Nhưng đối với những người khác đang ngày càng lớn tiếng và tự hào hơn khi bày tỏ sự ủng hộ dành cho cựu Tổng thống (TT) Donald Trump.
Ông Mark Fisher, người đồng sáng lập nhóm Black Lives Matter (BLM) ở Rhode Island, mới đây đã gây sóng gió bằng sự bảo chứng của ông dành cho cựu tổng thống.
“Tôi biết mình sẽ phải trả giá cho việc này,” ông Fisher nói. “nhưng tôi cảm thấy lợi ích từ việc làm đó vượt xa cái giá phải trả khi tôi hành động theo cách an toàn.”
Ông Fisher cho biết ông cảm thấy có nghĩa vụ phải “dọn đường” cho những ai có suy nghĩ giống ông.
Ông và những người Mỹ gốc Phi Châu khác ủng hộ cựu TT Trump bị coi là những kẻ phản bội.
Sở dĩ như vậy một phần là do đối thủ của cựu TT Trump đã cố gán cho ông cái danh hiệu phân biệt chủng tộc và không xứng đáng với phiếu bầu của cử tri Mỹ gốc Phi Châu, nhưng cũng là vì ông ấy là một thành viên Đảng Cộng Hòa.
Trong nhiều thế hệ, các nhà lãnh đạo và nhà thờ của người Mỹ gốc Phi Châu đã khuyến khích họ bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ, trong đó có TT Joe Biden.
Nhưng xu hướng dường như đang thay đổi. Các cuộc thăm dò dư luận đang cho thấy ngày càng có nhiều cử tri Mỹ gốc Phi Châu sẵn sàng phá bỏ quy tắc, như ông Fisher đã làm.
Kể từ khi TT Trump giành chiến thắng vào năm 2016, tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ gốc Phi Châu dành cho ông đã tăng hơn gấp ba lần, hiện vượt quá 20% trong một số cuộc khảo sát.
Các cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ gốc Phi Châu và các nhóm thiểu số khác từng từ chối cựu TT Trump giờ đây dường như sẵn sàng mang đến cho sự ứng cử của ông một diện mạo mới một xu hướng có thể giúp tạo ra sự khác biệt giữa chiến thắng và thất bại trong cuộc bầu cử năm 2024.
Chiến dịch tranh cử của TT Biden không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Theo ông Fisher và những người khác nói chuyện với The Epoch Times, ba yếu tố chính dường như đang đẩy người Mỹ gốc Phi Châu về phía cựu TT Trump gồm nền kinh tế, hệ thống tư pháp hình sự, và sự ảnh hưởng từ việc những người Mỹ gốc Phi Châu khác đã công khai sự ủng hộ của họ.
Người Mỹ đang tiếp tục cảm nhận được áp lực của tình hình kinh tế dưới thời Tổng thống Biden. Hầu như tất cả mọi người, bất kể màu da, đều cảm nhận được gánh nặng của giá cả hàng hóa, xăng dầu, nhà ở, và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác tăng cao hơn; trong nhiều tháng, các cuộc thăm dò đã cho thấy đại đa số người dân không tán thành các chính sách kinh tế của tổng thống, được gọi là “Trường phái Kinh tế Biden” (“Bidenomics”).
Mọi người cũng nhận thấy cách đối xử dường như bất công của hệ thống tư pháp đối với cựu TT Trump một số phận mà nhiều người Mỹ gốc Phi Châu từng trải qua.
“Họ đang tự nhủ: ‘Đợi một chút, chuyện này trông rất quen,’” ông Fisher nói. “Trong tiềm thức, đó là một thứ mạnh mẽ.”
Người Mỹ gốc Phi Châu cũng than thở rằng chính phủ đang để tội phạm bạo lực và những người nhập cư bất hợp pháp hoành hành, trong khi họ đang nhắm mục tiêu vào cựu Trump và những người khác vì những cáo buộc phạm tội bất bạo động.
Có những người Mỹ gốc Phi Châu nổi tiếng, kể cả giới nhạc sĩ, bày tỏ sự ủng hộ dành cho cựu TT Trump, đã khuyến khích những người khác làm theo.
