Wednesday, December 13, 2023

5 dưỡng chất thường bị thiếu hụt ở người hiện đại

 BM

Thời nay, các sản phẩm sức khỏe rất đa dạng, với các chất bổ sung phổ biến như vitamin B, lutein, v.v… Tuy nhiên, theo bà Giản Tử Vân, chuyên gia dinh dưỡng y học chức năng đến từ Đài Loan, đây không phải là những chất dinh dưỡng thường thiếu trong cơ thể con người.


Trong chương trình “Health 1+1”, bà đã tóm tắt những quan sát lâm sàng trong quá trình xét nghiệm máu, nêu bật 5 chất dinh dưỡng hàng đầu thường bị thiếu hụt ở người và đưa ra hướng dẫn về cách bổ sung các chất dinh dưỡng này hiệu quả.


Bà Giản tin rằng, ngoài yếu tố di truyền và thể chất cá nhân, các yếu tố môi trường cũng là nguyên nhân quan trọng của tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng thời nay. Con người hiện đại sống trong môi trường ô nhiễm hơn, dẫn đến nhu cầu về chất dinh dưỡng của cơ thể ngày càng tăng. Ngoài ra, các phương pháp nông nghiệp hiện đại ưu tiên canh tác cây trồng ngắn ngày, dẫn đến thời gian đất không trồng trọt ngắn hơn và chất dinh dưỡng trong đất bị giảm sút. Do đó, hàm lượng dinh dưỡng của cây trồng đã giảm theo thời gian, cung cấp cho cơ thể con người lượng nguyên tố vi lượng thiết yếu ít hơn so với trước.


BM


Xét nghiệm máu là cách nhanh nhất để xác định xem cơ thể có thiếu chất dinh dưỡng nào đó hay không. Bà Giản lưu ý rằng sự suy giảm hệ miễn dịch, đặc trưng bởi cảm lạnh hoặc đau đầu thường xuyên hoặc gia tăng số lần bị các bệnh nhẹ, có thể là dấu hiệu của thiếu hụt dinh dưỡng. Trong những trường hợp như vậy, việc xét nghiệm máu là điều nên làm. Thông thường, các xét nghiệm này không chỉ cho thấy sự thiếu hụt của một chất dinh dưỡng mà còn nhiều chất dinh dưỡng khác.


Qua kinh nghiệm lâm sàng, bà Giản đã xác định được 5 chất dinh dưỡng thường bị thiếu hụt nhiều nhất ở người hiện đại:


1_ Vitamin D3


BM


Bà Giản cho rằng vitamin D3 thường là dưỡng chất bị thiếu hụt nhiều nhất trong cơ thể người. Tình trạng thiếu vitamin D3 thường không biểu hiện các triệu chứng rõ ràng và cơ thể có thể không có phản ứng rõ rệt ngay cả sau khi bổ sung. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy mức vitamin D3 trong cơ thể của những người bị rối loạn miễn dịch thấp hơn đáng kể so với người bình thường.


Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Scientific Reports (Báo cáo Khoa học) vào năm 2022 cho thấy trong một nhóm cựu quân nhân ở Hoa Kỳ, việc bổ sung vitamin D3 đã giúp giảm 20% tỷ lệ nhiễm COVID-19 và giảm 33% tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày sau khi nhiễm bệnh.


Tuy nhiên, việc lấy đủ vitamin D3 qua thực phẩm hoặc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể là một thách thức. Bà Giản cho biết để đạt được điều đó, người ta có thể cần ăn một lượng đáng kể nấm hương khô hoặc tắm nắng trực tiếp trong 15 đến 20 phút vào khoảng giữa trưa. Lựa chọn bổ sung vitamin D3 có thể là giải pháp thay thế thuận tiện hơn.


2_ Kẽm


BM


Các triệu chứng thiếu kẽm là gì? Bà Giản cho biết, ngoài việc dễ bị cảm lạnh hơn, các dấu hiệu thiếu kẽm có thể bao gồm móng tay mềm hoặc dễ gãy hơn, rụng tóc nhiều hơn, và các vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy.


Kẽm có trong hải sản và các loại hạt, nhưng hầu hết mọi người đều không ăn động vật có vỏ dù chỉ một lần mỗi tuần và lượng hạt ăn vào cũng không đủ. Ngoài ra, lối ăn uống hiện đại thường bao gồm quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ít vitamin và khoáng chất, góp phần gây ra tình trạng thiếu kẽm. Hơn nữa, việc ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể gây viêm đường tiêu hóa và cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng. Trong những trường hợp như vậy, bổ sung kẽm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sửa chữa niêm mạc đường tiêu hóa là điều quan trọng.


