Sự mong đợi của tôi một phần là do hơn hai năm bị hạn chế và phong tỏa do COVID. Chúng ta cũng chìm ngập trong các báo cáo về biến đổi khí hậu. Mùa hè vừa qua, chúng ta kinh hãi trước một đợt thời tiết nắng nóng, và từ “hạn hán” liên tục xuất hiện, cùng với “biến đổi khí hậu.” Kể từ đó, chúng ta có những trận mưa như trút nước. Giờ đây, mọi người lại nghe thấy những từ như “lũ lụt,” và dĩ nhiên là cả “biến đổi khí hậu.” Cùng với nguy cơ bị cuốn trôi, hiện nay những gì ta đang nghe là nỗi kinh hoàng của dịch cúm gia cầm!
Thế nên, Giáng Sinh chứng tỏ là thời gian để nghỉ ngơi, chữa lành và phục hồi tuyệt vời mà hầu hết chúng ta đều ao ước. Lễ Giáng Sinh cho chúng ta thời gian ở nhà, thời gian ở bên gia đình, thời gian để thư thái. Chà, hãy hy vọng như vậy; hãy hy vọng đó là tình huống của hầu hết mọi người.
Kinh Tin Kính Nicea
Có lẽ, tôi nên ngừng lý tưởng hóa Lễ Giáng Sinh; chẳng phải về căn bản nó luôn luôn có khiếm khuyết: bị mai một, bị thương mại hóa, những giá trị đích thực của Giáng Sinh đã bị hủy hoại? Giáng Sinh thực sự là gì? Ý nghĩa của dịp lễ này là gì? Vì sao mọi người lại mong chờ đến thế. Tóm lại, ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh là gì?
Những tín điều thường có xu hướng gây chia rẽ, nhưng tôi nghĩ trong trường hợp này, chúng ta có nhiều cơ hội để giải thích những điều này theo cách mà chúng ta muốn, dù là theo nghĩa đen, thần thoại, biểu tượng, hoặc tùy ý bạn.
Năm từ đơn giản là: “He came down from heaven” (Ngài đã từ trời xuống thế). Từ khóa trong câu là từ ở giữa: “xuống.” “Ngài đã từ trời xuống…” Lễ Giáng Sinh có nghĩa là “đi xuống.” Đó là hướng mà Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta.
Ngược lại, loài người mong muốn “đi lên”: tức là vươn lên, có nhiều hơn, trưởng thành hơn nữa. Nhưng Thiên Chúa thì giáng xuống. Con người đi lên thiên đàng bằng cái tôi của chính họ, đề cao tầm quan trọng của bản thân mình, và tìm thấy sự viên mãn lớn lao từ việc nỗ lực hoàn thành các công việc của chính họ.
Ngược lại, Thiên Chúa giáng hạ xuống, và đó là điều chúng ta phải ghi nhớ, vì đây là điều mà Giáng Sinh cho phép chúng ta làm: sống với con người thật của mình, quên đi những hình ảnh và dự đoán sai lầm về bản thân, đặc biệt là những gì chúng ta bận trên người để làm việc. Thay vào đó, chúng ta có thể đặt tất cả những điều ấy sang một bên, và thành thật (hoặc chân thật hơn) với chính mình bằng cách làm ít hơn, dành thời gian ở bên những người thân yêu và bày tỏ lòng biết ơn. Thật vậy, chính là bằng cách thư thái.
Trạng thái thực sự của chúng ta
Hơn mười năm trước, tôi nhớ khi mình từng cận kề với cái chết. Trước đó, tôi từng là một người mạnh mẽ, tự tin, dường như có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn, hoặc dành hết tâm trí để đạt được; tôi hiếm khi cảm nhận giới hạn của bản thân mình.
Nhưng khi tôi nằm đó trên giường bệnh, ngày càng yếu đi, cái tôi của tôi dần cạn kiệt và tôi bắt đầu thấy rằng “cánh tay phải của chính tôi không thể cứu rỗi tôi” [dùng theo một câu từ trong Thánh Thi 44.3]. Tôi cảm thấy bất lực.
Nếu tôi muốn sống sót và tồn tại, một sức mạnh nào khác sẽ cứu rỗi tôi. Và ở trong trạng thái đó cũng giống như một em bé yếu ớt, phụ thuộc và đó là điều mà Giáng Sinh hàng năm nhắc nhở chúng ta. Xét về vũ trụ, số mệnh và định mệnh, tất cả chúng ta đều là những đứa trẻ, phải tuân theo một quyền năng vĩ đại hơn và siêu việt hơn.
Lúc xuất viện, thật dễ dàng để quên đi mình từng thực sự tổn thương như thế nào khi cận kề với cái chết, cũng như để cho những thói quen cũ tự cho mình là quan trọng quay trở lại.
Do đó, bất kể đức tin của chúng ta là gì (vì Chúa hoặc Đạo đều tồn tại trong mọi tín ngưỡng, tìm thấy chúng ta dù chúng ta đang ở đâu), Lễ Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng Chúa giáng trần, một phần vì đó là cách Ngài gặp gỡ chúng ta, và một phần vì Chúa không có hoặc cần khoa trương hay tán tụng Ngài bởi những hình ảnh sai lạc. Chúa là thực tại, và chúng ta khao khát thực tại: được thật sự là chính mình mà không cần giả vờ.
Vì sao mọi người yêu quý thú cưng của họ? Bởi vì thú cưng của họ luôn chân thật, và tình cảm của chúng cũng vậy. Khi chú mèo của bạn muốn được vuốt ve, nó không cần phải giả vờ. Vì sao chúng ta lại yêu trẻ sơ sinh? Chúng ta gọi đó là sự ngây thơ, nhưng việc này cũng tương tự như nuôi thú cưng vậy: Khi em bé mỉm cười với bạn, đó là nụ cười chân thật. Không hề giả tạo.
Lễ Giáng Sinh là thời điểm cuối năm mà chúng ta được nhìn thấy em bé thực sự: em bé không có cái tôi, em bé mở lòng với mọi trải nghiệm, em bé sẵn sàng đón nhận mọi người (cha, mẹ, động vật nuôi, những con chiên, nhà thông thái, và tất cả), và em bé là người hoàn toàn dễ bị tổn thương: em là một món quà. Ôi chao!
Chúng ta không cần phải là một tín đồ Cơ Đốc mới nhận ra rằng đây là một điều gì đó đặc biệt; một người vô thần cũng có thể hiểu rõ rằng đây là câu chuyện phi thường có thể sưởi ấm tâm hồn.
Tất cả chúng ta hãy bước xuống từ ngọn núi bản ngã kiêu ngạo của mình và trở về với con người trẻ thơ của chúng ta: nghĩa là giống như một em bé. Nếu chúng ta có thể thực hiện điều này mọi lúc, thì thế giới này sẽ tốt đẹp hơn biết bao?
Có lẽ chỉ cần cố gắng vào dịp Lễ Giáng Sinh là đủ, ít nhất hãy làm điều đó vào thời điểm này trong năm.
Cầu mong ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh sẽ trở nên sống động trong trái tim và tâm trí của bạn khi bạn suy ngẫm về dòng chữ huy hoàng đó trong Kinh Tin Kính Nicene: “Ngài đã từ trời xuống thế.” Đi Xuống chính là Con Đường.
James Sale _ Thiên Ân
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.