Ông Fisher cho biết những sự bảo chứng này khiến ông cảm thấy mình không hề đơn độc; những người tiên phong đó đã truyền cảm hứng cho ông bước ra khỏi bóng tối.
“Tôi thấy những người Mỹ gốc Phi Châu khác bày tỏ, thể hiện lòng dũng cảm và suy nghĩ độc lập, không sợ người khác nghĩ gì về họ,” ông nói. “Và tôi cảm thấy rằng cộng đồng của tôi cũng cần tôi làm điều đó.”
Phản ứng mạnh mẽ
Mặc dù ông Fisher cho biết ông “chịu rất nhiều áp lực” khi ủng hộ cựu TT Trump, nhưng ông cũng nhận được “rất nhiều thông điệp mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng lớn, và sâu sắc từ mọi người trên khắp thế giới,” cùng với những đề nghị phỏng vấn từ nơi xa xôi như Nhật Bản.
Cựu TT Trump đã cảm ơn ông Fisher bằng cuộc điện thoại bất ngờ và lời mời ăn tối. Xét đến những gì đã xảy ra giữa ông Fisher với BLM trước đây, một số người chỉ trích cựu tổng thống về việc này.
Cựu TT Trump và BLM từng cáo buộc nhau là đã gieo mầm mống thù hận và bạo lực.
“Tôi cảm thấy như những người phân biệt chủng tộc da trắng thù ghét tôi và những người phân biệt chủng tộc gốc Phi Châu thù ghét tôi,” ông Fisher nói. “Nhưng những gì tôi đang làm là tách bạch rõ ràng giữa tốt và xấu. Tôi đang tạo ra một không gian an toàn cho tất cả những ai muốn đứng về phía lẽ phải của lịch sử, những ai muốn cùng nhau vì sự phát triển tốt đẹp hơn của Mỹ quốc.”
“Mọi người đều được chào đón gia nhập vào viễn cảnh đó, hoặc là từ chối. Đơn giản vậy thôi.”
Mùa thu năm nay, trước khi ông Fisher bày tỏ sự ủng hộ dành cho cựu TT Trump, rapper Mỹ gốc Phi Châu Waka Flocka Flame đã đăng một bức ảnh đại diện của mình chụp cùng cựu TT Trump trên X, trước đây là Twitter. Thêm nữa, anh viết: “TRUMP2024.”
Bức ảnh đã thu hút ít nhất 13.5 triệu lượt xem. Bức ảnh đó cũng gây ra tranh cãi về nghệ sĩ rapper này khi trước đó anh đã đưa ra những nhận xét đầy xúc phạm về cựu tổng thống.
Cố vấn hàng đầu của cựu TT Trump, ông Bruce LeVell, nói với The Epoch Times rằng nghệ sĩ âm nhạc này đã âm thầm bắt đầu chuyển hướng về cựu tổng thống cách đây một thời gian; ông LeVell và ca sĩ Waka Flocka Flame gặp nhau vào năm 2022 và chụp ảnh cùng nhau.
Đang dần nhận thức ra
Ông LeVell cho biết những người Mỹ gốc Phi Châu khác, dù nổi tiếng hay không, đều đang bắt đầu nhận ra rằng các công ty Big Tech và các cơ quan chính phủ đã hợp tác với nhau để ngăn chặn và bóp méo thông tin về cựu Tổng thống Trump, về các nhân vật chính trị khác, và nhiều vấn đề gây tranh cãi trong xã hội.
“Như tôi gọi, đây là ‘Mùa Phơi Bày,’” ông nói. “Và những lời nói dối trắng trợn đang bị phơi bày.”
Một phụ nữ có tên McKayla Rose trên X cũng đồng tình. Cô Rose, 36 tuổi, ở Dallas, nói chuyện với điều kiện không được sử dụng tên thật vì muốn tránh hậu họa.
Cô Rose cho biết ban đầu cô “sa vào lời tuyên truyền rằng ông Trump là người xấu.”
“Tôi nghĩ, ‘Trời ạ, nếu mọi người đều ghét ông Trump thì ông ấy hẳn là người xấu,’” cô nói.
