Giấc mơ về lượng phát thải khí carbon bằng 0 (net-zero) và viễn cảnh về việc che phủ hàng trăm triệu mẫu đất ở Mỹ bằng tua-bin gió và tấm pin mặt trời đang xung đột với thực tế rằng hầu hết đất đai ở Mỹ đều thuộc sở hữu tư nhân và rất nhiều người Mỹ không mong muốn có những cơ sở công nghiệp đồ sộ này ở gần nhà của họ.
Tuy nhiên điều đó có thể chỉ là một trở ngại tạm thời.
Bà Margaret Byfield, giám đốc điều hành của American Stewards of Liberty, một tổ chức bất vụ lợi về quyền nhà đất, nói : “Có một nỗ lực lớn dưới chính phủ Tổng thống Biden nhằm củng cố quyền lực đối với đất đai và tài nguyên, bởi vì bất cứ ai sở hữu đất đai và tài nguyên của một quốc gia đều sẽ kiểm soát người dân.”
Từng là một chủ trang trại ở Neva, bà bị kéo vào một cuộc chiến kéo dài hàng thập niên’ với các cơ quan liên bang để giành quyền kiểm soát vùng đất của mình, và cuối cùng bà đã thua.
Ngày nay, bà dự đoán một cuộc xâm chiếm đất đai khác sắp diễn ra dưới hình thức Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal) và ngành năng lượng tái tạo.
Các nhà phân tích suy đoán rằng để đạt được mục tiêu lượng phát thải bằng 0 và xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, những vùng đất rộng lớn sẽ phải được chuyển đổi sang sử dụng trong ngành.
Rộng hơn cả Texas
Bà Katharine Hayhoe, nhà khoa học chính của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (TNC), một tổ chức ủng hộ năng lượng tái tạo, cho biết: “Với các phương pháp xác định địa điểm hiện tại, cần có một khu vực có diện tích bằng Texas để đáp ứng cơ sở hạ tầng cho phong năng và quang năng, chúng ta cần đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn quốc vào năm 2050.”
Theo báo cáo tháng Năm của TNC, để đạt được mục tiêu lượng phát thải carbon dioxide (CO2) bằng 0 vào năm 2050 thì sẽ đòi hỏi phải sử dụng hơn 250,000 dặm vuông đất, tương đương 160 triệu mẫu Anh.
Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo lạc quan rằng mức sử dụng đất có thể giảm xuống với diện tích bằng Arizona nếu ngành năng lượng tái tạo này tuân theo quy trình “giảm tác động” của TNC.
Những kế hoạch lớn này đang bị cản trở bởi thực tế là 70% đất đai của 48 tiểu bang liền kề, tương đương 1.3 tỷ mẫu Anh, hiện thuộc sở hữu tư nhân, và các chủ sở hữu đất đó thường từ chối cho phép lắp đặt các tấm pin mặt trời, tua-bin gió, đường dây điện, và các ống carbon.
Theo Cơ sở dữ liệu về Từ chối Năng lượng Tái tạo, do ký giả và là tác giả Robert Bryce biên soạn, cho đến nay, hơn 600 cộng đồng trên khắp Hoa Kỳ đã ngăn chặn hoặc cấm các dự án lớn về quang năng và phong năng cũng như các dự án năng lượng tái tạo khác mà họ tin rằng sẽ gây hại cho môi trường địa phương.
“Đó là giá trị nhà đất, đó là việc duy trì đặc điểm của các khu dân cư trong thị trấn của họ, trong quận của họ,” ông Bryce nói . “Và đây là điều đã xảy ra từ Maine đến Hawaii.”
Quyền trưng thu
Tuy nhiên, đối với ngành có phát thải ròng bằng 0, việc tập trung quyền về đất đai có thể giải quyết được vấn đề này.
Một báo cáo năm 2020 của giảng viên Khoa Luật Vanderbilt, ông J.B. Ruhl và ông James Salzman, cho thấy rằng “các mục tiêu cơ sở hạ tầng nhiều phương diện của Thỏa thuận Xanh Mới sẽ không thể đạt được trong khung thời gian mong muốn nếu luật hiện hữu của liên bang, tiểu bang, và địa phương, và luật bảo vệ môi trường được áp dụng.”
“Doanh nghiệp, lao động, quyền về nhà đất, bảo vệ môi trường, và các lợi ích công lý xã hội sẽ sử dụng những luật này để trì hoãn tốc độ hoàn thành Thỏa thuận Xanh Mới xuống vô cùng chậm.”
“Bài tiểu luận này là lời kêu gọi chung tay vì nhu cầu tạo ra Luật Xanh Mới dành cho Thỏa thuận Xanh Mới.”
