Là công dân nhập tịch duy nhất của Hoa Kỳ trở thành đệ nhất phu nhân, bà Melania Trump đã mô tả hành trình của chính mình và khuyến khích người nhập cư đóng góp cho xã hội Mỹ.
Trong lần xuất hiện hiếm có tại Lễ Nhập Tịch chào đón 25 công dân mới của Hoa Kỳ hôm 15/12, bà Melania Trump, cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, đã kể lại chặng đường đầy cam go của bà để trở thành công dân Hoa Kỳ.
“Đây là đặc ân của tôi để được hòa chung cùng đất nước vĩ đại này, Mỹ quốc, với quý vị,” phu nhân của cựu Tổng thống Donald Trump chia sẻ hôm 15/12 tại phòng bán nguyệt của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, “trước sự hiện diện của Tuyên ngôn Độc lập … được cho là một trong những tài liệu quan trọng nhất chưa từng có.”
“Quý vị là người Mỹ,” bà Melania Trump, vốn sinh ra ở Slovenia, nói với những công dân mới. “Hãy là ngọn hải đăng truyền cảm hứng cho con em quý vị và những người nối tiếp bước chân của quý vị. Cầu mong hành trình của quý vị tiếp tục tràn ngập những triển vọng vô tận. Và cầu mong những đóng góp của quý vị sẽ làm cho cấu trúc của quốc gia vĩ đại này trở nên phong phú.”
Bà Melania Trump mô tả những rào cản mà những người nhập cư hợp pháp phải đối mặt trong khi Tổng thống Đảng Dân Chủ Joe Biden đang bị quy trách nhiệm trước làn sóng nhập cư bất hợp pháp gia tăng gây gánh nặng cho các thành phố của Hoa Kỳ.
Cựu đệ nhất phu nhân xuất hiện trước công chúng trong lần hiếm có này sau khi nhận lời mời từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, cơ quan có tranh chấp với chồng bà, cựu Tổng thống Donald Trump, và cuộc tranh chấp này đã dẫn đến cuộc đột kích của FBI vào tư gia của ông ở Florida hồi tháng 08/2022.
Khó khăn trong việc có được quyền công dân
Hôm thứ Sáu (15/12), chuyên viên lưu trữ Hoa Kỳ Colleen Shogan, người trở thành người đứng đầu Cơ quan Lưu trữ Quốc gia hồi tháng Năm này, chín tháng sau cuộc đột kích của FBI, đã giới thiệu bà Melania Trump là “đệ nhất phu nhân duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ là một công dân nhập tịch.” Bà Shogan cho biết, vì vậy, bà Trump hiểu tầm quan trọng của buổi Lễ Nhập Tịch này.
Bà Melania Trump nói với các công dân mới, những người đến từ 25 quốc gia khác nhau, rằng giờ đây họ đều có chung trách nhiệm vì họ là người Mỹ: “Điều đó có nghĩa là quý vị tham gia tích cực vào tiến trình dân chủ và bảo vệ nền tự do của chúng ta. Điều đó cũng có nghĩa là quý vị làm gương và đóng góp cho xã hội của chúng ta.”
Bà cho rằng trở thành công dân nhập tịch là một quá trình “thay đổi cuộc sống” vốn đòi hỏi sự quyết tâm.
Bà mô tả hành trình trở thành công dân Hoa Kỳ của mình như một “mê cung” với những giấy tờ pháp lý.
Bà cho biết cha mẹ người Slovenia của bà đã truyền cảm hứng cho sự nghiệp thời trang và người mẫu của bà. “Mặc dù làm việc trong môi trường quốc tế có những quy tắc và quy định riêng, nhưng phải đến khi tôi chuyển đến thành phố New York vào năm 1996, hệ thống này mới thực sự thử thách được quyết tâm của tôi,” bà chia sẻ.
Nhận thấy rằng công nghệ thông tin không được phát triển tốt khi bà đang nỗ lực để nhập quốc tịch, bà Trump lúc đó đã thuê một luật sư để hướng dẫn “mạng lưới phức tạp” về pháp lý. Bà nói: “Việc này đã giúp tôi nhập quốc tịch thành công.” Đó là vào năm 2006.
Bà chia sẻ rằng kinh nghiệm này đã mở rộng tầm mắt của bà “về những thực tế khắc nghiệt mà mọi người phải đối mặt” khi họ cố gắng trở thành công dân Hoa Kỳ.
Buổi lễ tôn vinh những công dân mới nhập quốc tịch này được tổ chức cùng với lễ kỷ niệm Ngày Tuyên ngôn Nhân quyền thường niên của Cơ quan Lưu trữ.
Vào ngày 15/12/1791, Quốc hội đã phê chuẩn 10 điều tu chính đầu tiên của Hiến Pháp, được gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền. Năm 1941, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã yêu cầu chọn ngày 15/12 là “ngày tưởng nhớ những hành động dân chủ và hòa bình mà nhờ đó đã đạt được các quyền này.”
“Trong 232 năm, văn kiện mang tính bước ngoặt này đã bảo đảm sự tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí, hội họp, và quyền kiến nghị Chính phủ giải quyết những bất bình,” Cơ quan Lưu trữ Quốc gia lưu ý trong một thông cáo báo chí.
Janice Hisle _ Vân Sa
***
Đệ nhất phu nhân đặc biệt nhất trong lịch sử Mỹ
***
Những bài tựa đề có chữ "Trump" "Melania"
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.