Nhưng khoảng bốn năm trước, mọi thứ bắt đầu thay đổi đối với cô. Là một bà mẹ hai con, cô Rose trở nên ngày càng lo lắng về những vấn đề đang ảnh hưởng đến con mình. Vì vậy, cô bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu các chính sách của chính phủ và chính trị.
Xuất thân từ Tampa, cô Rose lớn lên trong sự pha trộn giữa người da trắng, người gốc Tây Ban Nha, và người gốc Á. Trải nghiệm thực tế đó đã thuyết phục cô rằng “Mỹ quốc không phải là một quốc gia phân biệt chủng tộc,” trái ngược với những tuyên bố của những người cánh tả rằng quốc gia này như vậy.
“Tôi biết phần lớn mọi người không phân biệt chủng tộc, và tôi tin tưởng hơn rằng mọi người sẽ không bỏ phiếu cho một người rõ ràng là ‘phân biệt chủng tộc’ như vậy,” cô nói, ý nói đến cách mà các hãng truyền thông thiên tả có xu hướng miêu tả Tổng thống Trump.
Cô Rose bắt đầu tìm kiếm những nguồn thông tin không bị kiểm duyệt. Cô bắt đầu theo dõi trương mục Twitter của Tổng thống Trump và nghe các bài diễn văn trước công chúng của ông.
Cô bắt đầu nhìn ra một khuôn mẫu. Cô cho biết sau khi xem một trong những bài diễn văn của Tổng thống Trump, cô Rose sẽ thấy những người cánh tả và các hãng thông tấn “bóp méo hoàn toàn lời lẽ của ông ấy.”
Cô Rose cho biết cô nghĩ những người Mỹ gốc Phi Châu khác đã bắt đầu có nhận thức tương tự.
“Tôi nghĩ ông Trump đã vượt qua rất nhiều điều đã xảy ra với ông ấy, và tôi thực sự tin rằng hiện tại có rất nhiều người cùng phe với ông ấy, nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt là những người Mỹ gốc Phi Châu,” cô nói.
Tuy nhiên, cô Rose cho biết những người Mỹ gốc Phi Châu ủng hộ ông Trump có thể sẽ bị tẩy chay như cô đã từng bị.
Sau khi thể hiện lập trường ủng hộ ông Trump, cô Rose cho biết cô đã mất đi nhiều người bạn Mỹ gốc Phi Châu; họ gọi cô bằng các từ miệt thị chủng tộc như “mọi đen” (“coon”, “N-word”), và “Bác Tom” (“Uncle Tom”).
Nhưng cô cho biết sự phản đối từ phía những người thiên tả da trắng là tồi tệ nhất bởi vì “họ quá là trịch thượng.”
Cô kể, họ đã hỏi cô: “Làm sao cô có thể bỏ phiếu cho một người ghét mình chứ? Cô biết ông ta ghét người như cô, phải không?”
Họ còn nói với cô: Cô thật ngu ngốc, cô không biết gì hơn đâu.”
“Và nói thẳng ra, họ đã nói với tôi như thể rằng, vì tôi là người gốc Phi Châu nên tôi bắt buộc phải là theo phe Đảng Dân Chủ và tôi phải ghét bản thân mình vì tôi là người gốc Phi Châu và tôi là người ủng hộ ông Trump,” cô Rose chia sẻ.
Cô nói, “rất nhiều người Mỹ gốc Phi Châu vẫn đang trốn tránh” vì biết rằng họ sẽ phải đối mặt với những phản ứng tương tự khi lên tiếng ủng hộ Tổng thống Trump.
“Họ giữ im lặng vì muốn được mời đi dự tiệc nướng,” cô cho biết. “Nếu quý vị là người gốc Phi Châu và ủng hộ ông Trump, quý vị thực ra phần nào sẽ bị cắt đứt quan hệ không chỉ trong gia đình mình mà còn trong cộng đồng người gốc Phi Châu.”
Không phải cho ông Biden, cũng không phải cho ông Trump?