Các tác giả ủng hộ “các quy trình được sắp xếp hợp lý, có thứ bậc, cũng như việc sử dụng rộng rãi các quyền hạn trưng thu” để tăng tốc phát triển các dự án phong năng và quang năng.
Theo quan điểm này, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase & Co., một ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, cho biết trong một lá thư hồi tháng Tư gửi các cổ đông rằng các chính phủ, tập đoàn, và tổ chức phi chính phủ cần phải đoàn kết đằng sau một “khoản đầu tư toàn cầu dồi dào vào công nghệ năng lượng sạch.”
“Chúng ta thậm chí có thể sử dụng quyền trưng thu,” ông viết.
Niềm tin này đang gây được tiếng vang với các quan chức chính phủ, cả ở cấp liên bang và cả ở các tiểu bang tả khuynh.
Hồi tháng Mười Một, Cơ quan lập pháp Michigan do Đảng Dân Chủ kiểm soát đã thông qua một đạo luật nhằm giành quyền kiểm soát việc sử dụng đất từ các cộng đồng ở địa phương và trao quyền đó cho các quan chức tiểu bang đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Theo luật mới của Michigan, việc cấp phép cho các trang trại quang năng có công suất từ 50 MW trở lên; công trình phong năng có công suất từ 100 MW trở lên; và các cơ sở lưu trữ năng lượng có công suất từ 50 MW trở lên và công suất xả từ 200 MW trở lên giờ đây sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Ủy ban Dịch vụ Công cộng Michigan.
Điều này sẽ loại bỏ trở ngại trước sự phản kháng của địa phương đối với các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Theo một tuyên bố của Thượng nghị sĩ Michigan, ông John Damoose, một thành viên Đảng Cộng Hòa phản đối luật này, rằng những người thúc đẩy luật này “biết rằng các cộng đồng đều sẽ không muốn có nhiều trang trại gió và tấm pin mặt trời, vậy nên họ cần phải đưa ra nhiều dự luật hơn để cung cấp cho tiểu bang quyền cai trị đối với các cộng đồng địa phương.”
Có nhiều quyền trưng thu hơn
Ngoài thẩm quyền của chính phủ, các công ty tư nhân cũng đang tìm kiếm quyền lực để chiếm đất dưới danh nghĩa lượng phát thải ròng bằng 0.
Những người trong nội bộ cho biết, một trường hợp thử nghiệm về các dự án đường ống thu giữ carbon hiện đang diễn ra ở các tiểu bang miền Tây, trong đó các công ty tư nhân đang cố gắng chiếm đất của người dân bằng quyền trưng thu đất đai.
Hai công ty, Summit Carbon Solutions và Navigator CO2 Ventures, đang cố gắng xây dựng các đường ống tách giữ carbon xuyên qua năm tiểu bang phía Tây.
Dự án thu giữ carbon của Navigator, được gọi là Heartland Greenway, sẽ thu giữ 15 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm từ các nhà máy ethanol và đưa bằng đường ống đến nơi có thể chôn chúng ở độ sâu hàng ngàn feet dưới lòng đất.
Dự án được Summit Carbon Solutions khởi xướng có quy mô lớn hơn, dự kiến thu được 18 triệu tấn CO2.
Dự án sẽ kết nối với hơn 30 nhà máy ethanol ở Iowa, Nebraska, South Dakota, Minnesota, và North Dakota, nơi cuối cùng CO2 sẽ được cô lập.
Dưới thời chính phủ Tổng thống Trump, các công ty này lẽ ra sẽ nhận được khoản trợ cấp liên bang trị giá 50 USD cho mỗi tấn CO2 được thu giữ.
Theo Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden, các khoản trợ cấp này đã tăng lên 85 USD/tấn, ngoài những quyền lợi khác mà chủ sở hữu đường ống sẽ nhận được từ các nhà sản xuất ethanol.
Dân biểu Karla Lems của South Dakota nói: “Đó là dự án hao tiền tốn của vô ích, và có thể kiếm được rất nhiều tiền.”
“Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên thực sự đó là họ phải thực hiện đường ống này thông qua đất đai tư nhân.”
Cách để đạt được mục tiêu này là nhờ các công ty tự tuyên bố mình là “các hãng vận chuyển công cộng,” mà cái tên này trước đây vốn là tên gọi dành cho các công ty đường sắt, công ty cấp nước, và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên.
Việc chỉ định như vậy sẽ cho phép các công ty tư nhân lấy đất thuộc sở hữu tư nhân theo quyền trưng thu đất đai.
Theo bà Lems, hơn 150 chủ đất ở South Dakota đã nhận được giấy tờ của công ty Summit tuyên bố lấy một phần đất của họ, từ đó cho phép công ty này tiếp cận khu đất đó.
