Một nghiên cứu cho thấy rằng những người tham gia dành 15 phút mỗi ngày để suy xét về tương lai lý tưởng của họ sẽ giúp gia tăng mức độ lạc quan
Nếu bạn được yêu cầu phải lựa chọn một từ ngữ để miêu tả về thời đại mà chúng ta đang sinh sống, thì đó sẽ là từ ngữ gì? Bạn có thể cho đó là căng thẳng, bức bối, hoặc mệt mỏi tất cả chúng đều chính xác, chắc chắn là như vậy.
Còn đối với tôi, tôi sẽ chọn tính từ “hỗn loạn.” Nếu bạn từng ở trên một phi cơ gặp nhiễu loạn không khí, thì bạn đã quá quen thuộc với ý nghĩa của từ ngữ này. Khi mà chiếc phi cơ rung lắc và lao xuống dưới trong điều kiện thời tiết xấu, lượng adrenaline của bạn sẽ tăng vọt, bao tử cồn cào, còn trái tim thì đập liên hồi.
Đó là một sự miêu tả chính xác về những gì mà hầu hết chúng ta đã trải qua trong những năm gần đây, khi mà chúng ta phải chịu đựng những vụ hỗn loạn, biến động chính trị, và bất ổn xã hội do đại dịch gây ra.
Hãy thêm vào cuộc thảo luận này một từ ngữ khác mà chúng ta thật sự rất cần trong thời kỳ hỗn loạn này: an lòng. Đây là đặc tính của nội tâm an hòa, bình tĩnh, và thanh thản giúp cho chúng ta vững vàng qua những nghịch cảnh thăng trầm. Liệu có thể thật sự tìm thấy sự an lòng giữa cuộc sống hiện đại bất định và rối loạn này không? Câu trả lời chắc chắn là có!
Là một chuyên gia có 35 năm kinh nghiệm về sức khỏe tâm thần, tôi đã tư vấn cho hàng ngàn người đang đương đầu với chứng trầm cảm, lo âu, nghiện ngập, và nhiều loại phiền não khác nữa. Những người sẵn sàng tham gia vào quá trình chữa lành này đã trải nghiệm được sự an lòng sâu sắc mà họ chưa từng có trước đây.
Có hai điểm cơ bản quan trọng cần hiểu rõ.
Thứ nhất, sự an lòng là một công việc của nội tâm. Nhiều người khao khát có được nội tâm an hòa nhưng họ không đạt được bởi vì họ tìm không đúng chỗ. Nếu bạn tìm kiếm một thứ gì đó ở bên ngoài bên ngoài chính bản thân mình để mang đến sự an lòng, thì bạn sẽ luôn phải đi tìm mà thôi. Cảm giác an lòng thực sự không liên quan gì với những thứ mà bạn sở hữu; bằng chứng là thực tế, chúng ta có thể tìm thấy nhiều người không hạnh phúc hiện diện ở mọi nấc thang kinh tế và ở bất kỳ chức vụ công việc, danh mục đầu tư, và bộ sưu tập tài sản nào. Sự an lòng chân thực liên quan mật thiết đến sức khỏe cảm xúc và tinh thần. Điều đó luôn luôn đến từ bên trong con người chúng ta.
Thứ hai, sự an lòng là một kỹ năng có được thông qua rèn giũa. Vì tôi được nuôi dạy trong một gia đình thường xuyên đọc Kinh Thánh, nên tôi luôn ngưỡng mộ viễn cảnh mà sứ đồ Paul đã chia sẻ trong sách Thư gửi tín hữu Phi-líp đoạn 4:11-12:
“Vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được.”
Chúng ta có thể học cách để hài lòng với mọi thứ, dù cho gặp phải sự hỗn loạn ra sao. Tất cả chúng ta được sinh ra trong thế giới với sự thiếu thốn và đầy dục vọng, và nhiều người đã sống theo cách đó trong suốt cuộc đời của họ. Tuy nhiên, những người tìm được sự mãn nguyện hiểu rằng hạnh phúc và sự đầy đủ đến từ những lựa chọn mà chúng ta đưa ra cũng như những bài học mà chúng ta lý giải được.
Hãy xem xét các cách cụ thể mà chúng ta có thể học để đạt được cảm giác an lòng.