Ông Marv Neal, một người Mỹ gốc Phi Châu 52 tuổi, người dẫn chương trình phát thanh hàng tuần trên đài phát thanh “Urban Heat” của Boston, 98.1 FM, đồng tình rằng người Mỹ gốc Phi Châu không tự nguyện thừa nhận họ không thích Tổng thống Joe Biden hay các chính sách của ông ấy và do đó có thể cân nhắc bỏ phiếu cho Tổng thống Trump.
Nhưng ông Neal nói rằng ông và những người khác không hài lòng với các ứng cử viên của cả hai đảng lớn.
Cảm tưởng này phù hợp với kết quả của một cuộc khảo sát mới. Một cuộc khảo sát của GenForward công bố hôm 12/12 rằng khoảng 20% đến 25% trong hầu hết các nhóm người thiểu số sẽ bỏ phiếu cho “ai đó không phải” cựu Tổng thống Trump hoặc Tổng thống Biden nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng trước.
Ông Neal, một cử tri Đảng Dân Chủ đã ghi danh, nói: “Chỉ vì quý vị là thành viên Đảng Dân Chủ không có nghĩa là quý vị sẽ nhận được phiếu bầu của tôi.”
Không phải lúc nào ông cũng cảm thấy như vậy.
“Tôi lớn lên là người ủng hộ Đảng Dân Chủ và cứ như thế, mọi thứ đều là Đảng Dân Chủ … quý vị phải bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ, Đảng Dân Chủ, Đảng Dân Chủ, Đảng Dân Chủ,” ông nói.
Nhưng ông Neal cho biết một phát thanh viên gốc Phi Châu khác ở cùng đài phát thanh, ông Larry Higginbottom, đã thay đổi quan điểm của ông ấy.
“Giống như ông Larry đã nói: ‘Hãy bỏ phiếu cho điều anh quan tâm hoặc bất cứ ai nói về điều anh quan tâm. Không quan trọng họ là Đảng Dân Chủ hay Đảng Cộng Hòa.’”
Ông Neal cho biết cho đến nay, các chính sách của Tổng thống Biden dường như thiếu lợi ích cho “những công dân bình thường.”
Ông nói rằng những nơi trú ẩn cho người vô gia cư ở Boston đã “hết công suất,” và những cư dân hợp pháp không thể nhận được sự giúp đỡ họ cần vì tiền đang được chi để giúp đỡ những người nhập cư và người ngoại quốc. Ông nói rằng các phòng khách sạn đang được sử dụng để làm nơi ở cho người nhập cư, vì vậy giá phòng chưa sử dụng sẽ tăng lên đối với những người khác.
Ông Neal cho biết ban đầu ông không thích việc Tổng thống Trump trấn áp người nhập cư bất hợp pháp. “Tôi đã nói, ‘Tại sao ông phải hành động như vậy hả? Tại sao ông không thể giúp đỡ những người này?’”
Nhưng ông cho biết, giờ đây ông đã nhận ra rằng những chính sách an ninh biên giới đó mang lại lợi ích cho công dân Hoa Kỳ.
Dẫu vậy, ông Neal vẫn chưa coi mình là một người ủng hộ cựu Tổng thống Trump. Ông cho biết ông nghĩ các cáo buộc hình sự đối với cựu tổng thống là chính đáng nhưng ông và những người khác không nghĩ cựu Tổng thống Trump sẽ phải chịu trách nhiệm, vì vậy việc truy tố là một sự lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc của người đóng thuế.
Mặt khác, cô Rose cho biết cô cho rằng việc truy tố Tổng thống Trump có động cơ chính trị và ông đang bị nhắm tới một cách không công bằng.
Đối với cuộc điều tra đàn hặc của Đảng Cộng Hòa về việc gia đình Tổng thống Biden bị cáo buộc thu lợi hàng triệu dollar tiền của người ngoại quốc, ông Neal không mấy băn khoăn về điều đó. “Tôi tin rằng đó là một phần của thực trạng,” ông Neal nói. Các chính trị gia “ban ơn cho nhau … đó là một phần của trò chơi mà họ tham gia,” ông cho biết.
Nhưng ông LeVell, điều phối viên về tính đa dạng của Tổng thống Trump, cho biết ông cảm nhận được rằng mọi người đang bắt đầu nghi ngờ rằng Tổng thống Biden bị “mua chuộc.”
