trở nên khó khăn, cũng như ngăn chặn những nỗ lực thu thập các phiếu bầu gian lận.
Tự do ngôn luận, tư pháp công tâm, và bầu cử đáng tin cậy là những phần không thể thiếu của một tiến trình dân chủ khả thi.
Hiến Pháp phải được bảo tồn
Hệ thống chính phủ của Mỹ quốc quy định sự phân chia quyền lực giữa các nhánh hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Tu chính án thứ Mười không cho phép chính phủ liên bang nắm giữ quyền mà Hiến Pháp không quy định cụ thể cho chính phủ liên bang. Các quyền hạn không được chỉ định là do các tiểu bang hoặc người dân nắm giữ.
Những “biện pháp kiểm soát và đối trọng quyền lực lẫn nhau” này đủ để ngăn chặn nền Cộng hòa Mỹ quốc áp dụng nền dân chủ trực tiếp và sự cai trị độc đảng nguy hiểm.
Tuy nhiên, Mỹ quốc đang bị chia cắt. Các điều kiện hòa bình cho nền dân chủ đại nghị đang xấu đi nhanh chóng. Các học giả thức tỉnh miêu tả tự do ngôn luận là “diễn ngôn thù hận.” Phương tiện truyền thông đảng phái kiểm duyệt bất kỳ tin tức hoặc ý kiến nào mâu thuẫn với quan điểm của cánh tả.
Tội phạm nằm ngoài tầm kiểm soát. Những tên côn đồ hiếu chiến, những kẻ cướp bóc, và những người di cư bất hợp pháp lang thang một cách tự do. Tuy nhiên, lại có nhiều công dân tham gia biểu tình tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/01 đã bị truy lùng và tuyên án tù dài hạn. Cựu thủ lĩnh Enrique Tarrio của Proud Boys đã bị kết án 22 năm, và ông ấy thậm chí không có mặt ở DC khi vụ xâm phạm vào tòa nhà Quốc hội xảy ra.
Cựu TT Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng Hòa cho cuộc bầu cử năm 2024, đã bị FBI sách nhiễu trong nhiều năm. Ông phải đối mặt với nhiều cáo trạng từ các công tố viên Đảng Dân Chủ, điều này sẽ cản trở chiến dịch tái tranh cử của ông. Giống như những người ủng hộ ông, ông khó có thể có những thẩm phán và bồi thẩm đoàn công tâm.
Các thể chế của Mỹ quốc được thiết lập nhằm bảo vệ công dân khỏi sự chuyên chế của cả số đông giận dữ và một nhóm thiểu số nắm giữ quyền lực. Đây không phải là lúc để cho tâm trí bị phân tán bởi những bất đồng về việc liệu Hoa Kỳ có thể được gọi một cách chính đáng là một “ nền cộng hòa” hay một “nền dân chủ” hay không. Điều này sẽ cần có nỗ lực đồng lòng từ những người yêu nước để bảo đảm rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ được bảo tồn.
William Brooks _ Doanh Doanh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.