Tất cả những nỗ lực này đều dựa trên lập luận rằng điều khoản “nổi dậy” của Tu chính án thứ 14 cấm cựu tổng thống xuất hiện trên lá phiếu.
Quyết định quan trọng nhất được đưa ra hôm 21/12, khi Tòa án Tối cao Coloro ra phán quyết với tỷ lệ 4 phiếu thuận–3 phiếu chống rằng cựu TT Trump không thể xuất hiện trong lá phiếu của tiểu bang này vì ông đã tham gia vào một cuộc nổi dậy vào ngày 06/01/2021.
Phán quyết của Coloro dường như đang kích hoạt và làm mới lại những nỗ lực nhằm loại bỏ cựu tổng thống khỏi cuộc bỏ phiếu ở các tiểu bang nghiêng về Đảng Dân Chủ khác, bao gồm New York, California, và Pennsylvania.
Một tòa án cấp dưới ở Coloro cũng ra phán quyết tương tự rằng cựu TT Trump đã tham gia vào một cuộc nổi dậy nhưng không loại ông khỏi cuộc bỏ phiếu sau khi nhận thấy rằng Tu chính án thứ 14 không áp dụng cho các tổng thống.
Được ban hành sau Nội chiến, Mục 3 của Tu chính án thứ 14 có nội dung như sau: “Những người đã tuyên thệ ủng hộ Hiến Pháp của Hoa Kỳ với tư cách là thành viên của Quốc hội, hoặc quan chức của Hoa Kỳ, hoặc thành viên của cơ quan lập pháp của bất kỳ tiểu bang nào, hoặc quan chức hành pháp hoặc tư pháp của bất kỳ tiểu bang nào nhưng lại tham gia vào cuộc nổi dậy hay phiến loạn chống lại Hiến Pháp hoặc trợ giúp hoặc úy lạo kẻ thù, thì không thể là Thượng nghị sĩ hoặc Dân biểu trong Quốc hội, hoặc đại cử tri để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, hoặc giữ bất kỳ chức vụ nào trong cơ quan dân sự hay quân sự nào của Hoa Kỳ hay của một tiểu bang nào đó. Nhưng Quốc hội có thể bằng 2/3 số phiếu của mỗi Viện để loại bỏ việc mất tư cách đó.”
Điều khoản tương đối chưa được kiểm chứng này hiện sẽ được đưa ra trước tòa án cao nhất của quốc gia.
Giáo sư luật Barbara McQue của Đại học Michigan, người đã rời chính phủ TT Trump giữa làn sóng từ chức vào đầu nhiệm kỳ của ông, cho biết: “Vụ kiện này chắc chắn sẽ được dành cho Tối cao Pháp viện để giải thích Tu chính án thứ 14 và giải quyết liệu cựu Tổng thống Trump có bị loại khỏi tư cách tổng thống hay không.”
Mục đó áp dụng cho ai, như thế nào thì được gọi là một cuộc nổi dậy, và mục đó được thực thi như thế nào đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi.
Kèm theo những câu hỏi đó là một loạt câu hỏi khác có thể khiến việc quyết định hoặc thực thi các trường hợp loại khỏi cuộc bỏ phiếu trở nên đặc biệt phức tạp.
Dưới đây là một số câu hỏi chính mà tòa án và các chính trị gia có thể xem xét.
1_ Nổi dậy là gì?
Những nỗ lực nhằm loại cựu TT Trump một phần xoay quanh việc liệu các hành động của ông xung quanh cuộc bạo loạn ngày 06/01/2021 có đủ điều kiện để tạo thành loại hình nổi dậy được đề cập trong Mục 3 hay không.
Để trả lời câu hỏi đó, các nhà quan sát đã dựa vào các ghi chép lịch sử, luật pháp liên bang, và bằng chứng xung quanh ngày 06/01.
Theo lý luận của Thẩm phán Địa hạt Coloro Sarah Wallace, cựu TT Trump đã sử dụng ngôn ngữ mà ông biết sẽ kích động bạo lực vào ngày 06/01/2021, nhưng đủ mơ hồ để duy trì khả năng phủ nhận thích đáng. Đối với bà, điều đó thỏa mãn yêu cầu của Mục 3 rằng một cá nhân “đã tham gia nổi dậy hoặc phiến loạn.”