Ông LeVell cho biết người Mỹ gốc Phi Châu so sánh hoàn cảnh của họ với Tổng thống Biden. Ông bày tỏ, “Họ nói, ‘Tệ thật, tôi đang chật vật ở đây, còn người đàn ông này lại đang luồn lách tư lợi và cả gia đình ông ta đang thu lợi.”
Trong khi đó, ông LeVell cho biết nhiều thông tin hơn đang được phơi bày để phản bác lại ‘luận điệu’ rằng người Mỹ gốc Phi Châu đã chán ghét Tổng thống Trump.
Ông LeVell, một tình nguyện viên không nhận lương, kể ra một mạch các chính sách mà Tổng thống Trump đã ban hành để thúc đẩy việc làm cho người Mỹ gốc Phi Châu, quyền sở hữu doanh nghiệp, cùng các trường cao đẳng và đại học trong lịch sử dành cho người Mỹ gốc Phi Châu.
Những chính sách đó nằm trong số những chính sách mà ông Fisher, nhà hoạt động BLM, đã dẫn ra khi tuyên bố sự bảo chứng của mình [dành cho ông Trump.
Nhưng ông LeVell cho biết phải mất một thời gian liên tục nhấn mạnh những điểm này cho những người Mỹ gốc Phi Châu vốn bị ngập trong những miêu tả xuyên tạc về Tổng thống Trump: “Nhiều khi, ban nhạc chơi quá to đến mức quý vị thực sự không thể nghe thấy thông điệp.”
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục?
Tổng thống Biden vẫn có ảnh hưởng với nhiều cử tri người Mỹ gốc Phi Châu một phần vì ông từng giữ chức phó tổng thống dưới thời tổng thống người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên của Hoa Kỳ, ông Barack Obama. Và người có chức vụ quan trọng thứ hai sau Tổng thống Biden là một phụ nữ người Mỹ gốc Phi Châu, Phó Tổng thống Kamala Harris.
Ngoài ra, “cử tri người Mỹ gốc Phi Châu là nhóm cử tri luôn nghiêng về phía Đảng Dân Chủ nhất” trong số các cử tri thuộc mọi thành phần chủng tộc, theo Catalist, một công ty có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn chuyên cung cấp dữ liệu về hàng triệu người trong độ tuổi bầu cử dành riêng “cho Đảng Dân Chủ và những người cấp tiến.”
Người Mỹ gốc Phi Châu, chiếm khoảng 13% số cử tri đã ghi danh, đã bỏ phiếu 88% cho các ứng cử viên Quốc hội của Đảng Dân Chủ vào năm 2022. Con số này cho thấy Đảng Dân Chủ vẫn nhận được sự ủng hộ áp đảo từ người Mỹ gốc Phi Châu. Nhưng theo Catalist, con số này thấp hơn 3% so với năm 2020.
Một số chiến lược gia của Đảng Dân Chủ cho biết họ đã nhận thấy những tín hiệu cảnh báo rằng sự ủng hộ dành cho Tổng thống Biden đang sụt giảm đáng kể trong số những người không phải da trắng.
Vì những chỉ số này và “xu hướng” mà ông cảm nhận được ở những người Mỹ gốc Phi Châu, ông LeVell đang đưa ra một dự đoán táo bạo cho cuộc bầu cử năm 2024.
“Tôi nói rằng năm tới sẽ phá kỷ lục,” ông nói và dự đoán rằng 44% người Mỹ gốc Phi Châu sẽ ủng hộ cựu tổng thống. “Việc này sẽ khiến mọi người ngạc nhiên khi thấy số lượng người Mỹ gốc Phi Châu sẽ tham gia cuộc bầu cử và bầu cho ông Donald John Trump.”
Nhiều người đã ngạc nhiên khi cựu Tổng thống Trump đề cập đến con số này trong bài diễn văn hôm 11/10 ở West Palm Beach, Florida.
Nhà thăm dò ý kiến Rich Baris, được biết đến với biệt danh “Nhà bình luận Nhân dân,” cho biết rằng dự đoán của ông LeVell là quá lạc quan.