Thực hành lòng biết ơn
Nói đơn giản, lòng biết ơn nuôi dưỡng sự lạc quan, hy vọng, và tính kiên cường. Đó là lý do tại sao thật khó để nghĩ ra một phương pháp chữa trị nào tốt hơn việc giữ gìn lòng biết ơn.
Tóm tắt các kết quả của một nghiên cứu lâu năm tìm hiểu về những tác dụng của việc thực hành biết ơn hàng ngày, các nhà nghiên cứu của Trường Y Khoa Harvard cho hay, “Trong nghiên cứu tâm lý học tích cực, lòng biết ơn có liên kết mạnh mẽ và nhất quán với mức độ hạnh phúc cao hơn. Lòng biết ơn giúp người ta cảm nhận được nhiều cảm xúc tích cực hơn, tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, khả năng ứng phó với nghịch cảnh, và xây dựng những mối quan hệ bền vững.”
Lòng biết ơn có thể gia tăng theo cấp số nhân bạn càng lựa chọn biết ơn, thì bạn càng tìm thấy nhiều điều để biết ơn hơn. Một thái độ biết ơn sẽ mở ra cánh cửa trải nghiệm cuộc sống viên mãn và phát triển một tâm hồn bình yên. Hãy quan sát thật kỹ vô số điều tốt đẹp mà bạn yêu thích nhưng thường không chú ý tới. Hãy chủ động dành thời gian nuôi dưỡng lòng biết ơn, và quan sát cách thức mà nó cải thiện mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn.
Tham gia các hoạt động bổ ích
Một phần quan trọng của việc tự chăm sóc bản thân lành mạnh đó là tiếp tục tham gia các hoạt động nuôi dưỡng con người bạn và những công việc đem đến nguồn vui cho bạn.
Hãy dành một chút thời gian để xác định rồi viết ra năm hoạt động mang đến niềm vui cho bạn. Chẳng hạn như đi xem phim? Ăn trưa với bạn? Dành trọn một ngày tham quan bảo tàng, sở thú, công viên, hoặc chơi golf? Sau đó, bắt đầu đặt lịch trình cho những hoạt động này. Duy trì niềm vui của mình không phải là ích kỷ; điều này cần thiết cho sức khỏe của bạn.
Tận dụng sự trợ giúp
Cảm giác bất mãn có thể khiến bạn cảm thấy bị cô lập và đơn độc. Tuy nhiên xung quanh bạn có rất nhiều người sống lành mạnh, sẵn sàng chia sẻ hành trình với bạn.
Các nghiên cứu cho thấy rằng sự hỗ trợ xã hội có thể giúp bạn xây dựng tính kiên cường trước áp lực và mang đến cho bạn những ý tưởng thực tế để ứng phó với căng thẳng và nỗi thất vọng.
Đừng ngần ngại tìm đến một người bạn thân thiết, chuyên gia tư vấn, hay người cố vấn để nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau một cách liên tục. Những người như vậy cũng có thể giới thiệu bạn đến với các nhóm và nguồn lực tương tự mà cho phép thành viên thổ lộ nỗi lo của họ và khích lệ lẫn nhau. Những mối quan hệ tương trợ mang đến cho bạn một phương thức lành mạnh để giải quyết cảm xúc và tiếp thêm sức mạnh cho bạn để đối mặt với những thử thách phía trước.
Hình dung về phiên bản tích cực nhất của mình
Ngẫm nghĩ về các mục tiêu và ước mơ của mình, và hãy tưởng tượng rằng mọi thứ sẽ diễn ra theo viễn cảnh tốt đẹp nhất. Sau đó, dành thêm năm phút nữa để hình dung một cách sống động nhất có thể về tương lai tốt đẹp này, với thật nhiều chi tiết.
Bài tập này không chỉ là một cuộc trò chuyện truyền cảm hứng với chính mình; mà bạn sẽ rèn luyện lại tư duy và định hướng lại những suy nghĩ của mình. Một nghiên cứu được đăng trên Journal of Behavior Therapy and Experimental Psychiatry (Tạp chí Trị liệu Hành vi và Tâm thần học Thực nghiệm) đã chứng minh rằng bài tập này giúp gia tăng mức độ lạc quan của những người tham gia.