Tuy nhiên, một số người đã đặt câu hỏi về cách lập luận đó vì không ai trong số các bị cáo của sự kiện ngày 06/01, cũng như bản thân cựu TT Trump, từng bị buộc tội vi phạm luật liên bang liên quan đến một cuộc nổi dậy.
Giáo sư luật Josh Blackman tại Cao đẳng Luật South Texas, cho biết “rất hiếm khi có vụ truy tố liên bang đối với tội nổi dậy” và nói với Click2Houston rằng những tội như “nổi dậy, phản quốc, hoặc xúi giục nổi loạn là rất, rất khó để chứng minh.”
Ông nói: “Về cơ bản, những tội như vậy đòi hỏi phải có ý định cố gắng cản trở hoặc lật đổ chính phủ.”
Câu hỏi nữa đặt ra là liệu Tu chính án thứ 14 có định nghĩa nổi dậy giống như luật liên bang hay không, hay liệu luật liên bang và Tu chính án thứ 14 có yêu cầu cùng một mức độ bằng chứng để chứng minh rằng các cá nhân phạm tội nổi dậy hay không.
Theo Tu chính án thứ 14, việc đáp ứng ngưỡng “nổi dậy” là “một tiêu chuẩn rất cao,” ông Roger Severino, phó chủ tịch chính sách đối nội tại Quỹ Di Sản, cho biết. Ông cũng phục vụ trong Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh dưới thời cựu TT Trump.
Ông Severino nói: “Tôi chưa thấy bất cứ điều gì đủ để biện minh cho một cáo buộc mang tính kích động như vậy.”
Ông cho biết việc đề cập đến cuộc nổi dậy trong Tu chính án thứ 14 xuất hiện sau các cuộc xâm lược miền Bắc trong Nội chiến.
Trong Nội chiến, “đã có các cuộc xâm lược vũ trang ở miền Bắc… đó là những gì xoay quanh tội nổi dậy được đề cập đến trong Tu chính án thứ 14,” ông nói.
Ông Horace Cooper, thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công cộng Quốc gia, và là cựu giảng viên luật Hiến Pháp tại Đại học George Mason, nói rằng “mục tiêu cụ thể của luật là Liên minh miền Nam.”
“Mục tiêu của luật không phải là bất kỳ ai ủng hộ người Pháp trong Chiến tranh Pháp-Ấn Độ. Mục tiêu của luật không phải là bất kỳ ai ủng hộ người Anh trong Chiến tranh Anh-Mỹ. Mặc dù ngôn ngữ không được viết theo cách hạn chế những điều đó, nhưng nguyên nhân gốc rễ là Liên minh miền Nam,” ông nói.
Tuy nhiên, một số học giả cho rằng cựu TT Trump đã đáp ứng các yêu cầu của Tu chính án thứ 14 về việc tham gia một cuộc nổi dậy.
“Mục Ba bao gồm một loạt các hành vi vi phạm thẩm quyền của trật tự Hiến Pháp, bao gồm nhiều trường hợp tham gia hoặc trợ giúp gián tiếp như trợ giúp hoặc úy lạo,’” ông William Baude, giáo sư luật tại Đại học Chicago và ông Michael Stokes Paulsen, giáo sư luật tại Đại học St. Thomas, cho biết trong một báo cáo.
“Phạm vi của luật bao gồm một loạt các cựu quan chức, bao gồm cả chức vụ tổng thống. Và đặc biệt, luật loại bỏ tư cách giữ chức vụ của cựu Tổng thống Donald Trump và có thể là nhiều người khác vì họ tham gia vào nỗ lực đảo ngược cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.”
2_ Liệu ông Trump có phải là một ‘quan chức của Hoa Kỳ’ hay không?
Quan điểm của Thẩm phán Wallace đã tránh việc loại trừ cựu Tổng thống Trump vì, bà nói rằng, ngay cả khi ông thực hiện một cuộc nổi dậy, thì bà cũng không có đủ bằng chứng để khẳng định chắc chắn rằng ông là loại “quan chức” mà Tu chính án thứ 14 cấm tham gia một cuộc nổi dậy.