Cuộc thăm dò dữ liệu lớn của ông Baris và cuộc thăm dò của Đại học Emerson đều cho thấy sự ủng hộ của người Mỹ gốc Phi Châu dành cho cựu Tổng thống Trump ở mức 19%.
Tuy nhiên, ông LeVell cho biết ông không nghĩ mục tiêu đó là phi thực tế, dựa trên những thành tựu trong quá khứ của cựu Tổng thống Trump với cử tri người Mỹ gốc Phi Châu.
Và đúng là những người không phải da trắng “dễ thuyết phục” có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, ông Baris nói, vì những người da trắng ủng hộ Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump vẫn kiên định “với những người ủng hộ mình.”
Thay đổi lượt xem, phiếu bầu
Cách đây bảy năm, vài tháng trước thềm cuộc tranh cử tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump, các cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên này chỉ thu hút được sự ủng hộ từ khoảng 1% người Mỹ gốc Phi Châu
Vào thời điểm ông Trump đắc cử tổng thống vào năm 2016, ông đã đạt được 6% khối cử tri này.
Khi tái tranh cử vào năm 2020, Tổng thống Trump đã chiếm được khoảng 12% khối cử tri đó.
Mùa hè năm nay, cuộc thăm dò của Messenger/Harris gây nhiều chú ý khi đưa tin cựu Tổng thống Trump đã thu hút được 25% phiếu bầu của người Mỹ gốc Phi Châu trong một cuộc tái đấu giả định với Tổng thống Biden.
Con số này cao hơn gấp đôi tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Trump vào năm 2020 nhưng kém xa mức 44% mà ông LeVell mong muốn thấy được vào năm 2024. Tuy nhiên, nếu việc người Mỹ gốc Phi Châu ủng hộ ông Trump tăng lên theo năm như trước đây vẫn tiếp tục, thì cựu Tổng thống Trump có thể thu hút được nhiều phiếu bầu của người Mỹ gốc Phi Châu hơn mức 25% trong cuộc bầu cử này.
Ông LeVell cho biết ông nghĩ rằng tất cả mức ủng hộ của nhóm thiểu số dành cho cựu Tổng thống Trump sẽ cao hơn “nếu ông ấy được đối xử công bằng, với điều kiện là thông tin được đưa ra một cách tự do” cho tất cả mọi người.
Nhưng giờ đây, ông ấy nói: “Cảm ơn Chúa, cuối cùng chúng ta cũng đã giải quyết được việc chặn tin tức truyền hình cáp và mạng lưới truyền thông xã hội … Giống như biển cả đang mở ra vậy.”
Ông LeVell cho biết, tuy nhiên, nhiều người Mỹ gốc Phi Châu vẫn không biết rằng “Tổng thống Trump đã đến miền Nam vào mùa thu năm 2020 và cung cấp nguồn ngân quỹ trị giá nửa ngàn tỷ dollar cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu” như một phần của “Kế hoạch Bạch kim” (The Platinum Plan).
Kế hoạch đó liên quan đến tạo việc làm và cải tổ tư pháp hình sự, nhưng kế hoạch này đã không được thực hiện đầy đủ vì cựu Tổng thống Trump đã mãn nhiệm vào năm 2021.
‘Bị cưỡng ép’
Ngày nay, nhiều người Mỹ gốc Phi Châu vẫn thấy cần phải có những thay đổi như vậy, theo cô “Silk” của bộ đôi danh tiếng ủng hộ Tổng thống Trump “Diamond and Silk.”
Cô Silk, tên thật là Herneitha Richardson, nói rằng, mỉa mai thay, các cuộc truy tố cựu tổng thống về tổng cộng 91 cáo buộc hình sự nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ tư pháp hình sự.
“Gán tất cả những cáo buộc khác nhau này vào một người đàn ông để xem ai vướng vào chính là tiêu chuẩn trong cộng đồng gốc Phi Châu,” cô nói.
“Hệ thống phân biệt chủng tộc, thiên vị này đang tìm cách cưỡng ép ông ấy cũng chính là hệ thống phân biệt chủng tộc, thiên vị đã cưỡng ép lên họ.”
