Có một chú cáo bị mắc bẫy, cuối cùng cũng thoát được sau nhiều lần vùng vẫy đau đớn. Tuy nhiên, chú phải bỏ lại chiếc đuôi ngoe nguẩy xinh đẹp của mình.
Trong suốt một thời gian dài, chú tránh xa khỏi những con cáo khác, bởi vì chú biết rõ rằng tất cả bọn họ đều sẽ chế giễu, trêu đùa và cười nhạo sau lưng chú. Nhưng thật khó để sống một mình, và cuối cùng chú nghĩ ra một kế mà có lẽ sẽ giúp chú thoát khỏi rắc rối này.
Chú triệu tập một cuộc họp với tất cả cáo khác, nói rằng chú có điều rất quan trọng cần báo cho cả bầy biết.
Khi tất cả tề tựu đầy đủ, Cáo Cụt Đuôi đứng lên và đọc một bài diễn văn dài nói về những chú cáo bị thương tổn vì chiếc đuôi của mình.
Có con từng bị chó săn vồ khi đuôi vướng vào hàng rào. Có con không thể chạy đủ nhanh bởi vì sức nặng của chiếc đuôi.
Ngoài ra, như ai cũng biết, cáo ta nói, rằng loài người săn bắt cáo chỉ vì chiếc đuôi của chúng, là thứ họ cắt ra để làm chiến lợi phẩm cho cuộc đi săn. Với những bằng chứng về sự nguy hiểm và vô dụng như vậy khi có chiếc đuôi, Cáo Thông Thái nói rằng, chú khuyên tất cả cáo hãy cắt bỏ đuôi, nếu chúng quý trọng mạng sống và muốn được an toàn.
Khi vừa nói xong, một Cáo Già đứng dậy, mỉm cười và nói: “Cáo Thông Thái hỡi, vui lòng quay mình một chút, và ngài sẽ có được câu trả lời cho mình.”
Khi Cáo Cụt Đuôi tội nghiệp xoay người lại, một tràng những lời chế nhạo và la hét vang lên, đến mức chú nhận thấy thật vô dụng làm sao khi tiếp tục cố gắng thuyết phục những con cáo khác từ bỏ chiếc đuôi của mình.
Đừng nghe lời khuyên của kẻ muốn tìm cách hạ thấp bạn ngang tầm với họ.
Câu chuyện ngụ ngôn này được tái xuất bản từ sách điện tử “The Aesop for Children (Truyện Ngụ Ngôn Aesop dành cho Trẻ Em)” năm 1919 thuộc dự án số hóa The Project Gutenberg.
Aesop (khoảng năm 620–564 trước Công nguyên) là một nhà kể chuyện Hy Lạp được biết đến với rất nhiều những truyện ngụ ngôn, hiện nay được gọi chung là “Truyện ngụ ngôn Aesop.” Những câu chuyện của ông, cùng với giá trị đạo đức trong đó, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hoá và văn minh của chúng ta, không chỉ góp phần giáo dục và vun bồi nhân cách cho trẻ em, cùng với sức hấp dẫn phổ quát, những câu chuyện còn giúp người lớn nhìn nhận lại mình, lựa chọn giữ lấy đức hạnh hay lưu tâm những cảnh báo ẩn ý.
Hoàng Long
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.