Ông Hans von Spakovsky, cựu thành viên của Ủy ban Bầu cử Liên bang, đã lập luận rằng hai phán quyết trước đây của Tối cao Pháp viện có chứa ngôn ngữ nêu rằng “các quan chức” của Hoa Kỳ không bao gồm các tổng thống.
Cụ thể hơn, cả hai vụ Free Enterprise Fund kiện Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng và vụ Hoa Kỳ kiện Mouat đều xác định các quan chức là người được tổng thống và những người khác bổ nhiệm.
Giáo sư luật Đại học Washington Andrea Katz không đồng ý.
Bà nói: “Quý vị có thể tìm thấy những trường hợp chắc chắn là ngược lại,” ám chỉ vụ Lucia kiện Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch.
Trích dẫn một quyết định trước đó của tòa án, Thẩm phán Tối cao Pháp viện Elena Kagan cho biết vào năm 2018 rằng một quan chức “phải giữ một chức vụ ‘liên tục’ do luật pháp thiết lập và phải ‘thực thi thẩm quyền quan trọng theo luật pháp Hoa Kỳ.’”
Bà Katz nói rằng “có vẻ như cả cách hiểu thông thường văn bản của Tối cao Pháp viện và cách hiểu của các nhà lập pháp trong việc soạn thảo Tu chính án thứ 14 nghĩa là tổng thống sẽ được bao gồm trong văn bản này.”
Trong phán quyết của mình, Tòa án Tối cao Coloro lập luận rằng các nhà soạn thảo tu chính án “hiểu rằng tổng thống là một quan chức của Hoa Kỳ” và rằng toàn bộ Hiến Pháp ủng hộ kết luận đó.
3_ Tòa án có thể thi hành Mục 3 không?
Ngay cả khi rõ ràng phạm vi của Mục 3 bao gồm cả hành vi của cựu Tổng thống Trump, thì vẫn còn câu hỏi là liệu tòa án có thể loại ông khỏi cuộc bầu cử hay không.
Câu trả lời cho những câu hỏi đó có thể phụ thuộc vào mức độ thẩm quyền mà luật pháp tiểu bang trao cho các đổng lý tiểu bang của họ. Điều này cũng có thể phụ thuộc vào cách Quốc hội mô tả các sự kiện ngày 06/01/2021.
Tu chính án thứ 14 khác với các tu chính án khác ở chỗ nó trao cho Quốc hội quyền quyết định các điều khoản sẽ được áp dụng như thế nào.
Ví dụ, Mục 5 nói rằng Quốc hội “sẽ có quyền thực thi các quy định của tu chính án này bằng luật phù hợp.”
Về mặt lý thuyết, Quốc hội có thể làm rõ thêm ý nghĩa của Tu chính án thứ 14 là gì trong thực thi khi tu chính án này đề cập đến việc “tham gia vào một cuộc nổi loạn.”
Các thẩm phán Tòa án Tối cao Coloro cho rằng “Quốc hội không cần phải thông qua luật thi hành đối với điều khoản không đủ tư cách được kèm theo Mục Ba, và theo nghĩa đó Mục Ba sẽ tự động có hiệu lực.”
Bà Katz cho rằng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cũng có thể tạm dừng các phán quyết trong các vụ kiện của cựu Tổng thống Trump liên quan đến Tu chính án thứ 14 trong khi chờ Quốc hội làm rõ hơn. Điều này có thể gồm việc nêu rõ liệu các sự kiện ngày 06/01/2021, có thể được coi là một vụ nổi loạn hay không và liệu các hành động của cựu Tổng thống Trump có được xem là tham gia vào một vụ nổi loạn theo Tu chính án thứ 14 hay không.
Ông Cooper cũng nói tương tự rằng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ “rất khó có khả năng” cân nhắc xem liệu cựu Tổng thống Trump có tham gia một cuộc nổi loạn hay không.
Ông nói: “Tối cao Pháp viện không muốn chịu trách nhiệm cho câu hỏi: ‘Hành vi của ông Donald Trump mà mọi người nhìn thấy có tạo thành tội nổi loạn không?’ Họ không muốn chịu trách nhiệm cho câu hỏi đó.”