Một đánh giá nghiên cứu được công bố trên Tập san Frontiers in Nutrition (Lĩnh vực Dinh dưỡng) vào năm 2022 cho thấy những người lớn có khẩu phần ăn chứa hàm lượng kẽm cao có nguy cơ trầm cảm, tiểu đường loại 2 và ung thư đường tiêu hóa thấp hơn. Việc sử dụng chất bổ sung kẽm ở người lớn có liên quan đến việc cải thiện khả năng chống oxy hóa, nâng cao chất lượng tinh trùng và giảm nồng độ các dấu ấn viêm. Đối với trẻ em, bổ sung kẽm có thể làm giảm tỷ lệ tiêu chảy và viêm phổi, giải quyết các triệu chứng thiếu kẽm, và kích thích tăng trưởng.


3_ Vitamin C


BM


Thiếu hụt vitamin C cũng thường được quan sát thấy trong lâm sàng, với các triệu chứng bao gồm dễ bị cảm lạnh, viêm lợi và chảy máu, loét miệng thường xuyên, mệt mỏi và chán ăn. Thông thường, sự thiếu hụt đến từ việc không ăn đủ trái cây.


Bà Giản gợi ý nên ăn thêm ổi đỏ vì trong ổi chứa rất nhiều vitamin C, với hơn 200mg/100g. Để phòng ngừa cảm lạnh nói chung, nên bổ sung 500mg vitamin C mỗi ngày. Đối với những người đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến miễn dịch, đang điều trị ung thư hoặc đang bị cảm lạnh, lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày có thể tăng lên từ 1,000 đến 2,000mg.


4_ Omega-3


BM


Nguồn omega-3 chính là cá, những người không thích cá hoặc những người ăn chay dễ bị thiếu omega-3. Bà Giản nhấn mạnh, sự thiếu hụt này có thể gây viêm và mụn trứng cá. Bà Giản khuyến nghị nên ăn kết hợp cá chứa nhiều omega-3 ít nhất ba đến bốn lần mỗi tuần để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt.


Chất bổ sung omega-3 có nguồn gốc từ dầu cá, những người ăn chay có thể lựa chọn dầu tảo. Dầu cá chứa EPA, giúp chống viêm, và DHA có vai trò trợ giúp tăng trưởng, phát triển và sửa chữa bộ não. Bà Giản nhấn mạnh sự khác biệt giữa dầu gan cá tuyết và dầu cá, lưu ý dầu gan cá tuyết chủ yếu cung cấp vitamin A và không nên nhầm lẫn với dầu cá.


5_ Vitamin A


BM


Bà Giản lưu ý rằng khô mắt và khó chịu ở mắt có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu vitamin A hơn là lượng lutein thấp. Liều lượng bổ sung vitamin A với 5,000 đơn vị quốc tế (IU) hàng ngày được xem là an toàn.


Vitamin A là vitamin tan trong dầu nên thời điểm bổ sung không quan trọng dù dùng trong hay sau bữa ăn. Tuy nhiên, bà Giản khuyên những người có vấn đề về tiêu hóa nên cân nhắc bổ sung trong bữa ăn, tức là nên uống vitamin A trong bữa ăn.


Một nghiên cứu thuần tập tiến cứu lớn được công bố trên Tập san European Journal of Nutrition (Dinh dưỡng Châu Âu) vào tháng Ba đã tìm thấy mối tương quan giữa việc dùng chất bổ sung và giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cũng như tỷ lệ tử vong do ung thư. Cụ thể, việc tiêu thụ các chất bổ sung chứa vitamin và chất bổ sung không chứa vitamin, không chứa khoáng chất có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong do ung thư lần lượt là 7% và 12%.


BM


Bà Giản giải thích thêm rằng y học chức năng liên quan đến việc xác định nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề cơ thể bằng cách kiểm tra nồng độ chất dinh dưỡng, tiếp xúc với chất độc môi trường, v.v… Ví dụ, y học chức năng trợ giúp xác định nguồn gốc bệnh tật ở những bệnh nhân bị rối loạn miễn dịch như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh chàm. Y học chức năng cũng cung cấp hướng dẫn cho bệnh nhân ung thư về việc bổ sung dinh dưỡng để vượt qua những khó khăn khi hóa trị. Ngoài ra, y học chức năng còn trợ giúp những người thuộc nhóm dưới ngưỡng khỏe mạnh hiểu được tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng, giúp họ khắc phục các vấn đề như đau đầu và mất ngủ.




JoJo Novaes  _  Thanh Long

***

Tác dụng của mỗi màu sắc trong bữa ăn cầu vồng

  BM

Các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên rằng nên ăn nhiều loại trái cây và rau quả. Điều này không chỉ vì các bữa ăn cầu vồng tạo nên màu sắc đẹp mắt. Mỗi màu là đại diện cho các dưỡng chất khác nhau cần thiết đối với cơ thể.

https://baomai.blogspot.com/2023/02/tac-dung-cua-moi-mau-sac-trong-bua-cau.html


BM

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.