Điều hướng suy nghĩ của mình
Chắc chắn rằng, những gì bạn nghĩ trong đầu sẽ thể hiện ra trong hành động, thái độ, và hoài bão của bạn.
Những suy nghĩ của bạn thông điệp mà bạn nói với chính mình vào mỗi thời khắc hằng ngày ảnh hưởng một cách sâu sắc và mạnh mẽ đến mọi khía cạnh khác trong cuộc sống. Những gì mà bạn nói với chính mình về bản thân có thể tác động toàn diện đến hạnh phúc, các mối quan hệ, sự nghiệp, việc nuôi dạy con, sức khỏe tinh thần, và cả sức khỏe thể chất của bạn.
Điều này có thể đưa đến kết quả cả tốt lẫn xấu: Nếu tư tưởng của bạn luôn luôn kiên định, lạc quan, và mang tính xây dựng, thì cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực. Nhưng nếu tư tưởng của bạn gắn liền với tiêu cực, bi quan và phá hoại, thì cuộc đời của bạn sẽ tuột dốc theo chiều hướng bi quan.
Thực hành tha thứ
Việc ôm giữ nỗi đau chính là liều độc dược dành cho trái tim và tâm hồn. Tha thứ cho một ai đó đã làm bạn tổn thương là điều không dễ dàng, tuy nhiên việc thực hiện quá trình này sẽ giúp loại bỏ một rào cản lớn trên con đường hướng tới sự viên mãn của bạn.
Những người tìm đến tư vấn tại phòng khám mà tôi điều hành thường ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về những mối quan hệ bất hòa và nỗi oán hận trong cuộc sống của họ. Họ không nhìn thấy được mối liên kết giữa nỗi đau tinh thần và những xung đột chưa được giải quyết với người xung quanh. Tuy nhiên kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng việc ôm chặt những sai lầm và nỗi đau cảm xúc là một phương thức rất hiệu quả (và bất hạnh) để trừng phạt chính bản thân bạn. Tha thứ giúp bạn tự do.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học xã hội chứng minh về những lợi ích của sự tha thứ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
“Bất kể là bạn phải chịu đựng một lời khiển trách nhỏ hoặc là một lời chê trách nặng nề, việc học cách tha thứ cho những người đã làm bạn tổn thương sẽ cải thiện đáng kể cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn,” trích từ một bài báo do American Psychological Association (Hiệp hội Tâm lý học Mỹ quốc) phát hành. “Nghiên cứu đã cho thấy rằng sự tha thứ có liên kết với các kết quả về sức khỏe tâm thần như là giảm lo âu, trầm cảm, và các rối loạn tâm thần quan trọng, cũng như giảm thiểu các triệu chứng về sức khỏe thể chất và tỷ lệ tử vong thấp hơn.”
Tối ưu hóa sự lạc quan của bạn
Một trong những nhân tố chính quyết định trạng thái này tinh thần này là học cách lạc quan. Trong một thế giới đầy rẫy những bi quan, tiêu cực, việc này là cả một sự thử thách.
May mắn thay, tất cả chúng ta đều có quyền hy vọng và có thể chọn hy vọng làm cách tiếp cận chủ yếu với cuộc sống. Đây là cấu trúc tư duy và cảm xúc sẽ trợ giúp cho sự an lòng, ngay cả khi những cơn gió tiêu cực thổi bay nó đi. Một cái nhìn lạc quan sẽ trao sức mạnh cho bạn để vượt lên trên những hoàn cảnh khó khăn.
Liệu bạn có biết người nào có thái độ tuyệt vời, ngay cả khi họ trải qua những điều khủng khiếp? Bạn có biết người nào mà hạnh phúc của họ dường như là không bị ảnh hưởng bởi những thách thức của cuộc sống? Những người lạc quan này có một điểm chung: Mỗi ngày họ lựa chọn tìm thấy những mặt tốt đẹp của cuộc sống, ngay cả trong những hoàn cảnh rất khó khăn.
Và bạn cũng có thể lựa chọn cách sống với sự hài lòng, mỗi ngày, trong từng khoảnh khắc như vậy.
Gregory Jantz _ Hoàng Long
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.