Một số người lập luận rằng Quốc hội đã giải quyết các câu hỏi xung quanh khả năng phạm tội của cựu Tổng thống Trump khi xét xử ông tại Thượng viện Hoa Kỳ về các sự kiện liên quan đến ngày 06/01/2021. Phiên tòa đó dựa trên việc Hạ viện đệ trình một điều khoản đàn hặc về tội “kích động nổi dậy”điều mà cuối cùng Thượng viện đã không thể duy trì được với 60 phiếu bầu.
“Liệu thẩm phán địa phương, quận, hoặc tiểu bang nào đó sẽ dùng phán quyết của họ thay thế cho phán quyết của Thượng viện không?” ông von Spakovsky hỏi. “Ý tôi là, làm như vậy chẳng hợp lý chút nào cả.”
Cuộc bỏ phiếu của Thượng viện đã khiến nhóm pháp lý của cựu TT Trump lập luận rằng phiên tòa xét xử ông ở Hoa Thịnh Đốn do Biện lý Đặc biệt Jack Smith truy tố là vi hiến vì toàn án thực sự đang xét xử ông lần thứ hai vì cùng một hành vi phạm tội.
Mục 3 nói rằng Quốc hội có thể “loại bỏ việc mất tư cách đó” việc mất tư cách liên quan đến tội nổi dậy với ⅔ phiếu bầu tại Hạ viện và Thượng viện.
“Năm 1872, Quốc hội đã làm đúng như vậy,” ông von Spakovsky cho biết. “Họ đã thông qua đạo luật ân xá loại bỏ Mục 3 chỉ với một vài trường hợp ngoại lệ một trong những trường hợp ngoại lệ là bất kỳ ai đã từng phục vụ trong Quốc hội ngay trước và trong Nội chiến.”
Ông nói rằng trong một đạo luật ân xá khác vào năm 1898, Quốc hội đã loại bỏ những trường hợp ngoại lệ còn lại.
Ông nói: “Có một lập luận lịch sử rất mạnh mẽ rằng về mặt pháp lý Mục 3 thậm chí không còn tồn tại nữa.”
Không phải tất cả các học giả đều đồng ý. Ông Baude và ông Paulsen lập luận trong bài báo của họ rằng Quốc hội vẫn chưa hủy kích hoạt Mục 3.
“Trước tiên hãy xem xét các quy chế,” hai vị này viết. “Không ai có ý định hủy bỏ quy định có hiệu lực của Mục Ba vĩnh viễn. Họ không giả vờ hủy bỏ câu đầu tiên của điều khoản Hiến Pháp.”
4_ Ai có thể kiện để loại ông Trump?
Một số vụ kiện nhằm loại cựu Tổng thống Trump đến từ ông John Anthony Castro, ứng cử viên tổng thống lâu năm của Đảng Cộng Hòa, người đã thừa nhận rằng ông không mong đợi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Tại Arizona, một thẩm phán liên bang đã bác bỏ vụ kiện của ông Castro, cho rằng vụ kiện này thiếu “tư cách” để khởi kiện và không chứng tỏ được rằng cá nhân ông Castro bị ảnh hưởng theo cách để ông có quyền được khởi kiện cựu Tổng thống Trump.
Thẩm phán Douglas Rayes cho rằng mặc dù tên của ông Castro có thể xuất hiện trên lá phiếu của Arizona, nhưng việc này không “thuyết phục được tòa án này rằng ông Castro thực sự đang cạnh tranh với ông Trump để giành phiếu bầu hoặc sự đóng góp, hoặc rằng ông ấy có bất kỳ cơ hội hoặc ý định nào để thắng thế trong cuộc bầu cử đó.”
Một thẩm phán ở West Virginia cũng ra phán quyết tương tự hôm 21/12 rằng ông Castro không đủ tư cách để thách thức việc ứng cử của cựu Tổng thống Trump.
Trong khi đó, vụ ở Coloro lại phát xuất từ một nhóm cử tri.
Đa số các thẩm phán trong Tòa án Tối cao Coloro đã quyết định cho phép vụ kiện này được khởi kiện, nhưng các thẩm phán ở nhóm bất đồng ý kiến cho rằng quy định mà họ dựa vào để cho phép vụ kiện này diễn ra là có thiếu sót.