Khi cựu tổng thống đến Nhà tù Quận Fulton của Atlanta để chụp hình nhận dạng tư pháp hôm 24/08, các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những người gốc Phi Châu cổ vũ cho cựu tổng thống khi đoàn xe của ông đi qua. Một số người hét lên: “Hãy trả tự do cho ông Trump!”
Những cảm xúc tương tự vang vọng trên các mạng truyền thông xã hội.
“Giờ đây ông Trump giờ đây là một ‘người anh trai’. Tôi xin lỗi; ông vào nhà tù ở Khu vực 6, Atlanta, ông là một ‘người anh trai,’” một người đàn ông gốc Phi Châu không rõ danh tính tuyên bố trong đoạn video đăng trên X.
Vào thời điểm cựu Tổng thống Trump trình diện tại nhà tù Atlanta, một số người biểu tình chống ông Trump, trong đó có một số người gốc Phi Châu đã cùng xuất hiện với một số lượng lớn hơn những người đến để thể hiện sự ủng hộ dành cho cựu tổng thống.
Trong các cuộc phỏng vấn, số ít người Mỹ gốc Phi Châu ở vùng ngoại ô Atlanta cho biết một số người có xu hướng cân nhắc việc bỏ phiếu cho Tổng thống Trump. Những người khác vẫn kiên quyết thuộc nhóm “không bao giờ là Trump.”
Theo một cuộc thăm dò của Rasmussen Reports, vào tháng 05/2020, khoảng 1/4 người Mỹ gốc Phi Châu đồng ý với tuyên bố gây tranh cãi của ứng cử viên lúc bấy giờ là ông Joe Biden rằng “quý vị không phải là người Mỹ gốc Phi Châu,” nếu quý vị là cử tri người Mỹ gốc Phi Châu bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Trump thay vì cho ông ấy.
Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ cũng cho rằng chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina năm đó là nhờ sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Phi Châu. Rasmussen cho biết, chiến thắng đó “đã hồi sinh sự ứng cử đang chìm dần của ông ấy.”
Nhưng kể từ đó, một nhà thăm dò ý kiến ủng hộ Đảng Dân Chủ, ông Terrance Woodbury, đã cảnh báo rằng cựu Tổng thống Trump và các thành viên Đảng Cộng Hòa khác đang được đền đáp từ những nỗ lực thu hút cử tri người Mỹ gốc Phi Châu.
“Đây không phải là trường hợp duy nhất đối với ông Joe Biden … Đó là một vấn đề mà các thành viên Đảng Dân Chủ đang phải đối mặt trong cuộc bỏ phiếu; rằng đảng Cộng Hòa đang chơi trò tranh giành phiếu bầu của người Mỹ gốc Phi Châu, và điều đó đã có hiệu quả,” ông Woodbury nói trong podcast chính trị FiveThirtyEight hôm 11/09.
“Lý do mà tôi cho rằng ông Trump đang thu hút những cử tri này … là vì một thông điệp về cách mà chính thể này bị phá vỡ sẽ thu hút những người cận kề với nỗi đau nhất,” ông Terrance Woodbury nói.
“Và đó là thông điệp của ông Trump rằng chính thể này đã bị hỏng; tát cạn ‘đầm lầy’; vấn đề là ở chính trị và các chính trị gia.”
Ông lưu ý rằng cựu Tổng thống Obama cũng vận động tranh cử với lời hứa cải tổ chính thể này. Nhưng ông cho rằng Tổng thống Obama và Tổng thống Trump có tầm nhìn rất khác nhau về cách “sửa chữa.”
Hiện nay, “‘việc bảo vệ nền dân chủ’” là một trong những thông điệp hàng đầu của các thành viên Đảng Dân Chủ, ông nói. “Thật khó để điều động cử tri để ‘bảo vệ nền dân chủ.’”
Hôm 25/09, Morning Consult đã công bố một cuộc khảo sát cho thấy “tỷ lệ cử tri người Mỹ gốc Phi Châu cho biết họ nghĩ Đảng Dân Chủ quan tâm đến những người như họ đã giảm từ 71% xuống 64% kể từ năm 2016.”
