Các phóng viên bị lưu vong hàng ngày phải đối mặt với các mối đe dọa làm hại thân thể, bỏ tù, quấy rối trực tuyến, và trả thù các thành viên trong gia đình.
Khi Trung cộng, Nga, và hàng chục chế độ độc tài siết chặt truyền thông, thì ngày càng nhiều ký giả bị buộc phải sống lưu vong. Nhưng một báo cáo mới cho thấy việc đưa tin từ các quốc gia dân chủ không thể bảo đảm tự do và an toàn cho họ.
Các ký giả “đang ngày càng phải đối mặt với mối đe dọa đàn áp xuyên quốc gia tại quê hương mới của họ ở ngoại quốc,” Freedom House, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết trong báo cáo mới nhất được công bố hôm 06/12.
Tổ chức nghiên cứu này đã ghi lại 112 vụ “đàn áp thân thể xuyên quốc gia” nhắm vào các ký giả trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2023. Báo cáo cho biết dữ liệu đó đại diện “chỉ cho một phần hiện tượng, vì nhiều vụ việc không được báo cáo hoặc để xác thực một cách chắc chắn thì vô cùng khó.”
Báo cáo nêu rõ, mặc dù sống ở ngoại quốc, nhưng các ký giả vẫn thường xuyên bị đe dọa làm hại thân thể, giam giữ, tra tấn, bôi nhọ, và “những nỗ lực khác làm suy sụp tinh thần và cam kết của họ đối với nghề nghiệp.” Báo cáo dẫn ra trường hợp của ký giả Jamal Khashoggi thuộc tờ Washington Post, một người chỉ trích chính phủ Saudi Arabia đã sống lưu vong ở Virginia trước khi bị sát hại bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul hồi năm 2018.
Quấy rối kỹ thuật số cũng là một trong những chiến thuật được các chế độ độc tài sử dụng. Báo cáo lưu ý rằng các nữ ký giả đưa tin về Trung cộng từ ngoại quốc cho biết thông tin cá nhân và địa điểm của họ đã được công bố trực tuyến.
Để bịt miệng ký giả, các chế độ độc tài đã tìm cách gây áp lực lên gia đình họ ở quê nhà. Một số phóng viên người Duy Ngô Nhĩ sống ở Hoa Kỳ nói với Freedom House rằng họ “hoặc bị mất hoặc buộc phải cắt đứt liên lạc với người nhà” ở vùng Tân Cương xa xôi của Trung cộng.
Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều nhóm thiểu số Hồi Giáo khác đã bị đưa đến một mạng lưới các trại tập trung rộng lớn ở Tân Cương và chịu tuyên truyền tẩy não với áp lực lớn, lao động cưỡng bức, và các hình thức lạm dụng khác. Chế độ cộng sản Trung cộng gọi đây là các trường cải tạo và kết nối cuộc đàn áp của họ với hoạt động chống khủng bố, nhưng Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác gán cho các hành động của Bắc Kinh là “diệt chủng.”
Báo cáo nêu rõ: “Chính quyền Trung cộng thường xuyên đe dọa và giam giữ người thân của các ký giả Duy Ngô Nhĩ lưu vong, thường khiến những ký giả này không có thông tin gì về nơi ở hoặc tình trạng của người thân.”
Ngoài Trung cộng, các quốc gia khác như Nga, Belarus, Saudi Arabia, Iran, Pakistan, và Cambodia cũng bị phát hiện nhắm mục tiêu vào các ký giả ở ngoại quốc. Báo cáo xác định trong thập niên qua, tổng cộng 26 chính phủ trên toàn thế giới đã tiến hành “đàn áp xuyên quốc gia” đối với các ký giả.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Freedom House Michael Abramowitz cho biết: “Chương mới nhất trong chiến lược độc tài ngày càng gia tăng là truy lùng những ký giả lưu vong nói lên sự thật về các ưu tiên, hành động, và hành vi sai trái của một chế độ.”
Tổ chức này kêu gọi các chính phủ dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự, và các tổ chức truyền thông giúp đỡ tốt hơn cho các ký giả sống lưu vong.
“Bất chấp những nguy hiểm phải đối mặt, các ký giả sống lưu vong vẫn cố gắng cung cấp thông tin trung thực về những hành vi lạm dụng do các chế độ hà khắc nhất thế giới gây ra, bao gồm những hành vi đối với khán giả tại những quốc gia đó,” báo cáo nêu rõ. “Công việc và sự an toàn của họ xứng đáng được chúng ta giúp đỡ.”
Cuộc đàn áp xuyên quốc gia
Báo cáo này được công bố vài giờ trước khi một phiên điều trần Quốc hội riêng biệt thảo luận về “sự đàn áp xuyên quốc gia và những kẻ độc tài nhắm vào những người bất đồng chính kiến ở ngoại quốc.” Các nhà lập pháp và các nhà hoạt động tại phiên điều trần đã nhấn mạnh chiến dịch do Đảng Cộng sản Trung cộng (ĐCS_TC) phát động.
Ông Abramowitz nói trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng Trung cộng là “quốc gia số một” về đàn áp xuyên quốc gia. Freedom House phát hiện ra rằng chính quyền Trung cộng chiếm khoảng 30% trong số hơn 800 trường hợp đàn áp xuyên quốc gia do 39 chính phủ ở 91 quốc gia thực hiện từ năm 2014 đến năm 2022 và các mục tiêu gồm có các ký giả, nhà hoạt động nhân quyền, và những người sống xa xứ khác.
Chủ tịch của ủy ban này, Thượng nghị sĩ Ben Cardin (Dân Chủ-Maryland), đã mô tả chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia của ĐCS_TC là “một trong những chiến dịch tinh vi nhất” trên thế giới.
“Tất nhiên, họ phủ nhận điều này,” ông Cardin nói về Bắc Kinh trong bài diễn văn khai mạc. “Họ đã nói, ‘Lời buộc tội đàn áp xuyên quốc gia là hoàn toàn vô căn cứ.’”
“Nhưng hãy nói điều đó với vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic có cha tham gia biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, hoặc cựu quân nhân người Mỹ gốc Á tranh cử vào Quốc hội ở New York, hoặc ký giả của Đài Châu Á Tự do sống ở Virginia. Bắc Kinh nhắm vào tất cả họ và những người thân của họ cố gắng lấy hồ sơ thuế, lắp camera trong nhà họ, theo dõi họ, tống giam thân nhân của họ ở Trung cộng.”
Ông Cardin đang đề cập đến những người bị nhắm mục tiêu trong một hoạt động bị cáo buộc là gián điệp mà Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho rằng có liên quan đến ĐCS_TC.
“Sự đàn áp này không chỉ được cảm nhận bởi những nạn nhân trực tiếp của các đặc vụ thuộc những chế độ này,” ông nói “Bằng cách truy lùng một hoặc hai người chỉ trích, họ gửi đi một thông điệp tới toàn bộ cộng đồng sống lưu vong: ‘Các vị không bao giờ được an toàn dù ở bất cứ đâu. Ngay cả khi các vị đang ở một quốc gia dân chủ. Ngay cả khi các vị được tị nạn chính trị.’”
Dorothy Li _ Cẩm An
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.