“Mối lo ngại lớn nhất của tôi là chúng ta đang tạo ra một tiền lệ,” bà nói. “Đây là quyền trưng thu đất đai vì lợi ích cá nhân.”
“Họ đến và nói, ‘Chúng tôi cần quyền đi qua đất đai của quý vị, và quý vị sẽ giao đất cho chúng tôi, bằng cách này hay cách khác, bởi vì chúng tôi là hãng vận chuyển công cộng và chúng tôi có quyền trưng thu đất đai.’”
Bà Lems cho biết, các công ty này đã tìm cách thương lượng với các chủ đất, “nhưng nói thẳng ra, họ có sẵn quyền trưng thu trong túi rồi, và họ không ngần ngại gì mà không sử dụng.”
Nếu đường ống thành công, “ngay sau đó sẽ là phong năng và quang năng.”
Navigator, được đại công ty quản lý đầu tư BlackRock sở hữu 84%, đã tạm dừng dự án của mình vì bị cộng đồng địa phương phản đối và được cho là đã không tìm cách lấy đất bằng quyền trưng thu.
Còn Summit thì đang tiếp tục đẩy mạnh dự án đường ống của mình.
Trong một lá thư gửi Thống đốc Kristi Noem của South Dakota, 22 đại diện của tiểu bang này nói rằng “Thỏa thuận Xanh Mới” được áp dụng cho South Dakota vì 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc không phù hợp với Tuyên ngôn Nhân quyền của chúng ta.”
Các nhà lập pháp tiểu bang viết: “Kiểu truyền đạt sai lệch rằng điểm ESG môi trường, xã hội, và quản trị gắn liền với điểm carbon ‘net-zero’ sẽ khắc phục những tổn thất do chủ nghĩa tư bản gây ra cho bản chất của các các nhà lập quốc của chúng ta.”
“Các công ty hưởng lợi từ các dự án này được đánh đổi bằng quyền sở hữu đất đai của người dân.”
Nhiều nhà lập pháp trong chính quyền các tiểu bang ủng hộ dự án này, và các nhà sản xuất ethanol cho biết họ cần tín chỉ carbon (carbon credit) mà đường ống sẽ cung cấp cho họ để tiếp tục hoạt động có lợi nhuận.
Tuy nhiên, những người chỉ trích dự án này đặt câu hỏi rằng tại sao ngành công nghiệp và cảnh quan địa phương phải được sắp xếp lại để đáp ứng các mục tiêu về sự nóng lên toàn cầu của chính phủ Biden và những người khác.
Bà Lems nói: “Áp lực chính trị để hoàn thành việc này thật là điên rồ.”
“Tại sao chúng ta phải tuân theo quy định của Diễn đàn Kinh tế Thế giới? Hãy thành lập một liên minh để nói rằng chúng ta sẽ không tuân theo những quy tắc đó; những quy tắc đó chẳng có ý nghĩa gì cả.”
Những người chỉ trích nghị trình net-zero nêu ra rằng tất cả số tiền được chi tiêu và đất đai được mua dưới danh nghĩa net-zero không thể thành công trong việc giảm nhiệt độ toàn cầu.
Quyền sở hữu đất đai và tự do chính trị
Ngoài việc thu mua đất cho nghị trình net-zero, chính phủ ông Biden còn công bố chương trình 30×30 của mình trong một sắc lệnh hành pháp hồi tháng 01/2021. Lệnh này nêu rõ rằng 30% đất và nước của Hoa Kỳ phải được để dành cho việc “bảo tồn” vào năm 2030.
Trong khi những người ủng hộ kế hoạch này mô tả điều này là “tự nguyện” và ở “cấp cơ sở,” còn những người phản đối lại coi đây là một vụ thâu tóm đất liên bang và lo ngại rằng điều này sẽ bao gồm các quy định mới của chính phủ đối với tài sản tư nhân.
Theo bà Byfield, các Tổ phụ lập quốc của Mỹ quốc muốn quyền sở hữu tư nhân về đất đai và tài sản bởi vì quyền sở hữu và quyền chính trị luôn đi đôi với nhau.
Bà cho biết rằng Bờ Đông phần lớn thuộc sở hữu tư nhân, nhưng đất đai ở phía Tây, nơi được phát triển theo những niềm tin khác, lại theo chế độ liên bang khoảng 50%.
“Các Tổ phụ lập quốc của chúng ta muốn có một sự tách bạch về quyền lực, có nghĩa là người dân, công dân, điền chủ nhỏ, gia tầng trung lưu, sẽ sở hữu tài nguyên thiên nhiên của chúng ta.”
“Và chúng ta hiện đang tiến tới sự củng cố quyền lực, và người dân có ít quyền lực nhất.”
Kevin Stocklin _ Tuệ Minh & Tuệ Chân
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.