“Cùng với vị thế ngày càng cao của ông Trump … các số liệu cho thấy tình thế khó khăn đáng lo ngại đối với đương kim tổng thống nói riêng và đối với đảng của ông, vốn từ lâu đã cố gắng liên kết với những người Mỹ bình thường,” Morning Consult cho biết.
Truyền thống Bucking
Những người Mỹ gốc Phi Châu từng ủng hộ Tổng thống Trump từ những ngày đầu trong sự nghiệp chính trị của ông đã nhìn thấy những phẩm chất ở ông mà họ nói rằng những người khác hiện giờ mới bắt đầu chú ý đến.
Rất lâu trước khi quyết định tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã là một cái tên quen thuộc. Nhiều người Mỹ cảm thấy như họ “biết” ông ấy vì sự nổi tiếng của ông với tư cách là một doanh nhân ở New York và là minh tinh của chương trình “Người Tập Sự” (“The Apprentice”) và “Người Tập Sự Nổi Tiếng” (“The Celebrity Apprentice”) trên truyền hình.
Vào năm 2015, cô Silk nói rằng cô và chị gái mình, cô Diamond (tên thật là Ineitha Hardaway), qua đời hồi tháng Một, là những phụ nữ người Mỹ gốc Phi Châu nổi bật đầu tiên công khai ủng hộ ứng cử viên lúc bấy giờ là ông Trump, “khi việc làm như vậy chưa được phổ biến lắm.”
Cô nói rằng họ thích sự thẳng thắn và những chính sách bảo tồn truyền thống của ông.
Hai người phụ nữ, những người đã trở nên quen mặt trên Fox News trong một thời gian, đã kêu gọi mọi người tham gia “The Trump Train” và “Stump for Trump.”
Cô Silk cho biết họ đã phá vỡ khuôn mẫu.
Giờ đây, mọi người “thuộc mọi chủng tộc, tín ngưỡng, và màu da đều có thể so sánh nước Mỹ của ông Trump với nước Mỹ của ông Biden,” cô Silk nói. Cô cho rằng họ thấy rõ rằng “ông Trump đại diện cho sự thịnh vượng; còn ông Biden đại diện cho sự nghèo đói.”
“Thật vui mừng khi thấy cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu chuyển từ ‘‘thức tỉnh’ sang nhận thức,” cô nói.
Ông LeVell cho biết, trong nhiều năm qua, nhiều cử tri người Mỹ gốc Phi Châu đã không chịu lắng nghe vị tỷ phú trở thành chính trị gia này vì “cỗ máy” của Đảng Dân Chủ đã thành công trong việc nuôi dưỡng lòng trung thành của cử tri người Mỹ gốc Phi Châu.
Ông LeVell cho biết, Đảng Dân Chủ tài trợ cho rất nhiều nhà thờ và nhóm dân sự của người Mỹ gốc Phi Châu, và các chính trị gia của đảng này “quay lại bốn năm một lần và yêu cầu bỏ phiếu lại.”
Tại một cuộc tập hợp ở Michigan vào mùa hè năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã gợi ý rằng, thay vì bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ, thì những người Mỹ gốc Phi Châu nên bỏ phiếu cho ông, đồng thời hỏi: “Quý vị có phải chịu mất mát gì không?”
Nhận xét đó in đậm trong trí nhớ của ông LeVell. Đối với ông, đó là một khoảnh khắc quan trọng.
“Không có nhà lãnh đạo nào thực sự nói chuyện rất một cách thoải mái và thẳng thắn, nhắm vào văn hóa gốc Phi Châu … và nói: ‘Hãy nhìn vào tình hình trong cộng đồng của quý vị. Nhìn vào đường phố của quý vị. Hãy nhìn vào trường học của quý vị. Tại sao cứ bỏ phiếu y như vậy? Hãy thử điều gì đó khác biệt xem,’” ông LeVell nói.
“Đó là một lời đề nghị công bằng. Và có vẻ như chúng ta bắt đầu thấy điều đó xảy ra ngày càng nhiều.”
Janice Hisle & Dan M. Berger
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.