Liên quan đến quyền thực thi của tòa án là cách mà luật pháp tiểu bang cho phép các thẩm phán xem xét lại các quyết định của các đổng lý tiểu bang. Điều này có thể khác nhau tùy theo từng tiểu bang, có nghĩa là những cử tri thách thức cựu Tổng thống Trump có thể ít nhiều thành công ở một số tiểu bang nhất định.
Bày tỏ sự bất đồng của mình với nhóm đa số, Thẩm phán Tòa án Tối cao Coloro Maria Berkenkotter lập luận rằng cử tri ở tiểu bang của bà đã không cho thấy họ có “yêu cầu bồi thường rõ ràng.”
Bà và hai thẩm phán có quan điểm bất đồng khác cho rằng các đồng nghiệp của họ đã diễn giải các quy tắc bầu cử của Coloro một cách quá rộng.
Vụ kiện này liên quan đến nhiều điều khoản của luật Coloro. Mục 1-1-113 của luật Coloro chỉ thị một tòa án địa hạt như tòa án của Thẩm phán Wallace ban hành lệnh giải quyết những thách thức mà cử tri hoặc đảng phái chính trị đưa ra nhằm ngăn chặn một người như đổng lý tiểu bang vi phạm nghĩa vụ của họ.
Các nguyên đơn trong vụ kiện này đã tìm cách ngăn cản Đổng lý Jena Griswold đưa tên cựu Tổng thống Trump vào lá phiếu bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Cộng Hòa tại tiểu bang này.
Một mục khác (1-4-1204(4)) xây dựng thêm dựa trên điều khoản đó bằng cách làm rõ các mốc thời gian xét xử khiếu nại.
Cụ thể hơn, mục này yêu cầu phản đối phải được đưa ra sau thời hạn nộp đơn của ứng viên năm ngày, bên cạnh việc tòa án này phải tổ chức phiên điều trần trong vòng năm ngày và đưa ra kết luận trong vòng 48 giờ kể từ phiên điều trần.
Thẩm phán Brian Boatright cho biết ông không đồng ý với quyết định này vì thời gian pháp lý quá hạn chế đối với một vụ án như vụ việc của cựu Tổng thống Trump.
“Không khó để hiểu tại sao lịch trình định ra theo luật như vậy là không thể thực hiện được: Vụ kiện này quá phức tạp,” ông viết. “Thực tế là phải mất một tuần trong thời hạn hai tháng đó để tổ chức phiên điều trần mà lẽ ra ‘phải’ diễn ra trong vòng năm ngày đó, điều này chứng tỏ rằng mục 1-1-113 là một điều khoản không phù hợp.”
“Việc bác bỏ vụ kiện này ở đây là hợp lý vì các Đại cử tri đã đưa ra thách thức của họ mà không có quyết định từ thủ tục tố tụng (ví dụ: truy tố một hành vi phạm tội liên quan đến nổi dậy) với các quy trình kỹ lưỡng hơn để bảo đảm đúng thủ tục tố tụng.”
Tuy nhiên, một mục khác của bộ luật Coloro (1-4-1201) quy định rằng các cuộc bầu cử sơ bộ ở các tiểu bang “tuân theo các yêu cầu của luật liên bang và các quy định của đảng chính trị quốc gia điều hành các cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ.”
Thẩm phán Berkenkotter đã bàn luận về việc điều đó trên thực tế có nghĩa là gì.
Bà viết: “Đại hội đồng có ý định cấp cho tòa án Coloro quyền quyết định các thách thức theo Mục 3 không? Dựa vào cách hiểu của tôi về luật Coloro, tôi kết luận rằng câu trả lời cho câu hỏi này là không.”
Bà tiếp tục lập luận rằng “thuật ngữ ‘luật liên bang’ trong Mục 1-4-1201 này rất mơ hồ.”
Sau khi thảo luận về một số câu chuyện lịch sử về việc lập pháp, bà kết luận rằng “thuật ngữ ‘luật liên bang’ chắc chắn không phải là sự trao quyền khẳng định cho các tòa án tiểu bang để thực thi Mục 3 trong các thủ tục tố tụng cấp tốc theo Bộ luật Bầu cử.”
Sam Dorman & Petr Svab
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.