Friday, December 22, 2023

Tiền bạc đang leo thang và gây tổn hại trong nền chính trị Hoa Kỳ

 BM

Khi số tiền được bơm vào các chiến dịch chính trị ngày càng tăng, thì tác động tai hại của tiền bạc đối với các chính trị gia và chính sách của họ cũng tăng theo.


Theo dự đoán mới nhất thu được từ GroupM và do Axios báo cáo hôm 08/12, chi tiêu chính trị cho quảng cáo trên đài phát thanh và truyền hình sẽ đạt 15.9 tỷ USD trong chu kỳ bầu cử tổng thống năm 2024 và có thể vượt quá 17 tỷ USD nếu quý vị tính cả các chiến dịch quảng cáo qua thư trực tiếp.


Đó là mức tăng 31.2% so với cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.


Chu kỳ bầu cử tổng thống năm 2024 được dự đoán là chu kỳ bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.


BM

Cho đến nay, chỉ riêng ba nhà tài trợ lớn nhất cho bốn ứng cử viên tổng thống có triển vọng đã đóng góp tổng cộng hơn 41 triệu USD để tài trợ cho các chiến dịch của ứng cử viên họ chọn.


Mặc dù vẫn chưa có dự báo về mức chi tiêu dự kiến vào năm 2024, chuyên gia tài chính chiến dịch tranh cử Dan McMillan lưu ý rằng tổng chi tiêu cho các chiến dịch năm 2016 là 7 tỷ USD, và con số này đã tăng gấp đôi lên 14.4 tỷ USD vào năm 2020. Vì vậy, ông nói, chi tiêu vào năm 2024 “sẽ phá vỡ kỷ lục trước đó.”


Ông McMillan, cũng là người sáng lập tổ chức Save Democracy in America, cho biết các cử tri đã thể hiện rất rõ rằng họ phản đối ảnh hưởng ngày càng tăng của việc chi tiêu tiền cho các cuộc bầu cử ở Mỹ.


‘Người tốt khó ra tranh cử’


BM

Cuộc khảo sát do Pew Research thực hiện hôm 23/10 cho thấy 72% số người Mỹ được hỏi cho rằng “nên có giới hạn về số tiền các cá nhân và tổ chức có thể chi tiêu cho các chiến dịch chính trị” và 58% số người được hỏi cho rằng có thể áp đặt luật nhằm hạn chế ảnh hưởng của tiền trong các cuộc bầu cử.

Một khối đa số áp đảo những người được hỏi: 85% cho rằng chi phí cao của các chiến dịch chính trị “khiến những người tốt khó ra tranh cử.”


Một khảo sát tháng Bảy do Target Smart for Democracy America thực hiện cho thấy đa số cử tri ở New Hampshire đều rất không hài lòng (71%) hoặc có phần không hài lòng (19%) với tình hình chính trị Mỹ hiện tại.


Dữ liệu cho thấy mức độ không hài lòng có liên quan trực tiếp đến “ảnh hưởng làm tha hóa” của tiền bạc. Phần lớn những người được khảo sát cho biết họ rất lo ngại (65%) hoặc hơi lo ngại (27%) về số tiền được chi cho các cuộc bầu cử ở Mỹ.


Ngoài ra, đại đa số người được hỏi cho biết họ rất lo ngại (71%) hoặc hơi lo ngại (21%) rằng các nhà tài trợ lớn lại là những người đang tài trợ cho các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.


Cuộc khảo sát cũng tiết lộ rằng 90% cử tri ở New Hampshire tin rằng số tiền lớn như vậy là một sự nhạo báng đối với lý tưởng Mỹ rằng chính phủ nên “do người dân” và 84% cho biết các chính trị gia phớt lờ cử tri Mỹ và “chỉ lắng nghe những nhà tài trợ lớn tài trợ cho chiến dịch của họ.”


BM

Một nghiên cứu do ông Mohammed Saaida thực hiện và được Research Gate phát hành hồi tháng Mười Một, tên là “Ảnh hưởng của Tiền bạc trong Chính trị” (The Influence of Money in Politics) khẳng định ảnh hưởng mang tính kiểm soát mà người giàu có thể có đối với các chính trị gia và chính sách.


“Sự tập trung của cải có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống chính trị,” ông viết, giải thích rằng các cá nhân và tập đoàn giàu có có thể sử dụng tài sản của mình để tác động đến tiến trình chính trị, chọn ứng cử viên chính trị, tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của họ, và vận động hành lang cho các chính sách phù hợp với lợi ích của họ.

BM

Ông viết, “Khi lợi ích của một số ít người giàu được ưu tiên hơn nhu cầu của đa số, kết quả là một hệ thống kéo dài sự bất bình đẳng và không giải quyết được các vấn đề xã hội cấp bách.”


“Khi một nhóm nhỏ gồm các cá nhân hoặc tập đoàn giàu có có thể định hình bối cảnh chính trị để phục vụ cho lợi ích của họ, thì các nguyên tắc đại diện bình đẳng và quản trị công bằng sẽ bị xâm phạm.”


Một trong những điều rút ra lớn nhất mà ông McMillan cho biết ông hy vọng rằng mọi người sẽ rút ra được từ các chu kỳ bầu cử trước đây khi năm 2024 cận kề là chi phí cho các chiến dịch tranh cử đã “tăng vọt theo đúng nghĩa đen trong mười năm qua.”


Ông nói, “Điều này có nghĩa là thiệt hại do tiền gây ra đối với hệ thống chính trị của chúng ta và cách tiền bạc tước đi quyền bầu cử của cử tri cũng tăng lên đáng kể.”


Mặc dù nhiều người đã nhận thức được ảnh hưởng ngày càng tăng của tiền tranh cử trong nhiều năm, nhưng “giờ đây đó là vấn đề lớn hơn nhiều.”


“Tôi đã có khoảnh khắc phát hiện ra vấn đề này vào đầu năm nay,” ông nói. “Ngay cả những người làm việc trong lĩnh vực chính trị và nghiên cứu chính trị cũng đã đánh giá thấp tổn thất mà tiền bạc gây ra bởi vì phần lớn thiệt hại không phải là sự mua bán ảnh hưởng rõ rệt.”


“Phần lớn thiệt hại là không thể nhìn thấy được,” ông nói. “Bởi vì những thiệt hại không thấy được đó là dựa trên những ý tưởng hay mà chúng ta sẽ không được nghe và dựa trên những ứng cử viên tiềm năng mà sẽ không bao giờ ra tranh cử vì họ không thể thu hút được đủ sự ủng hộ để bắt đầu chiến dịch.”


Ông McMillan cho biết, trong khi những ứng cử viên có ý tưởng hay nhưng không thể tìm được nhà tài trợ có túi tiền dồi dào dần chìm vào quên lãng, thì những ứng viên tìm cách bảo đảm được sự ủng hộ tài chính “rõ ràng là sẽ tự kiểm duyệt bản thân mình trước để tránh việc làm một nhà tài trợ tiềm năng xa lánh.”


Trên thực tế, ông nói rằng chính các nhà tài trợ là người “chọn những ứng cử viên mà chúng ta được phép bỏ phiếu và họ giới hạn những chính sách mà ứng cử viên được phép tranh đấu để có được và thực thi nếu họ đắc cử.”


Ông nói, khi một chính trị gia đến Hoa Thịnh Đốn, họ sẽ trở nên quá phụ thuộc vào việc những nhà tài trợ đó tiếp tục gửi tiền cho họ để tái tranh cử đến nỗi họ không thể giải quyết các vấn đề của đất nước vì sợ “làm nhà tài trợ này hay nhà tài trợ kia xa lánh.”


BM


“Tình trạng này đã đưa chúng ta đến điểm mà chính phủ của chúng ta hầu như mỗi tuần đều chạm đến một cột mốc mới về tình trạng rối loạn chức năng,” ông nói, nhớ lại cách mà “chúng ta đã tiến gần đến việc vỡ nợ quốc gia.”


Ông nói, “Chúng ta đang thâm hụt 2 ngàn tỷ USD và không ai trong cả hai đảng thậm chí còn nói về ý tưởng chúng ta phải cân bằng ngân sách như thế nào nữa.”


Ông nói thêm, “Nhu cầu làm hài lòng nhà tài trợ đã làm tê liệt các ứng cử viên của cả hai đảng.” Thay vì đề ra các giải pháp tích cực, các ứng cử viên tấn công những đối thủ của họ để “khuấy động cơ sở cử tri của họ và kiếm lợi từ các khoản quyên góp nhỏ.”


Quảng cáo bôi nhọ


BM


Ông McMillan cũng lưu ý rằng các chiến dịch chính trị đã đi chệch hướng như thế nào khỏi mục tiêu xoay quanh các ứng cử viên sẽ cải thiện cuộc sống của người Mỹ như thế nào, và thay vì thế tập trung vào những nỗ lực hạ bệ đối thủ của mình bằng các chiến dịch bôi nhọ.


Never Back Down, Đại Ủy ban Hành động Chính trị (Super PAC) hậu thuẫn cho Thống đốc Florida Ron DeSantis (Cộng Hòa), đã công bố một quảng cáo tấn công tàn bạo vào cựu Tổng thống Donald Trump, cáo buộc ông bắt chước chiến thuật của Đảng Dân Chủ.


Một quảng cáo tấn công khác của Never Back Down đã sử dụng giọng nói do AI tạo ra để bắt chước giọng của Tổng thống Trump nhằm tấn công Thống đốc Iowa Kim Reynolds (Cộng Hòa).


BM


Trong một bài đăng hôm 05/06 trên X, trước đây là Twitter, trương mục DeSantis War Room đã cho ra mắt một quảng cáo tấn công cựu Tổng thống Trump bằng cách sử dụng hình ảnh do AI tạo ra cho thấy ông ôm hôn Tiến sĩ Anthony Fauci, và nói rằng, “ông Donald Trump đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với mọi nhà bằng cách SA THẢI vô số người *trên truyền hình* Nhưng khi nói đến ông Fauci…”


Một ủy ban hành động chính trị lớn ủng hộ cựu Tổng thống Trump, MAGA War Room, đã phát hành một quảng cáo tấn công ông DeSantis, cáo buộc ông đã bỏ phiếu ủng hộ cắt giảm An sinh Xã hội và Medicare cũng như tăng tuổi về hưu lên 70 khi ông còn là một nghị sĩ Hoa Kỳ.


BM


Cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie (Cộng Hòa) đã phát hành quảng cáo tấn công cả cựu Thống đốc South Carolina Nikki Haley (Cộng Hòa) và ông DeSantis vì đã không công kích cựu Tổng thống Trump.


BM


Nỗ lực ngăn cản cựu Tổng thống Trump giành được nhiệm kỳ thứ hai tại Tòa Bạch Ốc, cựu Dân biểu Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming) đã phát hành quảng cáo chính trị của riêng mình để tấn công ông Trump.


Những quảng cáo bôi nhọ là “một trong những điều khủng khiếp nhất đã xảy ra,” ông McMillan cho biết và nói thêm rằng ông nghe thấy những lời phàn nàn từ cử tri Mỹ ở cả hai đảng rằng “họ nhận được những quảng cáo này và tất cả những gì các ứng cử viên làm là hạ bệ đối thủ mà không nói họ sẽ làm gì cho người Mỹ.”




Patricia Tolson  _  Vân Du

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.